Yến sào: Vị thuốc từng được dành cho vua chúa

Chim yến có cách làm tổ độc đáo

Từ xa xưa, yến sào là hàng bát trân, cống phẩm chuyên để dâng lên vua chúa quý tộc. Ngày nay, Yến sào được sử dụng để bồi bổ sức khỏe cho người lớn tuổi, phụ nữ và trẻ em. 

Yến sào là gì?

Yến sào là tổ chim yến Nidus Collocaliae. Chim yến thuộc nhiều loài khác nhau trong họ Vũ Yến như: yến đảo Java, yến lưng màu tro, yến một màu, yến đảo Hải Nam, …

Khác với những loài chim khác thường mang cành cây về làm tổ, còn chim yến làm tổ bằng chất nước dãi của mình.

Chim yến có cách làm tổ độc đáo
Chim yến có cách làm tổ độc đáo

Phân loại yến sào

Tùy theo màu sắc cảm quan mà người ta phân biệt yến sào thành mao yến (quan yến) và huyết yến.

Mao yến là tổ yến làm lúc để yến đẻ trứng. Khi khí hậu còn lạnh nên trong tổ có lẫn nhiều lông yến có màu xám tro, hình tổ bán nguyệt. Toàn thể tổ yến có nhiều lớp sợi xơ chồng lên hoặc hình sóng lượn, bên trong tổ sần sùi, chất cứng giòn dễ gãy. Mỗi tổ nặng khoảng 10 gam.

Bạch yến hay quan yến là tổ yến làm lại tổ lần thứ hai, màu trắng tinh, trong suốt, tương đối bằng phẳng và trơn, thình thoàng có lông yến lẫn vào, hình đáng tương đương với mao yến.

Huyết yến về hình dạng, kích cỡ tương đương bạch yến, chỉ khác là có thêm sợi xơ màu huyết nâu đỏ do chim mẹ nhả dãi làm tổ có lẫn máu. Yến huyết rất hiếm và rất quý.

Ngoài ra còn có yến thiên là yến có màu vàng, yến địa có màu xám hơi xù xì, yến bài là tổ yến đang làm dang dở.

Phân bố, thu hoạch

Yến sống ở các đảo thuộc Đông Nam Á, Indonesia, Philippines, nam Trung Quốc (như Phúc Kiến, Hải Nam, Quảng Đông).

Ở nước ta, Yến sống nhiều ở các tỉnh duyên hải như Cù Lao Chàm, Khánh Hòa và thường ở những nơi hiểm hóc, vách đá cheo leo, vịnh nước sâu.

Vào tháng 4 yến làm xong tổ và bắt đầu thu hoạch đợt đầu tiên, đợt thứ 2 thường vào tháng 6.

Thành phần hóa học

Phân tích yến sào ta thấy có gần 50% protein, 30% glucid. Trong đó, nhóm protein thấy có 3% histidine, 3% arginin, 2.5% cystine, 1.4% tryptophan và 5.6% tyrosin. Ngoài ra còn có các khoáng chất như Photpho, sắt, canxi, kali.

Yến sào có thành phần phong phú
Yến sào có thành phần phong phú

Tác dụng dược lý

Tác dụng theo Y học hiện đại

Tác dụng chống oxy hóa

Cơ thể con người có một số cơ chế chống oxy hóa giúp chống lại gốc tự do từ hoạt động trao đổi chất bình thường. Thực phẩm có chứa các thành phần chống oxy hóa có khả năng chống lại các tác động gây rối loạn tế bào. Các chất chống oxy hóa này cung cấp chức năng riêng lẻ hoặc kết hợp với các hệ thống nội sinh. Tác động của chất chống oxy hóa đối với chế độ ăn uống đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe con người.

Đặc tính chống oxy hóa của yến sào là nhờ vào nhóm các hợp chất hoạt tính sinh học như axit amin, axit sialic, triacylglycerol, vitamin, lactoferrin, axit béo, khoáng chất và glucosamine.

Tác dụng trên sức khỏe xương khớp

Xương là cấu trúc cứng bên trong cơ thể con người tạo thành một phần của hệ thống khung xương. Chúng rất quan trọng để nâng đỡ và bảo vệ các cơ quan quan trọng khác nhau trong cơ thể. Ngoài ra, xương đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các tế bào máu, lưu trữ khoáng chất và tham gia vận động của cơ thể.

Sử dụng yến sào có thể là một cách thay thế hiệu quả để tăng khối lượng xương và đồng thời làm chậm quá trình lão hóa da ở phụ nữ sau mãn kinh. Ngoài ra, glucosamine là thành phần hoạt tính có thể giảm thiểu sự xuất hiện của viêm khớp và góp phần tái tạo sụn.

Hoạt động chống khối u

Ung thư là một trong những bệnh phổ biến và gây tử vong cao nhất sau các bệnh tim mạch. Đây là một sự tàn phá sức khỏe cộng đồng lớn trên toàn thế giới. Vì vậy, các chất chống ung thư luôn được quan tâm nhiều. Những nghiên cứu sơ bộ gợi ý rằng một số thành phần của yến sào có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư đang phân chia. Tuy nhiên, bản chất và các thành phần của yến sào có tác dụng chống ung thư đã không được phát hiện.

Tác dụng theo Y học cổ truyền

Tính vị của yến sào được ghi nhận là vị ngọt, tính bình, quy vào hai kinh phế và vị.

Tác dụng theo Đông y là nuôi dưỡng phế âm, tiêu trừ đờm, giảm ho. Ngoài ra, yến sào thường dùng cho người hư yếu, ho lao, hen suyễn, thổ huyết, thường dùng trong các bữa tiệc lớn.

Cách sử dụng, chế biến

Ngày dùng từ 6 đến 12 gam dạng thuốc sắc bằng cách cho yến sào vào trong túi vải lọc thêm nước vào đun sôi, đợi lắng thuốc rồi uống. Hoặc chưng cùng đường phèn, táo đỏ, nhãn nhục, hạt sen, … nên cho yến sào vào sau cùng.

 

Có thể chưng yến sào cùng với một số dược liệu khác
Có thể chưng yến sào cùng với một số dược liệu khác

Những lưu ý khi sử dụng yến sào

Những người đang mắc các bệnh ngoại cảm (cảm từ bên ngoài); và tỳ vị hư hàn (ăn uống không tiêu, tiêu chảy mạn tính) không nên dùng yến sào.

Nhu cầu sử dụng yến sào rất lớn nên tình trạng pha trộn và làm giả yến sào ngày càng phổ biến. Người ta làm giả thường pha trộn thêm các tạp chất như da cá, nấm, tảo,… để tăng trọng lượng. Hay sử dụng các loại thuốc nhuộm để nhuộm đỏ các loại yến sào màu trắng nhằm để thành Huyết yến. Ngoài ra, trong quy trình còn có chất tẩy trắng, chất tạo mùi, chất định hình v.v…

Hiện nay trong yến sào còn sót lại chất ô nhiễm tiềm ẩn do ô nhiễm môi trường gây ra. Có thể bao gồm cả hàm lượng nitrit, nitrat; vi khuẩn, nấm, côn trùng; kim loại nặng; và các chất gây ô nhiễm khác. Trong đó kim loại nếu tiếp xúc lâu dài có thể nguy hiểm, là chất độc đối với con người. Đặc biệt có hại đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và đang cho con bú, những người mắc bệnh mãn tính.

Yến sào đã và đang được sử dụng và chứng minh hiệu quả. Quý bạn đọc cần tìm hiểu rõ nguồn gốc; lựa chọn nơi uy tín để đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*