Cây Ổ rồng: Công dụng của loài cây có hình thù kì lạ

Ổ rồng

Ổ rồng còn có tên gọi khác là Ổ rồng lớn, Lan bắp cải, Lan tai tượng. Cây có tên khoa học là Platycerium grande J. Sm, thuộc họ Dương xỉ (Polypodiaceae). Loài cây này thuộc loài thực vật sống phụ sinh và được trồng chủ yếu để làm cảnh. Ngoài ra thảo dược này còn là một vị thuốc với nhiều tác dụng như giảm ngứa, tiêu phù, làm liền xương nên còn được tận dụng để chữa mẩn ngứa, gãy xương và chứng phù thũng.

Giới thiệu về cây Ổ rồng

Mô tả dược liệu

Cây Ổ rồng là loài thực vật sống phụ sinh và được trồng chủ yếu để làm cảnh. Cây có thân rễ nhỏ, không có vảy. Lá cây có hai loại: lá không sinh sản to, không cuống, mọc ốp vào nhau và hướng ngược. Gốc lá thắt lại, đầu xòe rộng, dài và rộng 40 – 900cm, có thùy sâu; các thùy xẻ đôi theo kiểu lưỡng phân, gân lá nổi rõ.

Những lá này phát triển dần dần ra phía ngoài, những lá già bên trong lâu ngày khô héo biến thành lớp mùn. Lá sinh sản mảnh hơn, mọc thõng xuống, dài 1 – 2m, rộng 2 – 4cm. Phiến lá xẻ rất sâu cũng theo kiểu lưỡng phân.

Ổ túi bào tử ở kẽ rẽ đôi của phiến lá sinh sản, bào tử hình bầu dục hoặc hình thận, có màu vàng nhạt.

Phân bố sinh thái

Ổ rồng phân bố chủ yếu ở một số nước trong vùng nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á, bao gồm các nước như Ấn độ, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Lào.

Ở Việt Nam, cây chỉ được tìm thấy ở các tỉnh miền trung và nam như Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.

Cây sống bám trên thân các cây gỗ ở rừng thưa, rừng rụng lá hay nửa rụng lá. Cây sinh trưởng phát triển tốt ở vùng có khí hậu nhiệt đới điển hình nóng và ẩm hoặc hơi khô, nhiệt độ trung bình từ 24 – 27 độ.

Ổ rồng không thấy ở các tỉnh phía bắc, một phần có lẽ là do cây không chịu được mùa đông lạnh kéo dài. Là một loại dương xỉ phụ sinh, nên lá của cây gần giống với một số loài Bổ cốt toái về chức năng dinh dưỡng và sinh sản. Lá dinh dưỡng đồng thời có chức năng để hứng mùn, còn loại lá sinh sản mang bào tử chỉ mọc ra trong một thời gian nhất định.

Ổ rồng có dạng sống đặc biệt trong rừng mưa nhiệt đới, gần đây được nhiều người ưa chuộng trồng làm cảnh như các loài lan.

Ổ rồng
Ổ rồng có hình thù kì lạ, sống bám trên thân các cây gỗ

Bộ phận dùng

Cây Ổ rồng có thể dùng hết toàn cây, thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.

Công dụng của cây Ổ rồng

Dược liệu đã được nhân dân ứng dụng nhiều. Trong thời kỳ kháng chiến, đồng bào dân tộc Ê đê ở Đắc Lắc đã có kinh nghiệm dùng cây này để làm thuốc chữa gãy xương cho quân và dân trong vùng. Họ chỉ lấy những lá không sinh sản, sau đó rửa thật sạch, băm nát, dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều loại lá khác đắp vào vết thương rồi bó lại, nhưng hiệu quả liền xương tương đối tốt.

Ở Campuchia, người dân dùng lá Ổ rồng giã nát để chữa phù ở chân và tay. Ở Malaysia, người ta thường dùng tro của cây Ổ rồng nhỏ xát vào cơ thể bệnh nhân để chữa bệnh lách sưng to.

Bài thuốc có chứa Ổ rồng

Bài thuốc trị ghẻ ngứa ngoài da

Dùng một ít lá của cây ổ rồng. Tất cả rửa sạch, để ráo nước sau đó thêm ít muối vào giã nát đắp lên vùng ghẻ ngứa. Hoặc cũng có thể dùng lá khô đốt thành tro rồi thoa trực tiếp lên nốt ghẻ để giảm ngứa và giúp vết lở loét mau liền lại.

Bài thuốc chữa phù thũng

Lá ổ rồng sắc uống. Đồng thời giã nát lá tươi, rồi đắp lên chân tay vùng phù.

Bài thuốc giúp làm liền xương

Dùng thân, rễ và lá của cây ổ rồng. Tất cả rửa sạch, giã nát và đắp lên vùng xương bị gãy. Sau đó dùng vải bó cố định lại và hạn chế vận động cho đến khi xương liền hoàn toàn.

Bài thuốc trị mẩn ngứa quanh người

Dùng lá Ổ rồng tươi.Tất cả rửa sạch, sau đó nấu cho sôi rồi dùng nước tắm hằng ngày cho đến khi mẩn ngứa biến mất hoàn toàn.

Lưu ý khi sử dụng cây Ổ rồng

Khi sử dụng dược liệu, người dùng cần tránh nhầm lẫn với cây tổ phượng. Cây tổ phượng cũng là loài thực vật sống phụ sinh nhưng thường mọc ở núi đá và những cây thân gỗ mục nát.

Bài viết trên đã cung cấp thêm nhiều thông tin về cây Ổ rồng. Tuy nhiên liều lượng dùng của dược liệu này vẫn chưa được nghiên cứu kĩ, Quý độc giả trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến chuyên gia để đạt được hiệu quả cao nhất

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*