Xạ hương: Vị thuốc có tác dụng thông kinh hoạt lạc, khai quan lợi khiếu mạnh mẽ

Lấy xạ hương từ hươu xạ

Xạ hương là vị thuốc có xuất xứ từ động vật, có tác dụng thông kinh hoạt lạc, khai quan lợi khiếu mạnh mẽ. Xạ hương không chỉ được ứng dụng cho phép uống trong mà còn có thể sử dụng trong phép đốt cứu để tác động vào các huyệt vị từ bên ngoài.

Giới thiệu về Xạ hương

Còn gọi là nguyên thốn hương, lạp tử, hươu xạ, sóc đất.

Tên khoa học Moschus mosechiferus L.

Thuộc họ Hươu Cervidae.

Người ta dùng hạch thơm phơi khô của con hươu xạ. Trên thị trường thường gọi là xạ hương – Mochus.

Khái quát về loài hươu xạ

Hươu xạ chủ yếu sống ở vùng rừng núi cao khoảng 1000-2000m, có khi tới 4000m (Tây Tạng), thường ở những nơi vách núi cheo leo nguy hiểm. Nó ít khi ra khỏi rừng, chỉ thỉnh thoảng mới xuống khe suối. Ban ngày hươu xạ ẩn trong bụi cây, chiều tối mới đi ăn. Thức ăn của chúng chủ yếu là rêu, địa y, lá cây, cỏ, đôi khi rễ cây. Thức ăn của hươu xa sẽ thay đổi tùy địa phương, tùy mùa và rất ảnh hưởng đến chất lượng của xạ hương.

Lấy xạ hương từ hươu xạ.

Đây là loài sống đơn độc, chỉ sống với nhau vào mùa giao phối. Khoảng thời gian này cúng chính là lúc hươu xạ toả ra mùi xạ nồng nặc, bay xa hàng trăm thước. Loài này nhút nhát, đa nghi, đễ hoảng hốt cho nên việc săn bắt cũng đòi hỏi người săn dày dặn kinh nghiệm. Một điểm đáng chú ý về hươu xạ là loài động vật này rất mau quen. Sau phút nguy hiểm, chúng thường trở lại nơi ăn nghỉ như không có chuyện gì xảy ra. Đây là điểm yếu mà người đi săn thường tận dụng.

Lấy xạ hương từ hươu xạ
Lấy xạ hương từ hươu xạ

Bộ phận dùng làm thuốc là túi xạ ở dưới bụng hươu. Khi bắt được hươu xạ, người ta cắt túi xạ nói trên rồi phơi khô. Sau đó cất vào hộp đậy kín. Thường 50-65% trọng lượng của túi xạ là trọng lượng xạ hương nguyên chất.

Bảo quản

Bảo quản nơi khô ráo, giữ trong lọ, đậy nút kín, tránh ánh sáng.

Thành phần hóa học và tác dụng

Thành phần hóa học

Xạ hương nguyên chất là một thứ bột màu nâu tro, rất hắc nhưng nếu pha thật loãng thì rất thơm.

Xạ hương chứa cholesterin, chất béo, một chất nhựa đắng, muối canxi và amoniac với tỉ lệ thay đổi, một tinh dầu có thành phần chủ yếu là một chất xeton gọi là muscon C16H30O. Đây là hoạt chất thơm độc nhất của xạ hương. Nếu loại hết mùi tạp chất của xạ hương thì mùi muscon rất thơm và bền. Do đó, xạ hương thuộc vào loại chất thơm định hương cao cấp. Tỷ lệ Muscon trong xạ hương chừng 1%.

túi xạ ở dưới bụng hươu
Túi xạ ở dưới bụng hươu

Tác dụng y học hiện đại

Trong y dược, xạ hương là một vị thuốc được dùng trong cả tây y và đông y. Trước đây, tây y dùng xạ hương làm thuốc kích thích, trấn kinh, cường dương, điều kinh, chữa mê sảng của bệnh thương hàn, sưng phổi. Nhưng hiện nay, tây y hầu như không dùng nữa.

Tác dụng y học cổ truyền

Đông y hiện nay vẫn dùng xạ hương làm thuốc trấn kinh, chữa bệnh suy nhược thần kinh, trúng phong, mê man, choáng váng,…

Xạ hương có vị cay, tính ôn, không độc, có tác dụng thông khiếu, thông kinh lạc. Tác dụng thông kinh lạc của Xạ hương, bên trong thì thấu đến xương tuỷ, bên ngoài thì thấu hết bì mao, là loại thuốc thơm tho len lỏi có khả năng khai quan lợi khiếu, thường được sử dụng vào các tình huống dưới đây:

  • Thần trí hôn mê: Do trúng phong nhiệt vào Tâm bào, đàm me tâm khiếu dẫn đến các chứng thần trí hôn mê, có thể dùng vị thuốc này để khai tâm khiếu, tỉnh tâm thần.
  • Kinh lạc khí huyết ngưng trệ: Khi kinh lạc, khí huyết ngưng trệ có thể sản sinh ra các triệu chứng đau nhức, ung thũng, kết hạch, trưng hà, huyền tích. Khi dùng đơn thuốc thông khí hoạt huyết có thể gia thêm chút ít vị thuốc này để làm tăng tác dụng thông kinh hoạt lạc cho bài thuốc.
  • Khi bị sang chấn, tổn thương: Khí huyết nơi tổn thương bị vít tắc ứ trệ cho nên sưng tím và đau. Có thể trong thuốc hoạt huyết hóa ứ, dùng thêm vị này để tăng cường tác dụng tiêu sưng giảm đau.

Cách dùng và liều dùng của Xạ hương

Liều dùng nói chung từ 0,06g đến 0,1g hoặc có thể dùng tới 1g nhưng rất ít trường hợp dùng cùng với dạng thuốc sắc. Vì thuốc này phần nhiều tán bột đưa vào thuốc hoàn, thuốc tán để sử dụng trường hợp đặc biệt mới cho nuốt theo thuốc thang.

Tuy liều dùng thường rất ít nhưng tính năng thơm tho len lỏi có thể hỗ trợ các vị thuốc khác được phát huy và tăng cường hiệu lực.

Một số bài thuốc kinh nghiệm từ Xạ hương

Lục thần hoàn: Xạ hương 1g, Minh hùng hoàng 1g, Băng phiến 1g, Tây ngưu hoàng 1,5g, Châu phấn (bột hạt trai) 1,5g, Thiềm tô 1,5g. Năm vị trên tán nhỏ, thêm Thiềm tô tẩm rượu viên bằng hạt cải, lấy muội bếp (bách thảo sương) làm áo cho nên viên có màu đen. Mỗi lần dùng 5-10 viên tùy theo bệnh và sức khỏe

Thái ất tử kim đĩnh: Sơn từ cô 80g, Thiên kim tử 40g, Hùng hoàng 12g, Hồng nha đại kích 60g, Ngũ bội tử 40g, Chu sa 12g, Xạ hương 12g. Các vị tán nhỏ viên thành thỏi hình trụ, mỗi thỏi nặng 4g. Liều dùng trung bình cho người lớn là nửa đỉnh (thỏi) cho đến 1 hay 2 thỏi. Vì hình dáng vị thuốc trông giống đĩnh vàng (thỏi vàng) ngày xưa nên có tên kim đĩnh.

Chữa thai chết không ra được: Xạ hương 1g, Quế chi 8g, hòa với rượu nóng cho uống; nếu cần có thể tăng liều xạ hương lên tới 2g.

Kỹ thuật cứu Xạ hương

Xạ hương ngoài việc uống trong còn có thể ứng dụng dùng ngoài thông qua phương pháp cứu của Y học cổ truyền. Phương pháp cứu là một phương pháp song hành với phương pháp châm kim, nên thường được gọi chung là “Châm cứu”. Đại khái cứu là phương pháp thông qua việc đốt các dược liệu có mùi thơm, hương mạnh (thường dùng nhất là vụn mịn của lá ngải cứu khô và lâu lâu năm, gọi là ngải nhung) và hơ vào huyệt đạo, thông qua việc kích thích huyệt đạo bằng nhiệt và hương liệu mà tạo được hiệu quả điều trị bệnh. Vì giá thành đắt đỏ cũng như tác dụng thông kinh lí khí hoạt huyết mãnh liệt, cho nên Xạ hương thường không dùng đơn độc trong phép cứu mà thường cần các dược liệu khác làm nền.

Trên lâm sàng, cứu Xạ hương được chia làm 2 phép thường dùng như sau:

Phối vào công thức cứu điếu

Thường được dùng trong các phối phương cứu điếu truyền thống như là Thái Ất Thần Cứu, Lôi Hỏa Thần Cứu, Bách Trúng Thần Cứu, Quý Thủy Chân Lôi Cứu v.v… Các phối phương này thường có đặc điểm lấy Ngải nhung làm nguyên liệu nền (chiếm phần lớn khối lượng trong thành phần), sau đó phối thêm các vị thuốc có tính vị tân, ôn, hương thơm sực nức như Quế chi, Khương hoạt, Tế Tân, Xuyên Khung v.v… Phối phương này tán mịn trộn chung với Ngải nhung rồi được cuốn thành điếu bằng giấy vỏ cây dâu, gọi là điếu ngải.

Đốt chung với ngải nhung ở dạng mồi ngải

Cách này hiện nay chỉ còn được một số ít các vị lương y già thực hiện. Bởi cứu bằng mồi ngải khá dễ gây bỏng tạo sẹo, dù thu được hiệu quả rất cao nhưng lại gây mất thẩm mỹ, khiến cho các bác sĩ lẫn bệnh nhân đều muốn tránh dùng.

Cứu bằng mồi ngải cũng có khá nhiều cách thực hiện, nhưng tính an toàn cao và hiệu quả tốt thì vẫn là sử dụng phép cứu cách gừng. Cắt gừng thành từng lát 2-3mm, dùng que dùi lỗ (thường là 5 lỗ, dùng que nhang là thuận tiện nhất), tiếp đó lấy đầu que chấm Xạ hương đẩy vào 5 lỗ. Đặt các miếng gừng đã chuẩn bị lên huyệt vị cần tác động. Vê ngải nhung thành các khối tròn nhỏ mà chặt, to nhỏ tùy mục đích điều trị, ta gọi đây là mồi ngải. Đặt mồi ngải lên lát gừng rồi châm lửa đốt, chỉ cần bén lửa là dừng, không cần đốt nhiều.

Kỹ thuật khác

Ngoài ra, phép dùng xạ hương để đốt cứu dùng trong cấp cứu các chứng hôn mê. Cách thực hiện thường là se cho tưa đầu sợi bấc, chấm vào lọ xạ hương, đốt lên rồi dập lửa, sẽ có khói bay lên, nhanh tay lùa sợi bấc vào mũi để bệnh nhân được hít hơi đó, nhờ vào công dụng khai quan lợi khiếu mà có thể cứu tỉnh bệnh nhân hôn mê do đột quỵ, trẻ em động kinh co giật v.v… Cũng có nơi đốt trực tiếp xạ hương trên da, vun xạ hương thành ụ nhỏ, đốt tại các huyệt có công dụng cứu tỉnh như Bách hội, Phong phủ, Á môn v.v…

Lưu ý

  • Xạ hương nếu sử dụng không đúng hoặc thái quá có thể hao tán chính khí cơ thể, khả năng tuyên tán khí huyết rất nhanh và mạnh.
  • Phụ nữ có thai, hiếm muộn, bị lưu thai hoặc khó thụ thai cần hết sức lưu ý đến việc sử dụng các sản phẩm có chứa xạ hương, như nước hoa, xà phòng thơm… Không dùng các bài thuốc trong thành phần có xạ hương.
  • Người bị suy nhược, sức khỏe yếu cẩn trọng khi dùng.

Bất cứ vị thuốc nào khi sử dụng đều có hai mặt lợi và hại, đặc biệt Xạ hương tuy là một vị thuốc quý nhưng dược lực rất mãnh liệt, dù dùng cho uống trong hay đốt cứu bên ngoài đều cần người có chuyên môn cho chỉ định và thực hiện. Quý độc giả nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn trước khi dùng để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*