So đũa chắc hẳn không phải xa lạ gì đối với chúng ta, cây thường dùng để nấu ăn trong các bữa cơm gia đình hằng ngày, đặc biệt là dùng hoa của cây để nấu canh cá, xào,..Nhưng ít ai biết So đũa còn là một vị thuốc có nhiều tác dụng chữa nhiều bệnh.
So đũa là gì ?
Danh pháp
Tên khoa học: Sesbnia grandiflora (L) Pers.
Họ: Đậu (Fabaceae)
Mô tả cây
Cây gỗ cao từ 8 – 10m, mọc phát triển rất nhanh. Thân và cành mảnh, bề mặt nhẵn. Lá kép hình lông chim nhẵn, mọc kiểu so le, gồm có 20 đến 25 lá đôi chét hình bầu dục kích thước dài từ 3– 4cm, rộng 1 – 1,5cm, lá ở gốc và đầu tròn, các lá chét ở giữa lớn hơn lá chét ở ngọn. Mặt trên và mặt dưới lá nhẵn, gần như có cùng màu xanh lục nhạt, lá kèm rụng sớm, cuống lá dài.
Hoa mọc thành cụm mọc ở kẽ lá thành chùm ngắn thõng xuống, dài từ 4 đến 7 cm, lá bắc của hoa rụng sớm đi, hoa có kích cỡ to, 2 đến 3 hoa cái dài 9 – 12cm, có mùa hồng hay trắng, đài hoa có hình chuông, bề mặt nhẵn có khía, chia thành 2 thùy. Tràng có cánh cờ hình ellip và dài 5cm, rộng 3,5 cm, cánh hoa có hình liềm, có hình dạng thìa cong dài 5cm, nhị có 2 bó cong, nhụy hình đài.
Quả của cây dài từ 30 – 40cm, rộng 7 đến 8mm, trông giống như chiếc đũa, hẹp ngang, bị dẹt ở khoảng cách giữa các hạt, đầu thuôn nhọn, cây cho hạt rất nhiều có hình bầu dục, dẹt màu nâu.
Mùa hoa quả thường vào tháng 4 – 8.
Phân bố, sinh thái
So đũa vốn có nguồn gốc ở Malaysia và Ấn Độ, cũng có nhiều tài liệu cho rằng cây xuất phát từ các vùng Nam Đông Dương, sau đó lan ra các vùng nhiệt đới khác.
Cây được trồng nhiều ở các nước như Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào và Ấn Độ. Ở Việt Nam cây được thấy trồng nhiều từ Phú yên trở vào. Cây được trồng dọc theo các bờ kênh rạch, hay ven đường đi ở một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, khu vực ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh.
Cây So đũa là cây thích sống ở những vùng đất ẩm ướt, ưa sáng và phát triển rất nhanh. Cây trồng từ hạt sau khoảng 1 năm đã cao 2 đến 3m và bắt đầu ra hoa quả.
Cây thích nghi đặc biệt với điều kiện nóng ẩm vùng nhiệt đới, không chịu được giá lạnh kéo dài nên không thể phát triển được ở các tỉnh phía Bắc.
Thành phần hóa học
Vỏ cây của So đũa có chất gôm nhựa. Khi vỏ còn tươi thì gôm nhựa có màu hồng, nhưng để lâu thì sẽ bị xẫm lại.
Gôm nhựa gồm một phần tan trong cồn, và một phần tan trong nước. Hai chất màu là xanthoagathin có màu vàng và chất agathin có màu đỏ, ngoài ra còn có chất nhựa, tanin và basorin.
Trong quả non, lá và hoa chứa nhiều đường, hàm lượng Vitamin C cao chiếm 0,1 %, Vitamin B, muối sắt và canxi, còn có các axit amin.
Cách sử dụng của So đũa
Dùng lá, hoa và vỏ cây làm thuốc, có thể dùng tươi hay phơi khô, thường dùng tươi hơn. Ngoài ra cây không có chế biến gì đặc biệt.
Tác dụng của So đũa
Theo y học hiện đại
Tác dụng chống co thắt cơ trơn hồi tràng cô lập trên chuột lang gây ra bởi histamin và acetylcholin.
An thần, hạ nhiệt và tác dụng hợp đồng với thuốc ngủ pentobarbiton trên chuột nhắt trắng và lợi tiểu trên chuột cống trắng.
Theo y học cổ truyền
Vỏ cây của So đũa có vị đắng, hơi chát, có tính bình.
Có tác dụng kiện tỳ, lợi tiêu hóa, chỉ tả, trừ lỵ, đối với lá có tác dụng thanh nhiệt.
Dùng vỏ cây tươi đem giã nát, ép lấy nước đem bôi lên vùng bị loét miệng, tưa lưỡi.
Lá tươi giã nát chữa vết thương bị đụng giập, bầm tím.
Hoa và lá non của cây đem giã nát, sau đó vắt lấy nước nhỏ vào mũi có tác dụng chữa sổ mũi, ngạt mũi, chữa cảm cúm.
Rễ của So đũa tươi đem giã nhỏ, cho nước vào, gạn lấy nước uống dùng để chữa ho.
Dịch ép từ rễ tươi của uống chung với mật ong để chữa long đờm.
Nước sắc hoa làm thuốc tẩy.
- So đũa vị thuốc chữa viêm loét dạ dày
Các bài thuốc có So đũa
Dùng làm thuốc bổ, khai vị, dễ tiêu hóa
Lấy 100g vỏ cây, đem cạo bỏ vỏ ngoài, thái mỏng đem phơi hoặc sấy khô, ngậm với 1 lít rượu trong thời gian 20 đến 30 ngày. Chia hai lần uống trong ngày, mỗi lần uống 20ml trước bữa ăn.
Chữa kiêt lỵ, tiêu chảy, viêm loét dạ dày gây ợ chua, viêm ruột
Dùng nước sắc vỏ cây với liều 6 -12g.
Chữa các bệnh răng miệng như viêm lơi răng mà có mủ, đau nhức răng
Vỏ cây So đũa đã loại bỏ lớp da sù sì bên ngoài, đem băm nhuyễn, sắc đặc và cho thêm một ít muối, ngậm trong 20 – 30 phút rồi nhổ đi, một ngày ngậm 3 đến 5 lần.
Ngâm rượu bổ đắng giúp khai vị
Vỏ cây So đũa 100g đã thái mỏng, đem ngâm trong 1 lít rượu 40 độ trong 15 ngày đến 1 tháng. Ngày uống từ 15 – 30ml theo kinh nghiệm của nhân dân.
Để lại một phản hồi