Cây sui: Không chỉ là loài cây chứa độc tố

Cây sui không chỉ là loài cây mọc hoang mà còn có tác dụng dược lý, có thể dùng để chữa đau bụng, gây nôn…Thế nhưng, theo một số nghiên cứu cho rằng loài thực vật này chứa độc tính, có thể gây hại cho sức khỏe con người.  

Cây sui là gì?

Tên gọi khác: Xui, Nong, Nỗ tiễn tử, Cây thuốc bắn.

Tên khoa học: Antiaris toxicaria (Pers.) Leschen.

Họ: Dâu tằm (Moraceae)

Đặc điểm sinh trưởng của cây sui

Cây sui được tìm thấy ở vùng có khí hậu nóng, nhiệt đới. Từ châu Phi đến Ấn Độ, Tây nam Trung Quốc, Việt Nam…Ở Việt Nam, cây được tìm thấy ở hầu hết các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La…

Là loài cây gỗ lớn, mọc ở rừng kín thường xanh còn nguyên sinh. Cây cũng mọc ở rừng thứ sinh, đôi khi còn sót lại ở nương rẫy hoặc quanh bản làng ở miền núi. Bên cạnh đó, loài thực vật này còn được trồng để làm cảnh cũng như là tạo bóng mát.

Một số đặc điểm:

  • Tính ưa sáng, mọc nhanh và sinh trưởng phát triển tốt ở nơi có tầng đất sâu, giàu chất mùn.
  • Có bộ rễ phát triển, có thể chống chịu được với giông bão, kể cả khi mọc đơn độc ở nơi trống trải.
  • Phát triển nhanh, đạt kích thước sinh trưởng trong vòng 20 năm.
  • Ra hoa quả hàng năm. Cây mọc từ hạt sau 10 năm mới có nhiều hoa quả.
  • Gieo trồng bằng hạt, hoặc giờ thổi mang đi là phương thức tái sinh tự nhiên của cây sui. Ngoài ra, do có sức sống mạnh mẽ, nên khi phần gốc và rễ bị chặt đi, đều có khả năng tái sinh.

Mô tả toàn cây sui

Thân gỗ lớn, hình trụ, mọc thẳng, chiều cao trung bình từ 20 – 30m, rắn chắc. Vỏ ngoài xù xì, có màu xám trắng, nhiều xơ. Gốc cây phình to, cành mập , lúc non có nhiều lông mềm màu vàng nhạt, sau nhẵn màu xám, có nhựa mủ trắng.

Lá mọc đối xứng, so le, hình trứng, kích thước dài 6cm, rộng 5cm. Phiến lá có màu xanh đậm, gân chạy dọc từ gốc đến ngọn lá, các gân nhỏ tỏa ra từ gân chính. Gốc tròn, đầu có mũi nhọn. Hai mặt có lông ngắn, nhám, mép lá nguyên hoặc hơi khía răng. Cuống lá có lông ít, kích thước chiều dài ngắn, sớm rụng lá kèm.

Hoa đơn tính, mọc ở kẽ lá. Lá bắc hình vảy. Cụm hoa đực có 1 hoặc 2-3 hoa, không cuống, xếp dài đặc. Đài 4 răng, xẻ đôi ở đỉnh. Nhị 4 không có chỉ nhị. Còn hoa cái không cuống, nhưng có vảy và lông. Đài sát với lá bắc. Bầu hạ 1 ô.

Quả nạc mỏng, màu tím, dài 12mm, đường kính 18mm. Vỏ quả trong rất cứng. Hạt hình bầu dục, dẹt bên.

Mùa hoa quả tháng 2-4.

Bộ phận làm thuốc – Bảo quản

Bộ phận làm thuốc: Nhựa và hạt của cây. Tuy nhiên, do có nhiều độc tính nên cây sui ít được dùng làm thuốc.

Bảo quản: Thành phẩm cần được cất trữ nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Nhựa và vỏ cây có nhiều công dụng trong cuộc sống nhưng lại có độc tính

Tác dụng của cây sui

Thành phần hóa học

Theo các ghi chép, trong cây sui có chứa 2 loại hoạt chất glucoside là beta antiarin và alpha antiarin. Trong đó, 2 hoạt chất này, khi thủy phân sẽ tạo nên chất dihydroantiarigenin.

Phân tích 2 hoạt chất ghi nhận:

  • α-antiarin và β-antiarin gần như có chung công thức hóa học, nhưng β-antiarin chứa 3 phân tử nước.
  • Cả 2 đều có tác dụng mạnh (kiểu digitalis trên tim) cũng như độc tính đối với hệ tuần hoàn, đặc biệt là tim mạch. Với liều lớn các chất trên sẽ gây ngừng tim và tác dụng phụ như nôn và co giật.
  • α-antiarin có tác dụng kém hơn β-antiarin.

Thuốc thử (axit suníuric có pha sắt ba sunfat) hòa tan antiarin cho dung dịch màu vàng sau ngả màu vàng cam.

Tác dụng Y học hiện đại

Hỗ trợ tim mạch: α-antiarin và β-antiarin có tác dụng trên hệ tuần hoàn cao hơn so với Digitalis.

Gây nôn ói mạnh: Dùng nhựa cây tiêm dưới da đối với chó thực nghiệm nhận thấy chó có một số dấu hiệu không mong muốn như khó thở, nôn ói, chân tay co cứng lại, có thể làm mất mạng.

Kích ứng da: Sử dụng nhựa cây lên da có thể gây kích ứng da nghiêm trọng.

Tác dụng Y học cổ truyền

Tính vị: Hạt có vị đắng.

Công dụng:

  • Có tác dụng giảm sốt đối với người bị sốt cao rất hiệu quả.
  • Nhân dân lưu truyền nhựa từ cây sui có tác dụng gây tiêu chảy, nôn ói mạnh và chữa đau bụng…
  • Nếu dùng lên vết thương hở trực tiếp, vết loét thì chất độc từ nhựa cây sẽ đi theo đó mà vào tuần hoàn máu của cơ thể.

Cùng với sự phát triển vượt bậc của y học, ngày nay cây sui cũng được ứng dụng trong việc nghiên cứu và bào chế nhưng loại thuốc có khả năng trợ tim, hạ sốt, tăng huyết áp…

Cách sử dụng cây sui

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, cây sui đặc biệt là phần nhựa có độc tính mạnh nên hầu như không được sử dụng ở dạng uống, cũng như các vết loét, vết thương hở cũng không nên dùng. Thế nhưng, cây vẫn có lợi ích cao trong các trường hợp:

  • Gỗ thân tuy mềm nhưng có thể làm ván, đóng thùng.
  • Vỏ sui có nhiều sợi, dùng lợp bếp, che chắn xung quanh nhà, làm chăn nệm vì có khả năng giữ nhiệt tốt.
  • Có thể thu hái nhựa cây quanh năm bằng cách băm nhỏ vỏ cây cho mủ chảy ra. Nhân dân còn nhuộm vải bằng loại nhựa này.
  • Ngoài ra, người dân cũng sử dụng nhựa cây tẩm vào mũi tên khi săn bắt thú rừng.
  • Vỏ cây rất đa dụng có thể may quần áo, túi đựng đồ vật, chăn đắp…Ngâm nước vỏ cây trong vài ngày. Sau đó loại bỏ chất bám sần sùi bên ngoài, thu giữ lại phần vỏ. Không nên để nhựa dính vào những vết thương hở, rất nguy hiểm.
Cây sui có khả năng gây nôn ói mạnh.
Cây sui có khả năng gây nôn ói mạnh, cần cẩn thận khi dùng

Độc tính của cây sui

Cây sui có độc tính, biểu hiện như sau:

  • Hệ tuần hoàn: Tim đập chậm, cơ tim giãn ra… sau đó thì ngừng tim.
  • Hệ hô hấp: Khó thở, mệt mỏi, suy hô hấp.
  • Mắt: Gây viêm sưng, đỏ mắt, có thể dẫn đến mù lòa.
  • Cơ quan khác: Giãn cơ, mặt xanh tái, mắt nhắm nghiền…

Cách xử trí:

  • Đầu tiên, cần rửa và loại bỏ ngay nhựa cây với nước sạch.
  • Sau đó, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, bệnh viện trong thời gian nhanh nhất. Không nên chậm trễ vì có thể dẫn đến tử vong.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*