Rau mùi tây: loại rau ăn thông thường hay một vị thuốc

Mùi tây lá dẹt có nhiều tác dụng

Mùi tây hay còn gọi là ngò tây là một loại rau ăn thông dụng trong các bữa ăn hằng ngày của người Việt Nam. Ngoài công dụng cung cấp chất xơ, các chất khoáng và vitamin như các loại rau khác, mùi tây còn có tác dụng chống oxy hóa, chống đái tháo đường, có tác dụng tốt trên tim mạch, lợi tiểu và điều hòa kinh nguyệt.

Nhận biết cây mùi tây

Tên gọi

Tên khoa học: Petroselinum crispum Hoff. Thuộc họ Hoa tán (Apiaceae)

Mùi tây còn được gọi là ngò tây, rau ngò

Mô tả cây

Rau mùi tây là một loại cây thân thảo, thân mọc thẳng đứng, cao khoảng 20 – 80 cm, có rễ dọc thân. Rễ phát triển thành củ hình trụ, đầu có hình nón.  Lá cây màu xanh, bóng, có cuống dài, thường hình ba cạnh, 2 đến 3 lần xẻ thùy, mép có răng cưa. Tán kép nhỏ không có bao chung, thường mang 3 tán và mỗi tán mang cỡ 10 – 15 hoa. Hoa mùi tây có màu lục vàng nhạt. Qủa nhỏ hình cầu. Khi vò toàn cây có mùi thơm dễ chịu.

Mùi tây được chia thành 3 loại chính:

  • Mùi tây thường: có tên khoa học là  Petroselinum crispum có lá dẹt thường trồng ở nới có khí hậu ấm
  • Mùi tây lá xoăn: Petroselinum neapolitanum có lá xoăn, hương vị thơm và ngọt hơn, thường trồng ở nơi có khí hậu lạnh, khô, có tuyết ( Ý, Pháp và một số nước Đông Âu)
  • Mùi tây lấy củ: Petroselinum crispum tuberosum. Loại này chủ yếu được trồng để lấy củ
Mùi tây lá dẹt có nhiều tác dụng
Mùi tây lá dẹt có nhiều tác dụng

Bộ phận dùng

 Toàn thân. Mùi tây dùng làm thuốc thường là loại lá phẳng dẹt và loại lá xoăn.

Quả và rễ thường dùng khô. Lá thường dùng tươi.

Phân bố, thu hái và chế biến

Rau mùi tây có nguồn gốc từ khu vực Địa Trung Hải. Ngày nay, cây được trồng và sử dụng rộng rãi trên khắp các nơi trên thế giới. Các loại mùi tây lấy củ được trồng nhiều ở các nước Châu Âu, Nga. Còn đối với các loài rau mùi tây lấy lá, người dân thường trồng ở nơi có khí hậu lạnh hơn như Bắc Mỹ, Canada… Ở nước ta, cây được di thực không rõ từ bao giờ.

Thu hái quanh năm. Sau khi hái đem về rửa sạch, phơi khô, bảo quản ở nhiệt độ phòng

Thành phần hóa học

Rau mùi tây chứa nhiều vitamin, carotenoid, flavonoid, apiol, các terpenoid, coumarin, tocopherol, phenylpropanoid, phthalites và một số chất béo chất khoáng khác.

Lá chứa hàm lượng cao vitamin (A, C và K), β- carotene, lutein, zeaxanthin, folate, choline, niacin, axit pantothenic.

Rễ cây cũng chứa nhiều chất khoáng như canxi, kali, magnesi, phospho, sắt, natri, kẽm, boron, florua…Nồng độ cao của boron và florua trong lá mùi tây có thể giúp chống lại quá trình lão hóa xương. Hơn nữa sự kết hợp giữa canxi và flo giúp hỗ trợ sức khỏe răng miệng. Ngoài ra rễ còn chứa apigenin.

Tinh dầu cũng là một thành phần quan trọng của mùi tây chiếm 2,5-6% tùy từng loại. Tinh dầu là loại apiol (55-65%) hoặc alyl-tetrametoxybenzen (50-60%)

Hạt mùi tây chứa 20% chất béo

Tính vị

Vị cay,  tính ôn

Tác dụng của rau mùi tây

Tác dụng dược lý

Hoạt động kháng khuẩn và chống nấm

Hoạt động kháng khuẩn và chống nấm của rau mùi tây được chứng minh thông qua nhiều nghiên cứu thực nghiệm. Các chiết xuất từ hạt cây có khả năng chống lại Brucella melitensis. Dịch chiết nóng từ lá sở hữu chất kháng khuẩn chống lại P. Aeruginosa, Escherichia coli, Listeria monocytogenes, Erwinia carotovora và Listeria innocua. Ngoài ra hoạt động của nó còn có khả năng ức chế sự bám dính của vi khuẩn Helicobacter pylori vào dạ dày động vật thực nghiệm.

Hoạt động chống oxy hóa

Các chiết xuất nước từ lá mùi tây có khả năng chống oxy hóa cao với thành phần flavonoid được phân lập là các quercetin và keampferol. Dịch chiết methanol từ lá và thân cây cho hoạt tính chống oxy hóa cao hơn dịch chiết nước thông thường. Thành phần tinh dầu chiết từ hạt cũng thể hiện hoạt tính chống oxy hóa bằng cách sử dụng β- carotene quét gốc tự do, tạo muối chelat với kim loại.

2.1.3 Hoạt động chống đái tháo đường

Hoạt tính chống tăng đường huyết của dịch chiết nước từ lá rau mùi tây đã được báo cáo từ năm 1999. Với liều 2g/kg dịch chiết nước lá này có khả năng ngăn cản sự gia tăng đường huyết ở chuột cống. Ngoài ra các chiết xuất từ lá khô vừa có tác dụng chống tăng đường huyết vừa có tác dụng bảo vệ gan ở chuột cống bị gây đái tháo đường.

Hoạt động bảo vệ tim mạch

Các flavonoid được phân lập từ lá mùi tây có hoạt tính ức chế kết tập tiểu cầu trong ống nghiệm và trên chuột (liều 3g/kg). Tuy nhiên các flavonoid này lại không tác động trên hoạt động đông máu khác.

Hoạt động trên hệ tiêu hóa

Nước chiết xuất từ ​​hạt rau mùi tây có khả năng nhuận tràng ở chuột. Cơ chế thông qua quá trình giảm hấp thu natri và nước ở đại tràng chuột, đồng thời tăng cường hoạt động vận chuyển Na- KCl trong ruột. Chiết xuất etanol từ lá có tác dụng chống tiết acid dịch vị và làm lành vết loét. Tuy nhiên cũng có báo cáo cho thấy nếu dùng với liều quá cao có thể làm trầm trọng hơn tình trạng loét.

Dịch chiết từ hạt này lại có khả năng giảm hoạt động của KCl và CaCl2 gây co thắt trên hồi tràng chuột giúp giảm đau.

Hoạt động trên hệ sinh dục

Tinh dầu mùi tây (0,6 ml/kg) có khả năng chống độc hệ sinh sản do zearalenone gây ra và giúp cải thiện testosterone ở chuột đực trưởng thành. Tuy nhiên loại này cũng gây độc trên thai do gây rối loạn chức năng tiết protaclin.

Thành phần aglycone từ dịch chiết của mùi tây có khả năng làm tăng nhạy cảm với estrogen, giúp cải thiện tình trạng ung thư vú và tử cung.

Công dụng

Hạt giống rau mùi tây được sử dụng như chất kháng khuẩn, chất khử trùng, chống co thắt, điều trị rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, chứng hôi miệng, rối loạn kinh nguyệt, lợi tiểu và dùng trong ẩm thực.

Lá mùi tây ngoài làm tăng hương vị của món ăn còn dùng để trị nhiều bệnh như sỏi thận, trĩ, rối loạn tiêu hóa, thiếu vitamin A, viêm da. Nó cũng hiệu quả khi được sử dụng trong một số bệnh tim mạch và chuyển hóa như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tăng men gan. Các bệnh lý như rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, đau bụng kinh, viêm tiền liệt tuyến cũng cho thấy có cải thiện khi dùng cây này.

Sử dụng rau mùi tây như thế nào

Liều dùng

Mùi tây có thể dùng dưới dạng pha trà, thuốc sắc, thuốc đắp ngoài hoặc trong chế biến món ăn.

Ngày dùng từ 4-6g. Liều dùng tối đa mỗi ngày là 25 – 50 gram

Rau mùi sử dụng trong nấu ăn cũng có tác dụng điều trị bệnh

Các bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian

  • Chữa sỏi thận, chống viêm và cải thiện sức khỏe

Đem rửa sạch mùi tây, dưa chuột, nước cốt chanh, táo, cần tây rồi ay nhuyễn. Sau đó hòa hỗn hợp trên với một ít nước. Có thể dùng ngay hoặc pha với một ít mật ong, uống trong.

  • Chữa côn trùng cắn

Dùng 1 nắm lá rau mùi tây đem rửa sạch, giã nát và đắp lên vùng da bị côn trùng cắn. Đắp đều đặn 2 – 3 lần mỗi ngày

  • Chữa giun kim

Theo kinh nghiệm dân gian, tán mịn hạt mùi rồi trộn với lòng đỏ trứng gà luộc chín cùng với dầu mè, tán đều. Sử dụng món này liên tục 3 ngày, mỗi ngày 1 lần trước khi đi ngủ để loại bỏ giun kim

  • Hỗ trợ cải thiện bệnh sởi cho trẻ em

Dùng ngoài: có 2 cách

  • Cách 1:  đem 150g rau mùi tươi rửa sạch, giã nát và sắc với nước sôi. Đun sôi khoảng 5 phút sau đó để nguội. Dùng nước rau mùi để xoa vào tay, chân và cơ thể theo thứ tự lưng trước bụng sau, trên trước dưới sau.
  • Cách 2: đem tán nhỏ 80g hạt rau mùi thành bột mịn. Rồi dùng bột mịn trộn với 100ml rượu + 100ml nước sôi. Đem lọc bỏ bã hỗn hợp này và sử dụng phần dịch lọc để xoa ngoài.

Uống trong: Lấy 12g hạt cây mùi đem sắc với 1,5l nước trong vòng 15 phút. Sau đó gạn lấy nước và chia đều thành các lần uống trong ngày. Nên dùng khi thuốc  còn ấm.

Lưu ý:

Không nên sử dụng mẹo này khi sởi đã mọc đều hoặc trong thời kỳ phục hồi sau bệnh sởi.

Không nên dùng cho những trường hợp bệnh nhân ra nhiều mồ hôi, suy nhược cơ thể.

Trong lúc thoa thuốc, chú ý không để trẻ bị nhiễm lạnh.

Rau mùi tây có độc không

Chưa có nhiều nghiên cứu về độc tính của loài rau này. Tuy nhiên nhiều kinh nghiệm trong y học cổ truyền cho thấy rau mùi tây có khả năng gây sẩy thai. Ngoài ra một nghiên cứu báo cáo loài cây này còn có thể gây viêm da do thực vật ở lợn.

Ở liều trên 1000 mg/kg, các chiết xuất từ lá mùi tây thể hiện độc tính trên gan và thận. Tuy nhiên độc tính này chưa được nghiên cứu rõ ràng  ở các liều thuốc thấp hơn. Vì vậy, các đối tượng sau đây không nên dùng trong một thời gian dài hoặc với một liều lượng quá cao:

  • Phụ nữ có thai hoặc cho con bú
  • Trẻ em
  • Người suy gan, suy thận mạn, người dễ bị dị ứng, viêm loét dạ dày nặng.

Rau mùi tây là loại cây có nhiều dược tính, dễ trồng và phổ biến trong các bữa ăn hằng ngày. Bên cạnh tác dụng đa dạng thì chúng ta cũng nên cẩn thận trong sử dụng loại cây này đặc biệt là phụ nữ có thai và một số đối tượng đặc biệt khác. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*