Mắc khén: Vị thuốc từ món gia vị của núi rừng Tây Bắc

Hoa Mắc khén rất thơm, mọc thành từng chùm

Từ lâu, có một loại hạt nhỏ xíu cho mùi thơm nồng nàn không lẫn vào đâu được. Loại hạt ấy là thứ gia vị không thể thiếu, được ví như “linh hồn ẩm thực Tây Bắc”. Đó chính là hạt Mắc khén. Mắc khén, cái tên này có lẽ chúng ta ít nhiều cũng từng nghe tới, cũng biết đó là môt loại hạt đặc sản của núi rừng vùng Tây Bắc.

Nhưng ngoài tác dụng làm gia vị, hạt này còn có một số công dụng chữa bệnh thì chắc không phải ai cũng biết. 

Mắc khén là gì

Mắc khén có tên khoa học Zanthoxylum rhetsa (Roxb.) DC., thuộc họ Cam quýt Rutaceae. Nó còn được biết đến với nhiều cái tên khác như Hoàng mộc hôi, Sẻn hôi, Cóc hôi,…

Đặc điểm cây Mắc khén

Đây là loại cây gỗ nhỡ cao thân thẳng, cây trưởng thành có thể cao từ 14-18m. Vỏ cây có nhiều gai mọc khiến cho việc hái quả Mắc khén gặp khá nhiều khó khăn. Lá cây là loại lá kép lông chim một lần lẻ, mép lá hình răng cưa. Hoa của nó mọc thành từng chùm, màu xám trắng, mang mùi thơm từ tinh dầu của cây. Mùa hoa khoảng tháng 6 – 7.

Quả mắc khén hình tròn, lúc tươi có màu xanh lá cây, rất thơm. Hạt hình cầu, khi chín có màu đen óng. Hạt này có vị cay tê đầu lưỡi và mùi thơm đặc trưng. Có người gọi Mắc khén là “hạt tiêu rừng”, có lẽ vì mùi vị cay thơm nồng của nó. Nhưng cần phân biệt rõ, dược liệu này không phải là tiêu. Mắc khén ra quả tầm tháng 10 – 11.

Hoa Mắc khén rất thơm, mọc thành từng chùm
Hoa Mắc khén rất thơm, mọc thành từng chùm

Phân bố

Cây này rất phổ biến ở các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Việt Nam và vùng thượng Lào. Đây là loài cây thường xanh, phân bố ở độ cao từ 500 đến 1500 m. Không ai rõ dân tộc nào trồng giống cây này đầu tiên, nhưng hiện tại dân tộc Thái sử dụng hạt mắc khén nhiều nhất.

Bộ phận dùng

Nếu như để làm gia vị, thường người ta chỉ dùng quả, hạt và lá non. Còn để làm thuốc, người ta còn dùng cả quả, hạt và vỏ thân, vỏ rễ.

Thu hái, bào chế

Mùa hái quả vào tầm tháng 11, khi quả chín. Người ta sẽ hái về cả chùm quả, rồi bó thành từng bó.

Quả có thể dùng tươi hay khô. Nhưng để đảm bảo thời gian sử dụng lâu dài, quả nên được đem phơi trong bóng râm hoặc treo gác bếp để khô đi, dùng dần.

Các bộ phận khác thu hoạch trên cây đã trưởng thành. Sau khi lấy về cũng phơi khô để dành.

Bảo quản

Lưu ý không nên phơi quả và hạt ngoài nắng nóng để tránh làm mất tinh dầu của nó. Bảo quản thuốc nơi khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh ẩm mốc. Khi nào dùng chỉ cần lấy một lượng vừa đủ đem rang tầm 30 – 45 phút, chờ cho nguội rồi giã nhỏ để dùng.

Vỏ và hạt Mắc khén là những bộ phận dùng làm thuốc
Vỏ và hạt Mắc khén là những bộ phận dùng làm thuốc

Tác dụng của Mắc khén

Thành phần hóa học

Trong quả mắc khén chứa 0,24% tinh dầu và alkaloid. Ngoài ra còn có các thành phần khác như d-terpinen, d-a-phellandren, 4-caren, b-pinnen, d-a-dihydrocarvol, 4-terpinol, dl-cavotanacetone và các chất kháng khuẩn.

Tác dụng theo Y học hiện đại

Nghiên cứu về tác dụng lợi mật của cao quả mắc khén trên chuột cống cho thấy:

  • Cao quả cây mắc khén với mức liều 1,8 mg/kg chuột cống, uống trước 3 ngày đã có tác dụng kích thích bài tiết mật của gan, đạt được 277,98% so với nhóm chứng. Mức tăng này có ý nghĩa thống kê (p<0,05)
  • Cường độ bài tiết mật của cao quả này không mạnh bằng cao actiso nhưng thời gian dài hơn rõ ràng
  • Tác dụng của cao quả làm thay đổi lượng bilirubin toàn phần và trực tiếp theo xu hướng tăng tại giờ thứ 3, nhưng không làm thay đổi tỷ trọng dịch mật.

Tác dụng theo Y học cổ truyền

Ngoài dùng làm gia vị, từ lâu người ta đã biết đến Mắc khén với các tác dụng:

  • Quả vị đắng, cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng làm se, kích thích, lợi tiêu hóa.
  • Vỏ rễ màu đỏ nâu có vị đắng, tính ấm, có khả năng trị giun, trục giun, điều kinh, lọc máu ở thận.
  • Vỏ thân thơm, có tính bổ, giúp hạ nhiệt, chữa tiêu chảy, sốt rét, thấp khớp, mất trương lực dạ dày.
  • Quả hạt dùng trị đầy hơi, tiêu chảy, thấp khớp.
  • Tinh dầu hạt chữa thổ tả.

Cách sử dụng Mắc khén

  • Liều dùng Mắc khén một ngày tầm 5 – 8g, có thể sắc uống riêng hoặc dùng chung với các thuốc khác.
  • Người ta có thể dùng hạt Mắc khén khô ngâm rượu xoa bóp để giảm đau nhức xương khớp.
  • Vị thuốc này tính ấm nên những người vốn cơ thể nhiệt, thường nóng trong người cần thận trọng khi sử dụng.

Cây cỏ thực vật quanh ta vốn thật diệu kỳ, không chỉ dùng làm món ăn, làm gia vị mà còn là những vị thuốc chữa bệnh hiệu quả. Mắc khén cũng là một trong số đó. Hi vọng với bài viết trên đây, người đọc sẽ có thêm cái nhìn toàn diện hơn về một loại gia vị được mệnh danh là “tinh hoa ẩm thực vùng Tây Bắc”.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*