Mật ong: Công dụng và những điều cần biết

Mật ong

Trong nhiều thế kỷ, mật ong đã được sử dụng nhiều trong thực phẩm cũng như là một loại thuốc tự nhiên. Nhiều nghiên cứu y khoa đã chứng minh vô số những lợi ích và công dụng của mật ong.

1. Tổng quan về Mật ong

Mật ong (mel) còn gọi là bách tinh hoa, bách hoa cao, phong đường, phong mật, là mật của con ong mật gốc châu Á (Apis cerana  Fabricus) hay ong mật gốc châu Âu (Apis mellifera L.), họ Ong mật (Apidac).

Tính chất của mật ong thay đổi theo từng vùng, từng tỉnh, và từng thời kì lấy mật. Mật ong cũng có thể có độc nếu ong hút mật ở những cây có hoa độc như hoa phụ tử, hoa thuốc lá, hoa cà độc dược.

Mật ong có thể có nhiều màu sắc, trạng thái khác nhau. Có loại mật màu vàng nhạt, mặt gợn như đường, có đường kết tinh ở dưới. Cũng có loại mật ong lỏng trong, không có kết tinh đường. Có loại màu sẫm hơn. Chúng ta không nhìn bề ngoài để đánh giá mật ong tốt xấu, hoặc thực giả, mà phải nghiên cứu thành phần hóa học.

Mật ong
Mật ong

2. Thành phần hóa học của mật ong

Mật ong có thành phần hoá học rất phức tạp. Tuỳ thuộc vào nguồn hoa khác nhau mà thành phần hoá học cũng khác nhau. Trong mật ong có khoảng 100 chất khác nhau có giá trị tốt đối với cơ thể con người, bao gồm:

  • Hàm lượng nước từ 18 – 20%.
  • Hàm lượng đường chủ yếu là đưòng Glucose và Levulose chiếm 60 – 70%, Saccharose 3 – 10% và một số đưòng khác như: mantose, oligosaccharid.
  • Giàu vitamin, nhất là vitamin B1, B2, B3, B, H, K, A, E và acid folic.
  • Các loại men: diastase, catalase, lipase.
  • Các acid hữu cơ: acid citric, acid tartric, acid formic, acid malic, acid oxalic v.v…
  • Đặc biệt rất giàu các chất khoáng và các nguyên tố vi lượng như: Na, Ca, Fe, K, Mg, Al, Mo, Ag, Ba, Au, Co, Mn, Ra, Si, Cl, P, S, I, V, Bo, Cr, Cu, Zn, Pb, Li, Sn, Ti,…
  • Các hormon
  • Các chất diệt nấm
  • Chất thơm và nhiều chất khác…

3. Làm thế nào để phát hiện Mật ong giả?

Người ta thường làm giả mật ong bằng mật mía, nước thủy phân tinh bột, hoặc xirô. Mật ong của những con ong ăn đường hoặc mía có tỷ lệ sacaraza cao. Ngoài việc định lượng các thành phần của mật ong người ta còn làm thí nghiệm sau:

3.1. Dựa vào thành phần axit hữu cơ có trong mật ong

Pha 1 phần mật ong và 2 phần nước. Dung dịch này phải có phản ứng axit vì trong mật ong có các axit hữu cơ. Nhưng không được có axit vô cơ như axit clohydrit hoặc sunfuric.

  • Mật ong pha loãng với 2 phần nước rồi lọc, thêm axit nitric loãng và bạc nitrat không được có tủa (clorua) tức là có axit clohydrit.
  • Thêm bariclorua không được tủa (sunfat) tức là có axit sunfuric.

3.2. Mật ong không chứa tinh bột

Thêm dung dịch iot vào mật ong không được ngả màu đỏ (chứng tỏ có dexin) hay màu xanh (có tinh bột).

3.3. Mật ong không có lượng lớn Canxi

Mật ong cho thêm oxalat amon và axit axetic không được kết tủa (nếu tủa là có canxi và như vậy có thể giả mạo bằng xiro glucoza)

3.4. Soi kính hiển vi

Soi kính hiển vi có thể thấy ít mảnh sáp và ít hạt phấn hoa.

4. Tác dụng dược lí

4.1. Tác dụng thẩm thấu

Mật ong chủ yếu là một hỗn hợp bão hòa của hai loại monosacarit. Hỗn hợp này có hoạt độ nước thấp. Hầu hết các phân tử nước liên kết với đường và một số ít có sẵn cho vi sinh vật. Vì vậy, đó là môi trường kém cho sự phát triển của vi sinh vật.

4.2. Tác dụng kháng khuẩn

Hydrogen peroxide trong mật ong chỉ chứa nồng độ khoảng 1 mmol/l. Bình thường lượng nhỏ hydrogen peroxide này không hoạt động. Khi được sử dụng tại chỗ (ví dụ như băng vết thương), hydro peroxide được kích hoạt bằng cách pha loãng với dịch cơ thể. Từ đó, hydro peroxide được giải phóng chậm và hoạt động như một chất khử trùng.

4.3. Tính axit

Độ pH của mật ong thường nằm trong khoảng từ 3,2 đến 4,5. Độ pH tương đối axit này giúp ngăn chặn sự phát triển của nhiều vi khuẩn.

4.4. Chất chống oxy hóa

Theo những phát hiện gần đây, ngoài hàm lượng carbohydrate chính, mật ong thường chứa polyphenol, có thể hoạt động như một chất chống oxy hóa. Chất này thậm chí có thể làm giảm sự hư hại cho ruột trong ung thư đại tràng.

Hơn nữa, một số nghiên cứu cho thấy mật ong có thể có hiệu quả trong việc tăng quần thể vi khuẩn sinh học trong ruột, tăng cường hệ thống miễn dịch, cải thiện tiêu hóa, giảm cholesterol và ngăn ngừa ung thư đại tràng. Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về phương pháp chống oxi hóa da ở bài viết 5 bí quyết ngăn ngừa lão hóa da.

5. Công dụng Mật ong

Ngày nay, trong những nghiên cứu mới, người ta còn phát hiện ra vô số công dụng của mật ong:

  • Dùng để an thần: Pha 1 muỗng cà phê mật ong trong 1 cốc nước ấm, uống trước khi đi ngủ.
  • Mật ong có thể uống với sữa ấm hoặc nước chanh, nước củ cải như một phương thuốc trị cảm lạnh.
  • Pha mật ong trong sữa ấm hoặc nước uống có thể giúp giảm đau họng.
  • Súc miệng bằng mật ong rất hữu ích trong bệnh viêm nướu.
  • Bổ sung mật ong vào thực phẩm hàng ngày giúp kích thích tiêu hóa và điều chỉnh độ axit của dạ dày ngăn ngừa các bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng.
  • Một thìa mật ong tươi pha với nước cốt chanh trong một cốc nước ấm uống vào buổi sáng rất hiệu quả cho chứng táo bón, béo phì.
  • Người ta tin rằng một lượng vừa phải mật ong và nước ép lựu là tốt cho những người bị bệnh về tim hoặc suy tim.
  • Sử dụng một lượng mật ong hàng ngày có thể tăng cường hệ thống miễn dịch ở trẻ em.
  • Có thể thêm mật ong, trái cây tươi vào sữa chua ít béo để có một bữa ăn nhẹ duy trì năng lượng. Hoặc dùng một thìa mật ong với một cốc nước trước khi tập luyện hàng ngày.

6. Lưu ý

Sôi bụng, tiêu chảy hay đầy bụng không nên dùng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*