Cây Thuốc mọi: Có phải chỉ là loài cây chứa độc tính?

cây thuốc mọi

Cây Thuốc mọi là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng chữa vết thương ngoài da rất hiệu quả. 

1. Giới thiệu về cây Thuốc mọi

  • Tên gọi khác: Cơm cháy, Tiếp cốt thảo, Tẩu mã phong, Anh hùng thảo…
  • Tên khoa học: Sambucus javanica Reinw. Ex Blume.
  • Tên dược liệu: Herbal Sambucus Javanica.
  • Họ khoa học: Kim ngân/ Cơm cháy (Caprifoliaceae).

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Cây Thuốc mọi phân bố rộng rãi từ vùng núi đến trung du như Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn,…  Cây ưa sáng và ưa ẩm, thường mọc tự nhiên tại bờ suối, ven rừng. Cây non tái sinh tự nhiên từ hạt nhiều, khả năng tái sinh dinh dưỡng tốt.

Thu hái cây vào mùa hè thu. Sau đó đem rửa sạch, dùng trực tiếp hoặc phơi khô, bảo quản dùng dần.

Cây ra hoa vào thàng 5 – 8 và sai quả vào tháng 9 – 11 hằng năm.

cây thuốc mọi
Cây Thuốc mọi ưa sáng và ưa ẩm, thường mọc tự nhiên tại bờ suối, ven rừng.

1.2. Mô tả toàn cây

Thuốc mọi là cây thân nhỡ, chiều cao khoảng 2.5 – 3m, sống nhiều năm. Thân cây có hình tròn, màu lục nhạt, bề mặt nhẵn, bên trong ruột xốp. Nhánh hình trụ, khía dọc. Mặt ngoài cành có nhiều lỗ bì, bên trong chứa tủy có màu trắng xốp.

Cuống lá có rãnh ở mặt trên và loe rộng ở phía gốc. Lá mọc đối xứng, mềm, dạng kép xẻ lông chim. Mỗi lá gồm khoảng 3 – 9 đôi lá chét, rộng 3 – 5cm, dài 8 – 15cm, mép có răng khía nhỏ.

Hoa mọc thành chùm xim, màu trắng, mỗi chùm có rất nhiều hoa nhỏ bên trong.

Quả mọng, có màu đỏ sau khi chín chuyển sang màu đen, hình cầu, đường kính 2 – 3 mm. Bên trong chứa 2 – 3 hạt nhỏ và dẹt.

1.3. Bộ phận làm thuốc – bào chế

Toàn cây Thuốc mọi được dùng làm thuốc: Cành lá, vỏ thân, hoa, quả, rễ.

Có thể thu hái quanh năm lá và vỏ

Hoa và quả phải thu hái vào mùa hè và thu.

Dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô, không phải chế biến gì khác.

1.4. Bảo quản

Dược liệu nếu quả trải qua sơ chế cần để nơi khô ráo, thông thoáng, tránh mối mọt. Ngoài cây Thuốc mọi, Cánh kiến trắng cũng là vị thuốc quý trong điều trị.

2. Thành phần hóa học và tác dụng 

2.1. Thành phần hóa học

Toàn cây chứa acid ursol, a-amyrin galmitate, camposterol, stigmasterol, tannin,…

  • Hoa chứa 0.03 – 0.14% tinh dầu (trong đó 66% là palmitic acid, 7.2% nalkanes), 0.7 – 3.5% flavonoid, isoquercitrin, 2.5% rutin, hyperoside, astragalin, alcohol,…
  • Lá chứa 0.042% glycoside cyanogenic.
  • Quả chứa isoquercetin, sambucyanin, rutin, 0.01% tinh dầu, đường hữu cơ (fructose và glucose),…

2.2. Tác dụng 

  • Thân và lá có tác dụng tiêu phù, lợi tiểu và giảm đau.
  • Rễ có tác dụng tiêu phù và chống co thắt.
  • Quả có tác dụng thông đại tiểu tiện.
  • Chống viêm, tăng cường miễn dịch và ức chế quá trình oxy hóa.
  • Toàn cây thuốc mọi đều có tác dụng tăng tốc độ hồi phục và giúp làm liền vết thương nhanh chóng.
  • Ở nước ta, vỏ cây được dùng làm thuốc trị lở miệng

Theo Y học cổ truyền cây có: Vị hơi đắng, tính ấm, hơi độc.

cay-thuoc-moi-1
Lá cây Thuốc mọi có tác dụng tiêu phù, lợi tiểu và giảm đau.

3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Cây Thuốc mọi được sử dụng ở dạng sắc uống và dùng ngoài.

Liều dùng tham khảo: 30 – 60g/ ngày (lá và thân), 10 –  12g/ ngày (quả và vỏ).

Dùng ngoài không quy định liều lượng.

Công dụng
  • Cả cây: nhanh lành vết thương ngoài da
  • Rễ: trị bệnh thấp khớp, gãy xương và tổn thương do té ngã.
  • Lá và thân: ngứa da, chàm, tổn thương mô mềm, phù thũng và viêm thận.
  • Quả và vỏ: lợi tiểu, táo bón và kiết lỵ.
Kiêng kỵ:
  • Cây Thuốc mọi có tính mãnh liệt, không dùng qúa liều trên. Nếu dùng với  liều 3g/1kg thể trọng có thể làm tiểu quá nhiều, ỉa lỏng và nôn mửa…
  • Dược liệu chứa độc tính có thể gây tổn thương dạ dày, vì vậy cần tránh sử dụng cho người bị viêm loét dạ dày – tá tràng.
  • Thận trọng khi sử dụng bài thuốc uống cho phụ nữ mang thai và người đang cho con bú.
  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của dược liệu.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Hỗ trợ trị chấn thương do té ngã

Rễ cây thuốc mọi 60 g sắc lấy nước uống.

Hoặc có thể đem lá cắt nhỏ, giã nát cùng với hành. Sau đó đem đắp lên chỗ đau nhức và băng lại, mỗi ngày thay thuốc 1 lần. (Giang Tây dân gian thảo dược).

Hoặc dùng vỏ rễ và lá cây, giã nát đắp vào chỗ xương gãy rồi băng lại cho cố định (theo “Vân Nam trung thảo dược tuyển”).

4.2. Hỗ trợ lợi tiểu, ra mồ hôi

Hoa 10-12g sắc, hãm uống hoặc xông làm thuốc lợi tiểu,ra mồ hôi.

4.3. Nhuận trường, trị táo bón

Hoa, quả 15g hoặc vỏ cây 15 – 20g. Sắc lấy nước uống nhiều lần trong ngày.

Lưu ý: Sử dụng trong thời gian ngắn, ngưng bài thuốc khi quá trình đại tiện bình thường trở lại.

4.4. Dùng ngoài da hỗ trợ trị ghẻ lở, mề đay

Lá cây thuốc mọi 20g. Sắc lấy nước ngâm rửa vùng da bị tổn thương. Áp dụng bài thuốc liên tục trong vòng 5 ngày.

d
Cây Thuốc mọi hỗ trợ điều trị các tổn thương do té ngã, chấn thương hiệu quả.

Cây Thuốc mọi là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*