Tỏi độc: Loại cây chiết xuất ra Colchicin chữa bệnh Gout

Tỏi độc là cây mọc ở vùng ôn đới

Tỏi độc là một thảo dược không có tại Việt Nam. Từ cây thuốc này người ta bào chế được Colchicin là một loại thuốc thông dụng điều trị bệnh gout, được dùng khắp nơi trên thế giới. 

1. Giới thiệu cây thuốc

Tỏi độc có tên khoa học là Colichium autumnale L, thuộc họ hành Liliaceae. Đây là cây thân cỏ sống lâu năm có gốc là một dò to dài 34cm đường kính 2 – 3 cm mọc sâu dưới đất với các vảy nâu phủ xung quanh. Từ dò mọc lên cán hoa với 3 – 4 hoa thường xuất hiện vào mùa thu.

Tỏi độc là cây mọc ở vùng ôn đới
Tỏi độc là cây mọc ở vùng ôn đới

Hoa xuất hiện vào mùa thu (tháng 9 – 10), có hình ống, cao vượt trên mặt đất từ 10 – 15cm. Phần ống phía trên hoa thành hình chuông có 6 cánh bầu dục, màu tím hồng nhạt.

Hoa màu tím, hồng nhạt
Hoa màu tím, hồng nhạt

Lá to dài, đầu lá hẹp nhọn, khi quả chín thì lá héo đi, trên mặt đất hầu như không còn dấu vết gì của cây nữa. Đến mùa thu thì mới thấy hoa từ dưới đất xuất hiện, sát cạnh dò đã cho hoa và quả mọc ra từ dò mới.

Quả là một nang to 3 ngăn, phía trên của lá noãn, trong chứa nhiều hạt. Mỗi ngăn chứa 60-80 hạt khá to, màu nâu nhạt, xù xì.

Quả tỏi độc là một nang to 3 ngăn
Quả là một nang to 3 ngăn

2. Phân bố, thu hái Tỏi độc

Tỏi độc là một loại cỏ mọc hoang ở những bãi cỏ vùng ôn đới lạnh của châu Âu như vùng Capcado (Nga), Romania, Hungary… Có nơi trồng lấy hoa làm cảnh. Trồng bằng dò hoặc bằng hạt. Tại Hungary và Rumani loại cây này được trồng trên quy mô lớn, hàng năm thu tới 7 – 8 tấn hạt.

Muốn thu hoạch dò tỏi độc cần đào trước khi ra hoa và khi lá đã hoàn toàn héo. Ở Châu Âu, thời điểm thu hoạch tốt nhất là vào tháng 8, trước khi lá héo, cần chú ý nơi cây mọc vì khi lá đã héo thì hầu như không còn dấu vết gì, khó tìm. Do đó, người ta đào củ vào cuối tháng 7, nếu chờ đến cuối thu, đầu xuân thì hoạt chất thu được sẽ kém hơn.

Dò tỏi độc có thể dùng tươi hoặc bào chế bằng cách hái bỏ thân mang hoa cắt bỏ rễ và 2 lớp vỏ ngoài màu nâu nhạt. Để nguyên mà phơi khô hoặc cắt thành từng khoanh ngang rồi mới phơi. Tuy nhiên người ta thấy dùng dò tươi có tác dụng mạnh hơn.

Hạt có thành phần ổn định hơn, dễ phơi hơn, bảo quản dễ hơn.

3. Thành phần hóa học của Tỏi độc

Trong dò tỏi độc có chứa tinh bột, đường, tanin, nhựa và các chất alkaloid gọi là colchicin. Tỷ lệ colchicin trong do thường từ 0,1 – 0,35% và thay đổi theo mùa. Còn trong hạt có chứa acid galic, dầu, đường và 0,5 – 3% colchicin. Một số chất khác như coltramin, colchicozid glucosid.

Colchicin thường được chiết xuất từ hạt tỏi độc
Colchicin thường được chiết xuất từ hạt

Trong hạt colchicin nằm trong những tế bào vỏ do đó khi dùng không cần thiết tán hạt. Còn trong dò colchicin tập trung ở những tế bào biểu bì và tế bào quanh bó gỗ.

Từ hơn 200 năm trước đây, cây tỏi độc đã được người dân Đức dùng chữa bệnh gout (gút) và làm thuốc thông tiểu. Sau đó người ta thấy colchicin chiết từ cây này có tác dụng hạ nhiệt, chống dị ứng và điều trị gout.

4. Bệnh Gout và thuốc Colchicin

4.1. Bệnh Gout

Bệnh Gout là một bệnh rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Hậu quả làm lắng đọng tinh thể urat tại màng hoạt dịch của khớp gây viêm, sưng đau các khớp. Nguyên nhân bệnh do các yếu tố di truyền, cơ địa, kết hợp với chế độ ăn nhiều đạm, uống bia rượu. Gout cũng có thể là hậu quả của 1 bệnh lý khác như đa u tủy, đa hồng cầu, suy thận,…

Triệu chứng nhận biết bệnh gout là viêm sưng đau các khớp, điển hình là khớp bàn ngón chân cái. Các khớp khác ở tay, chân cũng có thể bị viêm. Ngoài ra người bệnh sẽ có hạt tophy lắng đọng ở khớp, sụn vành tai, gân cơ,…

4.2. Thuốc Colchicin từ Tỏi độc

Colchicin là thuốc có tác dụng chống viêm yếu, đặc trị giảm đau trong viêm khớp gout. Thuốc làm giảm đáp ứng viêm đối với lắng đọng các tinh thể mononatri urat lên các mô của khớp. Khi uống colchicin trong vòng vài giờ đầu đợt gút cấp, trên 90% người bệnh đáp ứng tốt; nếu uống muộn hơn, sau 24 giờ, chỉ 75% người bệnh đáp ứng tốt.

Công thức hóa học Colchicin
Công thức hóa học Colchicin

Tác dụng chống phân bào của colchicin gây ra các tác dụng có hại lên các mô đang tăng sinh như tủy xương, da và lông tóc. Colchicin uống gây ra giảm hấp thu cyanocobalamin (vitamin B12), mỡ, natri, kali, nitơ,… Ngoài ra, colchicin còn làm giảm thân nhiệt, ức chế trung tâm hô hấp, co thắt mạch máu làm tăng huyết áp…

4.3. Sử dụng Colchicin từ Tỏi độc trong bệnh gout

Trong đợt cấp của bệnh gút, Colchicin cần uống sớm trong vòng vài giờ đầu. Nếu uống muộn sau 24 giờ bị bệnh, kết quả kém hơn. Phòng tái phát viêm khớp do gút và điều trị dài ngày bệnh gút, Colchicin cần phối hợp với alopurinol hoặc một thuốc tăng thải acid uric.

Lưu ý

  • Chống chỉ định: Suy thận nặng, suy gan nặng, bệnh đường tiêu hoá nặng, bệnh tim nặng hoặc loạn đông máu, mẫn cảm với colchicin.
  • Thận trọng: Khi dùng để điều trị đợt gút cấp phải thận trọng ở người suy thận hoặc suy gan. Bệnh nhân cao tuổi bị suy nhược dễ bị ngộ độc do tích tụ thuốc.

5. Ứng dụng Tỏi độc trong bệnh lý khác

Dính nội khớp sau phẫu thuật đầu gối là một biến chứng thường gặp. Nó làm hạn chế quá trình hồi phục. 1 nghiên cứu trên thỏ cho thấy bôi colchicine 0,5 mg/ml tại chỗ có thể làm giảm độ dính khớp gối.

Xơ hóa màng cứng sau phẫu thuật cột sống có thể là nguyên nhân trong hầu hết các trường hợp đau tái phát. 1 nghiên cứu trên chuột cho thấy ở nhóm điều trị colchicine bôi ngoài da, tình trạng xơ hóa ngoài màng cứng đã giảm đáng kể so với nhóm chứng và nhóm giả dược.

6. Điều gì xảy ra khi ngộ độc cây Tỏi độc

Khi ngộ độc cây Tỏi độc hoặc Colchicin có thể gây đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, rối loạn chức năng thận, gan, tăng bạch cầu, tăng nhịp tim,… Nặng hơn có thể làm ngưng tim và tử vong.

Hiện nay người ta chủ yếu trồng tỏi độc để dùng trong nông nghiệp nhiều hơn làm thuốc. Với tính chất gây đột biến của mình, nó kích thích tạo những giống cây mới. Một số nước vẫn dùng tỏi độc và các chế phẩm từ nó để làm thuốc.

Tóm lại, Tỏi độc là cây thuốc sống vùng ôn đới. Từ dò hạt của cây này người ta chiết được colchicin. Đây là một thuốc điều trị viêm khớp do bệnh gout. Cây thuốc và hoạt chất Colchicin dễ gây ngộ độc, rất nguy hiểm. Do đó không nên tự ý sử dụng để điều trị bệnh.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*