Tô diệp: Giải mã công dụng chữa bệnh từ lá Tía tô

Ngày nay, chúng ta thường sử dụng Tía tô như một loại rau gia vị quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, loại thực vật này có có tác dụng chữa bệnh, đặc biệt là lá Tía tô, hay còn gọi Tô diệp. Vị thuốc Tô diệp được dùng phổ biến trong các bài thuốc chữa ho, giải biểu, tán hàn… 

1. Giới thiệu Tô diệp

  • Tên gọi khác: Tử tô, Tử tô tử, lá Tía tô, Tô ngạnh…
  • Tên khoa học: Folium Perillae.
  • Họ Hoa môi (Lamiaceae).
  • Là lá phơi hay sấy khô của cây Tía tô.

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Tía tô được trồng phổ biến khắp nơi để làm rau gia vị và làm thuốc như Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam… Cây ưa sáng và ẩm, thích hợp với đất thịt, đất phù sa. Loài Tía tô ra hoa kết quả nhiều, sau khi quả già, cây tàn lụi, hạt giống phát tán ra xung quanh, đến mùa mưa ẩm năm sau mới nảy mầm, được trồng bằng hạt. Mùa hoa quả tháng 5 – 8.

Tô diệp được thu hoạch vào mùa hạ, khi cành lá mọc sum suê, bỏ lá sâu. Để riêng lá hoặc nhánh non, loại bỏ tạp chất, phơi trong bóng râm hoặc sấy nhẹ đến khô để giữ hương vị.

Vị thuốc Tô diệp là lá phơi hay sấy khô của cây Tía tô
Vị thuốc Tô diệp là lá phơi hay sấy khô của cây Tía tô

1.2. Mô tả toàn cây

Tía tô là một loại cỏ mọc hằng năm, cao chừng 0,5 – 1,5cm. Thân thẳng đứng có lông. Toàn cây có tinh dầu thơm và có lông.

Lá mọc đối, hình trứng, đầu nhọn, mép có răng cưa to. Phiến lá dài 4 – 12cm, rộng 2,5 – 10cm, màu tím hoặc xanh tím, trên có lông màu tím. Cuống lá ngắn 2 – 3cm. Khi vò ra, lá có mùi thơm đặc biệt.

Hoa nhỏ, màu trắng hoặc tím nhạt, mọc thành từng chùm ở kẽ lá hay đầu cành, chùm dài 6 – 20cm. Có đài hình chuông, phình ra ở phía dưới, môi trên cụt, 3 răng bằng nhau, môi dưới 2 răng. Tràng có ống hình chuông, có lông mặt ngoài, gồm 5 cánh. Nhị 4 ẩn trong tràng, chỉ nhị ngắn, đính 1/3 trên ống tràng. Bao phấn hình mắt chim, lúc đầu song song sau đó chẻ ra. 

Quả là hạch nhỏ, hình cầu, đường kính 1mm, màu nâu nhạt, có mạng.

1.3. Bộ phận làm thuốc bào chế

Sau khi thu hoạch, loại bỏ tạp chất, phơi trong bóng râm hoặc sấy cho dược liệu Tô diệp giữ được mùi vị.

Mô tả dược liệu: Phiến lá thường nhàu nát, cuộn lại và gãy, chóp lá nhọn, mép lá có răng tròn. Hai mặt lá đều có màu tía hoặc mặt trên màu lục, mặt dưới màu tía, có lông màu trắng xám mọc rải rác và nhiều vảy tuyến dạng điểm. Chất giòn, mùi thơm, vị hơi cay.

1.4. Bảo quản

Để nơi khô ráo không được ẩm ướt, tránh mối mọt.

2. Thành phần hóa học

Tía tô chứa 0,3 – 0,5% tinh dầu (theo trọng lượng khô), citral 20%. Thành phần tinh dầu chủ yếu là perillaldehyd, L-perrilla alcohol, limonen, α-pinen, hydrocumin, còn có elsholtziaceton, β-cargophylen, bergamoten và linalool perillaldehyd.

Chất màu trong lá là do este của chất xyanin clorit. Ngoài ra còn có chứa adenine, acginin.

Vị thuốc Tô diệp có chất giòn, mùi thơm, vị hơi cay
Vị thuốc Tô diệp có chất giòn, mùi thơm, vị hơi cay

3. Công dụng của lá Tía tô

3.1. Y học hiện đại

  • Kháng khuẩn: Tía tô có tác dụng ức chế một số vi khuẩn đường ruột như vi khuẩn lỵ, trực khuẩn đại tràng. Tinh dầu Tía tô có tác dụng diệt lỵ amip.
  • Chống nấm Candida albican.
  • Ngăn ngừa dị ứng.
  • Tăng bài tiết dịch tiêu hóa, tăng nhu động ruột dạ dày.
  • Có thể giảm bớt bài tiết phế quản, giảm co thắt cơ trơn của phế quản.
  • Kích thích tiết mồ hôi.

3.2. Y học cổ truyền

Tính vị: Vị cay, thơm, tính ôn.

Quy kinh: Phế, Tỳ.

Tác dụng: làm ra mồ hôi, tán hàn, giảm ho, trừ đàm, giúp sự tiêu hoá, giảm đau, giải độc, chữa cảm mạo.

Chủ trị:

  • Sốt, cảm lạnh, nhức đầu, ho, nghẹt mũi do thời tiết lạnh (cảm phong hàn).
  • Ngực bụng trướng đầy, ăn không tiêu, buồn nôn, nôn.
  • Thai động không yên.
  • Có thể giải độc cua, cá.

3.3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng dược liệu Tô diệp theo nhiều cách khác nhau. Dùng riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được. Trong đó, dược liệu được dùng phổ biến nhất ở dạng thuốc sắc với liều khuyến cáo là 3 – 10g hoặc thái nhỏ 10g lá tươi cho vào cháo ăn.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Giải độc cua, cá

Giã lá Tía tô vắt nước uống, hoặc nước sắc lá khô 10g uống lúc nóng. Khi ăn ốc, cua hoặc gỏi cá nên kèm rau sống có lá Tía tô.

Bài thuốc Tử tô giải độc thang gồm Lá tía tô 10g, Gừng tươi 8g, Sinh cam thảo 4g, nước 600ml, sắc còn 200ml uống nóng chia 3 lần trong ngày.

4.2. Chữa đau bụng, đầy trướng

Giã lá Tía tô lấy 1 bát nước, hòa một chút muối cho uống 1 lần.

4.3. Chữa cảm sốt, nhức đầu ngạt mũi

Tô diệp, cây Cà gai leo, Hương phụ mỗi vị 80g, Trần bì 40g. Tán bột, uống mỗi ngày 20g.

Lá Tía tô 1 nắm, lá Hành tươi 1 nắm, gạo 200g nấu cháo ăn trong ngày.

Ngoài ra, dân gian còn dùng cây Tía tô để xông hơi hoặc rang nóng lên để đánh cảm.

Có thể dùng dược liệu để trị nhức đầu, cảm sốt
Có thể dùng dược liệu để trị nhức đầu, cảm sốt

4.4. Chữa dị ứng, mẩn ngứa, mề đay

Tô diệp 16g, Kinh giới 10g, Gừng tươi 8g, Cam thảo 6g. Sắc khoảng 15 phút uống lúc nóng.

Hoặc Tô diệp 1 nắm, giã vắt lấy nước cốt uống, bã xát vào chỗ ngứa. Kiêng dầm mưa và ra gió.

4.5. Cải thiện công năng ruột dạ dày, kháng khuẩn

Hoàng liên 4g, Tô diệp 4g, Ngô thù du 3g, Nhục đậu khấu 5g, Bách hợp 15g, Ô dược 10g, Sài hồ 10g, Xuyên luyện tử 10g, Thái tử sâm 10g, Cam thảo 3g, tổ hợp thành Liên Tô sướng trung ẩm, cải thiện trở ngại công năng ruột dạ dày, thanh trừ trực khuẩn xoắn môn vị (Hồ Nam Trung y Học viện Học báo, 1999, 1: 37).

4.6. Chữa cảm mạo, sốt nhức đầu, đau các khớp xương

Tô diệp, Nhân sâm, Trần bì, Chỉ xác, Cát cánh, Cam thảo, Mộc hương, Bán hạ, Can khương, Tiền hồ, mỗi vị 2g, nước 600ml, sắc còn 200ml chia làm 3 lần uống trong ngày (Sâm tô ẩm).

5. Kiêng kỵ

  • Cảm nắng hay các loại bệnh do phong nhiệt gây ra.
  • Người hư nhược, suy yếu lâu ngày.
  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vị thuốc.

Tô diệp là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*