Tinh dầu hoa anh thảo: Những tác dụng ít chị em biết đến

Tinh dầu được chiết xuất từ cây hoa anh thảo được nhiều người tin dùng

Hiện nay, tinh dầu hoa anh thảo rất phổ biến trong các sản phẩm thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khỏe. Tinh dầu này được ghi nhận có nhiều tác dụng trong các bệnh lý mạn tính. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng loại tinh dầu này.

Tinh dầu hoa anh thảo là gì?

Hoa anh thảo có tên khoa học là Oenothera biennis, thuộc họ Onagraceae. Loài cây này có nguồn gốc từ châu Mỹ, hiện nay phổ biến khắp châu Âu và một phần châu Á. Tinh dầu hoa anh thảo thu được qua cách chiết xuất bằng phương pháp ép lạnh hoặc dung môi từ hạt của cây hoa anh thảo.

Người Mỹ bản địa coi trọng chất nhầy được ép từ thân và lá. Đây được xem là một phương thuốc bôi ngoài da để làm dịu các vết viêm trên da, các vết bầm tím và vết thương nhỏ.

Tinh dầu hoa anh thảo được cho là quan trọng đối với phụ nữ trong việc kiểm soát các bệnh phụ khoa trong suốt cuộc đời.

Tinh dầu được chiết xuất từ cây hoa anh thảo được nhiều người tin dùng
Tinh dầu được chiết xuất từ cây hoa anh thảo được nhiều người tin dùng

Thành phần hóa học

Trong hạt có hàm lượng dầu béo khoảng 24%, chủ yếu gồm các axit linolic, γ-linolenic, oleic, palmitic, stearic. Ngoài ra, hạt cũng chứa protein (15%), lignans và cellulose (43%). Lượng dầu trong hạt phụ thuộc vào độ tuổi của hạt, điều kiện canh tác và phát triển.

Trong lá chứa các hợp chất phenolic (ellagitannin và axit caffeoyl tartaric), flavonoid (quercetin glucuronide, kaempferol glucuronide), carbohydrate (arabinose, glucose, galactose, mannose, glucuronic và axit galacturonic) và tannin (oenothein A, oenothein B)

Trong rễ, đã phân lập được sterol (sitosterol, oenothera lanosterol A, oenothera lanosterol), axit maslinic loại triterpene pentacyclic và axit oleanolic, carbohydrate, tannin, xanthone và các dẫn xuất.

Tác dụng của tinh dầu hoa anh thảo

Tác dụng sinh học của dầu hoa anh thảo là kết quả của thành phần và các đặc tính sinh học của các hợp chất thành phần. Bao gồm các axit béo chủ yếu là axit linoleic (LA) và axit γ-linolenic (GLA) thuộc nhóm axit omega-6. Những axit béo này có ý nghĩa sinh học vô cùng quan trọng.

Tác dụng chống oxy hóa

Theo các nghiên cứu trước đây, tinh dầu hoa anh thảo thể hiện hoạt tính chống oxy hóa rõ rệt. Hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn so với cây chè xanh (Camellia sinensis L.), cây phỉ (Corylus avellana L.). Tuy nhiên, hàm lượng chất chống oxy hóa bị ảnh hưởng bởi điều kiện địa lý – khí hậu, các bộ phận của cây sử dụng và phương pháp chiết xuất.

Tinh dầu anh thảo là một trong những chất chống oxy hóa từ tự nhiên
Tinh dầu anh thảo là một trong những chất chống oxy hóa từ tự nhiên

Tác dụng kháng khuẩn

Tinh dầu này ức chế đáng kể sự phát triển của các vi khuẩn và nấm. Bao gồm S. aureus, P. aeruginosa, E. coli, S. epidermidis, Salmonella typhimurium, C. albicans, A.niger. Tác dụng này của tinh dầu là do hợp chất phyto, oenotheralanosterol B và dihydroxyprenylxanthone acetylated.

Phục hồi tổn thương da

Tăng tính đàn hồi da

Axit linoleic trong hoa anh thảo đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bình thường của da, đặc biệt là lớp sừng. Axit này ngăn ngừa da bị bong tróc và mất nước qua biểu bì. Đồng thời cải thiện độ mềm mại, đàn hồi của da và điều chỉnh quá trình sừng hóa biểu bì. Sự thiếu hụt axit linoleic dẫn đến sự suy giảm các đặc tính bảo vệ của lớp biểu bì. Ghi nhận hiệu quả này sau khi bôi và uống tinh dầu hoa anh thảo.

Viêm da dị ứng

Trong bệnh viêm da dị ứng, người ta nhận thấy sự thiếu hụt axit γ-linolenic và các chất chuyển hóa khác của axit linoleic. Điều trị bằng đường uống với tinh dầu hoa anh thảo, có chứa axit γ-linolenic; có thể làm giảm các triệu chứng của viêm da dị ứng. Tuy nhiên, cần có thêm các nghiên cứu tiếp theo để xác định cơ chế tác động, hiệu quả thực sự của tinh dầu này.

Giảm các tác dụng phụ do isotretinoin

Ở bệnh nhân mụn trứng cá được điều trị bằng isotretinoin, làn da thường bị khô bong tróc do tác dụng của thuốc. Tinh dầu hoa anh thảo có tác dụng giữ ẩm, có lợi cho da. Bổ sung dầu hoa anh thảo giúp cải thiện sự cân bằng nước của da, vốn bị suy yếu do điều trị bằng isotretinoin.

Ức chế melanin, làm sáng da

Tyrosinase là một loại enzyme liên quan đến hình thành sắc tố melanin ở da người; tạo nên màu sắc da, thâm, nám, sạm da. Tinh dầu hoa anh thảo có thể làm giảm sản xuất melanin, làm sáng da phụ thuộc vào liều lượng. Tác dụng này thông qua cơ chế giảm hoạt động của enzym tyrosinase.

Sử dụng tinh dầu hoa anh thảo thường xuyên giúp bạn nuôi dưỡng làn da khỏe đẹp
Sử dụng tinh dầu hoa anh thảo thường xuyên giúp bạn nuôi dưỡng làn da khỏe đẹp

Chống viêm

Axit linoleic thuộc nhóm axit béo thiết yếu. Cơ thể con người không tự tổng hợp được loại axit này và cần phải lấy từ thực phẩm. Dầu hoa anh thảo chứa hơn 70% axit linoleic (LA) và khoảng 9% axit γ-linolenic (GLA). Axit linoleic và axit γ-linolenic góp phần vào hoạt động bình thường của nhiều mô trong cơ thể con người.

Các hợp chất trong hoa anh thảo (axit linoleic và axit γ-linolenic) đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến các quá trình viêm mãn tính; như trong bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh đa xơ cứng. Cơ chế hoạt động giảm các hóa chất trung gian gây viêm, interleukins.

Trên động vật, người ta chứng minh khi dùng kết hợp với celcoxib thì tăng hiệu quả chống viêm, giảm các stress oxy hóa ở người bệnh viêm khớp dạng thấp.

Sức khỏe phụ nữ

Hội chứng tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt là một tình trạng gồm các triệu chứng cảm xúc và hành vi trong thời kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Lo lắng, trầm cảm, nổi mụn, mệt mỏi và đau đầu là những triệu chứng phổ biến. 85% phụ nữ có kinh nguyệt bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng này. Nguyên do mức độ thấp của prostaglandin E1, sự thiếu hụt các axit béo thiết yếu gây ra tăng đáp ứng với prolactin.

Thử nghiệm lâm sàng cho thấy, phụ nữ sử dụng tinh dầu hoa anh thảo mỗi ngày trong ba tháng đã thay đổi đáng kể triệu chứng tiền kinh nguyệt.

Đau vú theo chu kỳ

Đau vú theo chu kỳ là kết quả của sự thay đổi hormone trong chu kỳ kinh nguyệt. Sự thiếu hụt axit γ-linolenic hoặc các dẫn xuất của nó làm cho các mô vú nhạy cảm với hormone sinh dục, dẫn đến tình trạng này.

Thử nghiệm cho thấy uống tinh dầu hoa anh thảo mỗi ngày, trong 3 tháng ghi nhận kết quả tương đương với thuốc Tây y. Tuy nhiên, tác dụng phụ ở người không dùng thấp hơn đáng kể. Vì vậy, tinh dầu này có thể được sử dụng điều trị an toàn và hiệu quả cho chứng đau vú ở phụ nữ.

Bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh

Triệu chứng mãn kinh thường gặp nhất là bốc hỏa. Tinh dầu hoa anh thảo là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho 1.296 phụ nữ mãn kinh ở Sydney. 66,3% phụ nữ nhận thấy đây là phương pháp điều trị hiệu quả các triệu chứng mãn kinh trong 6 tuần.4

Tinh dầu từ hoa anh thảo được chứng minh có thể giúp phụ nữ giảm cơn bốc hỏa do mãn kinh gây ra
Tinh dầu từ hoa anh thảo được chứng minh có thể giúp phụ nữ giảm cơn bốc hỏa do mãn kinh gây ra

Rút ngắn thời gian chuyển dạ

Thử nghiệm lâm sàng đã sử dụng tinh dầu hoa anh thảo để rút ngắn thời gian chuyển dạ. Tinh dầu hoa anh thảo với tiền chất prostaglandin E1 và E2 có hoạt tính làm giãn cơ trơn, làm thay đổi trương lực cổ tử cung; giúp cổ tử cung giãn nở tốt hơn và cần ít thời gian hơn trong quá trình chuyển dạ.

Hạn chế của tinh dầu hoa anh thảo

Tinh dầu hoa anh thảo thường dung nạp tốt, với các tác dụng phụ nhỏ được báo cáo bao gồm khó chịu ở đường tiêu hóa (ví dụ như đau bụng, khó tiêu, buồn nôn, phân nhão) và đau đầu.

Cần tránh sử dụng ở bệnh nhân có dùng phenothiazine trong bệnh tâm thần phân liệt.

Hoa anh thảo có thể tương tác với các loại thuốc chống tiểu cầu và chống đông máu. Dù chưa có báo cáo khoa học nào, nhưng cần thận trọng khi sử dụng trên các đối tượng bệnh nhân đặc biệt.

Cách sử dụng tinh dầu hoa anh thảo

Các chế phẩm thương mại của tinh dầu anh thảo có sẵn ở dạng viên nang hoặc chất lỏng. Một viên nang 1g tiêu chuẩn chứa 0,62 g axit linoleic, 0,08 g GLA và 0,062 g axit oleic.

Tinh dầu hoa anh thảo dạng viên nang tiện lợi
Tinh dầu hoa anh thảo dạng viên nang tiện lợi

Nói chung, do nhu cầu của cơ thể đối với các axit béo thiết yếu, trên cơ sở là 250 – 600mg axit γ-linolenic/ngày. Vì vậy, liều hàng ngày của dầu hoa anh thảo là 2,6 – 5,2 g/ngày. Tinh dầu này sẽ không cho kết quả ngay lập tức mà nên sử dụng thường xuyên lên đến 4 tháng. Tùy theo mục đích điều trị khác nhau mà liều sử dụng cần được cân nhắc theo ý kiến bác sĩ.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tinh dầu hoa anh thảo. Đây là một chế phẩm tự nhiên bổ sung thiếu hụt các axit béo thiết yếu trong cơ thể, và có lợi trong điều trị bệnh lý mạn tính. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*