Thiên tiên tử: vị thuốc cực độc

Quả

Thiên tiên tử là một vị thuốc độc bảng A. Theo y học dân gian, Thiên tiên tử có tác dụng chữa đau răng hoặc dùng trong trường hợp co giật, hoảng sợ quá độ. 

Thiên tiên tử là gì?

Thiên tiên tử còn có tên gọi là Sơn yên tử, Đại sơn yên tử, Jusquiame, Mont aux poules. Tên khoa học của loài cây này là Hyoscyamus niger L. Thuộc họ Cà (Solanaceae).

Tên tiếng Anh của Thiên tiên tử là Henbane.  Tên của nó có nguồn gốc từ Anglo-Saxon Henn (gà) và Bana (kẻ giết người) vì khi gà ăn hạt của loài cây này, chúng sẽ bị tê liệt và chết.

Mô tả

Thiên tiên tử thường là cây thảo hai năm (thỉnh thoảng hàng năm). Chiều cao: 15–100 cm. Thân phân nhánh thưa, lá dày, dính, nhiều lông. Hoa nhỏ mọc thành 2 hàng xen kẽ. Tràng hoa màu vàng nâu, thường có vân tím. Đài hoa hợp nhất, hình chuông, 5 thùy, to và phình ra ở gốc. Trong giai đoạn đậu quả, các thùy cứng lại thành gai.

Lá: Năm thứ nhất một hoa thị gốc, năm thứ hai thường chỉ mọc xen kẽ. Lá hoa hồng có cuống, thân lá có nhiều mấu. Phiến lá hình trứng, có răng.

Quả: quả nang hình tròn dài 1,5 cm. Được bảo vệ bởi đài hoa hình bầu dục (hình cái bình).
Cây Thiên tiên tử mọc hong dại và số lượng ít, đang có nguy cơ bị đe dọa

Quả
Quả thiên tiên tử hình tròn, được bảo vệ bởi đài hoa hình bầu dục

Thiên tiên tử có chất gì

Thiên tiên tử rất độc. Tất cả các bộ phận của cây đều có độc và nếu ăn phải, dù chỉ một lượng nhỏ cũng có thể gây ra bất cứ điều gì từ chóng mặt đến mê sảng cùng với các tác dụng khác. Theo nhà thảo dược Elizabeth, John Gerard, tình trạng ngộ độc có vẻ giống như ngộ độc rượu ở chỗ cả hai đều gây ra choáng váng sau đó là ngủ mê man.

Toàn cây có chứa các alkaloid tropane như hyoscyamine, atropine và scopolamine, và hạt chứa một nhóm các alkaloid ít độc hơn. Thiên tiên tử là loài cây yêu thích của những người chế tạo chất độc vào thời Trung cổ.

Mặc dù Thiên tiên tử có độc, nhưng dược tính của nó đã được biết đến trong nhiều thế kỷ. Nó đặc biệt có giá trị trong phẫu thuật vì tác dụng gây mê không thể phủ nhận. Các alkaloid gây ngủ hyoscyamine, scopolamine và atropine có nguồn gốc từ loại cỏ có mùi hôi này.

Tác dụng của Thiên tiên tử

Một nghiên cứu về các tác dụng hạ huyết áp, giảm đau ngực và giãn mạch của chiết xuất thô, các hợp chất có trong Thiên tiên tử là alkaloid, coumarin, flavonoid, sterol, tannin và terpen, gây ra tình trạng giảm huyết áp động mạch (HA) của chuột thí nghiệm được gây mê. Nghiên cứu này chỉ ra rằng Thiên tiên tử làm giảm huyết áp thông qua cơ chế đối kháng Ca(2+).

Một nghiên cứu khác về tác dụng chống lại bệnh Paskinson trên chuột thực nghiệm. Kết quả cho thấy có thể chiết xuất cồn của hạt bảo vệ chống lại bệnh Parkinson nhờ khả năng ức chế monoamine oxidase và khả năng thu dọn gốc hydroxyl của nó.

GS. Đỗ Tất Lợi cho rằng Thiên tiên tử có tác dụng tương tự cà độc dược. Đó là dãn đổng tử, giảm bài tiết (nước bọt…), làm liệt đối với đầu thần kinh tim của các sợi thần kinh điều chỉnh của thần kinh phế vị dẫn đến làm tim đập nhanh. Nó còn gây liệt các trung tâm thần kinh, giảm tính kích thích của vỏ não dẫn đến các tác dụng làm dịu và gây ngủ

Thiên tiên tử bảo vệ chống lại bệnh Parkinson

Cách dùng Thiên tiên tử

Trong Đông Y

Trong các tài liệu Đông y cổ, Thiên tiên tử có tính lạnh, vị đắng. Nó có tác dụng giảm đau, trấn kinh dùng trong những trường hợp đau răng, điên cuồng.

Liều dùng: ngày dùng 1,5-3g. Những trường hợp cơ thể suy nhược, ăn uống kém cấm được dùng. Đau răng thì nhét bột thiên tiên tử vào nơi răng sâu hoặc hun khói sau khi đốt.

Cây được xếp vào nhóm hạ phẩm vì có độc.

Theo Y học hiện đại

Trong Tây y, cả hạt và lá đều được xếp vào thuốc độc bảng A. Thường dùng dưới dạng bột (phải chứa 0,2% alkaloid) với liều 0,1-0,2g cho người lớn, trẻ em dùng mỗi tuổi dùng 5 miligam.

Cồn thiên tiên tử (thuốc độc bảng C) mỗi gam tương đương với 57 giọt. Ngày dùng 1 đến 3 g dưới dạng giọt. Liều tối đa một lần 1 g, trong 24 giờ là 4 g. Cùng những chỉ định như cà độc dược.

Tóm lại, Thiên tiên tử là một loài cây cực độc, được dùng trong dân gian như thuốc chữa đau răng và co giật hoảng sợ quá độ. Liều dùng của Thiên tiên tử là cực kì thấp. Cần hết sức thận trọng khi sử dụng vị thuốc này.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*