Tê giác: đừng thần thánh hóa công dụng của nó

Sừng tê giác mọc ngay ở mũi, gắn vào lớp da dày, thường chỉ có con đực mới có sừng

Sừng Tê giác từ thời xa xưa là vật cống phẩm thượng hạng cho vua chúa triều đình. Đến ngày nay, người ta đồn thổi đây là vị thuốc quý hiếm trị bách bệnh. Do đó, con người đổ xô đi săn bắn và buôn bán sừng Tê giác với giá lên đến hàng tỷ đồng. Việc này khiến cho loài động vật này đang trên bờ vực tuyệt chủng.

Tê giác là gì?

Có các tên gọi khác như Tê giác một sừng, Tê ngưu giác…

Là động vật hoang dã. Có nhiều loài khác nhau trên thế giới.

Tên khoa học là Rhinoceros unicornis L. và Rhinoceros sondaicus Desmarest. Thuộc họ Tê giác Rhinocerotidae.

Sừng Tê giác có tên khoa học là Cornu Rhinoceri.

Mô tả loài Tê giác

Tê giác là loài thú cỡ lớn. Nặng trung bình khoảng 1000 – 2000 kg. Hình dáng nặng nề, cục mịch nhưng chạy nhanh. Thân dài khoảng 3 – 4 m, cao khoảng 1,5 – 1,7 m. Có mình to, đầu thuôn, tai vểnh, mắt nhỏ, khứu giác rất nhạy. Sừng mọc ngay ở mũi, gắn vào lớp da dày. Thường chỉ có con đực mới có sừng (trừ loài Tê giác 2 sừng có thể gặp sừng ở con cái). Chân ngắn, to, có 3 ngón, các ngón có móng guốc. Lớp da dày, cứng. Bề mặt da có nhiều nếp chia thân thành nhiều mảnh. Lông thưa, màu xám sẫm.

 

Sừng tê giác mọc ngay ở mũi, gắn vào lớp da dày, thường chỉ có con đực mới có sừng
Sừng tê giác mọc ngay ở mũi, gắn vào lớp da dày, thường chỉ có con đực mới có sừng

Phân bố sinh thái

Trên thế giới, Tê giác là loài đặc hữu ở Châu Á và Châu Phi. Ở Việt Nam trước đây, người ta thấy xuất hiện ở Lai Châu, Sơn La, vùng Trung Bộ và Nam Bộ. Do nạn săn bắn quá mức nên hiện nay số lượng loài này không còn nhiều. Chỉ bắt gặp lác đác ở Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đồng Nai nhưng cực kỳ hiếm.

Tê giác sống đơn độc ở các khu rừng nhiệt đới rậm rạp, có nhiều tre, nứa, song, móc mây… Loài động vật này thường thích ở cạnh vùng sông suối đặc biệt là các vùng đầm lầy. Thức ăn của loài là các loại măng, tre, lá cây, quả non, cành non. Con đực và con cái chỉ gặp nhau vào mùa sinh sản. Khoảng 3 – 4 năm mới đẻ một lứa. Mỗi lứa chỉ đẻ 1 con.

Bộ phận dùng

Người ta thường săn bắn Tê giác sau đó cưa lấy sừng để sử dụng.

Muốn lấy được sừng, phải tách khoét lớp da dày khỏi xương mũi của nó. Điều này gây đau đớn vô cùng và ảnh hưởng đến khả năng sống còn của con vật.

Thành phần hóa học của sừng Tê giác

Sừng tê giác có chứa calci carbonat, keratin, calci photphat, các acid amin. Dịch chiết từ sừng cho phản ứng alkaloid.

Tác dụng của sừng Tê giác

Theo các tài liệu y học cổ truyền, sừng Tê giác vị mặn, đắng, chua, tính hàn. Quy kinh Tâm, Can, Vị. Tác dụng thanh nhiệt lương huyết, giải độc, trấn kinh. Thời xưa người ta dùng loại sừng này để trị các chứng sốt cao, mê sảng, co giật. Hoặc dùng để trị thổ huyết, nục huyết, ung nhọt, hậu bối.

Cách sử dụng theo sách cổ

Dạng dùng thông thường là mài sừng vào nước nóng đến khi được môt dung dịch trắng như sữa để uống. Hoặc chẻ nhỏ rồi đem sắc chung với các vị thuốc khác.

Lưu ý khi dùng

Phụ nữ có thai hoặc những người không mắc đại nhiệt ôn độc thì không nên sử dụng.

Có nhất thiết phải giết loài Tê giác để lấy sừng trị bệnh?

Công dụng bị thổi phồng

Công dụng chủ yếu của sừng Tê giác theo các sách cổ ghi lại chỉ là thanh nhiệt lương huyết, giải độc trấn kinh. Tức là người xưa chỉ dùng loại sừng này khi bệnh nhân sốt cao, mê man, co giật do trúng phải ôn độc (y học hiện đại gọi là nhiễm virus, vi trùng, ký sinh trùng). Tuy nhiên, do giá trị kinh tế nên tác dụng của sừng động vật được thổi phồng lên một cách thái quá. Nhiều tác dụng được gán ghép không có căn cứ, phản khoa học. Ví dụ như “chữa được ung thư”, “chữa được yếu sinh lý, liệt dương ở nam giới”, “chữa được bá bệnh”…

Con người đã và đang khai thác một cách triệt để loài động vật này. Hiện nay, Tê giác trở thành một loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng. Nó được đưa vào danh sách nguy cấp theo Liên hiệp bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và phụ lục I Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

 

Tê giác bị cưa sừng vô cùng đau đớn và có thể ảnh hưởng đến sự sống còn
Tê giác bị cưa sừng vô cùng đau đớn và có thể ảnh hưởng đến sự sống còn

Có nhiều lựa chọn khác để thay thế

Một nghiên cứu năm 2016 đã chỉ ra rằng, tác dụng của sừng Tê giác có thể thay thế bằng loại sừng khác. Hoạt chất Keratin và các acid amin trong sừng có thể hạ được cơn sốt cao, an thần, giảm co giật trên thỏ. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy sừng của loài trâu nước Bubali Cornu cũng chứa các keratin và acid amin tương tự. Nó cũng mang lại tác dụng và hiệu quả giống như sừng Tê giác. Do đó, nếu như bắt buộc phải sử dụng đến sừng động vật để điều trị, có thể dùng sừng trâu thay thế cho sừng Tê giác.

Trong y học cổ truyền, có rất nhiều vị thuốc mang tác dụng thanh nhiệt lương huyết, giải độc trấn kinh. Mà các vị thuốc này đều có nguồn gốc từ các thảo dược thiên nhiên quanh ta. Y học hiện đại cũng có rất nhiều loại thuốc có tác dụng hạ sốt và an thần mà giá thành lại rẻ như Acetaminophen, nhóm thuốc Benzodiazepine… Không nhất thiết phải làm tổn thương thể xác cho các loài động vật và tận diệt các loài động vật hoang dã quý hiếm để làm thuốc trị bệnh cho con người.

Tóm lại, sừng Tê giác có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, trấn kinh giải độc. Không có tác dụng tăng cường sinh lý và điều trị liệt dương. Không có bằng chứng nào chứng minh có thể điều trị ung thư hay điều trị bách bệnh như những lời đồn thổi. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*