Tam thất nam: không nên nhầm lẫn với vị thuốc Tam thất bắc

Toàn cây Tam thất nam

Trong nhân dân hay quảng bá rầm rộ rằng củ Tam thất là một thần dược. Người ta gọi nó là sâm và dùng thay thế cho Nhân sâm trong bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, Tam thất có 2 loại là Tam thất bắc và Tam thất nam. Tam thất bắc thuộc cùng họ với Nhân sâm, có một số tác dụng tương tự Nhân sâm. Còn Tam thất nam lại có những công dụng hoàn toàn khác. 

Tam thất nam là gì?

Còn có tên gọi khác là Tam thất gừng, Khương tam thất.

Tên khoa học là Stahlianthus thorelii Gagnep. Thuộc họ Gừng (Zingiberaceae).

Trong dân gian cũng gọi một loại cây khác là Tam thất nam nữa đó là Ngải máu (hay là Cẩm địa la). Cũng thuộc họ Gừng. Tên khoa học là Kaempferia rotunda L.  Loại dược liệu này sẽ được trình bày ở bài viết khác.

 

Toàn cây Tam thất nam
Toàn cây Tam thất nam

Mô tả

Là một loài cây thân thảo, cao 10-20 cm. Lá mọc thẳng từ thân rễ sau khi cây ra hoa. Lá có cuống dài, bẹ lá phát triển. Khoảng 3-5 lá áp sát nhau tạo thành một thân giả trên mặt đất. Phiến lá hình mác thuôn dài, đầu nhọn, mép lá không có răng cưa. Lá có màu lục hoặc pha màu nâu tím. Thân rễ phân thành nhiều nhánh, mang nhiều củ nhỏ. Các củ này nhỏ như quả trứng chim, xếp thành chuỗi, có nhiều ngấn ngang. Trên bề mặt có nhiều rễ con dạng sợi chỉ.

 

Lá có màu lục hoặc pha màu nâu tím
Lá có màu lục hoặc pha màu nâu tím

Cụm hoa mọc ở gốc cây. Có một lá bắc hình ống dài khoảng 3 cm, thắt lại ở đầu rồi phân thành 2 thùy rộng chứa hoa. Hoa có màu trắng họng vàng. Lá bắc và các lá bắc con dạng màng. Đài hình ống nhăn, có 3 răng. Tràng cũng hình ống, có thùy thuôn. Thùy sau có mũi nhọn, ngắn.  Nhị không có chỉ nhị. Nhị lép dạng cánh. Cánh môi lõm, chia 2 thùy. Bầu nhẵn, 3 ô.

 

Cụm hoa mọc ở gốc cây
Cụm hoa mọc ở gốc cây
 

Hoa có màu trắng họng vàng
Hoa có màu trắng họng vàng

Cần phân biệt củ của Tam thất nam và Tam thất bắc vì 2 dược liệu này mang các tác dụng khác nhau. Củ của Tam thất nam bằng quả trứng chim. Vỏ nhẵn, cứng, có màu trắng xám. Bên trong lõi củ có màu trắng ngà. Còn Tam thất bắc có củ màu vàng nâu. Bề mặt củ sần sùi, có nhiều vết sẹo và u nhỏ lồi ra. Lõi củ có màu vàng xám hoặc xám đen. Phần vỏ và phần lõi có đường phân tách rõ ràng.

 

Lõi Tam thất bắc có phân tách rõ ràng
Lõi cây có phân tách rõ ràng
 

Tam thất nam có vỏ nhẵn, màu trắng xám
Tam thất nam có vỏ nhẵn, màu trắng xám

Phân bố sinh thái

Phân bố ở Trung Quốc, Lào, Việt Nam. Ở Việt Nam, người ta thấy mọc hoang ở An Giang và các tỉnh Tây Nguyên. Loài cây này cũng được trồng rải rác ở các tỉnh đồng bằng trung du Bắc Bộ.

Tam thất nam thuộc loại cây ưa ẩm, hơi chịu bóng. Mọc tự nhiên ở ven bờ suối, ao hồ, khe đá. Cây sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện trồng xen với các loại cây khác. Phần trên mặt đất của cây lụi tàn vào mùa đông hằng năm. Đến khoảng tháng 3 năm sau, cây ra hoa sau đó mới ra lá. Ít gặp quả của loại cây này. Thân rễ của nó có tốc độ đẻ nhánh khỏe. Sau 1 năm, từ một củ con ban đầu có thể đẻ thành một khóm lớn khoảng 10 nhánh. Tuy nhiên các củ cái ban đầu nếu không được thu hoạch thì sau 2-3 năm sẽ thối rữa.

Thành phần hóa học

Thorechalcone A, Flavonoid, Propenone, Crotepoxid, Desoxytingtanoxide, Methoxybenzoyl benzoat, Acid Sandaracopimaric.

Tác dụng của Tam thất nam

Theo y học cổ truyền, Tam thất nam có vị cay, đắng, mùi hắc, tính ôn. Khác với Tam thất bắc có vị tiền khổ hậu cam, tức là trước đắng sau ngọt. Các y văn cổ có đề cập đến tác dụng thông kinh, hoạt huyết, tán ứ, tiêu thũng, chỉ thống. Dân gian thường sử dụng vị thuốc này để trị các chứng tiêu hóa kém, nôn mửa, tiêu chảy, đau nhức xương khớp, đau bụng hành kinh.

Cho đến hiện tại, chỉ mới có duy nhất một nghiên cứu khoa học về tác dụng của Tam thất nam được công bố. Nghiên cứu chỉ ra rằng một số hoạt chất có trong dược liệu có khả năng giảm kích thước khối u. Khả năng gây độc các tế bào ung thư hiện đang là tiềm năng đầy hứa hẹn đồi với các hoạt chất này.

Chưa có nhiều bằng chứng về tác dụng của dược liệu này. Hiện nay việc sử dụng cây chủ yếu vẫn dựa trên kinh nghiệm.

Cách sử dụng Tam thất nam

Bộ phận dùng của Tam thất nam

Thân rễ

Thu hái và chế biến

Vào mùa đông – xuân, thu hái những củ già trước. Bỏ rễ con, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.

Liều dùng vị thuốc Tam thất nam

6-10 g, dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc xay thành bột mịn hoặc ngâm rượu.

Lưu ý khi sử dụng

Đây là một vị thuốc hoạt huyết tán ứ nên tránh dùng trên phụ nữ có thai.

Tóm lại, Tam thất nam không giống Tam thất bắc. Tác dụng chủ yếu của nó là hoạt huyết và tán ứ. Không có tác dụng tăng cường sức khỏe như Tam thất bắc. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*