Tai chua: loại trái chua làm thuốc và gia vị

Quả Tai chua

Đối với những người ngoài miền Bắc, bên cạnh me, chanh, hay quả sấu, thì Tai chua cũng là một loại gia vị tạo vị chua quen thuộc. Những nồi canh chua, những nồi cá kho,… chỉ cần thêm vài tai nhỏ, sẽ có vị chua đậm đà. Tuy nhiên, không chỉ có công dụng làm gia vị, Tai chua còn là một vị thuốc. 

Tai chua là gì?

Tai chua có tên khoa học Garcinia cowa Roxb. ex Choisy, thuộc họ Măng cụt (Clusiaceae). Ngoài ra còn có một loại Tai chua khác hay còn gọi là Bứa cọng, tên khoa học Garcinia pedunculata Roxb.

Đặc điểm thực vật

Tai chua là loại cây thân gỗ nhiều năm. Cây trưởng thành cao tới khoảng 15 – 16m hoặc hơn. Vỏ cây màu xám đen. Thân cây mọc thẳng, cành nhiều, đâm ngang, đầu cành hơi rủ.

Lá cây hình trứng ngược. Nó có kích thước khá lớn với chiều rộng 3 – 5cm, dài 6 – 12cm. Lá thuộc dạng lá đơn, mọc đối nhau, màu xanh lục. Gân lá xếp song song, các gân phụ nối liền nhau ở mép lá. Cuống lá ngắn.

Hoa thuộc dạng lưỡng tính đơn độc, mọc tụ thành cụm 2 – 3 hoa ở nách lá, gần như không có cuống. Bầu trên có 6-9 ô với đầu nhụy xẻ 4-8 thùy. Cụm hoa đực gồm 3 – 8 hoa. Hoa có 4 đài, tràng hoa 4 cánh, nhị xếp thành nhiều khối, chỉ nhị hoa ngắn.

Quả tai chua to, tròn như trái ổi. Nhưng nó bẹp hơn, chia thành 4 – 8 múi. Vỏ quả dày, bên trong màu đỏ, bên ngoài màu xanh khi còn non và màu vàng khi chín. Thịt quả màu trắng hay hồng. Mỗi trái có 6 – 10 hạt. Cây ra hoa vào khoảng tháng 3 – 4, ra quả tháng 7 – 8.

Quả Tai chua
Quả Tai chua khi còn trên cây

Phân bố

Trên thế giới, cây mọc ở Ấn Độ, miền Nam Thái Lan, mọc hoang ở ven rừng các nước Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, cây đa phần tập trung ở miền Bắc Việt Nam, như các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội,…

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận dùng:  vỏ quả, thân, lá, nhựa

Thu hái: Các bộ phận thân, lá, nhựa có thể thu hái quanh năm. Quả và vỏ quả hái khi quả đã chín vàng.

Chế biến: Các bộ phận khi lấy về đem rửa sạch. Quả bỏ hạt, thái vỏ ra thành những miếng mỏng rồi phơi sấy khô. Quả gặp nắng phơi khô chỉ khoảng 2 – 3 ngày là đã ngả sang màu cánh gián.

Bảo quản: Cần cất giữ dược liệu nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nơi ẩm thấp làm hư mốc thuốc. Có thể cất giữ Tai chua khô trong bịch ni lông hay hũ kín dùng dần.

Tai chua khô
Tai chua khô

Tác dụng của Tai chua

Thành phần hóa học trong dược liệu

Dựa trên các nghiên cứu từ trước đến nay trên Tai chua, người ta đã xác định trong dược liệu này chứa:

  • 50 hợp chất xanthone
  • 12 hợp chất flavonoid
  • 18 hợp chất phloroglucinol
  • Ngoài ra còn một số hợp chất khác như: terpene, steroid, depsidone, benzoquinone,…

Tác dụng dược lý của dược liệu

Kết quả khảo sát hoạt tính sinh học của các hợp chất từ cây Tai chua cho thấy các hợp chất phân lập được thể hiện nhiều hoạt tính sinh học phong phú như:

  • Hoạt tính gây độc tế bào
  • Hoạt tính kháng khuẩn: đối với các chủng: Bacillus cereus, MSSA, MRSA, Streptococcus viridans, Streptococcus pyogenes, Helicobacter pylori,…
  • Hoạt tính kháng viêm
  • Hoạt tính chống oxy hóa
  • Đáng chú ý nhất của các xanthone là hoạt tính gây độc trên nhiều dòng tế bào ung thư

Tác dụng của Tai chua theo Y học cổ truyền

Theo kinh nghiệm của dân gian:

  • Thân, lá, nhựa cây có vị hơi đắng, chát, có độc nhẹ, có tác dụng sát trùng
  • Vỏ quả vị chua, tính mát, thường được dùng nấu canh chua hoặc sắc nước uống để chữa sốt, khát nước
  • Gôm, nhựa chữa dỉa chui vào khoang mũi

Cách dùng Tai chua

Liều lượng 6 – 10g/1 ngày. Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, gia vị nấu ăn, dùng độc vị hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Một số món ăn bài thuốc từ Tai chua

Tai chua được dùng để nấu một số món ăn như canh chua, cá kho, nước rau muống luộc,… ăn giúp thanh nhiệt, giải khát vào những ngày hè nóng bức.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*