Sở dĩ có cái tên Sâm đại hành do trong dân gian, người ta thường hay gọi những cây thuốc có tính bổ, nhiều công dụng là sâm, phần thân của cây lại phình ra trông khá giống củ hành, nên được gọi là Sâm đại hành. Sâm đại hành (Bulbus Eleutherinis subaphyllae) còn có nhiều tên gọi khá gần gũi khác như: Tỏi lào, Hành lào, Tỏi đỏ, Kiệu đỏ… Vị thuốc này khá dễ trồng, dễ dàng nhìn thấy trong các vườn cây gia đình hay các vườn thuốc Nam.
1. Tổng quan về cây Sâm đại hành
1.1. Mô tả
Đây là cây thảo, sống lâu năm. Chiều cao khoảng 30 – 60cm.
Lá hình mũi mác dài, trên lá có những gân lá chạy song song. Lá tập trung nhiều về phía gốc cây.
Thân cây phình ra thành những củ giống củ hành, nhưng màu đậm hơn và dài hơn, bên ngoài có vảy màu đỏ nâu. Củ Sâm đại hành dài khoảng 4 – 5cm, đường kính 2 – 3cm, khi cắt ra có màu đỏ nhạt với vòng tròn đồng tâm màu trắng.
Hoa của cây mọc thành từng chùm với 3 cánh hoa màu trắng hoặc vàng nhạt. Hoa có 3 lá đài, 3 nhị màu vàng.
Cây mọc theo hình thức tái sinh và đẻ nhánh con. Người ta có thể sử dụng nhánh con đó để trồng lên cây mới.
1.2. Nguồn gốc và phân bố
Nguồn gốc: Cây có nguồn gốc từ châu Mỹ.
Phân bố: Đây là loại cây ưa đất ẩm, ưa ánh sáng. Hiện nay, cây được trồng nhiều tại một số nước nhiệt đới thuộc châu Á. Ở nước ta, cây được thấy nhiều tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Hòa Bình.
1.3. Bộ phận dùng
Chủ yếu là rễ và thân củ.
1.4. Thu hái, chế biến
Cây phát triển từ 1 đến 2 năm. Vào mùa đông, khi thân cây tàn lụi, người ta đào lấy củ về, bỏ những lớp ngoài rồi rửa sạch. Bóc tách những lớp bên trong ra, thái dọc, phơi sấy khô để dùng làm thuốc.
2. Thành phần hóa học trong cây
Trong cây Sâm đại hành có chứa các hoạt chất chính là Eleutherin, Isoeleutherin, Eleutherol và một số hoạt chất khác.
Các hoạt chất này có tác dụng trên một số loài vi khuẩn như Staphyllococcus aureus, Streptococcus hemolyticus, Diplococcus pneumonia…
3. Công dụng của vị thuốc Sâm đại hành
Sâm đại hành là một vị thuốc có vị ngọt, tính hơi ấm với rất nhiều công dụng:
- Chữa thiếu máu, vàng da, hoa mắt, choáng váng, nhức đầu, mệt mỏi.
- Chữa băng huyết, điều hòa kinh nguyệt.
- Ho ra máu.
- Sang thương ứ huyết (giã tươi đắp).
- Ho gà, ho lao.
- Viêm họng, viêm amidan, viêm đường hô hấp, hen suyễn, viêm phế quản…
- Lợi tiểu.
- An thần, chữa mất ngủ, stress…
- Điều trị các bệnh viêm trực tràng, rối loạn tiêu hóa.
- Chữa các vết thương do côn trùng cắn và những bệnh ngoài da như tổ đỉa, á sừng, vảy nến.
- Chữa các bệnh phong thấp, đau nhức xương khớp.
4. Cách dùng và liều lượng
Cách dùng: Vị thuốc này có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, chế thành viên, nấu cao, ngâm rượu hoặc dùng làm thuốc đắp ngoài.
Liều lượng: 4 – 12 g/ngày (có thể dùng tươi hay khô).
5. Một số bài thuốc từ Sâm đại hành
5.1. Bài thuốc chữa viêm họng, viêm phổi, sưng amidan
Sâm đại hành 3g, vỏ rễ Cau, Cỏ nhọ nồi, Sài đất, Bách bộ, Mạch môn, mỗi vị 12g. Sắc uống.
5.2. Bài thuốc chữa mụn nhọt sưng tấy
Sâm đại hành 4g, bông Trang, Đơn tướng quân, Bồ công anh, Sài đất, mỗi vị 16g. Sắc uống.
5.3. Rượu bổ huyết trị tê thấp
Sâm đại hành, Cốt toái bổ, Đương quy, Bạch chỉ, Cẩu tích, Độc hoạt, mỗi vị 50g, ngâm với 2 lít rượu. Uống dần.
5.4. Bài thuốc chữa mất ngủ, thiếu máu
Dùng 30g Sâm đại hành sắc chung với 14g Lạc tiên rồi lấy nước uống. Ngoài ra có thế nấu cao dùng dần.
5.5. Bài thuốc chữa thiếu máu, sa trực tràng
Đảng sâm 15g, Xuyên khung 6g, Hoàng kỳ 15g, Sâm đại hành 15g. Sắc uống.
6. Lưu ý khi dùng thuốc
Sâm đại hành có thể gây dị ứng. Những trường hợp cơ thể máu nóng hay lở ngứa không dùng.
Để lại một phản hồi