Sa sâm: Công dụng của loài sâm quý mọc lên từ cát

Cây sa sâm nam

Sa sâm có 2 loại, tuy nhiên chúng đều có công dụng giống nhau. Sa sâm có công dụng: Chữa phế nóng ho khan, ho lâu ngày, lao phổi đờm có máu. 

1. Mô tả và phân bố

Sa sâm là tên gọi chung của 2 loại dược liệu là Sa sâm bắc (tên khoa học: Glehnia littoralis F. Schmidt ex Miq. Họ Hoa tán (Apiaceae)) và Sa sâm nam (Tên khoa học: Launaea sarmentosa (Willd.) Alston – Prenanthes sarmentosa Willd, Họ: Cúc (Asteraceae)). Sự phân loại này là do sự phân bố tự nhiên của các loài cây này.

1.1. Sa sâm nam

Chỉ thấy phân bố ở vùng ven biển và các đảo lớn, từ Quảng Ninh, Hải Phòng vào đến Đồng Nai. Cây cũng phân bố ở vùng ven biển phía nam Trung Quốc (Đảo Hải Nam), Ấn Độ, Ai Cập và một số nơi ở châu Phi.

Toàn bộ phần rễ và gốc sẽ mọc lên chồi mới vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè năm sau. Cây ưa sáng, chịu được mặn, thường mọc trên bãi cát ven biển, thành từng đám hoặc rải rác thành khóm riêng rẽ lẫn với một số loài cây thảo khác như muống biển, cỏ chông, dừa cạn, củ gấu biển… Cây ra hoa quả hàng năm; quả có túm lông thuận lợi cho việc phát tán nhờ gió.

Cây sa sâm nam
Cây Sa sâm nam

1.2. Sa sâm bắc

Có nguồn gốc ở vùng Đông Á, được trồng khá phổ biến ở Trung Quốc và Nhật Bản. Cây được nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam từ đầu những năm 60. Cây trồng ở Trại cây thuốc Sa Pa (Viện Dược liệu) đã thích nghi và ra hoa kết quả; hạt già rơi xuống đất dã nảy mầm một cách tự nhiên. Tuy nhiên, do chưa chú trọng nghiên cứu phát triển, nên gần đây cây đã bị mất giống.

Cây sa sâm bắc
Cây Sa sâm bắc

2. Bào chế

Thu hoạch vào mùa hè hoặc mùa thu, đào lấy rễ, cất bỏ thân cây và rễ con, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô hoặc phơi đến se, nhúng vào nước sôi, bỏ lớp vỏ ngoài, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng loại bỏ tạp chất và phần thân còn sót lại, ủ hơi mềm, cắt thành đoạn.

3. Thành phần hoá học

Rễ sa sâm bắc chứa tinh dầu, acid triterpenic, alcaloid – carboline, phenylpropanoids, axit phenolic, polyacetylen và axit béo. Quả chứa phelopterin, dầu béo, acid, petroselinic. Quả tươi chứa imperatorin.

Rễ của sa sâm nam cho thấy chứa alkaloids, axit amin, carbohydrate, glycoside, tannin và steroid.

4. Tác dụng dược lý

Polysacarit từ sa sâm bắc thể hiện hành động chống ung thư mạnh mẽ thông qua việc ức chế sự di chuyển, tăng sinh và gây ra sự chết tế bào của tế bào ung thư phổi.

Những nghiên cứu về tác dụng dược lý của sa sâm bắc và sa sâm nam còn rất ít.

5. Công dụng và liều dùng

5.1. Sa sâm bắc

Sa sâm bắc có vị ngọt, hơi đắng, tính hơi lạnh, vào 2 kinh phế, vị, có tác dụng dưỡng âm, làm mát Phế, bổ Vị, giảm khô nóng, long đờm.

Công dụng: được dùng chữa phế ho khan khô nóng, ho lâu ngày, lao phổi đờm có máu. Liều dùng: Ngày 12 – 20g, dưới dạng nước sắc, cao hoặc viên hoàn.

5.2. Sa sâm nam

Sa sâm nam có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính mát, vào kinh phế, có tác dụng bổ, mát phổi, giảm ho, long đờm, lợi sữa, nhuận tràng, lợi tiểu.

Công dụng: Lá sa sâm nam được dùng làm rau ăn sống như rau xà lách hoặc nấu canh. Toàn cây để tươi được dùng làm thuốc lợi sữa cho người và trâu bò. Ngày 20 – 30g. Toàn cây hoặc lá, giã nát đắp chữa đau khớp phồng rộp do chạm phải con sứa khi tắm biển. Rễ cây phơi khô sao vàng chữa sốt, khô nóng phổi, ho khan, ho có đờm. Ngày 15 – 20g , sắc uống. Để nhuận tràng, lợi tiểu, có thể dùng rễ dạng sống, không phải sao.

6. Bài thuốc kinh nghiệm

6.1. Trị lao phổi, viêm phế quản mạn tính, ho do phế táo

Phối hợp với Mạch môn đông, Tang diệp. Dùng bài Sa sâm Mạch môn đông ẩm (Ôn bệnh điều biện): Sa sâm 12g, Mạch môn đông 9g, Ngọc trúc 12g, Sinh Biển đậu 8g, Tang diệp 8g, Hoa phấn 8g, Cam thảo 4g, sắc uống. Nếu ho lâu ngày gia Địa cốt bì 6g.

6.2. Trị bệnh viêm nhiễm thời kỳ hồi phục

Có triệu chứng khô nhiều như: họng khô, miệng khát, tiêu bón, thường phối hợp với Mạch môn, Sinh địa. Dùng bài Ích vị thang (Ôn bệnh điều biện): Sa sâm 16g, Sinh địa 20g, Mạch môn 12g, Ngọc trúc 12g, cho thêm đường phèn 20g, sắc uống.

6.3. Trị ngứa ngoài da

Thường phối hợp với Mạch môn, Ngọc trúc. Trên lâm sàng có một số kết quả nhất định, chứng ngứa do huyết khô gây nên.

7. Kiêng kỵ

  • Không phải âm hư phổi táo, ho thuộc hàn thì không nên dùng.
  • Không dùng Sa sâm cùng với Lê lô.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*