Rau bợ: vị thuốc từ một loài cỏ dại

Lá Rau bợ xếp như hình chữ điền

Rau bợ hay còn gọi là Cỏ bợ, là một loài cỏ dại, mọc hoang khắp các nơi ruộng nước, bờ đất ẩm. Dược liệu trong dân gian vốn là như vậy, có rất nhiều vị thuốc quý đến từ những loài cây hoang dại. Như cây Rau bợ này, thứ rau cỏ bé dại nơi ruộng nước, ven bờ, không ai chú ý tới. Nhưng nó có một sức sống vô cùng mãnh liệt, Và hơn cả, đây là một vị thuốc có rất nhiều công dụng. Điều này rõ ràng không mấy người biết tới. 

Rau bợ là gì?

Nó còn có những cái tên khác như: Cỏ bợ, Rau bợ nước, Tứ diệp thảo, Điền tự thảo, Cỏ chữ điền,…

Tên khoa học của dược liệu là Marsilea quadrifolia L., thuôc họ Tần (Marsileaceae).

Đặc điểm thực vật

Rau bợ là loại cây thân thảo, thuộc loại bán thủy sinh. Cây cao khoảng 15 – 20cm. Nó có thân rễ bò dưới bùn đất. Thân mảnh, nhỏ, mềm yếu, chia thành nhiều mấu. Mỗi mấu mang rễ và 2 lá có cuống dài. Cuống lá dài 7 – 10cm. Lá có 4 thùy chéo, lá chét hình tam giác, xếp thành chữ thập (do đó nó còn có tên “Cỏ chữ điền”). Bào tử quả là cơ quan mang bào tử, mọc 2 – 3 cái một ở gốc các cuống lá. Các bào tử quả này có lông dày. Cây ra hoa và quả vào khoảng tháng 5 – 6 hàng năm.

 

Lá Rau bợ xếp như hình chữ điền
Lá Rau bợ xếp như hình chữ điền

Phân bố

Cây có nguồn gốc và phân bố nhiều ở những nước có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới như Đông Nam Á, Nam Á,…

Ở nước ta, cây tập trung nhiều ở các vùng đồng bằng và trung du. Đây là loại cây ưa ánh sáng, hay mọc hoang ở những ruộng nước, ao, mương, hồ, đầm lầy, những nơi đất ẩm thấp có nước,…

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận dùng: Sử dụng toàn cây

Thu hái, chế biến: Thu hái quanh năm. Có thể dùng tươi nấu canh, làm rau sống ăn hoặc phơi khô để dùng dần.

Bảo quản: cất giữ thuốc nơi khô ráo, thoáng mát, tránh những nơi ẩm ướt.

Tác dụng của Rau bợ

Thành phần hóa học trong dược liệu

Theo nghiên cứu, trông Rau bợ chứa 84,2% nước, 4,6% Protid, 1,6% Glucid, 0,72mg% Caroten, 76 mg% Vitamin C. Ngoài ra, còn có Cyclaudenol, carbohydrat, các acid hữu cơ, acid amin, caroten, vitamin,…

Tác dụng của Rau bợ theo Y học cổ truyền

Rau bợ có vị ngọt, hơi đắng, tính mát. Có tác dụng:

  • Thanh nhiệt, tiêu độc, hạ sốt
  • Lợi tiểu, tiêu sưng phù
  • Làm nhu nhuận gan
  • Giúp sáng mắt
  • Giúp trấn tĩnh tinh thần
  • Chữa sốt cao vật vã
  • Chữa viêm thận phù chân
  • Trị sưng đau lợi răng
  • Trị sưng vú, tắc tia sữa.
  • Chữa thổ huyết, tiểu ra máu
  • Trị sỏi thận, sỏi bàng quang
  • Trị đái tháo đường
 

Rau bợ có thể chữa tắc tia sữa
Rau bợ có thể chữa tắc tia sữa

Cách dùng Rau bợ

Ngày dùng 20 – 30g cây tươi hoặc đem phơi khô, sao vàng, sắc nước hoặc pha trà uống. Có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Cũng có thể dùng dưới dạng làm rau ăn sống, nấu canh.

Một số bài thuốc từ Rau bợ

Bài thuốc chữa đái tháo đường

Rau bợ khô 15g, Thiên hoa phấn 15g. Tất cả đem sấy khô, tán nhỏ, hòa với sữa uống.

Bài thuốc trị sỏi thận, sỏi bàng quang

Rau bợ tươi giã nát, thêm nước, gạn lấy nước trong đem uống lúc sáng sớm. Mỗi lần uống 250ml trong 5 ngày liên tiếp. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với búp non Dứa dại 20g, Ngải cứu 10g, Phèn đen 10g.

Bài thuốc chữa bí tiểu, tiểu nóng đau tức bàng quang

Lấy 500g Rau bợ tươi, phơi ở nơi thoáng mát để khô tự nhiên. Ngày dùng 10 – 15g cây khô sắc với 1 lít nước cho đến khi còn 250ml, chia uống 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 giờ. Sau 2 – 3 ngày nếu đã khỏi, số rau Bợ còn lại cứ cách 2 ngày lại sắc một lần uống đến khi hết.

Bài thuốc chữa chứng tắc tia sữa ở phụ nữ sau sinh

Lấy 15 – 20g Rau bợ khô sắc với 1 lít nước, sắc còn 250ml, chai làm 2 lần uống trong ngày. Mỗi lần uống cách nhau 4 giờ. Chỗ bã còn nóng dùng vải bọc lại, chườm xuôi từ phía trên vú xuống.

Bài viết hôm nay hi vọng đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn khác về Rau bợ (hay cỏ bợ). Hi vọng mọi người biết được thêm về đặc điểm, công dụng của một loại cây cỏ tưởng chừng chỉ là cỏ dại.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*