Ô rô nước: Công dụng, cách dùng, những điều cần biết

Hoa và lá Ô rô nước

Ô rô nước là loại cây mọc ở vùng ven sông, vùng biển nước lợ, ở dọc bờ biển nước ta. Trong dân gian, Ô rô nước thường được dùng làm thuốc trị đau lưng nhức mỏi, tê bại, ho đờm, hen suyễn. 

1. Mô tả

Ô rô nước còn có tên gọi khác là Ô rô to, Ô rô gai, Lão thử cân. Tên khoa học là Acanthus ilicifolius L., thuộc họ Ô rô (Acanthaceae).

1.1. Cây Ô rô nước

Cây thân thảo cao 0,5 – 1,5m, thân tròn màu xanh, có nhiều rãnh dọc. Lá mọc đối, sát thân, hầu như không cuống, phiến cứng, mép lượn sóng, có răng cưa không đều và có gai nhọn. Hoa màu xanh lam hay trắng, xếp 4 dãy thành bông.

Hoa và lá Ô rô nước
Hoa và lá Ô rô nước

Quả nang dạng bầu dục, màu nâu bóng, có 4 hạt dẹp, có vỏ trắng và xốp. Mùa hoa quả tháng 10 – 11.

1.2. Phân bố

Loài này phân bố từ Ấn Ðộ qua Thái Lan, Việt Nam, Nam Trung Quốc (Hải Nam) đến Malaysia, Indonesia. Chúng thường mọc tại các bãi nước lợ, bãi biển, cửa sông và hai bên bờ sông gần biển khắp nước ta. Có khi bắt gặp chúng mọc ven sông suối ở Hoà Bình, Ninh Bình. Gốc rễ ngập trong nước. 

2. Thu hái và bào chế

Ô rô nước được dùng toàn cây hoặc dùng riêng từng bộ phận lá, rễ. Thu hái các bộ phận của cây quanh năm, phơi khô. Rễ lấy về, rửa sạch thái phiến, phơi khô để dùng.

3. Thành phần hoá học

Từ lá của cây, 5 hợp chất đã được phân lập và cấu trúc của chúng được xác định là blepharin, acteoside, isoverbascoside, daucosterol và 3-O-D-glucopyranosyl-stigmasterol.

Một số tài liệu khác cho rằng trong cây có chứa alcaloid, trong rễ có tanin. Từ năm 1981, người ta đã tách được từ rễ một triterpenoidal saponin.

Hình dạng quả của cây Ô rô nước
Hình dạng quả của cây Ô rô nước

4. Tác dụng cây Ô rô nước

Những hợp chất được phân lập từ lá Ô rô nước thể hiện các hoạt động chống virus cúm.

Chiết xuất rượu liều cao Ô rô nước có tác dụng bảo vệ rõ ràng đối với chức năng gan và mô gan. Tuy nhiên, nghiên cứu hiện tại cho thấy Ô rô nước không thể ức chế sự nhân lên của virus viêm gan B ở vịt.

Chất chiết xuất từ ​​lá cây có thể thể hiện các hoạt động chống loét và chống viêm trong bệnh dạ dày.

Nghiên cứu chỉ ra rằng alkaloid A [4-hydroxy-2-benzoxazolone, 4-acetoxy-2-benzoxazolone và 3-acetyl-4- acetoxy-2-benzoxazolone có tác dụng có lợi đối với bệnh xơ gan và các cơ chế có thể liên quan đến việc ức chế phản ứng viêm.

5. Công dụng và liều dùng

Ô rô nước có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm và làm long đờm. Cây có vị hơi mặn, tính mát, có tác dụng làm tan máu ứ, tiêu sưng, giảm đau, tiêu đờm.

Toàn cây thường dùng trị đau lưng nhức mỏi, tê bại, ho đờm, hen suyễn. Rễ và lá còn được dùng trị phù, tiểu buốt, tiểu dắt, chữa thấp khớp. Nhân dân Cà Mau vẫn dùng nước nấu của đọt Ô Rô với vỏ quả lá Quao để trị đau gan. Lá và rễ cũng được dùng để ăn trầu, đánh cho nước trong và cũng dùng chữa bệnh đường ruột.

Ô rô nước được dùng để chữa đau lưng
Ô rô nước được dùng để chữa đau lưng

Ở Trung Quốc, rễ được dùng trị bệnh gan, gan lách sưng to, hen suyễn, đau dạ dày.

Liều dùng: 30 – 60g.

6. Bài thuốc kinh nghiệm

6.1. Long đờm

Ô rô 30 – 120g, thịt lợn nạc 60 – 120g, nấu trong 500g nước trong 6 giờ cho tới khi còn 1 chén, dùng uống 2 lần trong ngày.

6.2. Gan lách sưng to

Ô rô nước 30g, thóc lép 12g, Liên kiều 15g, nấu nước uống.

6.3. Tràng nhạc và bệnh hạch bạch huyết

Ô rô 30g, thóc lép 13g, Mỏ quạ 19g, sắc uống.

Ô rô nước là cây thuốc có tác dụng kháng viêm, dùng được trong các bệnh viêm dạ dày và đường ruột, viêm gan hoặc đau nhức xương khớp. Những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Khi muốn sử dụng thuốc, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*