Nấm ngọc cẩu: Có thật là “thần dược” cho phái mạnh?

Dược liệu Nấm ngọc cẩu

Lịch sử dược liệu đã kéo dài hàng ngàn năm. Trong dòng chảy ấy, ngoài việc thừa kế những giá trị có sẵn, thì càng ngày con người càng khám phá ra thêm nhiều dược liệu mới phục vụ cho sức khỏe chúng ta. Và món dược liệu người viết muốn giới thiệu hôm nay là Nấm ngọc cẩu. Sở dĩ nó có cái tên này do hình dáng khá giống bộ phận sinh dục của con chó. Qua đó cũng phần nào nói lên được công dụng của vị thuốc này. Tuy nhiên, liệu công dụng của nó có thật sự thần kì như lời người ta vẫn đồn thổi? 

Nấm ngọc cẩu là gì?

Nấm ngọc cẩu có tên khoa học Cynomorium songaricum Rupr., thuộc họ Gió đất (Balanophoraceae). Ngoài tên Nấm ngọc cẩu, nó còn được gọi bằng những tên khác như: Gió đất, Cẩu pín, Xà cô, Địa mao cầu, Tỏa dương,…

Đặc điểm thực vật

Nấm ngọc cẩu là loại thực vật kí sinh trên rễ của những cây gỗ lớn, mọc trong các khu rừng ẩm thấp. Nhìn hình dáng nó tựa như một cây nấm, nên người ta gọi là Nấm ngọc cẩu. Nhưng thật ra loại cây này không phải là nấm. Cây thoái hóa thành dạng củ, thường gồm nhiều thùy, cao tầm 10 – 20 cm.

Cây không có lá, mọc thành từng đám, màu đỏ nâu sẫm. Hoa đơn tính, mọc khác gốc. Được cấu tạo nên bởi một cán hoa lớn. Trên cán mang hoa dày đặc. Cán nạc và mềm, sần sùi, nhiều hình sáng, có mô bao bọc. Thân cây màu đỏ sẫm, được bao bọc bằng mo màu tím. Cây có mùi hôi đặc trưng.

Cụm hoa đực dài, hình trụ, dài 10 – 15cm, cụt đầu. Cụm hoa cái hình đầu, ngắn. Cụm này không có bao hoa mà chỉ là những khối hình trứng, có chân, dài tầm 3cm. Mùa hoa kéo dài từ tháng 10 – tháng 2.

Dược liệu Nấm ngọc cẩu
Ngọc cẩu có hình dáng như một cây nấm nhưng thật ra loại cây này không phải là nấm

Phân loại

Dựa vào hình dáng, người ta chia Nấm ngọc cẩu thành đực và cái. Dựa vào màu sắc, người ta chia thành loại nấm ruột vàng, ruột đỏ tím.

Phân bố

Dược liệu này chủ yếu phát triển tốt ở những khu vực rừng sâu ẩm thấp, có độ cao trên 1500m, hầu hết phải là những nơi có khí hậu lạnh.

Trên thế giới, loại nấm này mọc nhiều ở Trung Quốc. Đặc biệt là khu vực Nội Mông, Tây Tạng.

Tại Việt Nam, cây được tìm thấy trên các dãy núi cao như Tây Côn Lĩnh, Hoàng Liên Sơn, các khu vực Tam Đảo, Sapa, Ba Vì, Hòa Bình,….

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận dùng

Toàn cây

Thu hái, chế biến

Người dân thường đào cả cụm nấm, đem về rửa sạch đất cát rồi để ráo. Có thể dùng tươi dưới dạng ngâm rượu, hoặc phơi khô dùng dần. Khi thu hái, người dân sẽ để lại vài nhánh để cây tiếp tục phát triển.

Bảo quản

Dược liệu khô để được lâu hơn dược liệu tươi. Đối với thuốc khô, nên cất nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm thấp làm hư mốc thuốc. Có thể bảo quản thuốc trong hũ hay bịch ni lông cột kín.

Nấm ngọc cẩu có tác dụng gì?

Thành phần hóa học

Theo nghiên cứu, trong Nấm ngọc cẩu có chứa các chất như: tinh dầu, chất béo, choline, 13 loại acid amin. Ngoài ra phải kể đến một số chất làm nên “thương hiệu” thần dược phái mạnh của Nấm ngọc cẩu:

  • Testosterone: duy trì hình dáng, sinh lý ở nam giới.
  • L Arginine: chất này thường được các bác sỹ chỉ định trong điều trị rối loạn cương dương.
  • Gentianine: tác động lên hệ thần kinh, làm tăng cảm giác hưng phấn, ham muốn tình dục.

Tác dụng của Nấm ngọc cẩu theo Y học hiện đại

Nghiên cứu các hoạt chất có trong dược liệu, người ta thấy rằng Nấm ngọc cẩu có một số tác dụng sau:

  • Tăng cường hệ miễn dịch.
  • Điều trị yếu sinh lý.
  • Có tác dụng kháng viêm.
  • Chống lão hóa.
  • Hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp, đau lưng mỏi gối.
Lát cắt Nấm ngọc cẩu
Lát cắt Nấm ngọc cẩu

Tác dụng theo Y học cổ truyền

Nấm ngọc cẩu có vị ngọt, chát nhẹ, tính ấm. Có công dụng:

  • Bổ Thận cường dương.
  • Chữa liệt dương.
  • Trị vãi đái đau lưng mỏi gối.
  • Giúp nhuận táo, chữa người già táo bón mạn tính.

Cách dùng Nấm ngọc cẩu

Liều dùng: 6 – 12g/ 1 ngày.

Cách dùng: Ngâm rượu hoặc sắc lấy nước uống. Có thể dùng độc vị hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Một số bài thuốc từ Nấm ngọc cẩu

Bài thuốc chữa liệt dương

Nấm ngọc cẩu 12g, Thục địa 15g, Sơn thù 15g, Hoài sơn 15g, Phục linh 12g, Câu kỷ 15g, Nhục thung dung 12g, Dâm dương hoắc 30g, Ba kích 12g, Bạch sâm 12g, Táo nhân (sao) 12g, Thỏ ty tử 12g, Thiên môn 9g, Lộc nhung 6g, Cam thảo 9g.

Tất cả các dược liệu trên đem tán mịn trộn mật làm hoàn, mỗi viên 9g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên, uống với nước đun sôi để nguội. Kiêng thức ăn tanh, lạnh.

Bài thuốc chữa hoạt tinh, di tinh, yếu sinh lý ở nam

Nấm ngọc cẩu 120g, Tang phiêu tiêu 120g, Phục linh 40g, Long cốt 40g. Tất cả nguyên liệu đem tán thành bột mịn rồi bảo quản trong lọ thủy tinh. Ngày uống 2 lần. Mỗi lần khoảng 15g pha với nước muối loãng.

Lưu ý

  • Những người đang tiêu chảy, mắc bệnh cao huyết áp, suy giảm chức năng gan và thận không nên sử dụng.
  • Người đang thực hiện xạ trị chữa ung thư cần tham vấn ý kiến của bác sĩ điều trị.
  • Người có tiền sử dị ứng với nấm ngọc cẩu hoặc các loại dược liệu được đề cập trong các bài thuốc không dùng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*