Mộc hoa trắng: Cây thuốc chữa lỵ hiệu quả

Sự khác biệt giữa Mộc hoa trắng (trái) và Lòng mức (phải)

Mộc hoa trắng hay còn gọi là mức hoa trắng là cây thuốc chữa lỵ hiệu quả được sử dụng từ rất lâu. Ngoài tác dụng đã biết, Mộc hoa trắng còn có nhiều tác dụng nổi bật khác đã được nghiên cứu qua, cụ thể là chống đái tháo đường.  

Nhận biết mộc hoa trắng

Tên gọi

Tên khoa học: Holarrhena antidysenteria Wall. Thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae)

Ngoài cách gọi trên, mộc hoa trắng còn được gọi là cây sừng trâu, mức hoa trắng, mức lá to, mộc vài.

Mô tả cây

Mộc hoa trắng  là một loại cây bụi rụng lá, cây gỗ to hay nhỏ tùy thuộc vào nơi sinh sống. Cây có chiều cao lên đến 13 m và chu vi 1,1 m. Cành non nhẵn hoặc có mang lông tơ màu nâu đỏ, trên bề mặt có chứa nhiều bì khổng trắng.

Lá có kích thước  15–30 cm × 4–12 cm, hình bầu dục, đầu và đuôi lá thường tròn hoặc nhọn. Lá mọc đối, không cuống, mặt lá bóng, màu xanh lục nhạt. Hoa . Hoa trắng, mọc thành xim hình ngù ở kẽ lá hay đầu cành, không có lông. Thùy đài hoa dài 2,5–3 mm, hình mác thuôn dài, đầu nhọn và có lông tơ.

Quả nang chia nhỏ, hình trụ, dài 15–45 cm và đường kính 5–10 mm, mọc song song, một bên nhỏ hơn, có lõi, thường có chấm trắng. Hạt dài từ 8 mm trở lên, hình thuôn dài, có đầu với lông nâu, dài 2–2,5 cm.

Trên thực tế thường dễ nhầm lẫn vỏ thân cây mộc hoa trắng với các cây lòng mức (Wrightia tinctoria) cũng thuộc họ Trúc đào. Vì vậy thường gặp tình trạng dùng vỏ thân cây lòng mức để thay thế cây mộc hoa trắng. Tuy nhiên, các đặc điểm dược lý và đặc tính dược liệu của hai cây này không giống nhau.

Sự khác biệt giữa Mộc hoa trắng (trái) và Lòng mức (phải)
Sự khác biệt giữa Mộc hoa trắng (trái) và Lòng mức (phải)

Bộ phận dùng

Hạt và vỏ cây được sử dụng để làm thuốc

Phân bố, thu hái và chế biến

Mộc hoa trắng mọc phổ biến ở Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia. Ở Việt Nam, cây mọc khắp nơi nhiều nhất ở các tỉnh miền bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tây, Hòa Bình

Mùa hoa ở vào khoảng tháng 3 – 7, mùa quả khoảng từ tháng 6 – 12. Thời điểm thu hái thích hợp nhất là vào mùa thu đông khi quả đã chín già.

Sau khi thu hái, có thể dùng ở dạng tươi hay đem đi phơi hoặc sấy khô để bảo quản dùng dần.

Thành phần hóa học

Từ vỏ và hạt cây người ta đã chiết xuất các alkaloid chủ yếu như conessin, conesinidin, conkurchin, holarhenin, kurchine, holarrhemine, Trong vỏ cây chứa 2% các alkaloid trong có consenin. Conessin là alkaloid gây tác dụng dược lý chính của cây và chiếm 2% hoạt chất trong vỏ cây. Trong hạt có từ 36-40% dầu và 0,025% alkaloid.

Conessine là hoạt chất chính trong cây Mộc hoa trắng
Conessine là hoạt chất chính trong cây Mộc hoa trắng

Tính vị

Hạt có vị đắng.

Tác dụng của mộc hoa trắng

Tác dụng dược lý

Chống kí sinh trùng

Theo nhiều nghiên cứu, conessin có tác dụng trừ giun, lỵ amip thông qua hoạt động ức chế tăng trưởng, khử trùng và chống ăn mòn. Hiệu lực như emetin nhưng ít độc và tiện dùng. Conessine tác dụng cả đối với kén và amip, còn emetin chỉ tác dụng đối với amip. Hiện tượng không chịu thuốc rất ít hoặc không đáng kể.

Chống tiêu chảy

Hoạt tính chống tiêu chảy của nước sắc từ vỏ rễ mộc hoa trắng đã được nghiên cứu trên ba chủng Escherichia coli. Kết quả cho thấy cây có khả năng ức chế sự sản xuất và bài tiết độc tố của vi khuẩn trong ruột, làm giảm độc lực của các chủng vi khuẩn gây độc tố ruột (ETEC). Do đó, mộc hoa trắng giúp bảo vệ chống lại nhiều giai đoạn tiêu chảy.

Ngoài E. Coli, nước sắc mộc hoa trắng còn có tác dụng trên Shigella, Staphylococcus aureus, Salmonella typhi, S.aureus, Vibrio cholera, Pseudomonas aeruginosa…

Chống đái tháo đường

Chiết xuất etanolic từ hạt mộc hoa trắng được nghiên cứu rộng rãi về hoạt tính chống đái tháo đường. Với liều từ 250 -300 mg/kg, dịch chiết của nó thể hiện sự ức chế hoạt động của alpha glycosidase. Do đó làm giảm sự hấp thụ carbohydrate từ ruột, ngăn cản sự tăng đường huyết sau ăn. Hoạt lực này được so sánh tương đương với acarbose.

Ngoài hạt, chiết xuất từ lá mộc hoa trắng cũng có đặc tính chống đái tháo đường khi dùng trong 21 ngày liên tục  ở liều 400 mg/kg. Tác dụng này có thể so sánh với glibenclamide ở liều lượng 5 mg/kg khi dùng đường uống.

Chống ung thư

Trong ống nghiệm, hoạt động gây độc tế bào của chiết xuất từ lá mộc hoa trắng có khả năng chống lại 14 dòng tế bào ung thư ở người từ 9 loại mô khác nhau gồm vú, ruột , cổ tử cung, hệ thần kinh trung ương, phổi, gan, miệng, buồng trứng, tuyến tiền liệt.

Các phân đoạn khác nhau của chiết xuất đã được nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng, phân đoạn hòa tan trong cloroform cho khả năng chống ung thư cao nhất trên các dòng tế bào ung thư ở người

Các tác dụng khác

Nhiều nghiên cứu được thực hiện và cho thấy các dịch chiết khác nhau từ mộc hoa trắng có nhiều tác dụng. Nó có thể gây hạ huyết áp, làm chậm nhịp tim, chống co thắt, chống oxy hóa, kích thích sự co bóp ruột và tử cung

Công dụng của cây Mộc hoa trắng

Trong y học cổ truyền, mộc hoa trắng thường được sử dụng trong các bệnh lý vê đường tiêu hóa như tiêu chảy, chữa lỵ đặc biệt là lỵ amip, viêm đại tràng và dùng để tăng cường chức năng tiêu hóa. Ở Ayurveda và Ấn Độ,  loại cây này còn  được sử dụng để chữa các bệnh liên quan đến rối loạn máu, rối loạn da cụ thể là sốt, vàng da, thiếu máu và đái tháo đường.

Sử dụng mộc hoa trắng như thế nào

Liều dùng

Tùy vào mục đích sử dụng mà chọn dạng dùng phù hợp

  • Cồn từ hạt: khoảng 2 – 6g/ngày.
  • Bột từ hạt: khoảng 3 – 6g/ngày.
  • Cao lỏng: khoảng 1 – 3g/ngày.
  • Bột từ vỏ: khoảng 10g/ngày.

Các bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian

 Chữa viêm đại tràng

  • Bài thuốc 1: vỏ cây mộc hoa trắng đem tán thành bột mịn. Mỗi ngày dùng 10g sắc uống chung với nước khi còn ấm.
  • Bài thuốc 2: hạt của mộc hoa trắng đem tán thành bột, mỗi ngày lấy khoảng 10 -15g sắc lấy nước uống trong ngày. Mỗi ngày có thể uống nhiều lần và cần duy trì trong thời gian dài.

Chữa kiết lỵ

Phơi khô vỏ cây rồi tán thành bột mịn. Sau đó có thể sắc với nước hoặc hòa với nước sôi ấm uống mỗi ngày 10 – 15g. Dùng liên tục và đều đặn đến khi các triệu chứng của bệnh thuyên giảm.

Mộc hoa trắng có độc không

Đọc tính

Conessin là 1 alkaloid rất ít độc. Với liều cao có thể gây liệt trung tâm hô hấp. Chất có tác dụng gây tê tại chỗ nếu dùng đường tiêm tuy nhiên cũng kèm theo hiện tượng hoại thư vì vậy không được dùng làm thuốc gây tê

Tác dụng gây độc trên tế bào nguyên bào cơ xương chuột đã được nghiên cứu. Kết quả là  không có độc tính tế bào nào được ghi nhận lên đến liều 16 μg/ml.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu độc tính cấp qua đường uống và phát hiện rằng tất cả các loại chiết xuất (nước, etanolic, hydro-alcohol, v.v.) của hạt mộc hoa trắng đều an toàn đến 2000 mg/ kg ở chuột. Theo một báo cáo khác, chiết xuất ethanolic từ cây an toàn lên đến 3000 mg/kg trên chuột.

Tuy nhiên ở một nghiên cứu khác, thành phần dịch chiết etanolic của cây tạo phức với polyvinylpyrolidone ở liều 270 và 530 mg/kg/ngày (thấp hơn 10 và 20 lần so với liều dùng cho người). Phức này gây độc gan chuột khi dùng trong 3 tháng liên tục. Do đó, người ta cho rằng nên tránh dùng quá liều và kéo dài để ngăn ngừa các tác dụng phụ gây độc gan

Đối tượng không nên sử dụng

  • Trẻ nhỏ.
  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho bé bú

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*