Cây Trường sinh thảo (Quyển bá): Có thực sự là loại cây trường sinh bất tử?

Trường sinh thảo là loài cây mọc hoang nhưng có tác dụng trị bệnh hiệu quả.

Cây Trường sinh thảo (Quyển bá) là loài thực vật mọc hoang dại ở nước ta. Ít người biết rằng đây cũng là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. 

1. Giới thiệu về cây Trường sinh thảo

  • Tên khác: Quyển bá, Hồi sinh thảo, Hoàn dương thảo, Móng lưng rồng, Vạn niên tùng…
  • Tên khoa học: Selaginella tamariscina.
  • Họ khoa học: Thuộc họ Quyển bá (Selaginellaceae).

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Cây Trường sinh thảo là loài ưa sáng, chịu được khô hạn, thường mọc bám trên đá hay vùng khô cằn lẫn nhiều sỏi đá. Tại Việt Nam, cây phân bố chủ yếu ở một số vùng đồi và núi thấp thuộc các tỉnh ven biển, ở Trung Bộ như Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận… Cây cũng phân bố ở Trung Quốc và đảo Hải Nam. Điểm đặc biệt có ở loài này là khi khô ráo cành lá xếp lại cuộn tròn vào trong giống như chân vịt, khi ẩm ướt cành lại mọc vươn ra ngoài hay gặp nước thì sống trở lại.

Ngoài ra, loài thực vật này có thể được thu hái vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Hái toàn cây về đem cắt bỏ hết rễ con, có thể dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp để dùng. Có nhiều trường hợp, cần sao vàng toàn tính (thành than nhưng không thành tro) rồi mới sử dụng tùy thuộc vào mục đích.

Mùa sinh sản: tháng 10 – 12.

Trường sinh thảo là loài cây mọc hoang nhưng có tác dụng trị bệnh hiệu quả.
Trường sinh thảo là loài cây mọc hoang nhưng có tác dụng trị bệnh hiệu quả.

1.2. Mô tả toàn cây

Trường sinh là một loại cây thảo có rất nhiều rễ, và phần rễ sẽ bện lại với thân thành 1 búi có hình trụ, cao khoảng 10 – 15 cm. Cành cây thường dài khoảng 5 – 12cm, mang khá nhiều lá xếp lợp. Cành bên của thân dẹt phân nhánh rẽ đôi, các nhánh đều nằm trên một mặt phẳng.

Lá nhỏ rất đa dạng, các lá bên thường là hình giáo, có lông. Mặt dưới màu nhạt hơn. Còn các lá ở kẽ thì có hình tam giác thuôn và có mép rộng, lá ở giữa thì có mép không đều. Những cành mang lá sẽ cuộn tròn vào trong giống như 1 túm cây khô khi trời nắng nóng. Còn nếu gặp mưa hay thời tiết ẩm ướt thì cành lại mọc vươn ra phía ngoài.

Hoa đơn sinh bào tử sẽ mọc ở đầu cành, gần giống với hình bốn cạnh, dài 4 – 20 mm. Lá bào tử thì có hình tam giác với phần mép rộng, bào tử nhỏ màu vàng nhạt còn bào tử lớn thì có màu trắng.

Toàn cây quyển bá đều được tận dụng để làm vị thuốc chữa bệnh.

1.3. Bảo quản

Dược liệu nếu đã được sơ chế thì cần cho vào túi kín để bảo quả ở những nơi khô mát, đề phòng mối mọt, ẩm mốc.

2. Thành phần hóa học và tác dụng

2.1. Thành phần hóa học

Thành phần hoá học của cây gồm một số chất như:

  • Flavonoid: cryptomerin B, amentoflavon, isocrytomerin, hinokiflavon
  • Các chất khác như lutein, cholesterol, quinone, tannin, coumarine..
  • Alcaloid có ở rễ
  • Cây S. tamariscina không có saponin
  • Một điều đáng chú ý,trong khi amentoflavon  là hợp chất biflavonoid được tìm thấy ở đa số các loài Selaginella thì sumaflavone chỉ thu được từ S. tamariscina
trường sinh thảo
Dược liệu có vị cay, hơi đắng, tính lạnh (để sống) hoặc tính bình (sao).

 2.2. Tác dụng Y học hiện đại

  • Giãn cơ trơn: biflavonoid, amentoflavone trong cây có thể giúp thư giản những cơ trơn qua lớp nội mạc
  • Trích xuất cây trường sinh thảo mặc dù không thể ngăn chặn sự hình thành khối u ác tính, nhưng lại cung cấp mạnh sự ức chế sự tăng trưởng ung bướu của khối u. Tác dụng trên tế bào ung thư dòng P388 và MKN45.
  • Kháng viêm: Một số chất trong dược liệu có khả năng lập trình tự hủy apoptose cho những tế bào HL-60, đồng thời còn có vai trò quan trọng với quá trình viêm cũng như quá trình tự hủy tế bào và hoại tử.
  • Kháng nấm, Kháng khuẩn: Cao ethanol các bộ phận cây S. tamariscina có khả năng kháng khuẩn thấp đối với vi khuẩn Gram âm và Gram dương.
  • Chống oxy hóa

2.3. Tác dụng Y học cổ truyền

Tính vị: Dược liệu có vị cay, hơi đắng, tính lạnh (để sống) hoặc tính bình (sao).

Công dụng: Dùng tươi có tác dụng phá huyết nhưng khi sao đen lên thì có tác dụng chỉ huyết (cầm máu).

Theo Y học cổ truyền vị thuốc được dùng khi: Ho ra máu, nôn ra máu, đại tiểu tiện ra máu hay kinh nguyệt quá nhiều cùng một số chứng chảy máu khác. Ngoài ra, dược liệu còn dùng để chữa bỏng, vàng mắt, vàng da… Bên cạnh đó, Xạ can cũng là một trong những vị thuốc quý trị ho và viêm họng hiệu quả.

3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau, điều chỉnh liều lượng cho thích hợp. Liều thường dùng là 5 – 15g, đôi khi có thể lên đến 20 – 30g nếu dùng ở dạng thuốc sắc.

trường sinh thảo có tác dụng cầm máu
Trường sinh thảo sau khi sao vàng toàn tính thì có tác dụng cầm máu rõ rệt,

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Trị nôn ra máu, ho ra máu, đại tiện phân đen, kinh nguyệt nhiều

Trường sinh thảo 30g (sao), Long nha thảo 25g. Sắc trên lửa nhỏ đến khi còn 200ml. Lọc bỏ phần bã và chia đều làm 2 lần uống, liều dùng mỗi ngày 1 thang.

4.2. Đắp ngoài vết bỏng

Trường sinh thảo sống, phơi khô, tán bột, trộn với lòng trắng trứng gà, đắp lên vết bỏng. Cứ 2 – 3 giờ thay thuốc một lần.

5. Kiêng kỵ

  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của dược liệu.
  • Phụ nữ có thai không dùng được.

Cây Trường sinh thảo là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*