Cây Nhót: cây thuốc nam có tác dụng trị ho hiệu quả

Quả nhót khi chín có màu đỏ tươi, trên được phủ nhiều lông trắng hình sao

Nhót còn có tên khác là cây Lót, Hồ đối tử, Bất xá. Nhót được biết đến nhiều như là một thực phẩm chế biến nhiều món ăn bổ dưỡng. Ngoài ra, Nhót còn có tác dụng trị ho, hen, viêm phế quản, đau dạ dày, tiêu lỏng,…

Cây nhót là gì?

Mô tả

  • Cây Nhót có tên khoa học là Elaeagnus latifolia L., Nhót thuộc họ Elaeagnaceae.
  • Đây là loại cây bụi trườn cao 3-4 m, tỏa rộng 5-6m. Thân có nhiều gai nhọn dài 3-5 cm, có nhiều lông che chở hình khiên màu trắng bạc hoặc vàng sét.
  • Lá đơn mọc so le, phiến lá nguyên hình bầu dục, các gân lá ở lá non mặt trên màu xanh đậm có những đốm trắng bạc hoặc vàng sét, ở các lá già nhẵn bóng.
  • Cụm hoa gié ngắn mọc ở nách lá. Hoa mẫu 4, vô cánh, lưỡng tính, màu vàng chanh. Đài hoa dính nhau thành ống hơi loe ở trên, bộ nhị 4. Cuống hoa dài 1-1,2mm, màu vàng chanh.
  • Quả nhót hình bầu dục, khi chín có màu đỏ tươi, trên phủ rất nhiều lông trắng hình sao, vị chua khi xanh và vị ngọt khi chín.
Quả nhót khi chín có màu đỏ tươi, trên được phủ nhiều lông trắng hình sao
Quả nhót khi chín có màu đỏ tươi, trên được phủ nhiều lông trắng hình sao

Bộ phận dùng

Quả, lá, rễ, hoa (Fructus, Folium, Radix et Flos Elaeagani latifoliae)

Thu hái

Ở các tỉnh miền Bắc nước ta, Nhót lấy quả để ăn và nấu canh giấm. Quả thu hái khi chín, lá và rễ thu hái quanh năm.

Tác dụng từ cây nhót

Thành phần hoá học

  • Cây nhót chứa các thành phần như nước 92%, protid 1,25%, acid hữu cơ 2%, carbohydrat 2,1 %. Ngoài ra còn có cellulose 2,3%, Ca 27 mg%, P 30 mg%, Fe 0,2 mg%.
  • Lá nhót chứa tanin, saponosid, polyphenol.
Lá nhót có tác dụng chữa tiêu lỏng, giảm ho
Lá nhót có tác dụng chữa tiêu lỏng, giảm ho

Tác dụng dược lý

  • Chế phẩm lá nhót có tác dụng kháng khuẩn đối với nhiều chủng vi khuẩn Gram(-), Gram(+); đặc biệt đối với các chủng trực khuẩn lỵ: Shigella dysenteria, Shigella shiga, Shigella flexneri, Shigella sonnei.
  • Ức chế quá trình viêm cấp tính mãn tính trên động vật. Tăng cường sức co bóp của tử cung
  • Cây chứa các thành phần phenolic và flavonoid có tác dụng chống oxy hóa và bảo vệ ADN.
  • Rất nhiều chất dinh dưỡng được chứa trong quả nhót, đặc biệt còn để để nấu canh chua, vị thơm;

Tác dụng từ cây nhót theo y học cổ truyền

  • Theo YHCT, quả nhót có vị chua, chát, tính bình, vào các kinh phế đại trường.
  • Nhót có tác dụng giảm ho, trừ đờm, bình suyễn, chỉ tả.
  • Lá có vị chát có tác dụng giảm ho, bình suyễn, giảm sốt.
  • Nhân của hạt nhót có tác dụng diệt khuẩn và giun sán.
  • Rễ có tác dụng cầm máu, giảm đau, thường dùng dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng lẻ hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
  • Liều dùng hằng ngày: quả 8 – 12g (5 – 7 quả khô), lá tươi 20 – 30g, lá và rễ (khô) 12 – 16g.
  • Nếu dùng ngoài dưới dạng nước tắm, rửa mụn nhọt, thì không kể liều lượng.
Quả nhót xanh được thái mỏng, sấy khô làm thuốc trị ho hen
Quả nhót xanh được thái mỏng, sấy khô làm thuốc trị ho hen

Cách bào chế

  • Rễ và lá thu hái, rửa sạch, cắt ngắn, dùng tươi hoặc phơi khô.
  • Rễ có thể dùng dưới dạng bột. Bột rễ có màu vàng nâu nhạt, chất xốp, không mùi, không vị.
  • Quả thu hái khi chín thường dùng để ăn. Khi làm thuốc thường thu hái quả khi còn xanh. Quả xanh thái ngang dày 3-4mm, phơi hoặc sấy khô để làm thuốc.

Bài thuốc kinh nghiệm từ cây nhót

Tiêu chảy do lỵ trực khuẩn hoặc viêm đại tràng mạn:

Dùng lá nhót tươi lượng 20-30g, hoặc lá nhót khô 6-12g, sao vàng. Sau đó sắc uống 2 lần/ ngày.
Dùng dạng bột khô từ lá nhót lượng 8-12g uống với nước cơm, 2-3 lần/ngày.

Ho có đờm, hen suyễn

Lá nhót 16g sao vàng, lá táo ta (táo chua) 12g sao vàng; hạt củ cải, hạt cải bẹ, mỗi thứ 6g, sao vàng, giã giập. Hạt cải củ, cải bẹ gói vào miếng vải sạch, cho vào cùng sắc nước với lá nhót và lá táo. Sắc 2 – 3 lần, gộp dịch nước sắc lại, chia 3 lần uống trong ngày trước bữa ăn 1,5 giờ. Uống liền 2 – 3 tuần đến khi các triệu chứng thuyên giảm.

Ho hen, khó thở

Dùng quả nhót 6-12g/ ngày, dùng dạng thuốc sắc. Uống nhiều ngày đến khi triệu chứng thuyên giảm.

Kiêng kị

Đặc biệt, phụ nữ có thai không được dùng lá và rễ nhót.

Kết luận

Nhót được dùng nhiều trong dân gian ta ở dạng thực phẩm. Từ Nhót có thể chế biến được nhiều món ăn dinh dưỡng. Ngoài ra Nhót còn được sử dụng làm thuốc trị nhiều bệnh. Nhót được dùng chữa ho, hen suyễn, tiêu lỏng, sát khuẩn. Ngoài ra cần lưu ý khi dùng tránh nhẫm lẫn với vị thuốc nhót tây.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*