Cây Nắp ấm có tên khoa học là Nepenthes annamenis Macfarl, thuộc họ Nắp ấm. Cây còn có tên gọi khác là Trư lung thảo, Trư tử lung. Theo Đông y, cây có vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp. Cây được dùng để chữa các bệnh như viêm loét dạ dày tá tràng, huyết áp cao, ho gà ở trẻ em…
Cây Nắp ấm là loại cây gì?
Mô tả dược liệu
Nắp ấm là cây nhỏ, mọc leo. Cây có thân hình trụ, lúc đầu có lông màu vàng nhạt sau chuyển màu lục nhạt. Lá mọc so le, có hình bầu dục thuôn, cuống ôm thân, dài 12 – 20cm, rộng 2,5 – 3cm. Mặt lá có lấm chấm đỏ, mặt dưới phủ lông màu sẫm, phần phiến ở đầu lá kéo dài thành bình hình trụ, hơi phồng, nắp hình trái xoan. Mặt ngoài lấm chấm có lông, mặt trong có ít tuyến, cuống bình dài từ 5 – 10cm.
Cây có hoa nhỏ, đều, mọc thành chùm xim dài hơn 10cm. Hoa đực có lá đài hình trái xoan, có lông màu gỉ sắt ở mặt ngoài, mặt trong có nhiều lông. Hoa cái có lá đài hình mũi mác, mặt ngoài có lông, mặt trong có tuyến.
Quả có cuống, màu xám nhạt có lông, hạt hình thoi.
Mùa hoa quả của dược liệu này thường rơi vào tháng 9 – 10.
Phân bố sinh thái
Chi Nepenthes L. phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới, nhất là châu Á và một số đảo ở Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, chi này có tổng cộng 5 loài, loài Nắp ấm kể trên được xếp vào nhóm loài có kích thước lớn. Cây phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, Việt Nam và có thể cả ở Campuchia.
Nắp ấm là loài thực vật đặc biệt, lá có dạng túi nhỏ để bẫy côn trùng (nên còn được gọi là cây ăn thịt). Cây đặc biệt ưa sáng, có thể mọc được trên loại đất rất cằn cỗi và chua ở vùng ven biển hoặc đồi trọc ở trung du. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, nhân giống tự nhiên chủ yếu từ hạt. Ngoài ra cây còn có thể mọc chồi khỏe từ gốc và tái sinh lại sau khi bị chặt.
Thu hái và chế biến
Có thể sử dụng toàn cây để làm thuốc, cây được thu hái quanh năm, đem rửa sạch thái nhỏ rồi phơi khô để dùng dần.
Công dụng của cây Nắp ấm
Thành phần hóa học, tác dụng dược lý
Trong cây Nắp ấm có chứa các hoạt chất flavonoid, glycoside, phenol, axit amin, đường, bismuth. Theo một số nghiên cứu, dịch của cây Nắp ấm là do thân cây tự sinh ra, có dạng nước hoặc siro, nhớt, có tính đàn hồi. Nên ngoài công dụng trị bệnh, thực vật này còn sử dụng dịch này để thu hút, giữ chân và tiêu diệt côn trùng.
Nắp ấm theo y học cổ truyền
Theo Đông y, dược liệu có vị ngọt nhạt, tính mát. Cây có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, được dùng chữa các bệnh như viêm gan vàng da, viêm loét dạ dày tá tràng, ho gà ở trẻ em.
Liều dùng thường từ 20 – 40g cây khô hay 40 – 80g cây tươi sắc uống.
Liều dùng cho trẻ em bằng ¼ – ½ liều dùng cho người lớn.
Các bài thuốc có chứa Nắp ấm
Hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ
Dùng cây Nắp ấm phơi khô, nấu nước thay trà uống hàng ngày. Liều lượng sử dụng trong khoảng từ 30 – 50 g. Tuy nhiên lưu ý không sử dụng nước này thay cho nước lọc hàng ngày. Mỗi ngày chỉ nấu nước dùng uống một lần, trong ngày.
Hỗ trợ Đái tháo đường, cổ họng khô rát
Dùng 30 g Nắp ấm, Thiên môn đông, Giảo cổ lam, mỗi vị 25 g nấu cùng với 3 lít nước. Nấu xong để nguội, chia thành 2 – 3 lần uống trong ngày. Thời gian sử dụng liên tục từ 1 – 3 tháng.
Hỗ trợ điều trị sỏi đường tiết niệu, sỏi thận
Dùng 30 g Nắp ấm, Thương nhĩ tử, Bạch tật lê, mỗi loại 12 g. Dây bòng bong 20 g, Trần bì, Mộc hương, mỗi vị 6 g nấu cùng với 2 lít nước. Nấu đến khi cạn còn 600 ml là được. Ngày chia 3 lần uống.
Chữa vàng da do viêm gan
Sử dụng Nắp ấm, Kim tiền thảo, Mã đề mỗi vị 30 g sắc thành nước uống mỗi ngày.
Dùng để thanh nhiệt
Dùng 15 g Nắp ấm đun sôi với một lượng nước vừa đủ để uống thay nước trong ngày.
Giải độc chống viêm
Dùng cây Nắp ấm tươi rửa sạch, giã nát đắp lên da có thể điều trị nhiễm trùng da do virus, giúp da hết sưng đỏ. Ngoài ra sử dụng nước giã cây Nắp ấm thoa lên da có thể phòng chống muỗi đốt và bảo vệ sức khỏe của da.
Lưu ý
- Phụ nữ có thai không dùng.
- Người hay tiểu đêm không uống nắp ấm vào buổi chiều hoặc tối, nên uống buổi sáng hoặc buổi trưa.
- Uống nước nắp ấm nước tiểu sẽ có màu đỏ sẫm như màu cà phê, không phải lo lắng.
Để lại một phản hồi