Nhũ hương là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Với sự đa dạng trong thành phần và tác dụng dược lý mà vị thuốc này có thể giảm đau, điều hòa kinh nguyệt… hiệu quả.
Nhũ hương là gì?
- Tên gọi khác: Hắc lục hương, Địa nhũ hương, Thiên trạch hương…
- Tên khoa học: Boswellia carterii Birds hoặc Pistacia lentiscus L.
- Tên dược liệu: Gummi resina Olibanum.
- Họ khoa học: Họ Trám (Burseraceae).
Mặt khác, một số địa phương có thể dùng dược liệu lấy từ cây Nhũ hương thuộc họ Đào lộn hột (Anacardiaceae).
Tên gọi Nhũ hương xuất phát từ việc nhựa của cây nhỏ từng giọt xuống đất giống như nhũ và có mùi thơm đặc trưng.
Đặc điểm sinh trưởng và bào chế
Theo nhiều tài liệu, Nhũ hương được phân bố rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới từ ven biển Địa Trung Hải đến khu vực Trung Đông, Ấn độ, Trung Quốc…Ở Việt Nam, cây thường xuất hiện ở sườn đồi, sườn núi hay vùng đồng bằng, có khả năng chịu hạn và chống cháy tốt.
Mỗi cây cho trung bình khoảng 3kg nhựa Nhũ hương mỗi năm, sau khi thu hoạch:
- Bắt đầu loại bỏ tạp chất, rồi sao với đăng tâm (tỉ lệ Nhũ hương 40g: đăng tâm 1g), tán mịn, bảo quản dùng dần.
- Hoặc có thể thêm vào dược liệu một ít rượu, tán bột mịn, thủy phi rồi đem phơi khô.
- Không nên tán riêng Nhũ hương bỏi sẽ dễ bị vón cục, khó dữ trữ.
Thời điểm thu hoạch tốt nhất là vào mùa xuân, mùa hạ. Cách làm là rạch các đường dọc hướng từ dưới lên ở thân cây, vết rạch càng sâu thì nhựa càng nhiều, hứng lấy phần nhựa chảy ra, không nên để rơi xuống đất hay dính các tạp chất khác.
Mô tả toàn cây Nhũ hương
Thuộc loại cây thân nhỡ, cao trung bình khoảng 5 m, tối đa 6 m. Phân thành nhiều cành to khỏe. Vỏ cây trơn nhẵn, nâu nhạt, càng lớn càng có xu hướng bong tróc vảy nhỏ.
Lá kép, hình dạng giống lông chim, mọc ở đầu cành, kích thước dài trung bình 20-40 cm. Gồm lá chét kèm theo dài khoảng 20 cm, hình mác, mép răng cưa, không có cuống lá, bao phủ bởi lông trắng.
Hoa dạng chùm, dài trung bình 15 cm, màu trắng, nhỏ, thưa. Gồm 5 cánh hoa rời, nụ hình trứng, cánh dài gấp đôi đài hoa. Đài có khoảng 5 răng nhỏ, hình tam giác. Nhụy đực 10, mọc rũ, hơi xẻ 3.
Quả hạch dạng trứng ngược, đầu tù. Vỏ quả chắc, mỗi ngăn có 1 hạt
Bộ phận làm thuốc – Bảo quản
Mô tả dược liệu:
- Ngoài bề mặt có sắc trắng mờ, trong sáng bóng, cắn vào thì dính răng, mùi thơm. Khi đốt lên tỏa ra khỏi thơm mát, tàn tro sắc đen.
- Nhựa khi khô có dạng hình cầu nhỏ, giọt nước… không đồng đều, kích thước từ 0,5 mm đến 3 mm, có khi dính nhau, sắc vàng hay pha xanh, lam…trong mờ, bao phủ mặt ngoài là lớp phấn trắng.
- Chất giòn, khá cứng, khi bẻ gãy thì có bề mặt sáp, không sáng bóng.
- Nếm dược liệu lúc đầu cảm thấy vỡ vụn trong miệng, sau đó cô đặc lại khá dính răng. Vị hơi đắng, cay nhẹ. Khi đốt lên, tỏa ra khói sắc đen, thơm nhẹ đặc trưng, tàn tro màu đen.
- Sao bỏ dầu, cắt miếng nhỏ cho vào thuốc sắc, hoặc tán bột cho vào thuốc hoàn tán để dùng.
Bảo quản: Dược liệu nếu quả trải qua sơ chế cần để nơi khô ráo, thông thoáng, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp.
Tác dụng của Nhũ hương
Thành phần hóa học
Theo các nghiên cứu, thành phần hóa học của Nhũ hương khá đa dạng và phong phú:
- Tinh dầu 3-8%, đường, gôm 27-35%, nhựa 60-70%
- Các acid triterpene gồm O-acetyl-beta-Boswellic acid 33%, Dinhyroroburic acid, Olibanoresene 33%, Arabic acid,…
- Ngoài ra còn có hỗn hợp acid masrtixic 90%, masticolic acid và dipinen 2%…
Tác dụng Y học hiện đại
Giảm đau, giảm viêm, hỗ trợ điều trị các bệnh lý khớp: Chất chiết từ nhựa Nhũ hương (acid boswellic) cho tác dụng tương tự NSAID, giúp điều trị các bệnh lý viêm khớp, thoái hóa khớp, đau bụng, đau họng… Cơ chế được các nhà nghiên cứu tìm ra là sự ức chế các yếu tố gây đau như cytokines, enzyme 5-lipoxygenase…
Kháng khuẩn: Dù còn đang trong quá trình nghiên cứu, nhưng bước đầu các nhà khoa học đã tìm ra trong thành phần dược liệu chứa các loại acid ức chế các virus và vi khuẩn như monoterpenes, triterpenes, diterpenes, axit pentacyclic triterpenic…
Chống viêm: Làm săn se niêm mạc, chống ra mồ hôi…
Tác dụng Y học cổ truyền
Tính vị: cay, đắng, ấm. Qui kinh can, tâm, tỳ.
Tác dụng: hoạt huyết hành khí chỉ thống, tiêu thũng sinh cơ.
Chỉ định:
Điều trị vấp ngã gây ứ trệ sưng đau, thường dùng cùng với một dược – huyết kiệt như bài thất lý tán. Điều trị mụn nhọt giai đoạn đầu gây sưng nóng đỏ đau thường dùng cùng với kim ngân hoa, bạch chỉ, một dược, như bài tiên phương hoạt mệnh ẩm. Điều trị các loại mụn nhọt lở loét lâu ngày miệng không liền thường dùng cùng với một dược nghiền bột để dùng ngoài và ra thêm nhi trà, huyết kiệt.
Điều trị huyết ứ trở trệ, đau tức ngực bụng, hòn khối tích ổ bụng thường dùng cùng với đương qui, một dược, đan sâm như bài hoạt lạc vị linh đan. Điều trị phong hàn thấp tý, chi thể đau buốt thường dùng cùng với khương hoạt, độc hoạt, tần cửu.
Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai và không có huyết ứ trệ.
Cách sử dụng Nhũ hương
Tùy mục đích sử dụng có thể dùng dược liệu với nhiều cách và liều lượng khác nhau. Nhũ hương có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, dùng thoa ngoài da, tán bột làm hoàn… Hoặc bào chế mùi hương làm nước hoa, hương đốt làm sạch không khí.
Liều dùng:
- Dạng thuốc sắc, tán bột làm hoàn: 3-10g/ngày.
- Dùng ngoài: Không kể liều lượng cố định.
Một số bài thuốc từ Nhũ hương
Chữa đau đầu, gân có cứng, đau nhức cơ thể
Nhũ hương, Thảo ô, Một dược, Vãn tàm sa, Mộc miết tử, Ngũ linh chi, đem tất cả tán bột, trộn với rượu và bột hồ làm viên khoảng bằng hạt ngô, uống với nước sắc Bạc hà mỗi lần 7 viên (Nhũ Hương Hoàn – Chứng Trị Chuẩn Thằng).
Chữa chấn thương sưng đau do té ngã
Nhũ hương, Xuyên khung, Một dược, mỗi thứ 5g, Xích thược, Bạch chỉ, Đơn bì, Sinh địa mỗi thứ 10g, Cam thảo 3g. Đem tất cả dược liệu tán bột, uống 3g/ lần với rượu (Nhũ Hương Định Thống Tán – Lương Phương Tập Dịch).
Chữa sưng đau do mụn nhọt
Nhũ hương, Một dược, mỗi vị 5g, Đại hoàng, Hoàng kỳ, Thiên hoa phấn, Ngưu bàng tử, Mẫu lệ mỗi vị 10g, Kim ngân hoa 15g, Cam thảo 3g, tất cả đem sắc uống chia 2-3 lần/ ngày (Nhũ Hương Tiêu Độc Tán – Ngoại Khoa Trích Lục).
Kiêng kỵ
- Mẫn cảm và dị ứng với bất kỳ thành phần nào của dược liệu.
- Phụ nữ mang thai, cho con bú, không nên sử dụng vị thuốc.
- Không nên dùng lâu dài, đường uống thời gian sử dụng liên tục khoảng 6 tháng; bôi ngoài da nên dùng ít hơn 1 tháng. Nên giảm liều với người có bệnh lý dạ dày.
- Có thể xuất hiện một số triệu chứng phụ khi sử dụng như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn..
Để lại một phản hồi