Nguyên nhân và cách điều trị đầy bụng, khó tiêu ở trẻ nhỏ

Hệ tiêu hóa non nớt của bé chưa hoàn thiện vậy nên rất dễ bị đầy hơi, khó tiêu. Bé mệt mỏi, chán ăn, khó chịu khiến cả nhà cùng lo. Tuy nhiên, đây là chứng bệnh thường gặp ở trẻ và có thể sớm cải thiện.

Đầy bụng, khó tiêu ở trẻ là gì?

Trẻ sơ sinh thường nuốt phải lượng khí lớn trong quá trình khóc và bú, làm cho bụng bé ậm ách, có cảm giác no, khiến bé không muốn bú sữa. Ở những trẻ dưới 1 tuổi, khi tập ăn dặm, lượng khí sinh ra trong quá trình tiêu hóa thức ăn hay hoạt động của vi khuẩn đường ruột cũng khiến cho bé đầy bụng, khó tiêu hóa.

Biểu hiện và nguyên nhân gây đầy hơi, khó tiêu ở bé

Biểu hiện đầy hơi, khó tiêu ở bé

Cha mẹ cần quan sát các biểu hiện bất thường của trẻ khi bị chướng bụng đầy hơi để xử lý kịp thời, tránh để bé bị thiếu hụt dinh dưỡng do lười ăn.

– Bụng bé vẫn căng tròn, đầy khí sau ăn từ 1-2 giờ, nếu vỗ nhẹ vào bụng bé thì sẽ có tiếng như trống

– Bé khó chịu, quấy khóc nhiều hơn

– Bé chán ăn hoặc bỏ ăn

– Đi ngoài phân lỏng hoặc sền sệt, có khi bị táo bón

– Bé xì hơi nhiều lần, hoặc không xì như bình thường

Nguyên nhân khiến bé bị đầy bụng khó tiêu

Để xử lý đầy bụng khó tiêu cho bé nhanh và hiệu quả hơn, các mẹ cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh ở bé. Một số nguyên nhân thường gặp:

– Chế độ dinh dưỡng của mẹ: Nếu bé có dấu hiệu chướng bụng khó tiêu khi chủ yếu bú mẹ, nên nghĩ ngay nguyên nhân đầu tiên là do khẩu phần ăn của mẹ. Có thể mẹ đã ăn thực phẩm chưa chín, các thực phẩm dễ gây đầy hơi như đậu bắp, bắp cải, súp lơ, yến mạch, mận, bơ…

– Không tiêu hóa được các loại protein trong sữa: Khi hệ miễn dịch của trẻ không tiêu hóa được một số loại protein trong sữa, trẻ có thể sẽ bị nôn trớ, khó thở, tiêu chảy ngoài.

– Bất dung nạp đường lactose: Hiện tượng này xảy ra khi cơ thể trẻ không tiết hoặc tiết không đủ lượng men lactase để tiêu hóa các thực phẩm có chứa lactose, chủ yếu là sữa. Khi lactose không được tiêu hóa, chúng sẽ bị vi khuẩn lên men tạo khí, gây nên hiện tượng bụng chướng đầy.

– Do dùng kháng sinh hoặc thuốc: Nếu bé sử dụng thuốc kháng sinh trên 14 ngày, lợi khuẩn trong đường ruột sẽ chết, gây mất cân bằng hệ vi sinh, gây hiện tượng tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu.

– Rối loạn tiêu hóa: khi bé bị trào ngược dạ dày, tiêu chảy, táo bón, bé dễ bị chướng bụng, ợ hơi, dễ nôn ói. Tình trạng ứ phân do táo bón tạo điều kiện cho vi khuẩn yếm khí lên men tạo khí, gây đầy hơi cho trẻ. Còn khi tiêu chảy, bé bị mất điện giải gây nên chướng bụng.

– Dụng cụ uống sữa chưa đảm bảo vệ sinh.

Các phương pháp xử lý đầy hơi, khó tiêu cho bé

Massage bụng cho bé

– Đặt bé nằm ngửa trên giường

– Có thể dùng tinh dầu massage để giảm ma sát với làn da mỏng manh của bé, giúp bé thư giãn, thoải mái hơn

– Xoa tròn các đầu ngón tay theo chiều kim đồng hồ từ trong rốn ra ngoài bụng

– Làm liên tục từ 8 – 10 lần

Chườm nóng bụng bé

Hơi nóng và sức nặng của chiếc khăn nóng sẽ giúp đẩy hơi thừa trong bụng bé ra ngoài dễ dàng hơn. Mẹ chỉ cần lấy 2 chiếc khăn tay, nhúng vào nước nóng và vắt khô. Kiểm tra lại độ nóng để không làm bỏng bé, mẹ đặt một chiếc khăn đã gập gọn lên bụng, dùng chiếc còn lại quấn quanh bụng để cố định.

Giúp bé xì hơi

Mẹ hãy giúp bé đưa hơi từ dạ dày ra bằng cách ôm bé sát vào ngực, hơi ngả người ra sau hoặc mẹ bế bé sao cho bụng bé nằm ngang trên cánh tay mẹ. Sau đó, mẹ vuốt lưng nhẹ nhàng cho bé xì hơi dễ hơn.

Mẹ cũng có thể thực hiện động tác “đạp xe” cho bé để giúp đẩy khí trong bụng hiệu quả. Mẹ đặt bé nằm ngửa, nắm chặt phần chân gần đầu gối, đẩy chân lên phía ngực, chân còn lại đẩy xuống phía dưới.

Giúp bé ợ hơi

Sau mỗi lần cho con bú, đừng quên giúp bé ợ hơi nhé. Mẹ không nên đặt bé nằm ngay mà nên bế vác bé lên vai hoặc cho bé nằm sấp lên đùi hoặc ngồi với tay đỡ sau lưng và đầu bé và vỗ nhẹ cho đến khi bé phát ra tiếng ợ.

Bổ sung men vi sinh

Men vi sinh giúp bổ sung các vi khuẩn có lợi, ức chế các vi khuẩn có hại gây bệnh cũng như tiết độc tố, nhằm tạo sự cân bằng trong hệ vi sinh, hỗ trợ đẩy lùi tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, chướng bụng… Ngoài ra, còn nhiều cách có thể giúp trẻ khắc phục tình trạng đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu hiệu quả như cho trẻ uống nước gừng, nước ấm ngâm vỏ cam quýt, nước chanh, nước lá tía tô… Tuy nhiên đây là những cách chỉ có thể áp dụng cho những bé lớn hơn, ít nhất là trên 1 tuổi.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*