Mộc nhĩ: Vừa là món ăn thân quen, vừa là vị thuốc

Dược liệu Mộc nhĩ khô

Nhắc đến cái tên Mộc nhĩ (hay Nấm mèo), ắt hẳn bất cứ bà nội trợ nào cũng không hề lạ lẫm. Rất nhiều món ăn sẽ bớt thơm ngon nếu như thiếu đi gia vị này. Thế nhưng ngoài vai trò là một loại rau khô, một loại gia vị, không phải ai cũng biết về những tác dụng chữa bệnh của Mộc nhĩ. 

Mộc nhĩ là gì?

Mô tả

Dược liệu còn được gọi là Mộc nhĩ đen, Nấm mèo, Nấm tai mèo. Nó có tên khoa học Auricularia auricula (L.) Underw., thuộc họ Mộc nhĩ (Auriculariaceae).

Đây là một loại nấm. Đúng như cái tên của nó có ý nghĩa là “Tai của gỗ”, loại nấm này mọc trên gỗ mục. Nó có hình dạng giống cái tai của người. Mặt ngoài nấm màu nâu nhạt có lông mịn. Mặt trong nhẵn, màu nâu sẫm. Lúc đầu nó hình cái chén, sau dần biến dạng tựa hình lá quăn hay hình cái tai. Hầu hết cả miếng Mộc nhĩ trơn, phẳng, chỉ có phần gốc có nếp gấp màu tím sẫm.

Loại nấm này thường mọc trên thân cây mục, ở nơi ẩm ướt. Nó không có diệp lục tố, không tự sản xuất được carbohydrat như cây xanh, mà sống nhờ vào thân cây mà chúng bám vào. Nấm lành hay độc hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường sống. Lành tính nhất là nấm trên các loại cây: hòe, dâu, sung, mít, dướng, duối, sắn, so đũa,…

Phân bố

Dược liệu được tìm thấy trên khắp các vùng ôn đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới: Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Á, Australia, Nam Mỹ và Châu Phi. Ở nước ta, nó được trồng nhiều để làm thuốc và làm thực phẩm.

Thu hái, chế biến, bảo quản

Mộc nhĩ thường được thu hái vào mùa hè và mùa thu. Sau khi thu hái thì rửa sạch, cắt bỏ phần bẩn dính vào giá thể rồi mang đi phơi khô.

Cần bảo quản dược liệu nơi khô ráo, thoáng mát, tránh độ ẩm cao để nấm không bị ẩm mốc.

Tác dụng của Mộc nhĩ

Thành phần có trong nấm

Theo nghiên cứu người ta thấy trong 100g dược liệu khô có 125calo, 13,8g chất đạm, 0,2g chất béo, nhiều chất khoáng và chất xơ. Ngoài ra còn có 817mg Kali, 280mg Calci, 210mg Magie, 15-100mg Sắt, 13mg Mangan, 6mg Nicotinamid.

Tác dụng theo Y học hiện đại

Theo nghiên cứu, Mộc nhĩ có khả năng cải thiện thành mạch, làm giảm mỡ máu, ngăn chặn việc hình thành mảng xơ vữa và quá trình ngưng kết tiểu cầu trong các bệnh về tim mạch. Dùng lượng khoảng 10g nấm nấu canh ăn hàng ngày, ăn liên tục 45 ngày có thể cải thiện tình trạng xơ vữa động mạch hoặc thiểu năng tuần hoàn não.

Thuốc có nhiều chất xơ và chất keo thực vật để kết dính chất độc hại trong ruột. Nó có khả năng bào mòn những dị vật hoặc những viên sỏi kết tụ trong cơ thể. Do đó những người sỏi thận, sỏi mật, sỏi bàng quang nên dùng nhiều Mộc nhĩ.

Những người làm việc trong môi trường độc hại, nhiều khói bụi như công trường xây dựng, mỏ than, nhà máy xi măng,… nên có Mộc nhĩ trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Những nhà nghiên cứu Hoa Kỳ, Nhật Bản cho biết một số loại nấm, trong đó có Mộc nhĩ có các chất chống lão hóa, nâng cao sức đề kháng, tăng cường khả năng giải độc phóng xạ và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.

 

Dược liệu Mộc nhĩ khô
Dược liệu Mộc nhĩ khô

Tác dụng theo Y học cổ truyền

Dược liệu có vị ngọt, tính bình. Ăn nó giúp nhẹ thân thể, làm thông khí huyết, ích khí, mạnh chí. Nó có thể chữa những bệnh sau:

  • Chữa đi lỵ ra máu, dùng 20g Mộc nhĩ sao, tán bột, uống làm 3 lần
  • Chữa trĩ lâu ngày, nấu ăn hàng ngày.
  • Trị đau răng, dùng Mộc nhĩ và Kinh giới, sắc nước ngậm và súc miệng.
  • Chữa suy nhược

Ngoài những công dụng trên, người ta thấy rằng, với mỗi loại nấm trên một cây khác nhau sẽ có một số công dụng nổi bật như:

  • Nấm cây dâu: chữa băng huyết, rong kinh. Sao đen, tán nhỏ, uống vài ba muỗng, ngày uống 3 – 4 lần.
  • Nấm cây hòe: chữa sau sanh đau bụng máu. Dùng 20g tán nhỏ, uống với rượu sẽ khỏi.
  • Nấm cây thông: trị tiểu đục không ngừng
  • Nấm cây liễu: trị nôn ói, mửa ra đờm.
  • Nấm cây bồ kết: loại này hơi có độc, không ăn nhiều. Dùng chữa bệnh phong ruột, đại tiện ra máu, đi cầu không thông, phân táo. Đem nấm này tán bột, mỗi lần uống 5g.

Cách sử dụng Mộc nhĩ

Mộc nhĩ có thể nghiến bột hoặc sắc để uống. Có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác. Ngoài ra, nấm còn có thể sử dụng như thức ăn kèm.

Liều lượng 30 – 100gr/ 1 ngày.

Một số bài thuốc từ Mộc nhĩ

Bài thuốc chữa lỵ mãn tính

Mộc nhĩ 30g, Lộc giác sương 8g. Tất cả tán bột, trộn đều, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 5g với nước ấm.

Bài thuốc điều trị hen suyễn, miệng khô, nhiều đờm, tay chân lạnh, mặt tái nhợt

Mộc nhĩ 20g, đường phèn 15g, nấu cùng một lượng nước vừa đủ. Dùng uống trong ngày.

Món cháo Mộc nhĩ giúp người thêm tươi nhuận, bổ phổi, ăn uống ngon miệng, tiêu hóa tốt

Mộc nhĩ 10g, Gạo tẻ 100g (sao vàng), Thịt nạc 50g. Đổ vào 6 chén nước, nấu cháo, thêm gia vị đủ dùng.

Lưu ý khi dùng Mộc nhĩ

  • Những người thể tạng yếu hay bị lạnh, hay đầy bụng hoặc đi tiêu lỏng thì khi dùng thuốc nên dùng kèm 1 hoặc vài lát gừng tươi nướng sơ qua lửa.
  • Không ngâm mộc nhĩ khô bằng nước nóng mà phải ngâm bằng nước lạnh, không được ăn mộc nhĩ tươi.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*