Ma Hoàng: Vị thuốc thường dùng trong các bài thuốc giải cảm

Ma hoàng

Ma hoàng (Herba Ephedrae) là một vị thuốc quen thuộc trong Đông y, chuyên dùng để chữa cảm cúm, hạ sốt, giảm ho… Hiện nay cây chưa thấy ở Việt Nam, các bệnh viện và nhà thuốc Đông y thường nhập khẩu từ Trung Quốc.

1. Thu hái và chế biến

  • Do có vị hơi cay tê (ma) và màu vàng (hoàng) 
  • Tên khoa học Ephedrae có nghĩa là trên (Epi) và đất (Hedrae) ý nói cây thuốc mọc trên đá.

Bộ phận dùng: phần ngọn hoặc phần trên mặt đất. Ngoài ra có thể sử dụng rễ với tác dụng khác.

Thu hái vào mùa thu, trong bộ sách cổ nhất của Trung Quốc “Thần nông bản thảo” có viết, Ma hoàng thu hái vào đầu mùa thu khi thân còn hơi xanh, bỏ các mấu và quả. Và đã được khoa học đã chứng minh kinh nghiệm đó là đúng. Khi thu hoạch vào mùa thu có hoạt chất đạt tới 100%, vào mùa đông còn 50% và mùa xuân chỉ còn 25 – 30%.

Trong đó thân và rễ chứa nhiều ankaloit, mấu và quả chứa rất ít hơn. Khi cây già thân ngả màu nâu thì thuốc hết hiệu lực và chỉ dùng cho trâu bò ăn.

Bào chế: phơi hoặc sấy. Chích mật bằng cách cho một ít nước vào mật ong, khuấy đều rồi đun sôi. Sau đó cho Ma hoàng sạch đã thái lát vào, sao nhỏ lửa đến khi dính tay là được.

Cách bảo quản: nơi khô ráo thoáng mát.

Ma hoàng
Cây Ma hoàng sau khi thu hái

2. Thành phần hóa học 

Ma hoàng là vị thuốc lâu đời, được sử dụng dựa trên kinh nghiệm dân gian truyền lại. Vào những năm 1985 – 1987 đã được hai nhà khoa học Nhật Bản là Nagai và Hamanashi nghiên cứu. Họ đã chiết xuất ra được một ankaloit gọi là Ephedrin. Từ đó Ma hoàng được dùng trong cả Tây y.

Dần dần cây được nghiên cứu nhiều hơn. Người ta nhận thấy rằng tùy theo nguồn gốc mà hoạt chất cũng như tỷ lệ hoạt chất có sự thay đổi. 

Trong tất cả các hoạt chất trên Ephedrin chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 1,3%.

3. Tính vị và tác dụng theo Đông y

Tính vị: cay, hơi đắng, ấm. Qui kinh phế-bàng quang.

Tác dụng: phát hãn giải biểu, tuyên phế bình xuyễn, lợi niệu tiêu thũng.

Chỉ định:

Chứng ngoại cảm phong hàn: sợ lạnh không có mồ hôi, phát sốt đau đầu, mạch phù mà khẩn, thường dùng phối hợp với quế chi trong bài Ma hoàng thang. 

Ma hoàng còn có tác dụng khai tuyên phế khí, dùng để điều trị bệnh xuyễn khái thực chứng, thường phối hợp với hạnh nhân, cam thảo. Ngoài ra ma hoàng còn phối hợp với tế tân, can khương, bán hạ… để điều trị chứng hàn đàm đình ẩm (ho khó thở, đờm nhiều, trong loãng) như bài Tiểu thạch lâm thang. Điều trị phế nhiệt vượng thịnh gây sốt cao, khó thở cấp thường phối hợp với thạch cao, hạnh nhân, cam thảo để thanh phế bình suyễn, như bài ma hạnh thạch  cam thang. 

Chứng phong tà xâm nhập biểu, phế mất công năng tuyên giáng thủy thũng,  gây nên tiểu tiện không thông, phối hợp với cam thảo tức là bài cam thảo ma hoàng thang; nếu kèm theo nóng trong, tỳ hư, có thể phối hợp với thạch cao, sinh khương, cam thảo, bạch truật …

Liều dùng: 05 – 12g. Giảm liều đối với người bị suy nhược, liều cao để chữa đau khớp do phong thấp.

Ma hoàng phơi khô
Ma hoàng phơi khô

4. Tác dụng dược lý

Hạ nhiệt: tinh dầu có tác dụng hạ nhiệt đối với chuột nhắt bình thường.

Gây ra mồ hôi: trên thực tế tác dụng này rõ rệt nhưng chưa được chứng minh và giải thích trên thực nghiệm.

Tác dụng như thần kinh giao cảm: ephedrin làm giãn phế quản, giảm nhu động ruột và dạ dày, kích thích cơ tim đập nhanh, co co trơn mạch máu ngoại vi gây tăng huyết áp chậm và kéo dài, nhỏ vào mắt gây dãn đồng tử, tăng đường huyết, tăng chuyển hóa, co lách.

  • Làm tinh thần phấn chấn, giảm tác dụng của thuốc ngủ, hưng phấn trung khu hô hấp.
  • Lợi tiểu: Ankaloit có tác dụng lợi tiểu rõ, kích thích bài tiết nước dãi và dịch vị.
  • Kháng virus: ức chế virus cúm do tinh dầu.

Rễ Ma hoàng: có tác dụng hoàn toàn ngược lại so với thân, cành và ngọn. Dùng cao lỏng từ rễ tiêm vào động vật thì thấy huyết áp giảm xuống, mạch ngoại vi giãn ra, thở nhanh. (Nghiên cứu của tác giả Nhật Bản Lưu Mê Đạt Phu, Mộc Thôn Hùng Tứ Lang, Hòa hán dược dụng thực vật, 424, 1940).

5. Một số bài thuốc

Trị cảm lạnh dùng bài “Ma hoàng Quế chi thang”: Ma hoàng 8g, Quế chi 6g, Hạnh nhân 8g, Cam thảo 4g, nước 600ml. Bỏ Ma hoàng vào sắc trước, gạt lớp bọt ở trên, cho dược liệu còn lại vào. Sắc còn 200ml, uống ấm cho ra mồ hôi dâm dấp là được, uống 3 lần/ngày.

  • Tác dụng làm cho ra mồ hôi của Ma hoàng tùy vào sự thay đổi liều lượng phối hợp với Quế chi. Nếu muốn cho ra mồ hôi nhiều thì dùng liều Ma hoàng cao hơn Quế chi. Nếu muốn làm cho ra mồ hôi ít có thể giảm liều Ma hoàng bằng hoặc ít hơn Quế chi. (Đông dược học thiết yếu).

Trị ho suyễn trong các bệnh viêm phổi, viêm phế quản cấp, sốt cao, khát nước. Dùng bài thuốc “Ma hạnh thạch cam thang” gồm: Ma hoàng, Hạnh nhân, Cam thảo, Bách hộ mỗi vị 8g, Thạch cao sống 40g, Cát cánh, Hoàng cầm 12g sắc uống.

Trị viêm phế quản cấp mãn, hen phế quản kéo dài, ho, khó thở, đàm loãng trắng. Dùng bài “Tiểu thanh long thang” gồm Ma hoàng 8 – 12g, Bạch thược 12g, Quế chi 8g, Can khương 8 – 12g, Bán hạ 6 – 10g, Chích thảo 6 – 10g, Tế tân 4 – 6g, Ngũ vị tử 4 – 6g, nếu có sốt thêm Thạch cao sống 40g. (Thương hàn luận, Kim quĩ yếu lược).

6. Lưu ý

  • Không dùng đối với những người bị cảm lạnh mà ra mồ hôi nhiều.
  • Thận trọng dùng cho bệnh nhân cao huyết áp, suy tim.
  • Khi dùng liều cao sẽ gây ra mồ hôi đầm đìa như tắm, tinh thần hỗn loạn, thở nhỏ yếu, mặt trắng xanh, tay chân lạnh, sợ lạnh nằm co. Dùng Nhân sâm, Phụ tử sắc uống.
  • Theo sách Bản Thảo Kinh Tập Chú: không dùng Ma hoàng cùng Kỵ Tế tân và Thạch vi.
  • Theo sách Dược Tính Thông Khảo: những người người thổ huyết, cơ thể vốn khí hư, suy nhược, có thai không được dùng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*