Hợp hoan bì: Vị thuốc giúp hoạt huyết tiêu sưng

Hoa hợp hoan bì

Hợp hoan là loại cây có hoa rất đẹp. Cứ vào tầm tháng 6, tháng 7, hoa Hợp hoan nở rực một góc trời. Trăm ngàn tua râu tím hồng rung rinh trong gió, khiến ai mỗi lần nhìn thấy đều sẽ khó quên. Nhưng ngoài hoa, cây còn có một bộ phận khác dùng làm thuốc cũng thường được nhắc đến, đó là vỏ cây, còn gọi là Hợp hoan bì, cùng tìm hiểu kĩ hơn về vị thuốc này nhé

Hợp hoan bì là gì?

Như đã nhắc đến ở trên, Hợp hoan bì là vỏ cây Hợp hoan. Cây Hợp hoan hay còn được biết đến với nhiều cái tên khác: Dạ hợp thụ bì, Nhung hoa thụ, Mã anh hoa,…

Tên khoa học của cây Hợp hoan là Albizia julibrissin Durazz., thuộc họ Đậu (Fabaceae).

Mô tả đặc điểm cây Hợp hoan

Hợp hoan là cây gỗ trung bình, cây trưởng thành có thể cao tầm 16m. Toàn thân nhẵn. Từ thân cây đâm ra nhiều cành nhỏ có góc cạnh.

Lá to, mà lục sáng, lá chét lông chim 2 lần dạng như hình lá phượng, có cuống chung dài tới 24 – 30cm. Mỗi lá mang 8 – 12 cặp cuống lá chét bậc nhất dài 10 – 15cm. Mỗi cuống này lại mang 14 – 30 đôi lá chét bậc hai hẹp hơn, dài 0 – 12mm, rộng 1 – 4mm, gốc không cân xứng, dạng lưỡi liềm hơi cắt ngang. Lá không có lông, cuống dài 6 – 7mm, có tuyến ở nửa dưới. Các lá chét thường khép lại vào ban đêm.

Chùy hoa ở ngọn nhánh, cuống cụm hoa hình đầu 3 – 4cm, nhị có chỉ nhị dài 3cm. Hoa mang hình dáng như những chùm lông, màu hồng tím.

Quả Hợp hoan dẹp, mỏng, thõng xuống, màu nâu đỏ, dài 9 – 15cm, rộng 3 – 3,5 cm. Mỗi quả chứa khoảng 10 hạt. Mùa hoa hợp hoan tầm tháng 6 – 7, màu quả tháng 9 – 11.

Phân bố

Hợp hoan là cây có nguồn gốc từ Trung Quốc và hiện được trồng tại rất nhiều tỉnh ở nước này. Cây thường được trồng làm cảnh và lấy bóng mát vì cây cao lớn và có hoa rất đẹp. Cây ít thấy ở nước ta.

Hoa hợp hoan bì
Hoa hợp hoan bì mang hình dáng như những chùm lông, màu hồng tím

Mô tả dược liệu

Hợp hoan bì là vỏ cây Hợp hoan. Dược liệu khô thường có hình phiến dạng nửa ống. Mặt ngoài màu nâu tro, mặt trong màu nâu vàng nhạt, nhẹ trơn láng có những đường vằn nhỏ chất cứng mà dòn, dễ bẻ gãy.

Thu hái, bào chế, bảo quản

Thu hái: Bộ phận này có thể thu hái quanh năm. Người dân thường chọn những cây già tuổi làm thuốc để có chất lượng thuốc tốt hơn.

Bào chế: Dược liệu tươi sau khi thu hái về được rửa sạch rồi đem phơi khô. Sau đó cạo bỏ lớp vỏ rêu sần bên ngoài. Có thể sao vàng lên dùng dần.

Bảo quản: Cần cất giữ thuốc nơi khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ. Tránh những nơi ẩm thấp, nước đọng sẽ làm hư hại, giảm chất lượng thuốc.

Tác dụng của Hợp hoan bì

Thành phần hóa học

Thành phần hóa học chính trong Dược liệu này là Saponin

Tác dụng theo Y học cổ truyền

Hợp hoan bì có vị ngọt, tính bình. Nó có công dụng giải uất an thần, giúp hoạt huyết tiêu sưng thũng. Thường được dùng để chữa:

  • Tâm thần bất ổn không yên
  • Sầu muộn
  • Mất ngủ, ngủ không ngon giấc
  • Viêm phổi
  • Ung nhọt
  • Đòn ngã tổn thương
Dược liệu Hợp hoan bì khô
Dược liệu Hợp hoan bì khô

Cách dùng Hợp hoan bì

Ngày dùng 10 – 15g vỏ khô dưới dạng thuốc sắc. Hoặc có thể dùng 150 – 200g dạng tươi. Dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ Hợp hoan bì

Bài thuốc chữa tâm thần không yên, sầu muộn mất ngủ

Hợp hoan bì 9g, Dạ giao đằng 15g. Tất cả đem sắc nước uống.

Bài thuốc chữa viêm phổi lâu ngày không khỏi

Hợp hoan bì 15g, Bạch liễm 15g. Đem sắc uống.

Bài thuốc chữa đòn ngã tổn thương gãy xương

Hợp hoan bì (bỏ lớp bần rêu bên ngoài, giữ lấy phần vỏ trong, giã nát, sao vàng hơi sém cạnh) 200g, Xạ hương 5g, Nhũ hương 5g, Mỗi lần uống 15g với rượu ấm.

Bài thuốc chữa vết thương do nhện cắn

Vỏ cây hợp hoan giã thành bột, đem chế với dầu rồi bôi lên vết thương.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*