Hạt bo bo (Ý dĩ): Vị thuốc có công dụng chữa bệnh hay

Cây bo bo

Trong những câu chuyện của ông bà ta, cha mẹ ta về những năm đất nước chiến tranh đói kém, nồi cơm độn đầy khoai lang, Bo bo đã trở thành những kí ức khó phai mờ. Nhưng cũng nhờ những nồi cơm độn ấy, người dân ta mới sống sót để viết tiếp vào trang sử của dân tộc đến ngày hôm nay. Bo bo – loại hạt độn cơm ngày ấy, ít ai biết rằng, bản thân nó cũng là một vị thuốc. 

1. Đặc điểm cây Bo bo

1.1. Mô tả thực vật

Bo bo còn được gọi bằng những cái tên khác như: Ý dĩ, Cườm thảo,…

Tên khoa học là Coix lachryma jobi L., thuộc họ Lúa (Poaceae). Đây là loại cây thảo sống hàng năm, trông qua tựa như cây bắp. Thân cây thẳng đứng, cao 1,5 – 2m, phân nhánh ở những ngọn có hoa.

Thân nhẵn bóng, có nhiều đốt sọc. Ở gốc thân, tại các mấu gần sát đất, có nhiều rễ phụ mọc ra.

Lá cây mọc so le, mặt lá ráp, có gân song song, gân giữa to rõ. Lá hẹp, dài khoảng 10 – 40 cm. Lá không có cuống mà tiếp ngay với bẹ lá. Hoa đơn tính, mọc cùng gốc. Các hoa đực mọc thành một bông ngắn màu xanh lục nhạt, tựa như nhánh của bông lúa. Hoa cái nằm trong một lá bắc dày và cứng, từ màu xanh chuyển sang màu nâu tím đến đen.

Quả bo bo hình trứng hơi nhọn đầu (thường bị gọi nhầm là nhân), nó được bao bởi 1 lá bắc cứng (thường nhầm là vỏ).

Cây bo bo
Cây bo bo

1.2. Mô tả dược liệu hạt Bo bo

Hạt Bo bo khi chín được bao bọc bởi lớp vỏ màu trắng trân châu rất cứng. Dược liệu có hình tròn hoặc bầu dục, phía đáy tương đối rộng, hơi bằng, đỉnh tròn đầy. Đường kính hạt khoảng 0.3 – 0.5 cm, dài khoảng 0.5 – 0.65 cm.

Khi đập vỡ vỏ hạt Bo bo, bên trong có một chất màu trắng, có bột, không mùi, vị ngọt (dược liệu Ý dĩ nhân).

2. Phân bố

Cây Bo bo có nguồn gốc ở Đông Á và bán đảo Malaysia. Đây là loại cây lương thực phổ biến trên thế giới. Nó có mặt hầu hết ở các nước như Ấn Độ, Liên Xô, Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc,… và sau này là Việt Nam. Cây này du nhập vào nước ta với mục đích làm lương thực.

Ở nước ta, cây mọc hoang hoặc được trồng ở ven bờ nước, vườn, bãi, ruộng. Rải rác khắp các tỉnh ở đâu cũng có thể có. Tập trung nhiều ở các tỉnh Thanh Hóa, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh…

hạt bo bỏ nguyên vỏ
Hạt bo bỏ nguyên vỏ rất cứng

3. Thu hái, sơ chế, bảo quản

Bo bo thường được thu hoạch trong khoảng thời gian tháng 8 đến tháng 10. Người ta cắt cả cây rồi đem đi đập cho rụng hạt. Hạt sẽ được bỏ phần vỏ cứng bên ngoài, chỉ dùng phần nhân ở bên trong. Hạt này được dùng sống hoặc cho vào cám sao hơi vàng, sàng bỏ cám, để nguội sử dụng.

Hạt Bo bo rất dễ bị côn trùng, mối mọt ăn. Do đó nên thường xuyên kiểm tra tình trạng của thuốc để kịp thời xử lý. Cất thuốc nơi khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát.

4. Thành phần hóa học trong hạt Bo bo

Trong hạt Bo bo chứa khoảng 60% carbohydrate, gần 14% protein, 7.87% lipid. Nghiên cứu về hàm lượng chất béo trong hạt Bo bo, thì thấy hàm lượng acid béo không no chiếm 92.95%, tập trung chủ yếu ở 2 acid oleic (34.53%) và linoleic (43.08%).

Những acid này có thể làm giảm lượng cholesterol trong máu. Ngoài ra trong hạt Bo bo ở Việt Nam có chứa hàm lượng γ-T (một trong 7 đồng phân của vitamin E), phytosterol cao. Các chất này có giá trị dinh dưỡng và cũng có khả năng làm giảm nồng độ cholesterol trong máu.

5. Tác dụng dược lý

Nghiên cứu hiện đại cho thấy hạt Bo bo có một số công dụng:

  • Chống tăng sinh, chống ung thư, chống dị ứng.
  • Ngăn chặn các dấu hiệu ban đầu trong quá trình ung thư ruột kết.
  • Có lợi cho sức khỏe tim mạch và đường ruột.
  • Có tác dụng làm giảm lipid máu và chống oxy hóa.
  • Một số chất benzoxazinone trong hạt này thể hiện hoạt động chống viêm.
  • Chiết xuất hạt Bo bo có hiệu quả chống nhiễm virus.

Có thể sử dụng làm thực phẩm trị liệu và chức năng cho bệnh nhân đái tháo đường, béo phì và chống dị ứng.

Dược liệu bo bo (Ý dĩ nhân)

6. Công dụng của hạt Bo bo theo YHCT

Tính vị: ngọt, nhạt, hơi hàn. Quy kinh tỳ, vị, phế.

Tác dụng: lợi niệu thấm thấp, kiện tỳ, trừ tý, thanh nhiệt bài nùng.

ý dĩ

Chỉ định:

Chứng tiểu tiện bất lợi, thuỷ thũng, bụng trướng, ăn ít, tiết tả do tỳ hư thấp thịnh thường dùng với phục linh, bạch truật, hoàng kỳ. Điều trị thấp nhiệt lâm chứng có thể dùng ý dĩ nhân sắc uống.

Chứng phong thấp, đau mình mẩy, phát sốt thường dùng với ma hoàng, hạnh nhân, cam  thảo như bài ma hạnh ý cam  thang. Điều trị phong thấp lâu ngày, cân mạch co rút, dùng ý dĩ nhân nấu cháo ăn như bài ý dĩ nhân chúc. Điều trị thấp tà nhiệt thịnh, uẩn kết ở kinh lạc thường dùng với hoạt thạch, liên kiều như bài tuyên tý thang.

Điều trị viêm phổi, đau tức ngực sườn, ho nhiều đàm thường dùng với đông qua nhân, đào nhân, vĩ kinh như bài vĩ kinh thang. Điều trị viêm đại tràng thường dùng với phụ tử, bại tương thảo, đan bì như bài phụ tử ý dĩ bại tương tán.

Hạt Bo bo còn được xem là thứ thuốc bổ và bồi dưỡng cơ thể tốt:

  • Bổ sức cho người già, trẻ em.
  • Lợi sữa cho phụ nữ sau sinh.

Ngoài ra hạt Bo bo còn có thể trừ mủ, tiêu viêm nên có thể chữa abces phổi, làm tiêu mủ vết thương.

Bột nghiền từ hạt Bo bo còn có thể dùng làm mặt nạ đắp mặt giúp làm trắng da, liền sẹo.

7. Kiêng kỵ

  • Sách Bản Thảo Kinh Sơ: Người bị táo bón, hơi thở ngắn, hàn nhập vào gân, Tỳ hư không có thấp không nên dùng.
  • Sách Đắc Phối Bản Thảo: Thận thủy bất túc, Tỳ âm bất túc, khí hư hạ hãm, có thai không dùng.
  • Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách: Tân dịch khô, táo bón, có thai nên kiêng dùng.

Bo bo là một loại hạt tuy dễ tìm nhưng lại có hiệu quả chữa bệnh rất tốt. Có thể làm những món ăn kết hợp bài thuốc như cháo bo bo, cơm độn bo bo. Tuy nhiên không nên lạm dụng vị thuốc này, có thể làm người trở nên khô cằn, kém nhu nhuận.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*