Cây một lá: Thảo dược trị ho hiệu quả

Cây một lá: Loại thảo dược trị ho hiệu quả 1

Cây một lá hay còn có tên gọi khác là Trân châu diệp, Thanh thiên quỳ, là một loài cây đặc biệt đúng như tên gọi, chỉ có 1 lá và phần thân rễ. Cây một lá là một vị thuốc được sử dụng trong dân gian với công dụng bổ phổi, trị ho. 

1. Mô tả dược liệu

Cây một lá có tên khoa học là Nervilia fordii (Hance) Schultze. Thuộc họ Lan (Orchidaceae).

Tên gọi khác: Trân châu diệp, Thanh thiên quỳ, Siam lài, Bầu thoọc (bầu là lá, thoọc là một), Kíp lầu (Quảng Hoa – Cao Bằng).

1.1. Hình thái của cây

Cây một lá là một cây địa sinh, loại cỏ sống lâu, cao từ 10 – 20cm. Thân rất ngắn, củ tròn to, có thể nặng tới 1,5 – 20g. Thẳng từ củ, chỉ mọc lên có một lá riêng lẻ sau khi hoa tàn.

Cây một lá: Loại thảo dược trị ho hiệu quả 1
Hình ảnh cây một lá

Lá hình tim tròn, xếp theo các gân lá hình chân vịt, đường kính 10 – 25cm mép uốn lượn. Gân lá tỏa đều từ cuống lá, cuống lá dài 10 – 20cm, màu tím hồng.

Cụm hoa có cán dài 20 – 30cm. Hoa thưa 15 – 20 cái, mọc thành chùm hay bông màu trắng, đốm tím hồng hay màu vàng hơi xanh lục. Lá đài và cánh hoa giống nhau. Cánh môi 3 thuỳ, có rất nhiều gân, có lông ở quãng giữa, thuỳ bên và thuỳ tận cùng hình ba cạnh, cột dài 6mm, phồng ở đỉnh.

Cây ra hoa vào tháng 3, tháng 4 và tháng 5, cho quả nang vào các tháng 4, tháng 5 và tháng 6. Khi hoa nở, đầu cánh hoa phía trên chụm lại làm toàn hoa giống như chiếc đèn lồng. Quả hình thoi, trên có múi trông giống như quả khế con, dài 2 – 3cm.

Cây một lá: Loại thảo dược trị ho hiệu quả 2
Cây một lá và hoa của nó

Thường sau khi hoa tàn rồi, lá mới phát triển do đó hoặc ta chỉ thấy cây mang hoa, hoặc quả, không có lá, hoặc chỉ thấy cây có lá, thường một lá.

1.2. Khu vực phân bố

Cây một lá ưa mọc ở kẽ núi đá, nơi thấp và ẩm ướt, dưới bóng cây to hoặc dưới đám cỏ dày đặc. Hầu như không thấy mọc ở bờ ruộng hay ở những môi trường khác.

Gặp nhiều ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Ngoài các tỉnh nói trên, hiện ta đã phát hiện thanh thiên quỳ có ở nhiều vùng núi các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tây, Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu…

2. Thu hái và cách sử dụng cây một lá

2.1. Thu hái

Thu hái chủ yếu là toàn cây, nhưng để bảo vệ giống, chỉ nên thu hái lá, để dành củ cho cây phát triển. Tuy nhiên qua cách sinh trưởng của cây, ta thấy hoa quả và hạt nở trước khi biết cây cho nên cần chú ý theo dõi cách vừa khai thác vừa phát triển cây này.

Khi thu hái, chú ý phân biệt lá to, lá nhỏ để riêng.

2.2. Cách sử dụng

Cây một lá sau khi hái về có 2 cách chế biến:

  • Cách thứ nhất: Hái về rửa sạch đất cát, phơi cho hơi se thì dùng tay vò vừa phơi vừa vò, lúc đầu vò từng lá một, sau vò nhiều lá một lúc cho đến khi thật khô, ngày vò 2 – 3 lần.
  • Cách thứ hai: Lá hái về rửa sạch đổ qua nước sôi, rồi tiếp tục làm như trên.

Tuy nhiên có nơi chỉ hái về rửa sạch phơi khô không vò cũng không đồ hay nhúng nước sôi trước khi vò và phơi. Lá nhỏ là loại tốt, có màu tro sẫm hay lục đen, lá vo tròn thành cục mùi thơm.

3. Thành phần hóa học

Cây một lá chứa triterpenoids, steroid, flavonoids, các axit hữu cơ, axit amin, và các thành phần khác.

4. Tác dụng dược lý

Hầu như có rất ít các nghiên cứu về loài cây này vì sự kém phổ biến của nó. Gần đây có một vài nghiên cứu được công bố như sau:

  • Rhamnocitrin chiết xuất từ Cây một lá ức chế hoạt hóa nội mô mạch máu. Vì sự kích hoạt nội mô mạch máu là nguyên nhân chính của việc sản xuất quá nhiều cytokine, dẫn đến cơn bão cytokine và bệnh lý nghiêm trọng trong các bệnh truyền nhiễm như SARS và bệnh viêm phổi COVID-19.
  • Chiết xuất của Cây một lá có tác dụng chống ung thư rõ ràng đối với chuột thực nghiệm, và có thể kéo dài tuổi thọ của chuột. Bên cạnh đó, nó còn có thể cải thiện khả năng điều hòa miễn dịch của chuột.
  • Tổng số flavonoid chiết xuất từ Cây một lá có thể gây ra sự biểu hiện IL-6 trong buồng trứng và hoạt động như một loại thuốc điều trị tiềm năng để điều trị Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).

5. Công dụng và liều dùng

Dược liệu thường được xuất khẩu, trong nước ta hầu như rất ít dùng.

Theo Quảng Tây trung dược chí thanh thiên quỳ được dùng làm thuốc lợi phế, cầm ho, giải độc, làm hết đau.

Dùng uống chữa lao phổi, làm cho phổi mát đỡ nóng, dùng ngoài giã nát đắp lên nơi đau, mụn nhọt. Ngày dùng 12 đến 20g dưới dạng thuốc sắc.

6. Bài thuốc kinh nghiệm từ cây một lá

  • Bồi dưỡng cơ thể, mát phổi, chữa lao phổi và ho

Mỗi ngày dùng 10 – 20 lá cây một lá cho vào nồi sắc hoặc hấp đường hoặc chế biến thành cao lỏng để uống cũng có tác dụng rất tốt.

  • Chữa viêm nhiễm, lở loét

Dùng lá cây một lá tươi giã nát, đắp lên các chỗ đau nhức hoặc đắp mụn nhọt, các vết lở loét viêm nhiễm ngoài da rất hiệu quả.

  • Viêm miệng, viêm họng cấp tính

Nhai sống cây một lá còn tươi.

Tóm lại, cây một lá là loại cây thuốc dùng trong dân gian với tác dụng bổ phổi, làm mát, có thể dùng uống và dùng đắp ngoài. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*