Cát cánh trong các tài liệu cổ ghi nhận có tác dụng trừ đàm, khai thông phế khí, có tác dụng trên đường hô hấp. Ngày nay, tác dụng của Cát cánh được nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khác, hứa hẹn là cơ sở mới trong điều trị và nâng cao sức khỏe.
1. Mô tả dược liệu
1.1. Danh pháp, tên gọi dược liệu
Tên khác: Tề ni (Bản Kinh), Khổ ngạch (Bản Thảo Cương Mục), Bạch dược, Cánh thảo (Biệt Lục), Mộc tiện, Đô ất la sất, Cát tưởng xử hoặc Khổ cánh (Hòa hán Dược Khảo), Lư như, Lợi như, Phòng đồ, Phù hổ và Phương đồ (Ngô Phổ Bản Thảo).
Tên khoa học: Platycodon grandiflorum hay Platycodon grandiflorus.
Họ: Hoa chuông (Campanulaceae).
1.2. Đặc điểm tự nhiên
Cát cánh là loại cây cỏ sống lâu năm, có chiều cao khoảng 50 – 90 cm. Cây có lá mọc đối hay vòng 3. Các lá gần cụm hoa thường mọc so le và có mép khía răng. Hoa mọc thành từng bông thưa ở đầu cành hoặc mọc riêng lẻ, có màu trắng hay lam tím. Quả có nhiều hạt nhỏ, màu nâu đen. Rễ phình to thành củ.
1.3. Phân bố, thu hái, chế biến
1.3.1. Phân bố
Cây Cát cánh là loài duy nhất trong chi Platycodon và được tìm thấy ở khu vực đông bắc châu Á bao gồm các nước như Nhật Bản, Trung Quốc (An Huy, Sơn Đông và Giang Tô), Triều Tiên và Đông Siberi.
1.3.2. Thu hái, chế biến
- Thu hái: Thường hái lá vào mùa xuân và rễ cây vào giữa tháng 2 – 8. Hái rễ những cây đã sống 4 – 5 năm.
- Chế biến: Rễ Cát cánh sau khi thu hái xong được rửa, cạo sạch vỏ ngoài và phơi nắng hoặc sấy khô.
1.4. Bộ phận dùng
Bộ phận sử dụng: Rễ cây.
2. Thành phần hóa học
Cát cánh có một số thành phần chính như sau: Polygalain acid, A-spinasteryl-b-D-glucoside, Platycodigenin, Betulin, Platycogenic acid, Alpha-spinasterol, Stigmasterol.
Trong rễ Cát cánh, có 2% Kikyosaponin. Khi thêm acid và đun sôi sẽ hình thành Kikyosapogenin. Ở hoa, lá, cành, hàm lượng Saponin này cao hơn ở rễ. Saponin này phá huyết mạnh hơn Saponin của Viễn chí.
3. Tác dụng dược lý
3.1. Theo y học cổ truyền
Tính vị: đắng, cay, bình. Quy kinh phế.
Tác dụng: tuyên phế khứ đàm, lợi yết bài nùng.
Chỉ định:
Điều trị ho do phong hàn, thường phối hợp với tử tô, hạnh nhân như bài hạnh tô tán. Nếu do phong nhiệt, thường dùng cùng với tang diệp, cúc hoa, hạnh nhân như bài tang cúc ẩm. Nếu trong ngực cảm thấy tức đầy, đàm trở khí trệ, mất khả năng thăng giáng thường dùng cùng với chỉ thực để thăng giáng khí cơ, lý khí khoan hung.
Điều trị sưng đau hầu họng, mất tiếng thường dùng cùng với cam thảo, ngưu bàng tử như bài cát cánh thang, hoặc gia vị cam cát thang. Nếu sưng họng, kèm theo sốt cao thường dùng cùng với xạ can, bản lam căn.
Điều trị viêm phổi, ho nhiều, đàm đặc thường dùng cùng với cam thảo như bài cát cánh thang, trên lâm sàng hay phối hợp với ngư tinh thảo, đông qua nhân để tăng cường khả năng thanh phế bài nùng.
Ngoài ra còn dùng để tuyên thông phế khí mà thông nhị tiện.
Liều dùng: 3 -10g.
Chú ý: không nên dùng trong khí cơ thượng nghịch, buồn nôn, chóng mặt, âm hư hoả vượng. Khi dùng liều cao có thể gây nôn.
3.2. Theo y học hiện đại
3.2.1. Hoạt động hệ hô hấp
Theo Đỗ Tất Lợi (2004), Cát cánh có tác dụng trừ đờm, long đờm do hoạt động của Saponin. Khi uống làm kích thích niêm mạc cổ họng và dạ dày, từ đó tăng phân tiết chất nhầy đường hô hấp làm cho đờm loãng và dễ tống xuất ra ngoài.
3.2.2. Hoạt động huyết học
Saponin của Cát cánh có tác dụng phá huyết rất cao. Pha loãng 1/10.000 vẫn còn tác dụng phá huyết. Tác dụng phá huyết này cao gấp 2 lần so với Saponin của Viễn chí. Do đó, không được tiêm vào mạch.
3.2.3. Hoạt động chống khối u
Ngày nay, nhiều loại ung thư được cho là rối loạn chu trình “chết” tế bào – apotosis, khiến cho tế bào ung thư “bất tử”, sản sinh bất thường.
Các nghiên cứu trong ống nghiệm đã chỉ ra rằng Cát cánh có tác dụng ức chế đáng kể đối với sự tăng sinh của A549 (ở phổi), SK-OV-3 (ở buồng trứng), SK-MEL-2 (khối u ác tính), XF498 (khối u ác tính hệ thống thần kinh trung ương) và các dòng tế bào HCT-15 (ở đại tràng). Platycodin D trong Cát cánh có thể hỗ trợ chu trình “chết” tế bào – apotosis trong nhiều loại tế bào ung thư đã kể trên.
Ngoài platycodin, polysacarit trong Cát cánh có thể ức chế đáng kể sự phát triển khối u của ung thư cổ tử cung U14 ở chuột. Người ta suy đoán rằng polysacarit có thể có tác dụng chống khối u bằng cách điều chỉnh sự biểu hiện của các gen liên quan để thúc đẩy quá trình apoptosis của các tế bào khối u.
3.2.4. Hoạt động chống oxy hóa
Saponin của Cát cánh tăng đáng kể hoạt động của các enzyme chống oxy hóa và giảm nồng độ các gốc tự do trong các mô phổi của chuột bị viêm phế quản mãn tính do hút thuốc trong thời gian dài.
3.2.5. Hoạt động chống viêm và kháng nấm
Jang và cộng sự đã nghiên cứu tác dụng chống viêm của saponin trong Cát cánh ở chuột. Cát cánh ức chế đáng kể việc sản xuất quá mức các yếu tố gây viêm NO, PGE2 và cytokine tiền viêm, bao gồm interleukin-1 β (IL-1 β) và TNF-α, mà không gây ra bất kỳ tác dụng gây độc tế bào.
Saponin của vị thuốc Cát cánh làm giảm sự bám dính của Candida albicans với các tế bào biểu mô niêm mạc miệng.
3.2.6. Hoạt động hạ đường huyết
Các nghiên cứu khác nhau đã chứng minh rằng Cát cánh có khả năng chống tiểu đường. Chiết xuất cồn của Cát cánh có thể làm giảm đường huyết, tăng cường tác dụng hạ đường huyết của insulin ngoại sinh mà không kích thích tiết insulin, tăng độ nhạy insulin của chuột mắc bệnh tiểu đường.
3.2.7. Hoạt động bảo vệ gan
Saponin của Cát cánh có tác dụng điều trị trên nhiều mô hình tổn thương gan do thuốc, rượu, có thể ngăn chặn hoạt động của rượu qua trung gian CYP2E1 và loại bỏ gốc tự do trong tổn thương gan do rượu.
3.2.8. Các hoạt động khác
Ngoài các hoạt động dược lý trên, Cát cánh còn có tác dụng chống béo phì, hoạt động điều hòa miễn dịch, chống mệt mỏi, chống tổn thương phổi và các hoạt động sinh học khác.
4. Liều dùng, kiêng kỵ
- Liều dùng: ngày uống 3 – 9g, dưới dạng thuốc sắc. Cấm tiêm thuốc vào mạch.
- Kiêng kỵ: Người thể trạng âm hư mà ho thì không nên dùng.
Để lại một phản hồi