Cáp giới (tắc kè): Thức ăn bổ dưỡng cho sức khỏe và vị thuốc trị bệnh

Loài Tắc kè đa dạng về màu sắc, thay đổi phù hợp với môi trường xung quanh

Tắc kè (Cáp giới) là loài động vật có ở khắp nước ta. Ngoài việc có thể sử dụng thịt của Tắc kè làm thức ăn bổ dưỡng cho sức khỏe, dân gian còn biết dùng nó làm vị thuốc để điều trị bệnh. 

1. Giới thiệu về Cáp giới

  • Tên gọi khác: Tiên thiềm, Đại bích hổ, Cáp giải…
  • Tên khoa học: Gekko Gekko L.
  • Họ khoa học: Tắc kè (Gekkonidae).

Bộ phận làm thuốc là toàn con, mổ bỏ ruột phơi hay sấy khô.

Con đực gọi là Cáp, con cái gọi là Giới. Về đêm, nghe kêu 1 tiếng “tắc” (cáp), 1 tiếng “kè” (giới), do âm thanh mà có tên Tắc kè.

1.1. Đôi nét về loài Tắc kè

Tắc kè có hình dáng gần giống như Thạch sùng (Thằn lằn) nhưng có kích thước to hơn nhiều. Loài này có thân dài khoảng 10 – 17cm (không kể phần đuôi, đuôi có thể dài bằng thân mình). Đầu hẹp hơi hình tam giác. Mắt có con ngươi thẳng đứng, miệng có hai hàm răng sắc nhọn. Đuôi có thể coi là bộ phận tốt nhất của nó. Nếu đuôi bị đứt hay gãy có thể mọc lại được. Toàn thân dẹt, có vẩy nhỏ, mỏng, bao gồm nhiều màu da như nâu đen, nâu xanh hoặc xám kèm theo nhiều chấm đỏ, lốm đốm trên lưng, thay đổi phù hợp với môi trường xung quanh.

Tắc kè thường sống theo cặp (một đực và một cái) ở các vách đá, hốc cây hoặc trong nhà dân. Khi làm thuốc thường cần bắt đủ một đôi để tăng hiệu quả điều trị. Con đực thường có miệng rộng, đuôi nhỏ, da sần sùi. Trong khi con cái thường có da mịn màng, miệng nhỏ và đuôi lớn nhưng ngắn hơn con đực. Bụng thường phình to, có 4 chân ngắn, ngón chân có màng mỏng, giúp Tắc kè bám lên tường, vách đá hoặc leo trèo trên thân cây.

Ban ngày, mắt của loài động vật này bị lóa nên chỉ đi kiếm mồi vào ban đêm. Chúng chỉ thích ăn những loại sâu bọ có cánh, lúc bắt mồi động tác rất nhanh nhẹn, linh hoạt. Vào khoảng tháng 4 là bắt đầu mùa hoạt động của Tắc kè. Tháng 5 – 6 là tháng hoạt động mạnh nhất.

Loài Tắc kè đa dạng về màu sắc, thay đổi phù hợp với môi trường xung quanh
Loài Tắc kè đa dạng về màu sắc, thay đổi phù hợp với môi trường xung quanh

1.2. Phân bố và thu hoạch

Tắc kè được tìm thấy ở hầu hết các địa phương tại Việt Nam như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên… tại vách đá, hốc cây thuộc các khu rừng, miền núi.

Khi thu bắt, người ta thường nghe Tắc kè kêu ở chỗ nào thì đến đó tìm bắt. Có 3 cách thu bắt phổ biến như sau:

  • Dùng tóc: Lúc chập tối, dùng gậy tre nhỏ, đầu có buộc một nắm tóc. Đưa gậy này vào các hốc cây, vách đá. Tắc kè tưởng là con mồi nên sẽ nhảy lên vồ. Lúc này kéo nhanh gậy về sẽ thu được.
  • Dùng ánh sáng: Khoảng 7 – 8 giờ tối, Tắc kè thường bò ra khỏi hang để tìm mồi. Lúc này dùng đèn pin soi vào, Tắc kè sẽ nằm im, chỉ cần nhanh tay nắm lấy cổ là có thể bắt được.
  • Bắt bằng móc sắt: Vào mùa hè, Tắc kè thường bò ra khỏi hang để tránh nóng. Tuy nhiên, ban ngày nó dễ bị lóa mắt, tầm nhìn kém và thiếu linh hoạt. Vì vậy, có thể dùng móc sắt móc vào hàm trên hoặc dưới của Tắc kè, sau đó nắm chặt cổ để bắt.

Thời gian thu hoạch: Có thể bắt Tắc kè quanh năm.

1.3. Bộ phận dùng làm thuốc, bào chế

Toàn thân Tắc kè sau khi đã bỏ nội tạng, căng thẳng phơi sấy khô đều có thể dùng làm thuốc. Vị thuốc có tên gọi là Cáp giới.

Chế biến: Sau khi Tắc kè chết, loại bỏ phủ tạng, lau khô bằng vải hay giấy bản, dùng nẹp tre để căng giữ cho thân thẳng và phẳng ngay ngắn. Dùng dải giấy bản cuốn buộc chặt đuôi, sát với nẹp tre để phòng mất đuôi. Sau đó phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp (khoảng 40 – 50°C).

Mô tả dược liệu:

  • Có 4 chân. Toàn thân dẹt, do đã chế biến nên có hình dáng đặc biệt. Bộ xương vùng đầu rõ ràng, mắt lõm sâu. Đầu dài từ 3cm đến 5cm, trên có 2 mắt, miệng có răng nhỏ và đều. Thân dài từ 8cm đến 15cm, rộng 7 – 10cm.
  • Đuôi dài 10 – 15cm, nguyên và liền. Vùng lưng sau khi tróc phiến vảy màu xám xanh làm lộ da dư thừa màu nâu. Cột sống giữa và xương hai bên thể hiện dạng cạnh sống lưng lồi lên, tứ chi và phần đuôi nhăn teo nhiều. 5 ngón chân cứng cong có lỗ hút. Mùi hơi tanh, vị hơi mặn.
  • Con nào có thịt trắng mùi thơm còn nguyên đuôi không sâu mọt là tốt. Không dùng con đã mất đuôi hoặc đuôi bị chắp.
Dược liệu Cáp giới có thịt trắng mùi thơm, còn nguyên đuôi không sâu mọt là tốt
Dược liệu Cáp giới có thịt trắng mùi thơm, còn nguyên đuôi không sâu mọt là tốt

1.4. Bảo quản

Cáp giới dễ bị sâu mọt, nấm mốc. Chuột cùng rất thích ăn Cáp giới, nhất là phần đuôi. Do đó, sau khi bào chế cần bảo quản trong thùng kín có Xuyên tiêu, đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh không khí ẩm ướt. Khi bảo quản cần cẩn thận tránh làm gãy nát hoặc mất đuôi dược liệu.

2. Thành phần hóa học và tác dụng

2.1. Thành phần hóa học

Cáp giới chứa nhiều chất béo, khoảng 13 – 15% trọng lượng cơ thể. Ở đuôi, tỉ lệ chất béo thường cao hơn, khoảng 23 – 25%.

Ngoài ra, Cáp giới cũng chứa một số axit amin, đa số là các loại axit amin không thay thể được như:

  • Acid Lutamic, Acid Aspatic, Alanin, Acginin.
  • Lysin, Serin, Leucin, Phenylamin, Isoleucin, Histidin.
  • Valin, Prolin, Treonin, Xystein.

2.2. Tác dụng y học hiện đại

Dịch nước từ Cáp giới có thể làm tăng kích thước tinh hoàn ở chuột đực và tạo nên một số phản ứng như kích thích nội tiết tố ở chuột đực.

Có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ chuột ở môi trường thiếu oxy, quá nóng hoặc quá lạnh.

Tác dụng kháng viêm và hạ đường huyết.

2.3. Tác dụng y học cổ truyền

Cáp giới có tính vị:

  • Vị mặn, tính bình, có độc tố nhẹ (theo Khai Bảo Bản Thảo).
  • Vị ngọt, mặn, tính ôn, tiêu độc (theo Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

Quy kinh:

  • Quy về Phế thận kinh (theo Trung Dược Học).
  • Thủ thái âm, túc thiếu âm kinh (theo Bản Thảo Kinh Sơ).

Tác dụng: trị khó thở hay suyễn, giảm ho lâu ngày không khỏi, ích tinh huyết, bổ thận dương, điều trị suy nhược cơ thể, trị chứng ù tai, đau lưng mỏi gối, kinh nguyệt không đều…

Cáp giới hỗ trợ điều trị các bệnh hô hấp, giảm ho, hen suyễn
Cáp giới hỗ trợ điều trị các bệnh hô hấp, giảm ho, hen suyễn

3. Cách dùng và liều dùng

Cáp giới có thể dùng dưới dạng viên hoàn, tán bột mịn, ngâm rượu, thuốc sắc hoặc nấu thành cháo đều được. Liều lượng khuyến cáo: Mỗi ngày dùng 3 – 6g. Tuy nhiên, liều lượng có thể thay đổi phụ thuộc vào bài thuốc và chỉ định của thầy thuốc.

Độc tính: Mắt và bàn chân của Tắc kè có chứa độc. Do đó, cần bỏ các bộ phận này trước khi dùng.

Kiêng kỵ:

  • Không dùng cho người ho do cảm lạnh, sốt cao, bệnh mới mắc.
  • Không phải bệnh do Thận Tỳ đều hư.
  • Ho do ngoại hàn hay nhiệt tà không dùng.
  • Người tu hành, ăn chay trường không nên dùng.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Trị ho lâu ngày không khỏi, ho có máu mủ

Cáp giới 1 cặp, Nhân sâm 1 chỉ 5 tán bột, lần uống 5 phân, ngày uống 2 – 3 lần với nước cơm (Sâm Cáp Tán – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Hoặc Cáp giới 2 chỉ. Tri mẫu, Bối mẫu, Lộc giao (chưng), Hạnh nhân, Tỳ bà diệp, Đảng sâm mỗi thứ 3 chỉ. Cam thảo 1 chỉ, sắc uống (Cáp Giới Thang – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

4.2. Cải thiện tình trạng chán ăn, suy dinh dưỡng

Sử dụng Cáp giới 1 – 2 con còn đuôi, chặt bỏ 4 bàn chân và phần đầu từ u mắt trở lên. Lột da, mổ bụng, bỏ sạch ruột. Sau đó cắt thành nhiều miếng nhỏ, thêm Gừng, nấu chín, dùng ăn.

Vị thuốc Cáp giới dùng để chữa trị nhiều chứng bệnh
Vị thuốc dùng để chữa trị nhiều chứng bệnh

4.3. Bổ thận tráng dương, điều trị di tinh, đau lưng mỏi gối

Cáp giới 1 cặp tán bột, mỗi lần 1 chỉ ngày uống 2 lần với rượu ngọt (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Sử dụng Tắc kè 24g, Huyết giác, Trần bì, mỗi vị 3g. Đảng sâm 40g, Tiểu hồi 1g, ngâm với rượu 1.000ml và một lượng đường vừa đủ. Mỗi ngày dùng uống 1 cốc nhỏ (khoảng 30ml).

Cáp giới là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*