Can khương: Vị thuốc trị bệnh từ Gừng khô

Gừng là loại gia vị quen thuộc

Can khương là tên gọi khác của Gừng khô, nhờ chứa thành phần đa dạng với dược tính cao nên được dùng làm vị thuốc phổ biến trong Đông y. Đây là thảo dược khô dễ bảo quản, lại hiệu quả trong chữa đau bụng lạnh, đầy trướng không tiêu, chân tay giá lạnh, ho suyễn, thấp khớp. 

1. Tổng quan về Gừng

Gừng có tên khoa học là Zingiber officinale Roscoe, họ Gừng (Zingiberaceae). Dược liệu còn được gọi là Khương, Sinh khương, Can khương. Khương là thân rễ của cây Gừng tươi hoặc khô. Tùy theo tươi hay khô, vị thuốc mang tên khác nhau:

  • Sinh khương: củ (thân rễ) tươi.
  • Can khương: thân rễ phơi khô.

1.1. Đặc điểm thực vật

Gừng là một loại cây nhỏ, sống lâu năm. Thân rễ mầm lên thành củ, lâu dần thành xơ. Lá mọc so le, không cuống, mặt bóng nhẵn, gân giữa hơi trắng nhạt, vỏ có mùi thơm. Trục hoa xuất phát từ gốc.

Gừng là loại gia vị quen thuộc
Gừng là loại gia vị quen thuộc

1.2. Phân bố

Gừng được trồng ở khắp nơi trong nước ta để lấy củ ăn và làm thuốc, dùng trong nước và xuất khẩu.

1.3. Bộ phận dùng

Thân rễ hay thường gọi là củ, là bộ phận của cây được sử dụng để làm thuốc.

1.4. Thành phần hóa học

Trong gừng có 2 – 3% tinh dầu, chủ yếu là các hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic. Ngoài ra còn có chất nhựa dầu (5%), chất béo (3,7%), tinh bột và các chất cay như zingeron, zingerola và shogaola. Vị cay có trong Gừng là do hoạt chất zingeron.

1.5. Tác dụng dược lý

Gừng có những tác dụng dược lý như sau:

  • Ức chế thần kinh trung ương, làm giảm vận động tự nhiên và tăng thời gian gây ngủ của thuốc ngủ barbituric. Cao chiết Gừng khô, gingerol và shogaol đều ức chế sự vận động tự nhiên của chuột nhắt.
  • Hạ nhiệt: shogaol và gingerol làm giảm sốt trên chuột đã được gây sốt bằng cách tiêm men bia.
  • Giảm đau và giảm ho.
  • Chống co thắt: shogaol và gingerol có tác dụng này.
  • Chống nôn: dịch chiết Gừng khô có tác dụng trên chó gây nôn bằng đồng sulfat.
  • Kích thích sự vận chuyển trong đường tiêu hóa: dịch chiết Gừng khô cho chuột nhắt uống làm tăng sự vận chuyển barisulfat.
  • Tác dụng chống viêm: dịch chiết Gừng khô tiêm dưới da cho chuột nhắt ức chế sự tăng tính thẩm thấu của các mao quản trong phản ứng viêm thực nghiệm.

2. Vị thuốc Can khương

2.1. Mô tả dược liệu

Can khương là thân rễ khô của Gừng lâu năm, có củ phình bự và tạo xơ nhiều thì được thu hoạch, rửa sạch, sắc lát và phơi khô để dùng. Lúc này, thành phần dược tính có trong Can khương là nhiều nhất. Giá trị này ít hơn ở cây non.

Can khương (Gừng khô)
Can khương (Gừng khô)

2.2. Công năng

Can khương có vị cay, tính ôn. Bào khương (Can khương bào chế rồi) vị cay đắng, tính đại nhiệt. Vào sáu kinh: tâm, phế, tỳ, vị, thận, đại tràng.

2.3. Công dụng

Tính vị: cay, nóng. Quy kinh tỳ, vị, tâm, phế.

Tác dụng: ôn trung tán hàn, hồi dương thông mạch, ôn phế hoá ẩm.

Chỉ định: 

Điều trị vị hàn gây đau bụng lạnh, nôn thường dùng với cao lương khương như bài nhị khương hoàn. Điều trị tỳ vị hư hàn, bụng lạnh đau, buồn nôn, tiết tả thường dùng với đẳng sâm, bạch truật như bài lý trung hoàn.

Điều trị chứng vong dương do tâm thận dương hư, âm hàn nội thịnh thường dùng với phụ tử như bài tứ nghịch thang.

Điều trị hàn ẩm khái suyễn, thân hàn lưng lạnh thường dùng với tế tân, ngũ vị tử, ma hoàng như bài tiểu thanh long thang.

Liều dùng: 3 -10g.

Vị thuốc Can khương có nhiều công dụng

3. Bài thuốc có Can khương

  • Chữa nhức đầu, lạnh bụng, nôn, có đờm

Can khương 10g, Chích cam thảo 4g, nước 300ml, sắc còn 100ml chia nhiều lần uống trong ngày. Thấy đỡ thì uống bớt đi.

  • Chữa đau bụng, đầy bụng

Can khương sấy khô tán nhỏ dùng nước cơm chiên thuốc, mỗi lần uống 2 – 4g.

  • Chữa cảm hàn rét run hoặc đau bụng lạnh da, đi phân nước

Gừng khô, Riềng ấm, mỗi vị 15 – 20g. Sắc uống.

  • Chữa cam tẩu mã (nhiễm trùng hoại thư)

Can khương, quả Táo ta, Phèn chua với lượng bằng nhau. Tán nhỏ và bôi vào lợi.

  • Chữa viêm khớp dạng thấp

Can khương 3g, Đương quy 9g, Xuyên khung 9g, Phụ tử 6g, Bạch thược 9g, Thục địa 9g. Sắc uống 1 thang/ngày.

4. Lưu ý khi sử dụng Can khương

Can khương là vị thuốc đại cay, người có nhiệt, có thai không nên dùng. Vì tính cay nên làm tổn hại đến khí huyết cơ thể, không nên dùng trong thời gian dài.

Chú ý khi dùng chung với Hoàng cầm, Hoàng liên, Dạ minh sa, Tần tiêu.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*