Các vị thuốc Hoạt huyết

THUỐC HOẠT HUYẾT

ĐẠI CƯƠNG

Định nghĩa. 

Thuốc hoạt huyết hoá ứ là những vị thuốc có tác dụng lưu thông huyết dịch, tiêu tán ứ huyết.

Tác dụng.

Thuốc hoạt huyết hóa ứ phần lớn có vị cay đắng, quy kinh can, tâm, nhập huyết phận, thông qua tác dụng hoạt huyết hóa ứ mà có tác dụng giảm đau – điều kinh – phá huyết tiêu trưng – trị thương tiêu thũng – hoạt huyết tiêu mụn nhọt. Huyết ứ là quá trình bệnh lý, là nhân tố gây nên rất nhiều bệnh tật. Vì thế thuốc hoạt huyết hóa ứ phạm vi điều trị rất rộng.

Phân loại.

Thuốc hoạt huyết hóa ứ căn cứ vào tác dụng mạnh yếu khác nhau mà phân ra nhóm: hòa huyết hành huyết – hoạt huyết tán ứ – phá huyết trục ứ. Tuy vậy thuốc trong nhóm rất nhiều, để tiện cho việc nắm vững tác dụng của thuốc, dựa vào đặc điểm tác dụng điều trị mà phân thành 4 nhóm: 

Hoạt huyết chỉ thống                                   

Hoạt huyết điều kinh

Hoạt huyết trị thương                                 

Phá huyết tiêu trưng.

Chú ý.

Thuốc hành khí hoạt huyết dễ làm hao huyết động huyết, cho nên không dùng trong trường hợp phụ nữ kinh nguyệt quá nhiều và các chứng xuất huyết khác mà không có biểu hiện huyết ứ.

Không dùng khi phụ nữ có thai.

THUỐC HOẠT HUYẾT CHỈ THỐNG.

Thuốc trong nhóm phần lớn cay – tán, có tác dụng giảm đau mạnh, điều trị các chứng khí huyết ứ trệ gây đau đầu, đau tức ngực sườn, đau thắt ngực, đau bụng kinh, thống tý, vấp ngã gây sưng nề tụ máu…

1. Xuyên khung.

Xuyên khung (Rhizoma Chuanxiong) là thân rễ phơi khô của cây xuyên khung Ligusticum Chuanxiong Hort, thuộc họ hoa tán Umbelliferae.

Tính vị: cay, ấm. Quy kinh can – đởm – tâm bào.

Tác dụng: hoạt huyết hành khí – khứ phong chỉ thống.

Cây thuốc Xuyên khung

Chỉ định:

Điều trị chứng đau do huyết ứ khí trệ: điều trị phụ nữ kinh nguyệt không đều, đau bụng sau đẻ thường dùng cùng với đưong quy, đào nhân, hương phụ. Điều trị bế kinh, đau bụng kinh thường dùng cùng với xích thược, đào ngân như bài Huyết phủ trục ứ thang. Nếu hàn ngưng huyết ứ thường dùng cùng quế nhục đương quy như bài ôn kinh thang. Điều trị can uất khí trệ, ngực sườn đau tức thường dùng cùng sài hồ, bạch thược, hương phụ như bài Sài hồ sơ can ẩm. Nếu tâm mạch ứ trệ, đau tức vùng trước tim thường dùng cùng đan sâm, quế chi, đàn hương.

Điều trị chứng đauđầu, vô luận là phong hàn, phong thấp, phong nhiệt, huyết hư, huyết ứ đều có thể dùng. Điều trị phong thấp tý chứng, tứ chi tê đau, xuyên khung có tác dụng khứ phong – hoạt huyết – chỉ thống thường dùng cùng đc hoạt, quế chi, phòng phong. Gần đây còn dùng điều trị chứng thiếu máu não cấp tính, đau thần kinh tam thoa, thần kinh tọa.

Liều dùng: 3 – 10g.

Chú ý: Thận trọng dùng khi âm hư hoả vượng, nhiều mồ hôi, kinh nguyệt quá nhiều.

Tác dụng dược lý: ức chế co cơ trơn thành mạch, giãn động mạch vành, tăng lưu lượng tuần hoàn vành, cải thiện thiếu máu cơ tim , giảm thấp tiêu hao ô xy cơ tim, tăng tuần hoàn não và chi thể, giảm thấp trở trệ tuần hoàn ngoại vi, giảm hoạt tính hoạt động bề mặt tiểu cầu, ức chế tụ tập tiểu cầu, dự phòng hình thành cục máu đông. Thực nghiệm cô lập tử cung thỏ cho thấy tăng cường co thắt. Thực nghiệm trên động vật cho thấy có tác dụng trấn tĩnh, giảm huyết áp, giảm sự thiếu hụt vitamin E, nâng cao globulin và tế bào lympho T. Ngoài ra còn có tác dụng ức chế TK đại tràng, TK mủ xanh, TK thương hàn – phó thương hàn

2. Diên hồ sách: huyền hồ sách, nguyên hồ.

Diên hồ sách (Rhizoma Corydalis) là thân rễ của cây diên hồ sách Corydalis yanhúuo W. T. Wang, thuộc họ thuốc phiện Papaveraceae.

Tính vị: Cay, đắng, ấm. Quy kinh can, tỳ, tâm.

Tác dụng: hoạt huyết, hành khí, chỉ thống.

Chỉ định:

Điều trị đau thắt ngực thường dùng cùng qua lâu, giới bạch hoặc đan sâm, xuyên khung. 

Điều trị vị thống thường phối hợp với bạch truật, bạch thược, chỉ thực. Điều trị can uất khí trệ, đau tức ngực sườn, thường dùng cùng với sài hồ, uất kim. Điều trị đau bụng kinh, đau bụng ứ trệ sau đẻ thường dùng cùng với hương phụ, đương qui, hồng hoa.

Điều trị vấp ngã sưng nề thường dùng cùng với nhũ hương, một dược. Điều trị phong thấp tý chứng thường dùng cùng với tần cửu, quế chi.

Liều dùng: 3 – 10g.

Tác dụng dược lý: giảm đau, trấn tĩnh, hạ sốt, giãn mạch vành, tăng lưu lượng tuần hoàn vành.

 

3. Uất kim.

Uất kim (Radis Curcumae) là rễ củ phơi khô của cây nghệ Curcuma wenyujin Y. H.Chen et C.Ling, thuộc họ gừng Zingiberaceae.

Tính vị: cay, đắng, lạnh. Qui kinh can, đởm, tâm.

Tác dụng: hoạt huyết, hành khí, chỉ thống, giải uất, thanh tâm, lợi đởm thoái hoàng, lương huyết.  

Chỉ định:

Điều trị đau tức ngực sườn, đau bụng do khí trệ huyết ứ, thường dùng cùng mộc hương, đan sâm, sài hồ, hương phụ. Điều trị đau bụng kinh thường dùng cùng sài hồ, sơn chi như bài tuyên uất thống kinh thang. Điều trị đau tức ngực thường dùng cùng với đan sâm, diên hồ sách, hạnh nhân.

Điều trị ôn bệnh, thấp trọc bưng bít tâm khiếu thường dùng cùng với xương bồ, sơn chi như bài xương bồ uất kim thang.

Điều trị chứng can đởm thấp nhiệt gây vàng da thường dùng cùng với nhân trần, sơn chi. Điều trị chứng sỏi mật thường dùng cùng kim tiền thảo.

Điều trị chứng xuất huyết gây nôn ra máu, chảy máu cam, thường dùng cùng sinh địa, sơn chi như bài sinh địa hoàng thang.

Liều dùng: 5 – 12g. Dùng bột 2 – 5g.

Tác dụng dược lý: giảm mỡ máu. Trên thỏ thực nghiệm thấy đề phòng được sự hình thành mảng vỡ xơ ở động mạch chủ, mạch vành. Lợi mật, ức chế sự tồn tại phần lớn các vi sinh vật trong túi mật. Giảm đau.

4. Khương hoàng.

Khương hoàng (Radis Curcumae) là rễ phơi khô của cây ngệ Curcuma Longa L, thuộc họ gừng Zingiberaceae.

Tính vị: cay, đắng, ấm. Qui kinh can, tỳ.

Tác dụng: hoạt huyết hành khí thông kinh chỉ thống.

Ứng dụng:

Điều trị đau tức ngực bụng thường dùng cùng với đương qui, mộc hương, ô dược như bài khương hoàn tán. Điều trị kinh bế thường dùng cùng đương qui, xuyên khung, hồng hoa.

Điều trị chứng phong thấp, thường dùng cùng với khương hoạt phong, đương qui.

Ngoài ra điều trị đau răng thường cùng tế tân, bạch chỉ. Gần đây ứng dụng điều trị các chứng tăng Cholesterol máu, TG máu có hiệu quả tốt.

Tác dụng dược lý: trên thực nghiệm thấy giảm mỡ máu, tăng lưu lượng tuần hoàn vành. Tăng hoạt tính men tiêu Fibrin, ức chế tụ tập tiểu cầu, lợi mật, tăng co bóp túi mật. 

5. Nhũ hương.

Nhũ hương (Olibanum) là chất nhựa dầu lấy ở cây nhũ hương Boswellia carterii Birdw, thuộc họ trám Burseraceae.

Tính vị: cay, đắng, ấm. Qui kinh can, tâm, tỳ.

Tác dụng: hoạt huyết hành khí chỉ thống, tiêu thũng sinh cơ.

Chỉ định: 

Điều trị vấp ngã gây ứ trệ sưng đau, thường dùng cùng với một dược – huyết kiệt như bài thất lý tán. Điều trị mụn nhọt giai đoạn đầu gây sưng nóng đỏ đau thường dùng cùng với kim ngân hoa, bạch chỉ, một dược, như bài tiên phương hoạt mệnh ẩm. Điều trị các loại mụn nhọt lở loét lâu ngày miệng không liền thường dùng cùng với một dược nghiền bột để dùng ngoài và ra thêm nhi trà, huyết kiệt.

Điều trị huyết ứ trở trệ, đau tức ngực bụng, hòn khối tích ổ bụng thường dùng cùng với đương qui, một dược, đan sâm như bài hoạt lạc vị linh đan. Điều trị phong hàn thấp tý, chi thể đau buốt thường dùng cùng với khương hoạt, độc hoạt, tần cửu.

Liều dùng: 3 – 10g.

Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai và không có huyết ứ trệ.

6. Một dược.

Một dược (Myrrha) là chất gôm nhựa trích từ cây một dược Commiphora myrrha Engl, thuộc họ trám Burseraceae.

Tính vị: đắng, cay, bình. Qui kinh tâm, can, tỳ.

Tác dụng: hoạt huyết chỉ thống, tiêu thũng sinh cơ.

Chỉ định: giống như nhũ hương. Tuy vậy nhũ hương thiên về hành khí, thư giãn cân cơ; một dược thiên về tán huyết hóa ứ.

Gần đây dùng một dược để điều trị các chứng cao mỡ máu đạt được hiệu quả nhất định.

Liều dùng: 3 – 10g.

Chú ý: không dùng khi phụ nữ có thai, không có chứng ứ huyết

Tác dụng dược lý: ức chế một số loại trực khuẩn, giảm mỡ máu, ngăn ngừa hình thành cục máu đông.

7. Ngũ linh chi.

Ngũ linh chi (Faeces Trogopterum) là phân phơi khô của loài sóc Trogoptrus xanthipes – Edwards, thuộc họ sóc bay Petauristidae.

Tính vị:  đắng, mặn, ngọt, ôn. Qui kinh can.

Công dụng: hoạt huyết chỉ thống, hóa ứ chỉ huyết.

Chỉ định: 

Điều trị huyết ứ trở trệ gây đau tức ngực sườn, đau bụng kinh, kinh bế thường dùng cùng với bồ hoàng như bài thất tiêu tán. Điều trị đau tức ngực thường dùng cùng với xuyên khung, đan sâm, nhũ hương, một dược. Điều trị đau bụng thường dùng cùng với diên hồ sách, hương phụ, một dược như bài thủ niêm tán. Điều trị thống kinh, kinh bế thường dùng cùng với đương qui, ích mẫu thảo. Điều trị gãy xương sưng nề thường dùng cùng với bạch cập, nhũ hương, một dược tán bột dùng ngoài.

Điều trị các chứng xuất huyết do huyết ứ nội trệ gây ra băng lậu, kinh nguyệt quá nhiều, sắc đen có hòn cục, bụng dưới đau có thể phối hợp với tam thất, bồ hoàng, sinh địa.

Ngoài ra ngũ linh chi còn có tác dụng điều trị rắn, rết cắn thường dùng cùng với hùng hoàng.

Liều dùng: 3 – 10g.

Chú ý: thận trọng dùng khi phụ nữ có thai và huyết hư mà không có ứ.

Tác dụng dược lý: thực nghiệm trên động vật cho thấy có tác dụng giảm co thắt cơ trơn. Ngoài ra có tác dụng ức chế một số khuẩn ngoài da, trực khuẩn lao. 

THUỐC HOẠT HUYẾT ĐIỀU KINH.

Thuốc hoạt huyết điều kinh có tác dụng hoạt huyết khứ ứ làm thông huyết mạch. Chủ yếu điều trị phụ nữ kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, bế kinh, đau bụng ứ trệ sau đẻ, hòn khối tích trong ổ bụng, vấp ngã sưng đau…

1. Đan sâm: huyết sâm.

Đan sâm (Radis Salviae miltiorrhizae) là rễ phơi khô của cây đan sâm  Salvia miltiorrhiza Bge, thuộc họ hoa môi Labiatae.

Tính vị: đắng, hơi hàn. Qui kinh tâm can.

Tác dụng: hoạt huyết điều kinh, lương huyết tiêu ung, an thần.

Chỉ định:

Điều trị phụ nữ kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, kinh bế thường dùng cùng với đương qui, xuyên khung, ích mẫu thảo. Gần đây dùng để điều trị các trường hợp đau bụng cấp tính gây xuất huyết lượng lớn thường dùng cùng với xích thược, đào nhân. Điều trị đau tức ngực bụng thường dùng cùng với đàn hương, sa nhân như bài đan sâm ẩm. Trên lâm sàng điều trị cơn đau thắt ngực thường dùng cùng với giáng hương, xuyên khung, hồng hoa. Điều trị hòn khối trong ổ bụng thường dùng cùng với tam lăng, nga truật. Điều trị phong thấp tý chứng thường dùng cùng với phòng phong, tần cửu.

Điều trị  mụn nhọt sưng đau thường dùng cùng với ngân hoa, liên kiều.

Điều trị các chứng tâm quí, mất ngủ thường dùng cùng với sinh địa, hoàng liên, trúc diệp, toan táo nhân, bá tử nhân.

Gần đây còn dùng để điều trị các chứng thiếu máu, vữa xơ động mạch, viêm cơ tim, viêm gan mãn, xơ gan, hen phế quản, tâm phế mãn đạt được hiệu quả nhất định.

Liều dùng: 5 – 15g.

Tác dụng dược lý: giãn động mạch vành tăng lưu lượng tuần hoàn vành, cải thiện thiếu máu cơ tim, điều chỉnh nhịp tim, giãn mạch ngoại vi, chống ngưng kết, ức chế tụ tập tiểu cầu, ức chế hình thành cục máu đông, giảm mỡ máu, giảm biến tính tế bào gan xúc tiến tái sinh tế bào gan chống lại fibrin hóa, nâng cao khả năng chiụ thiếu oxy của cơ thể, nhanh liền xương, tăng sinh tế bào võng, ức chế một số loại trực khuẩn, tăng cường khả năng miễn dịch, giảm đường máu và chống ung thư.

2. Hồng hoa.

Hồng hoa (Flos Carthami) là hoa phơi khô của cây hồng hoa  Carthamus tinctorius L, thuộc họ cúc Compositae.

Tính vị: cay, ôn. Quikinh tâm can.

Tác dụng: hoạt huyết thông kinh, khứ ứ chỉ thống.

Chỉ định:

Điều trị các chứng huyết ứ kinh bế, đau bụng kinh thường dùng cùng với đào nhân, xuyên qui, xuyên khung, nga truật nhục quế như bài cách hạ trục ứ thang. Điều trị các đau bụng kinh thường dùng với xích thược, diên hồ sách.

Điều trị các chứng tích hòn khối ổ bụng thường dùng cùng với tam lăng, nga truật. Điều trị trấn thương gây sưng nề, ứ trệ thường dùng cùng với tô mộc, nhũ hương, một dược. Điều trị tâm mạch ứ trệ gây đau tức ngực thường dùng cùng với quế chi, qua lâu, đan sâm. Điều trị các chứng huyết khối thường dùng cùng với đương qui, xích thược, nhũ hương, một dược.

Điều trị chứng ban chẩn sắc tím, nhiệt uất huyết ứ thường dùng cùng với đương qui, tử thảo, đại thanh diệp như bài đương qui hồng hoa ẩm.

Liều dùng: 3 – 9g.

Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai, khi có xu hướng xuất huyết thì không nên dùng nhiều.

Tác dụng dược lý: hưng phấn tạng tim, tăng lưu lượng tuần hoàn vành, giảm nhẹ thiếu máu cơ tim giai đoạn cấp tính, giảm nhịp tim, cải thiện sóng S – T trên điện tim, trên thực nghiệm có tác dụng hạ huyết áp, ức chế tụ tập tiểu cầu, hưng phấn tử cung, giáng thấp mỡ máu.

3. Đào nhân.

Đào nhân (Semen Persicae) là nhân hạt quả đào phơi khô của cây đào Prunus bersica (L.) Batsch, thuộc họ hoa hồng Rosaceae.

Tính vị: đắng, ngọt, bình. Hơi độc. Qui kinh tâm can, đại trường.

Tác dụng: hoạt huyết khứ ứ, nhuận tràng thông tiện.

Chỉ định:

Điều trị kinh bế, thống kinh, thường dùng cùng hồng hoa, đương qui, xuyên khung như bài đào hồng tứ vật thang. Điều trị đau bụng ứ trệ sau đẻ dùng với bào khương, xuyên khung như bài sinh hoá thang. Điều trị hòn khối tích ổ bụng dùng với quế chi, đan bì, xích thược như bài quế chi phục linh hoàn, hoặc dùng với tam lăng, nga truật. Điều trị ứ huyết mức độ nặng thì phối hợp với đại hoàng mang tiêu, quế chi như bài đào hạch thừa khí thang. Gần đây dùng dịch truyền đào nhân để điều trị gan lách to có tác dụng tốt.

Điều trị các trấn thương gây sưng nề thường dùng cùng với đương qui, hồng hoa, đại hoàng như bài phục nguyên hoạt huyết thang.

Điều trị chứng táo bón thường phối hợp với đương qui, ma nhân như bài nhuận thang hoàn.

Điều trị viêm phổi gây ho ra máu mủ có thể dùng với vĩ kinh, đông qua nhân như bài vĩ kinh thang. Điều trị viêm đại tràng thường dùng cùng với đại hoàng, đan bì như bài đại hoàng mẫu đan bì thang.

Ngoài ra còn có thể điều trị ho suyễn thường dùng cùng với hạnh nhân.

Liều dùng: 5 – 10g.

Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai. Khi dùng quá liều có thể xuất hiện đau đầu, hoa mắt, hồi hộp, suy hô hấp và tử vong.

Tác dụng dược lý: co thắt tử cung, kháng ngưng kết, cải thiện tình trạng huyết ứ, tăng tuần hoàn não, trấn tĩnh, nhuận trường.

4. Ích mẫu thảo.

Ích mẫu thảo (Fructus Leonuri) là toàn bộ phần trên mặt đất phơi khô của cây ích mẫu Leonurus heterophyllus Sweet, thuộc họ hoa môi Labiatae.

Tính vị: đắng, cay hơi hàn. Qui kinh can, tâm, bàng quang.

Tác dụng: hoạt huyết điều kinh, lợi thủy tiêu thũng.

Cây thuốc Ích mẫu

Ứng dụng:

Điều trị các chứng ứ huyết gây bế kinh, đau bụng kinh, hành kinh không thông thoát, đau bụng ứ trệ sau đẻ. Có thể dùng đơn độc nấu thành cao để uống. Có thể phối hợp với đương qui, xuyên khung, xích thược như bài ích mẫu hoàn. Gần đây phối hợp với mã xỉ hiện để điều trị các chứng xuất huyết sau đẻ đạt hiệu quả tốt.

Điều trị  thủy thũng, tiểu tiện không lợi, có thể dùng đơn độc, có thể phối hợp vơí bạch mao căn, trạch lan. Gần đây dùng để diều trị viêm thận có hiệu qủa nhất định.

Ngoài ra còn dùng để điều trị các chứng trấn thương sưng nề, mụn nhọt sưng đau, ngứa ngoài da. Trên lâm sàng có báo cáo dùng để điều trị cơn đau thắt ngực đạt hiệu quả tốt.

Liều dùng: 10 – 30g.

Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai.

Tác dụng dược lý: thực nghiệm trên chuột thấy có tác dụng tăng lưu lượng tuần hoàn vành, giảm nhịp tim, cải thiện vi tuần hoàn. Trên thực nghiệm gây cục máu đông thì các giai đoạn đều có tác dụng ức chế rõ rệt, làm giãn mạch ngoại vi, giảm huyết áp, lợi niệu, ức chế một số khuẩn ngoài da.

 

5. Trạch lan.

Trạch lan (Herba Lycopi) là toàn bộ phần trên mặt đất phơi khô của cây trạch lan Lycopus lucidus Turcz.var. hirtus Regel.

Tính vị: đắng, cay hơi ấm. Qui kinh can tỳ.

Tác dụng: hoạt huyết hóa ứ, điều kinh, lợi niệu tiêu thũng.

Chỉ định:

Điều trị các chứng huyết ứ kinh bế, đau bụng kinh… thường phối hợp với đương qui, xuyên khung, hương phụ, gia thêm các thuốc sơ can lý khí để tăng hiệu quả.

Nếu huyết ứ kiêm huyết hư, thì phối hợp đương qui, bạch thược như bài trạch lan thang.

Điều trị chấn thương ứ huyết sưng đau. Có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với đương qui, nhũ hương, địa miết trùng. Nếu chấn thương ngực sườn gây đau thì phối hợp với đan sâm, uất kim, diên hồ sách. Điều trị mụn nhọt thường dùng với kim ngân hoa, hoàng liên, xích thược như bài thọ mệnh ẩm.

Điều trị sản hậu thuỷ thũng phối hợp với phòng kỷ. Nếu có phúc thủy, sưng tuyến vú thì dùng cùng với bạch truật, phục linh, phòng kỷ. – Liều dùng: 10 – 15g.

Chú ý: thận trọng dùng khi không có chứng ứ trệ.

 

6. Ngưu tất:

Ngưu tất (Radis Achyranthis bidentatae) là rễ phơi khô của cây ngưu tất Achyranthes bidentata Bl, thuộc họ rền Amaranthaceae.

Tính vị: đắng, ngọt, chua bình. Qui kinh can thận.

Tác dụng hoạt huyết thông kinh, bổ can thận, cường cân cốt, lợi nệu thông lâm, dẫn hoả (huyết) hạ hành.

Chỉ định:

Điều trị các chứng ứ huyết trở trệ gây kinh bế, đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều… thường dùng cùng với đào nhân, hồng hoa, đương qui. Điều trị chấn thương sưng đau, đau lưng thường dùng với tục đoạn, đương qui, nhũ hương, một dược.

Điều trị can thận hao hư gây đau lưng mỏi gối thường dùng với đỗ trọng, tục đoạn, thục địa. Điều trị tý chứng lâu ngày gây đau tê lưng dùng với độc hoạt, tang ký sinh.

Điều trị nhiệt lâm, huyết lâm, sa lâm thường dùng với hoạt thạch như bài ngưu tất thang. Điều trị thuỷ thũng tiểu tiện bất lợi thường dùng với địa hoàng, trạch tả, sa tiền tử như bài tế sinh thận khí hoàn. 

Điều trị đau đầu hoa mắt mắt đỏ do can dương thượng cang thường dùng với đại giả thạch mẫu lệ như bài trấn thang tức cam thang. Nếu vị hoả thượng viêm gây đau quanh răng, miệng lưỡi mọc mụn thường dùng với địa hoàng, thạch cao, tri mẫu như bài ngọc nữ tiễn. Nếu khí hoả thượng nghịch, bức huyết vong hành gây nôn ra máu chảy máu cam thường dùng với bạch mao căn, sơn chi, đại giả thạch.

Liều dùng: 6 – 15g.

Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai, kinh nguyệt quá nhiều. Không nên dùng khi tỳ hư tiết tả.

Tác dụng dược lý: thực nghiệm trên chuột thấy có tác dụng viêm các khớp và làm giảm sưng nề. Ngoài ra có tác dụng hạ huyết áp, lợi niệu.

7. Kê huyết đằng.

Kê huyết đằng (Caulis Spatholobi) là thân cây phơi khô của cây kê huyết đằng Spatholobus suberectus Dunn, thuộc họ huyết đằng Sargentodoxaceae.

Việt nam dùng cây kê huyết đằng (hồng đằng, dây máu người) Sargentodoxa cuneata (Oliv) Rehd. et Wils, thuộc họ huyết đằng Sargentodoxaceae.

Tính vị: đắng ngọt, ấm. Qui kinh can.

Tác dụng: hành huyết bổ huyết, điều kinh, thư cân hoạt lạc.

Chỉ định:

Điều trị các chứng huyết hư kinh bế, đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều thường dùng với xuyên khung, hồng hoa, hương phụ, nếu huyết hư gia thêm thục địa, đương qui.

Điều trị phong thấp tý chứng chân tay tê mỏi, co duỗi khó khăn thường phối hợp với các thuốc phong thấp. Điều trị trúng phong giai đoạn di chứng thường dùng với các thuốc ích khí dưỡng huyết, hoạt huyết thông lạc.

Gần đây dùng kê huyết đằng để điều trị chứng giảm bạch cầu đạt hiệu quả tương đối tốt.

Liều dùng: 10 – 15g, liều cao 30g.

Tác dụng dược lý: kháng viêm, tăng cường khả năng co bóp tử cung, có tác dụng ức chế tụ cầu.

8. Vương bất lưu hành.

Vương bất lưu hành (Semen Vaccariae) là quả chín phơi khô, bỏ hạt của cây vương bất lưu hành Vaccaria segetalis (Neck) Garcke, thuộc họ cẩm chướng Caryophyllaceae. Việt Nam dùng quả cây  trâu cổ (bị lệ, cây xộp) Ficus pumila L, thuộc họ dâu tằm Moraceae.

Tính vị: đắng, bình. Qui kinh can vị.

Tác dụng hoạt huyết thông kinh, hạ nhũ, tiêu ung, lợi nệu thông lâm.

Chỉ định:

Điều trị chứng huyết ứ kinh bế, thống kinh phối hợp với đương qui, xuyên khung, hồng hoa.

Điều trị chứng sản hậu sữa không xuống hoặc sưng đau tuyến sữa thường phối hợp với xuyên sơn giáp. Nếu sản hậu khí huyết hao hư sữa loãng mà ít thường dùng với hoàng kỳ, đương qui hoặc đương qui, móng giò. Điều trị sưng đau tuyến vú thường dùng với qua lâu, bồ công anh.

Điều trị nhiệt lâm, huyết lâm, sa lâm thường dùng với thạch vĩ. Gần đây dùng điều trị viêm tuyến tiền liệt phối hợp với hồng hoa, bại tương thảo.

Liều dùng: 5 – 10g.

Chú ý: thận trọng dùng khi phụ nữ có thai.

Tác dụng dược lý: thực nghiệm trên chuột thấy có tác dụng tăng cường bài tiết kali, giảm đau, ức chế ung thư phổi.

 

THUỐC HOẠT HUYẾT TRỊ THƯƠNG.

Thuốc hoạt huyết trị thương có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, tiêu thũng chỉ thống, nhanh liền xương, chỉ huyết sinh cơ liễm sang. Cho nên chủ yếu dùng trong trường hợp trấn thương gây sưng nề tụ máu, gãy xương. Ngoài ra còn dùng trong các chứng huyết ứ khác.

1. Tô mộc: gỗ vang.

Tô mộc (Lignum Sappan) là thân gỗ phơi khô của cây tô mộc Caesalpinia sappan L, thuộc họ vang Caesalpiniaceae.

Tính vị: ngọt, mặn, cay, bình. Qui kinh tâm, can.

Tác dụng: hoạt huyết trị thương, khứ ứ thông kinh.

Chỉ định:

Điều trị chấn thương sưng đau, gãy xương thường dùng với nhũ hương, một dược như bài bát ly tán.

Điều trị chứng huyết ứ kinh bế, thống kinh, đau tức ngực bụng thường phối hợp xuyên khung, đương qui, hồng hoa như bài thông kinh hoàn. Điều trị các mụn nhọt thường dùng với ngân hoa, liên kiều,  bạch chỉ. – Liều dùng: 3 – 10g.

Tác dụng dược lý: tăng cường khả năng co bóp cơ tim, chấn tĩnh. Liều lớn có thể gây tê.

 

2. Cốt toái bổ: cây tổ rồng, tắc kè đá.

Cốt toái bổ (Rhizoma Drynariae) là thân rễ phơi khô của cây cốt toái bổ Drynaria fortunei (Kunze) J.Sm, thuộc họ dương xỉ Polypodiaceae.

Tính vị: đắng, ấm. Qui kinh can, thận.

Tác dụng: hoạt huyết tục thương, bổ thận cường cốt.

Cây thuốc Cốt toái bổ

Ứng dụng:

Điều trị chấn thương gây đau và sưng nề có thể dùng với một dược như bài cốt toái bổ tán.

Điều trị  thận hư đau lưng mỏi gối tai ù thường dùng với bổ cốt chi, ngưu tất, thục địa, sơn thù. Điều trị thận hư tiết tả có thể tán bột để dùng.

Liều dùng: 10 – 15g.

Chú ý: thận trọng dùng khi âm hư nội nhiệt .

Tác dụng dược lý: có tác dụng tăng cường hấp thu canxi, nâng cao canxi máu.

Ngoài ra còn có tác dụng cải thiện công năng tế bào xương. Giảm đau và chấn tĩnh.

3. Mã tiền tử.

Mã tiền tử (Semen Strychni) là hạt mã tiền ngâm trong nước vo gạo 1 ngày, bóc bỏ vỏ, sấy khô của cây mã tiền Strychnos vierriana A. W. Hill, thuộc họ mã tiền Loganiaceae.

Tính vị: đắng, hàn. Rất độc. Qui kinh can, tỳ.

Tác dụng: tán tiết tiêu thũng, thông lạc chỉ thống.

Chỉ định:

Điều trị chấn thương xưng nề thường dùng với xuyên sơn giáp như bài mã tiền tán, thanh long hoàn. Điều trị sưng đau hầu họng thường dùng với sơn đậu căn nghiền bột uống.

Điều trị phong thấp tý chứng thường dùng với ma hoàng, địa long. Điều trị chân tay tê mỏi, bán thân bất toại dùng bột mã tiền hoàn với bột cam thảo uống. Gần đây dùng điều trị các chứng cơ bắp vô lực, ban đầu dùng mỗi ngày 0,45g chia làm 3 lần uống, sau đó tăng dần lên mỗi ngày 1 – 1,2g có hiệu quả nhất định.

Liều dùng: nếu uống phải chế. Liều 0,3 –  0,6g.

Chú ý: không nên uống lâu ngày. Cấm dụng khi phụ nữ có thai. Liều cao trúng độc có thể gây co giật, rối loạn hô hấp, thậm chí hôn mê.

Tác dụng dược lý: tăng cường hưng phấn phản xạ cơ năng tuỷ sống, trung khu vận động huyết quản. Liều lớn có thể gây co giật. Có tác dụng giảm ho, gây tê mạt đoạn thần kinh, ức chế một số khuẩn ngoài da.

 

4. Huyết kiệt.

Huyết kiệt (Restina Draconis) là nhựa khô phủ trên bề mặt quả của cây mây song Daemonorops draco Bl, thuộc họ dừa Pahmaceae.

Tính vị: ngọt, mặn, bình. Qui kinh tâm can.

Tác dụng: hoạt huyết trị thương, chỉ huyết sinh cơ.

Chỉ định:

Điều trị chấn thương thường phối hợp với nhũ hương, một dược, nhi trà như bài thất ly tán. Điều trị đau bụng ứ trệ sau đẻ, thống kinh, bế kinh, các chứng đau tức ngực khác thường phối hợp với đương qui, tam lăng, nga truật

Điều trị ngoại thương xuất huyết, mụn nhọt lâu liền thường dùng với nhũ hương, một dược, nhi trà, tán bột dùng ngoài.

Gần đây dùng bột huyết kiệt để điều trị viêm loét dạ dày tá tràng, chảy máu tĩnh mạch đường tiêu hóa cũng đạt hiệu quả nhất định.

Liều dùng: 1 – 1,5g.

Tác dụng dược lý: rút ngắn thời gian tái canxi hóa huyết tương, ức chế tụ tập tiểu cầu, ngăn ngừa  hình thành cục máu đông, ức chế một số trực khuẩn.

THUỐC PHÁ HUYẾT TIÊU TRƯNG.

Thuốc phá huyết tiêu trưng tính dược rất mạnh có tác dụng phá huyết trục ứ để tiêu trừ các tích tụ trong ổ bụng. Thuốc trong nhóm phần lớn là các loại trùng có đặc điểm tiêu trừ các tích tụ trong ổ bụng. Khi dùng thường phối hợp với thuốc hành khí phá khí để tăng cường tác dụng khứ ứ tiêu trưng hoặc phối hợp với thuốc công hạ để công trục huyết ứ. Thuốc trong nhóm phần lớn có độc dễ làm hao huyết, động huyết, hao khí, thương âm cho nên cấm dụng hoặc thận trọng dùng khi có chứng xuất huyết, âm huyết hao hư, khí hư thể nhược, phụ nữ có thai.

1. Nga truật: nghệ đen, ngải tím.

Nga truật (Rhizoma Curcumae) là thân rễ phơi khô của cây nghệ đen Curcuma Phaeocaulis Val, thuộc họ gừng Zingiberaceae.

Tính vị: cay, đắng, ôn. Qui kinh can, tỳ.

Tác dụng: phá huyết hành khí, tiêu tích chỉ thống.

Chỉ định:

Điều trị khí trệ huyết ứ gây ra tích tụ trong ổ bụng, kinh bế thường dùng với tam lăng. Điều trị kinh bế, đau bụng kinh thường dùng với đương qui, hồng hoa. Điều trị dưới ngực sườn có hòn khối thường dùng với sài hồ, huyết giáp. Điều trị đau thắt ngực thường dùng với xuyên khung, đan sâm. Nếu cơ thể hư nhược mà có huyết ứ lâu ngày thường phối hợp với hoàng kỳ, đẳng sâm.

Điều trị thực tích gây đầy chướng bụng thường dùng với thanh bì, binh lang như bài nga truật hoàn.

Gần đây trên lâm sàng dùg dịch truyền nga truật để điều trị ung thư cổ tử cung, mỗi lần 10 – 30ml, có thể phối hợp các thuốc tễ khác để uống cũng đạt được hiệu quả nhất định. Ngoài ra còn điều trị các loét cổ tử cung dùng cao nga truật bôi tại chỗ cũng đạt hiệu quả.

Liều dùng: 3 – 15g.

Chú ý: cấm dụng khi phụ nữ có thai.

Tác dụng dược lý: chống ung thư, tăng cường khả năng miễn dịch, ức chế tụ tập tiểu cầu, ngăn ngừa hình thành cục máu đông, hưng phấn cơ trơn đường tiêu hóa, ức chế tụ cầu trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn thương hàn, liên cầu tan huyết. 

2. Tam lăng:

Tam lăng (Rhizoma Spargani) là thân rễ phơi khô của cây tam lăng Sparganium stoloniferum Buch – Ham, thuộc họ hắc tam lăng Sparganiaceae. Việt nam dùng thân rễ phơi khô của cây tam lăng Scirpus yagara. Thuộc họ cói Cyperaceae.

Tính vị: đắng, cay, bình. Qui kinh can tỳ.

Tác dụng: phá huyết hành khí tiêu tích chỉ thống.

Ứng dụng: giống như nga truật. Tuy nhiên tam lăng thiên về phá huyết, nga truật thiên về phá khí.

Liều dùng: 3 – 10g.

Tác dụng dược lý: thông qua việc làm giảm số lượng tiểu cầu, ức chế công năng tiểu cầu, ức chế ngưng huyết để tăng cường khả năng dung giải fibrin. Trên thực nghiệm có tác dụng ức chế cục hình thành máu đông tăng cường khả năng co bóp ruột. 

 

3. Thuỷ điệt.

Thuỷ điệt (Whitmania pigra whitman) là toàn thân con đỉa sấy khô, thuộc loài động vật đốt tròn.

Tính vị: mặn, đắng, bình. Hơi độc. Qui kinh can.

Tác dụng: phá huyết trục ứ tiêu trưng.

Chỉ định:

Điều trị chứng trưng hà tích tụ, kinh bế thường phối hợp tam lăng, đào nhân, hồng hoa, nếu cơ thể hư nhược thì gia nhân sâm, đương qui như bài hoá trưng hồi sinh đan. Điều trị chấn thương sưng nề thường dùng với tô mộc như bài tiếp cốt hoả long đan.

Gần đây lâm sàng dùng điều trị chứng tăng tiểu cầu dùng trong thời gian ngắn đạt hiệu quả nhất định. Ngoài ra điều trị cơn đau thắt ngực, tâm phế mãn tính giai đoạn cấp, cao mỡ máu đều có hiều quả nhất định.

Liều dùng: 1, 5 – 3g. Nghiền bột dùng 0,3 –  0,5g.

Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai.

Tác dụng dược lý: có tác dụng ngăn ngưng huyết, phòng ngừa hình thành cục máu đông trên chuột thực nghiệm làm giảm thấp tỷ lệ tử vong của chuột.

 

4. Mang trùng: ruồi trâu, ve trâu.

Mang trùng (Tabanus bivittatus Matsumura) là toàn bộ con ve trâu, bỏ cánh và chân sấy khô. 

Tính vị: đắng, hơi hàn. Hơi độc. Qui kinh can.

Tác dụng: phá huyết trục ứ tiêu trưng.

Chỉ định:

Điều trị các chứng trưng hà tích tụ, huyết trệ kinh bế thường phối hợp với thuỷ điệt, đại hoàng. Điều trị chấn thương sưng nề phối hợp với đan bì hoặc là nhũ hương, một dược.

Gần đây lâm sàng dùng để điều trị cơn đau thắt ngực thường phối hợp với trần bì thấy đạt hiệu quả tốt.

Liều dùng: 1 – 1,5g. Tán bột dùng 0,3g.

Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai, phúc tả.

Tác dụng dược lý: thực nghiệm trên chuột thấy có tác dụng tăng cường khả năng thiếu oxy, tăng cường lưu lượng tuần hoàn ở tai của thỏ, tăng cường khả năng tâm thu, cải thiện thiếu máu cơ tim cấp tính.

 

5. Ban miêu.

Ban miêu (Mylabris) là toàn thân con sâu ban miêu Mylabris phalerata Pallas, bỏ đầu và chân, sao vàng tán bột để dùng.

Tính vị: cay, ôn. Rất độc. Qui kinh can thận, vị.

Tác dụng: phá huyết trục ứ tiêu trưng, công độc tán kết.

Chỉ định:

Điều trị trưng hà, kinh bế thường dùng với đào nhân, đại hoàng. Gần đây dùng điều trị các khối ung thư ví dụ như ung thư gan, dùng ban miêu 1 – 3 con cho vào trong trứng gà đun lên để ăn có thể cải thiện được các chứng trạng và làm co nhỏ khối u.

Điều mụn nhọt sưng cứng mà không phá ra được dùng ban miêu nấu cao dán ra ngoài. Điều trị hắc lào ghẻ lở dùng bột ban miêu hòa với mật ong để bôi, gần đây có người phối hợp với cam toại nghiền bột để dùng. Điều trị loa lịch thường dùng với bạch phàn, thanh đại nghiền bột dùng ngoài như bài sinh cơ can nùng tán.

Liều dùng: cho vào viên hoàn liều 0,03 – 0,06g.

Chú ý: thuốc rất độc khi uống nên thận trọng, phải nắm vững được liều lượng, cấm dùng khi phụ nữ có thai. Dùng ngoài có thể gây bỏng rộp ngoài da thậm chí lở loét, cho nên không được dùng trên diện rộng. Khi uống quá liều có thể gây buồn nôn, nôn, ỉa lỏng, đái ra máu, suy thận.

Tác dụng dược lý: có tác dụng cứ chế một số trực khuẩn ngoài da, chống viêm khớp, thực nghiệm trên chuột thấy LD50 là 1,25mg/kg sẽ gây ra các tổn hại ở tâm, can, tỳ, phế, thận.

 

6. Xuyên sơn giáp: vảy tê tê, vảy con trút.

Xuyên sơn giáp (Squama Manitis) là vảy phơi khô của con tê tê Manis pentadactyla Linnaeus, thuộc họ tê tê Manidae.

Tính vị: mặn, hơi hàn. Qui kinh can vị.

Tác dụng: hoạt huyết tiêu trưng, thông kinh, hạ nhũ, tiêu thũng bài nùng.

Ứng dụng:

Điều trị tinh hà tích tụ thường phối hợp với tam lăng, nga truật. Điều trị huyết ứ kinh bế thường dùng với đương qui, hồng hoa. Điều trị phong thấp tý chứng co duỗi khớp khó khăn tê nhức thường phối hợp với bạch hoa xà, ngô công, khương hoạt, độc hoạt.

Điều trị sản hậu sữa không xuống thường phối hợp với vương bất lưu hành, nếu huyết hư sữa loãng, ít thường dùng với hoàng kỳ, đương qui.

Điều trị mụn nhọt, thường dùng với ngân hoa, thiên hoa phấn như bài tiên phương hoạt mệnh ẩm, nếu có mủ mà chưa có lở loét thường dùng với hoàng kỳ, đương qui để tiêu độc bài nùng như bài thấu nùng tán. Điều trị loa lịch thường phối hợp với hạ khô thảo, bối mẫu, huyền sâm. Gần đây còn dùng điều trị ngoại thương xuất huyết, xuất huyết sau mổ và các chứng giảm bạch cầu đều thấy có tác dụng tốt.

Liều dùng: 3 – 10g. Tán bột dùng bột 1 – 1,5g.

Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai, mụn nhọt đã loét.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*