Bạch giới tử: Thảo dược quý vị cay chữa ho

Cải canh có thể dùng làm thức ăn và làm thuốc, đặc biệt là từ hạt

Từ xa xưa, cây cải canh không chỉ là loại rau bổ dưỡng trong bữa ăn hằng ngày mà hạt của nó còn là vị thuốc quý trong Đông y với tên gọi Bạch giới tử. Dược liệu có vị cay được dùng phổ biến trong các bài thuốc chữa ho, viêm đường hô hấp… 

1. Giới thiệu Bạch giới tử

  • Tên gọi khác: Hồ giới, Thái chi, Thục giới, Hạt cải trắng, Hạt cải bẹ trắng, Bạch lạt tử…
  • Tên khoa học: Semen Sinapis albae.
  • Thuộc họ: Cải (Brassicaceae).
  • Dược liệu là hạt của cây cải canh.

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Cây cải canh mọc nhiều ở Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, ở nước ta, cây chủ yếu được sử dụng để làm thức ăn. Do đó, vị thuốc Bạch giới tử phần lớn đều được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bạch giới tử được trồng ở khắp nơi bằng hạt. Vào mùa thu đông, người ta thu hoạch rau để nấu ăn. Khoảng tháng 3 đến tháng 5, thu hoạch quả già, lấy hạt để phơi khô.

1.2. Mô tả toàn cây

Cải canh cho vị thuốc Bạch giới tử là cây thân thảo sống hằng năm, mọc 1 hay 2 năm, có thể cao tới 1 m hay 1,5 m. Thân thảo và có màu xanh lục.

Lá đơn, có cuống và mọc so le. Phiến lá hình trứng, gân nổi rõ trên phiến lá, mép lá có răng cưa, không đều.

Hoa mọc thành cụm, cụm hoa mọc thành chùm. Đây là loại hoa đều lưỡng tính, có 4 lá dài, 4 cánh hoa xếp thành hình chữ thập. Trong hoa có 6 nhị, trong đó có 2 chiếc ngắn và 4 chiếc dài. Bộ nhị gồm 2 tâm, bầu thường 2 ô do một vách giả ngăn đôi.

Quả thuộc họ cải có lông phủ, mỏ dài. Trong quả có 4 – 6 hạt nhỏ màu vàng nâu và có vân hình mạng rất nhỏ.

Cải canh có thể dùng làm thức ăn và làm thuốc, đặc biệt là từ hạt
Cải canh có thể dùng làm thức ăn và làm thuốc, đặc biệt là hạt

1.3. Bộ phận làm thuốc, bào chế

Bộ phận dùng: Hạt Bạch giới tử. 

Hạt của cây được sử dụng để ăn, ép dầu, làm thuốc. Chỉ chọn thứ hạt có màu trắng, mập và to. Hạt lép và có màu nâu đen thường có phẩm chất kém nên không dùng làm vị thuốc. Hạt lấy ở những quả chín phơi khô mà dùng. Phơi hay sấy phải ở nhiệt độ dưới 50°C để bảo vệ các men có tác dụng.

Bạch giới tử (hạt) có hình cầu, xuất hiện với đường kín khoảng 0,16 cm, 100 hạt chỉ nặng chừng 0,2 g. Vỏ ngoài cứng, mỏng, bóng có màu trắng vàng hoặc màu trắng tro. Một bên của dược liệu có đường vân rãnh hoặc đường vân không rõ ràng. Khi dùng kính soi lên sẽ thấy mặt ngoài có vân hình màn lưới rất nhỏ, một đầu xuất hiện 1 chấm nhỏ. Nếu bẻ ra sẽ thấy bên trong có nhân xếp thành từng lớp màu trắng vàng, có dầu.

Dược liệu khô không có mùi nhưng có vị cay và tê. Khi tán nhỏ với nước có mùi tinh dầu hắc bay lên.

Bào chế:

  • Cho hạt tươi vào trong nước rửa sạch và vớt bỏ các hạt lép. Sau đó cho vào chảo, thực hiện sao với lửa nhỏ cho đến khi dược liệu có màu vàng sẫm và có mùi thơm bốc ra (theo Dược Tài Học).
  • Rửa sạch, phơi khô, tán sống để dùng. Hoặc trộn bột dược liệu với nước đắp ngoài.

1.4. Bảo quản

Thảo dược nên được bảo quản trong lọ kín, tránh ẩm, tránh mối mọt.

2. Thành phần hóa học

Trong Bạch giới tử có chứa các thành phần:

  • 1 glucosid gọi là sinigrin, chất men myroxin, sinapic acid, một ít alkaloid gọi là saponin, chất nhầy, protid.
  • khoảng 37% chất béo, trong đó chủ yếu là este của sinapic acid, arachidic acid, linolenic acid.

Sinigrin là chất myronat kali khi bị myroxin thủy phân sẽ cho sunfat acid kali, glucoza, izothioxyanat alyla. Izothioxyanat alyla là tinh dầu màu vàng, vị cay nóng, có tính chất kích thích mạnh gây đỏ da, có thể gây phồng da. 

Dược liệu khô không có mùi nhưng có vị cay và tê. Khi tán nhỏ với nước có mùi tinh dầu hắc bay lên
Dược liệu khô không có mùi nhưng có vị cay và tê. Khi tán nhỏ với nước có mùi tinh dầu hắc bay lên

3. Công dụng

3.1. Y học hiện đại

  • Men Myroxin sau khi thủy phân sinh ra dầu giới tử. Dầu này có khả năng kích thích nhẹ niêm mạc bao tử dẫn đến phản xạ tăng tiết dịch khí quản, có tác dụng hóa đờm, giảm ho.
  • Ngăn ngừa và ức chế hoạt động của nấm ngoài da.
  • Tác dụng kích thích tại chỗ trên da khiến cho da đỏ sung huyết. Trường hợp nặng hơn gây phỏng, rát da.

3.2. Y học cổ truyền

Tính vị quy kinh: cay, ấm. Qui kinh phế, vị.

Tác dụng: ôn phế hoá đàm, lợi khí tán kết.

Chỉ định: 

Điều trị hàn đàm trệ tắc ở phế, hen xuyễn đàm nhiều thường dùng cùng với tô tử, lai phục tử như bài tam tử dưỡng tân thang; nếu thiên về hàn có thể phối hợp tế tân, cam toại, xạ hương tán bột pha uống hoặc dùng dán lên huyệt phế du, cao hoang. Gần đây dùng dịch tiêm bạch giới tử 10% thủy châm vào huyệt phế du, định xuyễn để điều trị hen xuyễn.

Điều trị các chứng đàm trở trệ ở kinh lạc cơ khớp, thường dùng cùng với lộc giác giao, nhục quế, thục địa để ôn dương thông trệ, tiêu đàm tán kết như bài dương hoà thang. Điều trị chứng đàm thấp trở trệ kinh lạc gây tê chân tay hoặc sưng đau các khớp thường dùng cùng với mã tiền tử, một dược như bài bạch giới tử tán.  

Chú ý: cấm dùng trong trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết, kích ứng ngoài da. Không nên dùng liều cao vì dễ gây nên viêm đường tiêu hoá, gây đau bụng ỉa chảy.

3.3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng vị thuốc Bạch giới tử theo nhiều cách khác nhau. Có thể dùng riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được. Dùng tươi hoặc phơi khô tán thành bột mịn trộn giấm đắp ngoài da hoặc nấu thành nước uống. Ngày uống 3 – 6 g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột.

Lưu ý:

  • Thuốc không nên sắc lâu vì giảm tác dụng.
  • Không nên dùng liều lượng lớn.
  • Không nên dùng lượng nhiều vì dễ gây tiêu chảy. Vì thuốc tiếp xúc với nước sinh ra Hydroxide lưu huỳnh kích thích ruột làm tăng nhu động ruột.

Những trường hợp không nên dùng Bạch giới tử:

  • Người bị bệnh về phế lâu ngày, suy nhược, gầy yếu, da môi khô, người nóng phát sốt, ho đàm đặc vàng, tiểu ít… (các triệu chứng không phải do phong hàn gây ra).
  • Dị ứng với cách thành phần trong dược liệu.
  • Tiêu chảy, dị ứng da.
Bạch giới tử trị ho do phong hàn rất hiệu quả
Bạch giới tử trị ho do phong hàn rất hiệu quả

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Trị viêm phế quản cấp mạn trẻ em

Bạch giới tử 100 g tán bột, mỗi lần dùng 1/3 thêm bột mì trắng 90 g, cho nước vào làm thành bánh. Trước khi đi ngủ đắp vào lưng trẻ, sáng ngủ dậy bỏ đi, đắp 2 – 3 lần. Đã trị 50 ca kết quả tốt (Kỳ Tú Hoa và cộng sự, Báo Trung y dược tỉnh Hắc Long Giang 1988, 1:29).

4.2. Trị ho suyễn khó thở, đàm nhiều loãng

Bạch giới tử 3 g, Tô tử, La bạc tử đều 10 g sắc uống (Tam tử dưỡng thân thang –Hàn thi Y thông).

4.3. Trị đau các khớp do đàm trệ

Mộc miết tử 4 g, Bạch giới tử, Một dược, Quế tâm, Mộc hương đều 12 g, tán bột mịn làm thuốc tán. Mỗi lần uống 4 g, ngày 2 lần, uống với rượu ấm càng tốt (Bạch giới tử tán).

4.4. Trị nhọt sưng độc mới phát

Bạch giới tử, tán bột, trộn giấm đắp vào (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*