Tinh dầu quế: Những lợi ích đối với sức khỏe?

Quế là dược liệu y học cổ truyền quen thuộc.

Từ xa xưa, quế vẫn luôn là loại dược liệu nổi bật trong y học dân gian. Không chỉ là nguồn cung cấp loạt hợp chất mạnh mẽ ấn tượng mà các sản phẩm từ quế còn có thể giúp trị liệu và tăng cường sức khỏe tổng thể của bạn. Trong đó, tinh dầu quế đã dần chiếm được cảm tình và ưa chuộng của đông đảo người tiêu dùng. 

Đôi nét về thực vật

Quế là nhóm các thực vật thân gỗ, thuộc chi Cinnamomum Blume, gồm khoảng 270 loài. Ngày nay, quần thể loài đa dạng, phân bố tập trung vùng nhiệt đới châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam… Ở nước ta, quế mọc hoang hoặc được trồng từ lâu tại một số tỉnh miền Trung và miền Bắc. Ví dụ như Yên Bái, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Ngãi…

Từ xa xưa, quế và sản phẩm từ chúng đóng góp đáng kể vào kho tàng dược liệu dân gian. Đồng thời, đây còn là nguyên liệu nổi bật trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm, nước hoa…

Quế là dược liệu y học cổ truyền quen thuộc.
Quế là dược liệu y học cổ truyền quen thuộc

Tinh dầu quế là gì?

Tinh dầu quế (Cinnamon Essential Oil) được chiết xuất từ lá và vỏ của cây quế. Thông qua quá trình chủ yếu là chưng cất hơi nước thu được:

  • Dung dịch màu vàng nhạt đến vàng đậm, trong suốt;
  • Mùi thơm vừa ngọt ngào vừa ấm áp đặc trưng.

Tùy theo loại quế, bộ phận dùng, phương thức canh tác, sản xuất, môi trường sống… mà thành phần, hàm lượng của các hoạt chất có trong tinh dầu sẽ thay đổi chút ít. Chẳng hạn như:

  • Tinh dầu vỏ quế từ Trung Quốc: aldehyd cinnamic (65,5%), coumarin (8,7%), cinnamyl acetat (3,6%), 2-methoxyl cinnamtedehyl (0,7%), methoxyl benzadehyd, benzadehyd, acol cinnamic, eugenyl acetat… (Theo Vernin và cs, 1990).
  • Tinh dầu lá quế từ Trung Quốc: aldehyd cinnamic (74,1%), 2-methoxyl cinnamtedehyl (10,5%), cinnamyl acetat (6,5%), coumarin (1,2%), benzadehyd (1,1%), 2-phenyllethyl acetat (0,7%), 2-phenylethanol (0,6%)… (theo Zhu và cs, 1993).
  • Ngoài ra, còn có các thành phần thường gặp khác trong tinh dầu là eugenol, linalool, limonene, alpha-terpineon, camphor…
Mùi thơm vừa ngọt ngào vừa ấm áp đặc trưng.
Tinh dầu quế có mùi thơm vừa ngọt ngào vừa ấm áp đặc trưng

Tinh dầu quế có tác dụng gì?

Giảm cholesterol

Những tác động tích cực của tinh dầu và chiết xuất từ quế đối với mức cholesterol và đường huyết trong cơ thể con người được đánh giá tích cực:

  • Nghiên cứu trên động vật, khi kết hợp tập luyện thường xuyên cùng bổ sung tinh dầu này làm giảm đáng kể nồng độ cholesterol toàn phần, LDL trong huyết thanh. Đồng thời làm tăng mức lipoprotein tốt (HDL) so với nhóm chứng.
  • Ngoài ra, trong một nghiên cứu trên chuột, hỗn hợp nhóm tinh dầu (bao gồm dầu quế) giúp điều chỉnh mức đường huyết lưu thông. Chúng cũng cải thiện hoạt động của tuyến tụy, bao gồm tiết ra insulin. Do đó, chiết xuất từ quế được nhận định giúp giảm các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tim mạch và đái tháo đường.
  • Cinnamaldehyd còn kích hoạt các phản ứng sinh nhiệt, trao đổi chất trong tế bào mỡ dưới da của chuột và người. Điều này góp phần đưa ra lời giải thích cơ học cho tác dụng chống béo phì của chúng và hỗ trợ thêm cho lợi ích trao đổi chất tiềm năng đối với con người.

Chống viêm

Ngày càng nhiều các nghiên cứu đa dạng khác nhau mô tả hoạt động chống viêm của cinnamaldehyde. Đây là một hoạt chất dồi dào có trong tinh dầu quế. Chúng được mô tả thông qua con đường tín hiệu khác nhau để điều chỉnh các phản ứng chống viêm. Hơn thế, đây còn là thành phần được biết đến có tác dụng kháng nấm, chống ung thư… nhưng cần phải cần nghiên cứu chi tiết hơn.

Ức chế hoạt động vi sinh vật

Tinh dầu quế chứa cinnamaldehyd, hoạt chất có tác dụng ức chế hoạt động vi sinh vật in vitro. Có thể kể đến như:

  • Kháng khuẩn: Salmonella typhi, tụ cầu vàng, Bacillus mycoides, Bacillus subtilis
  • Kháng nấm: Candida albicans, Trychphyton mentagrophytes, Microsporum audoim,… cùng nhiều loại nấm mốc và nấm men khác.

Với tác dụng kể trên, tinh dầu này là sự lựa chọn hiệu quả để chống lại các bệnh lý rối loạn đường hô hấp như đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi, đờm tắc nghẽn… thông qua các phương pháp xông hơi, khuếch tán…

Hơn thế, có thể tận dụng lợi ích này để khử mùi và thanh lọc cho không gian sống.

Giảm căng thẳng

Từ xa xưa, liệu pháp hương thơm đã được phát hiện để giúp kiểm soát căng thẳng cũng như các triệu chứng trầm cảm. Đặc biệt, khi kết hợp với tinh dầu từ quế được cho là nguồn cung cấp các hoạt chất chống lại stress oxy hóa. Chúng mang đến trải nghiệm thư giãn, cân bằng cảm xúc, cải thiện sự tỉnh táo và nhận thức.

Hỗ trợ sức khỏe làn da

Theo tài liệu, tinh dầu quế được nhận định là có tiềm năng giúp điều trị viêm da và các tình trạng da liên quan khác. Điều này được lý giải là nhờ các hoạt chất giá trị sinh học cao, đặc biệt là cinnamaldehyde. Chúng có thể ức chế sản xuất một số dấu ấn sinh học protein liên quan đến viêm da và tái tạo mô. Thế nhưng, lợi ích này cần được nghiên cứu thêm để xác định hiệu quả lâm sàng và an toàn.

Cách sử dụng tinh dầu quế

Để tận dụng tối đa những lợi ích của tinh dầu quế, ta có thể thực hiện nhiều cách thức khác nhau sao cho phù hợp với từng đối tượng và nhu cầu sử dụng.

  • Khuếch tán tinh dầu quế bằng đèn xông tinh dầu hoặc máy khuếch tán để thanh lọc không khí. Điều này sẽ giúp tạo nên không gian tràn ngập mùi hương thư giãn.
  • Nhỏ vài giọt tinh dầu quế để xông hơi truyền thống hoặc kết hợp với máy xông, hỗ trợ giảm thiểu triệu chứng cảm lạnh, cảm cúm, lợi cho sức khỏe làn da…
  • Ngâm trị liệu: nhỏ vào bồn tắm hoặc nước ngâm chân 5-10 giọt tinh dầu. Điều này giúp thúc đẩy tuần hoàn lưu thông, thư giãn, xua tan mệt mỏi,…
  • Dùng tại chỗ: lấy vài giọt tinh dầu quế pha loãng với nước hoặc dầu nền (dầu dừa, dầu jojoba,…) rồi xoa lên các vùng cơ, khớp, đau nhức,…
  • Xịt lượng tinh dầu quế đã pha loãng vào vật dụng để lưu hương kéo dài. Chẳng hạn như như gối, túi vải, quần áo,…

Điều cần lưu ý khi sử dụng tinh dầu quế

Tuy nhiên, tinh dầu quế có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Chúng sẽ có những điều cần lưu ý nhất định.

  • Do có chứa lượng coumarin nên tinh dầu có thể gây ra một vài vấn đề khó chịu ở da. Vì vậy, vui lòng kiểm tra ít tinh dầu lên vùng da nhỏ trước khi sử dụng lên các khu vực lớn hơn.
  • Chú ý không dùng tinh dầu quế nguyên chất trực tiếp mà khuyến khích pha loãng với các chất nền.. Đồng thời tránh tiếp xúc tinh dầu này tại các khu vực nhạy cảm, dễ tổn thương. Ví dụ như niêm mạc, mắt, mũi, tai trong…
  • Các đối tượng có cơ địa nhạy cảm như phụ nữ mang thai, cho con bú, trẻ nhỏ, người có tiền sử dị ứng… cần phải tham khảo ý kiến người có chuyên môn trước khi sử dụng tinh dầu quế.
Liệu pháp xông hơi bằng tinh dầu đang được yêu thích và ưa chuộng.
Liệu pháp xông hơi bằng tinh dầu đang được yêu thích và ưa chuộng

Có thể làm tinh dầu quế tại nhà không?

Ưu tiên lựa chọn tinh dầu quế của các nhà sản xuất đáng tin cậy và uy tín. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tự tạo riêng cho mình một lọ tinh dầu để sử dụng. Cách làm tham khảo:

Chuẩn bị

  • 5-10 thanh quế; Nên chọn mua các thanh dày, chiều dài đồng đều, mùi thơm nồng, vị cay nhưng khi nếm kỹ lại cảm nhận vị ngọt. Chỉ chọn các thanh quế có màu vàng đậm, không chọn loại xỉn màu hoặc có dấu hiệu ẩm mốc.
  • Khoảng 2 chén dầu ô liu (hoặc có thể lựa chọn dầu hạnh nhân, dầu hạt nho…);
  • Vải thưa sạch;
  • Bình/Lọ thủy tinh tối màu, có nắp đậy đã được rửa sạch, phơi khô.

Thực hiện

  • Đặt các thanh quế theo chiều dọc vào một chiếc lọ thủy tinh kín;
  • Đổ dầu ô liu vào sao cho ngập hết thảo dược quế;
  • Thỉnh thoảng lắc lọ để thúc đẩy tinh chất từ quế tiết ra;
  • Đặt lọ vào khu vực sạch sẽ, thoáng mát trong nhà;

Phương pháp này cần phải đợi vài tuần trước khi có thể sử dụng tinh dầu. Sau khoảng 3 tuần, lọc dầu ra khỏi bình bằng vải thưa để loại bỏ cặn dư thừa.

Trải qua thời gian lâu dài, tinh dầu quế vẫn đóng góp vô vàn lợi ích và đặc tính giá trị cho sức khỏe. Hi vọng các tiềm năng của chiết xuất này sẽ được khám phá thêm và ứng dụng phổ biến hơn nữa trong tương lai.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*