Ngô thù du: vị thuốc cay nóng chữa bệnh hay

Ngô thù du với những chùm quả chín đỏ đặc trưng

Ngô thù du là một loại dược liệu rất cay và nóng. Từ xưa, đây đã là một vị thuốc chữa bệnh và cũng là một loại gia vị quen thuộc trong các món ăn của người Trung Hoa. Có thể đối với nhiều người trong chúng ta, vị thuốc này còn tương đối xa lạ. Vậy bài viết hôm nay, người viết sẽ giới thiệu về đặc điểm, công dụng của vị thuốc Ngô thù du. 

Ngô thù du là gì?

Ngô thù du còn gọi là Ngô thù, hay Thù du. Nó có tên khoa học Evodia rutaecarpa (Juss) Benth., thuộc họ Cam quýt (Rutaceae).

Đặc điểm thực vật

Đây là loại cây thân gỗ nhỏ, với chiều cao trung bình khoảng 2 – 5m. Cành cây ngả màu nâu, hay nâu sẫm. Khi còn non thì trên cành có lông mềm, nhưng sau đó lông rụng dần đi, để lại những điểm bì khổng trên cành cây.

Lá cây mọc đối, lá khá lớn với kích thước lá mang cuống có thể dài tới hơn 30cm. có 2 – 5 đôi lá chét có cuống ngắn. Lá chét dài 5-15cm, rộng 2,5-5cm. Đầu lá chét nhọn, dài, mép nguyên. Trên lá có gân hình xương cá hiện rõ. Trên lá mang lông mịn màu nâu, mặt dưới nhiều hơn mặt trên. Khi soi lá dưới ánh sáng ta sẽ thấy những điểm tinh dầu.

Hoa Ngô thù du là dạng hoa đơn tính khác gốc, gồm những hoa nhỏ tụ thành chùm. Hoa màu vàng trắng, hoa cái sẽ lớn hơn hoa đực.

Quả của cây khi chín màu đỏ thẫm, tụ thành từng chùm. Nó có hình cầu hơi dẹp, dài khoảng 3mm. Trên mặt quả có những điểm tinh dầu. Mỗi ô quả sẽ có 1 hình trứng dài khoảng 5 – 6mm và đường kính độ 4mm màu đen bóng. Cây ra hoa tháng 6 – 8 và cho quả tháng 9 – 10. Toàn cây đều có tinh dầu với mùi thơm hơi hắc.

Ngô thù du với những chùm quả chín đỏ đặc trưng
Ngô thù du với những chùm quả chín đỏ đặc trưng

Phân bố

Cây mọc nhiều ở các tỉnh thuộc Trung Quốc như: Vân Nam, Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Hồ Nam, Triết Giang,…

Ở nước ta, cây cũng mọc hoang ở một số tỉnh vùng cao như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn,… Nhưng số lượng không nhiều, và đa phần vẫn phải nhập từ Trung Quốc. Chúng ta thường dùng quả chưa chín của cây mường chương (con gọi là đinh trưởng) cũng thuộc họ Cam quýt để thay thế.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

  • Bộ phận dùng

Quả chưa chín. Chọn những quả sắc xám, nhỏ, rắn, thơm hắc là tốt. Ngoài ra cũng có thể dùng cả cây (rễ, thân, hoa, quả) cũng tốt để chữa hàn nhập vào trong cơ thể. Vỏ lụa cây có thể trị độc nhiệt.

  • Thu hái

Vào tháng 9 – 10, khi cây Ngô thù du ra quả. Chọn những quả còn xanh hoặc hơi vàng xanh, chưa tách vỏ. Hái đem về phơi hoặc sấy khô.

  • Chế biến

Theo Trung y: Nấu nước sôi 7 lần để lại vị đắng, nồng rồi sấy khô dùng dần.

Theo kinh nghiệm Việt Nam: Lấy nước đun sôi để ấm (60 – 70 độ C), đổ Ngô thù du vào quấy nhẹ đến khi nguội. Bỏ nước nguội đi. Làm như trên 2 – 3 lần, sau đó sấy khô, giã dập (dùng sống).

  • Bảo quản

Cất giữ dược liệu nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mốc mọt. Lưu ý đậy kín để giữ hương vị.

Dược liệu Ngô thù du khô

Tác dụng của Ngô thù du

Thành phần hóa học trong dược liệu

Theo nghiên cứu, trong dược liệu chứa 0,4% tinh dầu. Trong tinh dầu có 11% evoden, 26% evodin, oximen và 3 alkaloid evodiamin, rutaecacpin và wuchuyin.

 * Tác dụng theo Y học hiện đại

Vị thuốc có một số tác dụng dược lý sau:

Chống nôn: sẽ mạnh hơn nếu phối hợp với gừng sống (theo Nhật Bản dược lý học tạp chí, 49(3):73,1953)

Co bóp tử cung: Rutamin có trong Ngô thù du có tác dụng co bóp tử cung. (theo Trung Hoa y học tạp chí, 22(6): 397-413, 1936)

Kháng khuẩn: Dược liệu này có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của một số vi khuẩn ngoài da (theo Trung Hoa y học tạp chí, 38 (4): 315-318), 1952)

 * Tác dụng theo Y học cổ truyền

Tính vị: cay, đắng, nóng. Có độc. Quy kinh can, tỳ, vị, thận.

Tác dụng: tán hàn chỉ thống, ôn trung chỉ ẩu, trợ dương chỉ tả.

Chỉ định:

Điều trị chứng đau do can hàn khí trệ thường dùng với tiểu hồi hương, mộc thông như bài đạo khí thang. Điều trị quyết âm đau đầu thường dùng với nhân sâm, sinh khương như bài ngô thù du thang. Điều trị xung nhâm hư hàn, ứ huyết trở trệ gây thống kinh thường dùng với quế chi, đương quy, xuyên khung như bài ôn kinh thang.

Điều trị chứng vị hàn ẩu thổ thường dùng với nhân sâm, sinh khương như ngô thù du thang. Điều trị ngoại hàn nội tập, vị mất hoà giáng gây nôn thường dùng với bán hạ, sinh khương.

Điều trị chứng hư hàn tiết tả thường dùng với nhục đậu khấu, phá cố chỉ, ngũ vị tử như bài tứ thần hoàn. Gần đây lâm sàng dùng điều trị bệnh tăng huyết áp.

Cách dùng Ngô thù du

Liều lượng: 2 – 3g/ 1 ngày. Nếu dùng để chữa cơn đau thì tăng liều 4 – 12g/ 1 ngày.

Dùng dưới dạng thuốc sắc, có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Một số bài thuốc từ Ngô thù du

Bài thuốc chữa ăn không tiêu

Ngô thù du 2g, Mộc hương 2g, Hoàng liên 1g. Tất cả tán thành bột, trộn đều. Chia 3 lần uống trong ngày.

Bài thuốc chữa nôn mửa

Ngô thù du 5g, Can khương 2g. Cho vào 300ml nước, sắc còn 100ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Những kiêng kị khi dùng Ngô thù du

Do tính quá cay, nóng nên không nên dùng quá nhiều dược liệu này một lần.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*