Điểm nổi bật trong các tài liệu Y học cổ truyền Trung Hoa là sự kết hợp chặt chẽ logic giữa Y học hiện đại và Y học cổ truyền Trung Hoa.
Trên cơ sở tóm lược những thành tựu của các ngành khoa học hiện đại kết hợp với những tinh hoa của nền Y học cổ truyền Việt Nam thông qua một số thư tịch Y Dược học cổ truyền Việt Nam bằng chữ Hán chữ Nôm mà Bộ môn- YHCT- Bệnh viện 103- HVQY còn lưu giữ: Nam dược thần hiệu và Hồng nghĩa giác tư y thư ( Tuệ Tĩnh, Thế Kỷ XIV ).
Hoạt nhân toát yếu ( Hoàng Đôn Hoà, Thế Kỷ XVI ), Hải Thượng Lãn ông y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển nay còn 55 quyển ( Lê Hữu Trác, Thế Kỷ XVIII ).
Nét độc đáo về lý luận Y học cổ truyền Việt Nam qua thư tịch Hán Nôm: Tuệ Tĩnh trong “ Nam dược thần hiệu”: Ông đã tiếp thu y lý Y học cổ truyền phương Đông và Y học cổ truyền Trung Hoa kết hợp với tổng kết kinh nghiệm dân gian sắp đặt nguồn gốc để phân loại thuốc cổ truyền mang bản sắc riêng Việt Nam.
Ông thu lượm 533 vị thuốc và chia thành 23 loại: loại cỏ mọc hoang (nguyên thảo bộ thư thảo bộ) 62 vị, loại cỏ dây leo (đằng thảo bộ) 17 vị, loại cỏ mọc ở nước (thuỷ thảo bộ) 6 vị, loại quả (quả bộ) 47 vị, loại cây (mộc bộ) 42 vị, loài sâu bọ (trùng bộ) 32 vị, loại có vảy (lân bộ ) 40 vị, loại cá (ngư bộ) 34 vị, loại có mai (giáp bộ) 6 vị, loại không vảy (giới bộ) 13 vị, loài chim (cầm loại) 39 vị, loài chim nước (thuỷ điểu) 12 vị, loại gia súc (lục súc) 26 vị, loại thú rừng (sơn thú bộ) 36 vị, các thứ nước (thuỷ bộ) 9 vị, các thứ đất (thổ bộ) 14 vị, loại ngũ kim (kim bộ) 11vị, loại đá (thạch bộ) 7 vị, loại chất mặn (lỗ bộ) 4 vị, loại thuốc về người (nhân bộ) 6 vị và 35 vị thuốc lượm lặt thêm. Hiện nay, phân loại thuốc (dược vật) Y học cổ truyền của bộ môn YHCT – Bệnh viện 103-Học viện Quân y là dựa theo nguồn gốc: động vật, nguồn gốc thực vật, nguồn gốc khoáng vật và chủ yếu là phân loại theo biện chứng luận trị, nhưng trong diễn giải khi giảng dạy vẫn tham khảo cách phân loại độc đáo mang bản sắc Việt Nam của Tuệ Tĩnh .
Phương pháp luận trong chẩn trị đều có những nét riêng dễ hiểu “ Quan hình sát sắc biện nguyên do, âm nhược dương cường phát ngạnh nhu, nhược thị thương hàn song túc lãnh, yêu tri hữu nhiệt đỗ bi cầu, tỷ lạnh tiên tri thị chẩn đậu, nhĩ lãnh ưng tri phong nhiệt chứng, hôn nhân giai nhiệt thị thương hàn, thượng nhiệt hạ lương thương thực bệnh”. Từ những diễn biến phức tạp giữa một bên là tác nhân gây bệnh “ hàn tà” một bên là phản ứng của hàng rào phòng ngự , thông qua sự chuyển hoá lục kinh trong biện chứng thương hàn luận, Trương Trọng Cảnh ( Thế kỷ 2 – 3 sau Công Nguyên ), Ông đã vận dụng sáng tạo cách xét bệnh ở bệnh nhi: âm nhược tóc cứng, dương cường tóc mềm, hai chân lạnh mình nóng là thương hàn, mũi lạnh , người nóng là bệnh sởi đậu … từ khái quát thuốc về khí theo giới “ nam bất thiểu trần bì, nữ bất phi hương phụ” nay đã trở thành những cương lĩnh dùng thuốc rất Việt Nam.
Lê Hữu Trác trong “ Hải Thượng Lãn Ông y tông tâm lĩnh”, bộ sách đồ sộ chẳng những đã Việt hoá hệ thống lý luận Y học cổ truyền phương Đông và Y học cổ truyền Trung Hoa mà còn chắt lọc những tinh hoa kết hợp với truyền thống y học dân gian Việt Nam khái quát nâng cao y lý mang bản sắc dân tộc Việt Nam. Cách chẩn bệnh quy về hư, thực theo Lãn Ông: trạng thái cơ thể hư thường là: tuổi già, bệnh lâu ngày, người gầy da xanh, phụ nữ mới đẻ, trẻ nhỏ thường là lý hư, mạch hư; trái lại người trẻ, lúc bệnh mới mắc thường là thực chứng, mạch thực mà hư hay đi với hàn thuộc âm, thực hay đi với nhiệt thuộc dương.
Như vậy, từ đơn giản hậu thế đã hiểu được những vấn đề khó và phức tạp trong biện chứng “ âm dương”. Cách chữa bệnh theo Lãn Ông: Phàm người trẻ trọng dụng thuốc chữa “ khí huyết” ( bổ khí hành khí, bổ huyết hành huyết ) “ trị phong tiên trị huyết, huyết hành phong tự diệt”có nghĩa là không đánh giặc mà giặc tự lui;“ huyết vi khí chi mẫu, khí vi huyết chi soái”có nghĩa là khí huyết đều là 2 phạm trù, đều là cơ sở vật chất nuôi dưỡng tạng phủ duy trì sự sống.
Lãn Ông đã khái quát cao độ quá trình chuyển hoá phức tạp của khí huyết bằng văn Nôm, văn Việt :“ ngũ cốc tức đồ ăn thức uống vào vị, tinh khí tràn đầy đưa lên tỳ, tỳ vận hoá đưa lên phế và phế tiêu đi bách mạch”. Phế chủ khí, tâm chủ huyết, tâm là quân chủ, tâm chủ chi quan, nếu tâm suy thì thập nhị quân đều nguy, tuy nhiên “ dĩ thực vi tiên” mà tỳ vị hậu thiên chi bản, thận vi tiên thiên chi bản, “ tỳ vị là kho lương, kho lương ấy mà cạn thì muôn quân tan rã, nhưng tỳ vị lại là nồi cơm trên bếp lửa của thận hoả, thận chủ mệnh môn tướng hoả. Nét độc đáo của Lãn Ông là hình tượng hoá hoạt động sống của cơ thể con người tựa hồ như đèn kéo quân quanh ngọn lửa ( lửa là mệnh môn hoả, thận hoả ).
Trong “ Đạo lưu dư vận” Lãn Ông đã truyền lại cho hậu thế phong cách lý luận Y học cổ truyền Việt Nam “ chữa bệnh nhẹ, người trẻ phải trọng dụng khí huyết, chữa trọng bệnh tuổi già phải trọng dụng thuốc âm dương, bởi cha của khí là dương, mẹ của huyết là âm, phải biết bổ âm tiếp dương, bổ dương tiếp âm, hoặc âm dương cùng bổ”; biết được lẽ này chữa bệnh nghìn người không sai một, đổi chết lấy sống dễ dàng như trở bàn tay, không biết được lẽ này chữa bệnh khác nào như leo cây tìm cá vậy. Nhiều bệnh nặng phàm là các triệu chứng giả hiện lên lung tung, kì hình, quái dạng khó mà mệnh danh, nếu biết bổ âm tiếp dương ( vụ âm trung cứu dương ) thì các triệu chứng giả biến đi như tuyết tan ngói vỡ, các chứng thực của bệnh hiện lên không tìm mà tự thấy.Một số dẫn liệu thông qua thư tịch chữ Hán, chữ Nôm của các Y gia tiền bối ,nhất là của Hải Thương Lãn Ông trong lĩnh vực y lý, biện chứng luận trị Y Dược học cổ truyền Việt nam đã được Ông Việt hoá rất độc đáo, đặc sắc và sáng tạo đến bất ngờ . Y đức, y lý, y thuật của Ông luôn là kim chỉ nam cho Y giới YHCT xưa, nay và mãi mãi, được phát huy trong khám bệnh, chẩn trị và dự phòng bằng phương pháp luận YHCT Việt Nam góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Để lại một phản hồi