Mướp gai: Dũng sĩ bảo vệ lá gan

Vị thuốc Mướp gai có tác dụng điều trị bệnh hiệu quả

Từ lâu, Mướp gai là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng hỗ trợ điều trị các bệnh lý về gan, đau mỏi xương khớp, thanh nhiệt rất hiệu quả. 

1. Giới thiệu về Mướp gai

  • Tên gọi khác: Chóc gai, Ráy gai, Hải vu, Sơn thục gai hay cây Móp (Nam Bộ), cây Cừa…
  • Tên khoa học: Rhizoma Lasiae spinosae.
  • Họ: Ráy (Araceae).

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Cây Mướp gai thường mọc hoang ở vùng đất ẩm ướt, bên trên có tán che như: ruộng nước, bãi lầy, bờ ao, ven suối. Người ta tìm thấy loài này ở nhiều nước thuộc khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới như Thái Lan, Việt Nam, Lào, Trung Quốc, Campuchia…Tại nước ta, cây phân bố ở Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Tháp…

Toàn bộ cây bao gồm thân lá và rễ đều có thể làm thuốc. Thu hái quanh năm nhưng thời điểm thu hoạch tốt nhất là vào mùa đông. Dược liệu sau khi thu hoạch về cắt lát phơi khô dùng dưới dạng sắc nước uống. Có thể dùng phối hợp với một số vị thuốc khác.

Vị thuốc Mướp gai có tác dụng điều trị bệnh hiệu quả
Vị thuốc Mướp gai có tác dụng điều trị bệnh hiệu quả

1.2. Mô tả toàn cây

Cây thuộc thân thảo có thân rễ và cuống lá đều có gai, phình to như củ nên còn gọi là củ Mướp gai. Mướp gai mọc trên mặt đất, mang nhiều sẹo lá và rễ.

Lá hình mũi tên về sau xẻ lông chim, có khi dạng mũi mác hay đa dạng; cuống lá có bẹ. Trên lưng và mép lá có nhiều gai nhỏ, khi còn non thì gai mềm, khi già thì sắc nhọn.

Cụm hoa không phân nhánh, màu vàng, có mo dài bao lại, phần gốc mở ra còn phần trên khép kín. Trục hoa hình trụ, ngắn hơn mo nhiều. Hoa nhiều, tất cả đều lưỡng tính, hoa cái ở gốc, hoa đực ở trên. Bao hoa gồm 4 – 6 mảnh, bộ nhị gồm 4 – 6 nhị có chỉ nhị ngắn, bầu 1 ô có chứa 1 noãn treo.

Quả mọng hình trứng vuông, màu nâu, có gai ngắn rậm ở đỉnh; hạt dẹp. Quả non có màu xanh, về già sẽ khô chuyển sang vàng và bên trong nhiều xơ gai. Ra hoa vào mùa hạ. 

1.3. Bộ phận thu hái và bào chế

Toàn cây thân rễ sau khi thu hái thì đem rửa sạch, phơi khô hay sấy khô. Thân rễ thu hoạch vào mùa thu, đào về rửa sạch, phơi hay sấy khô. Khi dùng ngâm với nước đường phèn và gừng để làm sạch, loại bỏ độc tố rồi thái mỏng, sao vàng.

Thân rễ Mướp gai có vị đắng cay, tính mát, ít độc
Thân rễ Mướp gai có vị đắng cay, tính mát, ít độc

1.4. Bảo quản

Vị thuốc nên được bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm hay mối mọt. Có thể cho vào túi nylon để bảo quản và sử dụng dần. 

2. Thành phần hóa học

Theo một số nghiên cứu của y học hiện đại, cây Mướp gai có:

  • Toàn thân chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa polyphenol, vitamin C, saponin triterpen.
  • Lá gai chứa flavoid, hợp chất phenol, acid hữu cơ, acid amin, đường.
  • Thân rễ chứa tinh bột.
  • Bông mo có acid hydrocyanic.

Sơ bộ thấy thân rễ chứa những chất cho những vết tương tự với rất nhiều loại acid amin trên sắc ký lớp mỏng.

3. Công dụng

3.1. Y học hiện đại

  • Chất polyphenol và axit ascorbic trong Mướp gai giúp chống và ngăn ngừa lão hóa.
  • Hỗ trợ phục hồi gan cho người suy gan, xơ gan cổ trướng, gan nhiễm mỡ và người dùng nhiều rượu bia.
  • Giảm đau nhức xương khớp, tay chân tê buốt.
  • Giúp thanh nhiệt giải độc, ngăn ngừa mụn nhọt và tình trạng táo bón.
  • Lợi tiểu, giảm chứng nước tiểu đục.

Trong kháng chiến chống Mỹ, bộ đội ta đã dùng Mướp gai rộng rãi để chữa viêm gan, vàng da, cơ thể suy nhược sau sốt rét và có kết quả tốt. Năm 1973, Xưởng dược X5 thuộc Phòng Quân y B2 đã sản xuất ra viên thuốc Mướp gai kết hợp với bột nghệ làm thuốc bổ gan.

3.2. Y học cổ truyền

Tính vị cay, tính ấm.

Công dụng: Thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, giảm phù thũng, tiêu viêm, tiêu đờm, giải khát, giảm đau.

Chủ trị: Ho, phù thũng, suy gan, viêm gan nhẹ, vàng da, di chứng sau sốt rét, tê buốt bàn chân, lở ngứa ngoài da, đau lưng mỏi gối, nước tiểu sậm màu.

Dược liệu hỗ trợ bảo vệ gan rất tốt
Dược liệu hỗ trợ bảo vệ gan rất tốt

3.3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Liều dùng: 6 – 12g, dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Trị tay chân tê buốt, tê thấp bàn tay, bàn chân

Mướp gai, Cẩu tích, Huyết đằng, Ngưu tất, Kim cang, mỗi loại 12g. Sắc chung với khoảng 600ml nước đun sôi xuống còn 200ml nước, uống chia làm 2 lần trong ngày.

4.2. Hỗ trợ điều trị viêm gan 

Mướp gai, Nhân trần mỗi loại 12g, Diệp hạ châu 20g. Sắc chung với khoảng 600ml nước xuống còn 200ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.

4.3. Trị phù thũng

Mướp gai, Mã đề, Râu bắp mỗi loại 12g. Sắc chung với khoảng 600ml nước xuống còn 200ml nước, uống chia làm 2 lần trong ngày.

4.4. Trị đau lưng mỏi gối, đau xương khớp

Mướp gai, Ngũ gia bì, Ngưu tất, Cẩu tích, Đỗ trọng, Cốt toái bổ, Bạch thược, Trần bì, mỗi vị cùng lượng 20g. Sắc cùng 1,5 lít nước, đun sôi 20 phút và chia nhiều lần uống trong ngày hoặc ngâm với rượu làm thuốc.

4.5. Trị lở ngứa ngoài da

Dùng toàn cây Mướp gai tươi nấu nước tắm, ngày 1 lần. Khi nước còn ấm sẽ cải thiện tình trạng rất hiệu quả.

4.6. Trị chứng thiên truy (viêm, giãn tĩnh mạch tinh hoàn)

Mướp gai 12g, lá Trâu cổ (lá Vẩy ốc) 10g sao vàng, Lệ chi hạch (hạt vải) 10g thái mỏng, sao vàng, sắc 400ml thành 100ml chia làm 2 lần uống trong ngày.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*