Lá lốt: Vị thuốc trong vườn nhà

Lá lốt

Lá lốt (Herba Piperis lolot) từ lâu đã được biết đến như một loại gia vị, nguyên liệu rất quen thuộc, được kết hợp cùng để chế biến ra các món ăn hấp dẫn và nhiều giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên điều ít người biết, nó còn là một vị thuốc có tính ứng dụng cao và được sử dụng nhiều trong dân gian để chữa các bệnh như: đau nhức xương khớp, đau răng, chân tay lạnh… 

1. Bộ phận Lá lốt được sử dụng

Lá lốt được coi là loài đặc hữu phổ biến của các nước Việt nam, Lào, Campuchia. Ở Việt Nam, Lá lốt mọc tự nhiên ở khắp nơi, từ vùng đồng bằng đến trung du, đặc biệt các tỉnh vùng núi thấp (dưới 1000m).

Là một loại cây mềm, mọc cao tới 1m, thân hơi có lông. Lá hình trứng rộng, phía gốc hình tim, đầu lá nhọn, soi lên có những điểm trong; phiến lá dài 13cm, rộng 8,5cm, mặt trên nhẵn, mặt dưới hơi có lông ở gân; cuống lá dài chừng 2,5cm. Cụm hoa mọc thành bông, bông hoa cái dài chừng 1cm, cuống dài 1cm.

Là cây ưa ẩm và ưa bóng, thường mọc thành những đám lớn ở ven rừng, dọc theo các bờ khe suối, chân núi đá vôi, các bờ ao ở quanh làng.

Cây ra hoa hàng năm, hình thức tái sinh tự nhiên chủ yếu là mọc chồi từ thân rễ, thường trồng bằng mẩu thân cắt thành từng khúc 20 – 25cm, giâm vào nơi ẩm ướt, dưới bóng mát cây, có thể trồng quanh năm, nhưng tốt nhất là vào mùa xuân. Ra hoa vào tháng 4.

Thường nhân dân dùng trồng lấy lá làm gia vị hay làm thuốc. Lá hái quanh năm, có thể dùng thân, hoa hay rễ. Hái về dùng tươi hay phơi khô để dành, nhưng thường dùng tươi. Nếu dùng rễ thường hái vào tháng 8 – 9.

Lá lốt
Lá lốt

2. Thành phần hóa học

Lá, thân và rễ chứa ankaloid và tinh dầu. Tinh dầu có 35 thành phần trong đó 25 thành phần đã được nhận dạng, thành phần chủ yếu là β-caryophyllene. Rễ chứa tinh dầu, trong đó thành phần chính là Bornyl acetate.

3. Theo Y học hiện đại

  • Có tác dụng kháng khuẩn đối với các vi khuẩn: Bacillus psyocyaneus, Staphylococus aureus và Bacillus subtilis; đồng thời có tác dụng chống viêm. Tác dụng kháng khuẩn của 3 dạng bào chế: cao lá khô, cao lá tươi và nước ép lá tươi gần tương tự như nhau.
  • Cao lỏng dùng ngậm và viên cao lá lốt dùng uống được thử nghiệm trên lâm sàng tỏ ra có tác dụng giảm đau và trị các bệnh viêm cấp tính về răng miệng.
  • Tác dụng gây giãn mạch ngoại biên và ức chế hoạt tính gây co thắt cơ trơn ruột của histamin và acetycholin. Một đơn thuốc gồm lá lốt và 3 dược liệu khác nhau đã được áp dụng điều trị các chứng đau khớp, đau xương và đã đạt được kết quả tốt 29.26%, trung bình 53.65% và không kết quả là 17.07% số bệnh nhân điều trị.
  • Ức chế men collagenase trong ống nghiệm.

4. Theo Y học cổ truyền

Lá lốt có vị cay, tính ấm, có tác dụng trừ hàn, giảm đau, hỗ trợ tiêu hóa, cầm nôn…

5. Công dụng của Lá lốt 

Lá lốt được dùng điều trị các bệnh đau lưng, đau khớp, tay chân lạnh tê bại, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, đầy hơi trướng bụng, đau nhức răng, ra mồ hôi tay chân…

6. Các bài thuốc có lá lốt

6.1. Chữa phong thấp, đau nhức xương

Bài 1. Lá lốt 16g, tầm gửi cây dâu 12g, tục đoạn 12g. Sắc với 250ml nước còn 150ml, chia 2 lần uống vào ban ngày và buổi tối trước khi đi ngủ.

Bài 2. Lá lốt, cỏ xước, cành dâu, cà gai, mỗi vị 20g, Ngưu tất 10g. Sao qua, sắc uống mỗi ngày 1 thang, trong 3 – 5 ngày. Có thể củng cố kết quả bằng cách ăn lá lốt nấu với lạc trong 7 ngày liền.

Bài 3. Rễ và thân lá lốt 20g, dây đau xương 10g, rễ thầu dầu tía 10g. Tất cả cắt ngắn, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Dùng 7 – 8 ngày.

Bài 4. Lá lốt 20g, thiên niên kiện 12g, gai tầm xoong 16g. Sắc uống trong ngày.

6.2. Chữa đau lưng, sưng khớp gối, bàn chân tê buốt

Bài 1. Rễ lá lốt, rễ bưởi , rễ cây vòi voi, rễ cỏ xước, mỗi vị 50g tươi. Tất cả thái mỏng, sao vàng. Sắc với 600ml nước, còn lại 300 ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Bài 2. Lá lốt, ngải cứu, đều bằng nhau. Giã nát, chế thêm giấm, chưng nóng, đắp hoặc chườm.

6.3. Chữa đầy bụng, nôn mửa

Lá lốt 10 – 20g. Sắc uống.

6.4. Chữa chứng lợm giọng

Lá lốt 40g, tán nhỏ. Uống 2g trước mỗi bữa ăn, với nước cơm.

6.5. Chữa bệnh tổ đĩa

Lá thanh yên, nấu nước để nguội rửa. Sau lấy lá lốt, lá cà gai leo, đều bằng nhau, giã nhỏ, trộn với giấm, bôi lên.

6.6. Chữa đổ mồ hôi tay, chân

Dùng 30g lá lốt tươi cho vào 1 lít nước nấu sôi, cho thêm ít muối, để nguội dần dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên buổi tối trước khi đi ngủ.

6.7. Chữa viêm xoang, chảy nước mũi đặc

Lá lốt vò nát, đặt vào lỗ mũi.

6.8. Chữa viêm lợi 

Cao mềm lá lốt, tinh dầu bạc hà, tinh dầu hương nhu và Clorophyl chiết từ lá tre. Tất cả vào chế thành cao lỏng với cồn thấp độ. Dùng tăm bông thấm thuốc, châm vào chỗ đau trong vòng 5 – 10 phút. Sau đó xúc miệng cho sạch.

Lưu ý: Người có dấu hiệu bị đau dạ dày, nhiệt miệng, táo bón thì không nên sử dụng. Một ngày chỉ nên dùng từ 50 – 100g. 

7. Các nghiên cứu khoa học

7.1. Góp phần nghiên cứu về hóa học và tác dụng sinh học Herba Piperis Lolot

Nghiên cứu về thành phần hóa học và thử độc cấp, tác dụng chống viêm, giảm đau của Lá lốt thu hái ở ngoại thành Hà Nội tháng 3/2001 trên chuột nhắt trắng.

Kết quả cho thấy:

  • Thành phần hóa học của rễ và thân lá cây đều giống nhau, có các thành phần sau: alcaloid, tinh dầu, flavonoid, antranoid, tanin, đường khử, acid amin, hàm lượng flavonoid toàn phần 1,14%, trên sắc ký khí mỏng flavonoid cho 8 vết, alcaloid cho 5 vết.
  • Về độc tính: dạng nước sắc với liều 200g/kg thể trọng không thể hiện độc tính ở liều thử.
  • Tác dụng chống viêm: dịch chiết cồn 90o với liều 20g/kg thể trọng có tác dụng chống viêm ngay từ giờ đầu đến giờ thứ 30, ức chế viêm từ 39,63-69,15%. Dung dịch flavonoid toàn phần 4% ức chế viêm từ 41,08-58,21%.
  • Tác dụng giảm đau: cả 2 phương pháp thử dịch chiết cồn ức chế từ 62,50-64,05%, dung dịch flavonoid 4% ức chế từ 42,6-54,9% tương đương aspirin.

7.2. Tác dụng chống oxy hóa và lợi mật của vị thuốc Lá lốt

Chiết xuất ethanol 2:1 và dung dịch 5% tổng lượng Flavonoid từ Lá lốt được nghiên cứu cho tác dụng chống oxy hóa và lợi mật. Chiết xuất ethanol 2:1 ức chế quá trình oxi hóa lipid trong tế bào gan 40,6%; ở não là 47,6%. Dung dịch 5% của flavonoid ức chế quá trình oxi hóa lipid ở gan là 56.9% và ở não là 41.1% so với nhóm chứng. Chiết xuất ethanol 2:1 làm tăng dịch mật lên 18. 03% trong khi ở nhóm Dung dịch là 35.5%.

7.3. Nghiên cứu nấu một số loại cao thảo dược. 

Cây nở ngày đất, lá lốt, lá vối dùng để điều trị bệnh Gout tại tỉnh Quảng bình

Với 1 kg nguyên liệu mỗi loại và 4 lít nước, chiết ở nhiệt độ 100 độ C, áp suất thường. Đem cô đặc thu được 10 – 15% nước. Qua quá trình nấu từ khoảng 8 – 10 giờ thu được 1 lạng cao ở thể dẻo, đặc quánh, sờ không dính tay. Bảo quản kín khí, hạn chế oxi, phòng tránh oxi hóa.

8. Kiêng kỵ

Người bị đau dạ dày, táo bón không nên dùng.  

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*