Khương hoàng (Nghệ vàng): từ gia vị trong bếp đến vị thuốc

Đặc điểm cây nghệ vàng

Nghệ vàng đã được sử dụng trong cuộc sống từ rất lâu đời. Thân rễ cây nghệ gọi là khương hoàng. Nghệ vàng được biết đến tác dụng trong bệnh lý dạ dày. Tuy nhiên, nghệ vàng – khương hoàng còn có những tác dụng quý và những lưu ý đặc biệt khác. 

Tên dược liệu

Tên khoa học

  • Khương hoàng còn có tên gọi khác là nghệ vàng, safran de Indes
  • Tên khoa học: Curcuma longa L. (Curcuma domestica Lour.)
  • Thuộc họ Gừng Zingiberaceae
  • Dùng thân rễ cây nghệ gọi là khương hoàng (Rhizoma Curcumae longae) và rễ củ gọi là Uất kim (Radix Curcumae longae)

Mô tả thực vật

  • Khương hoàng là loài thân cỏ cao từ 60cm đến 1m. Thân rễ cây nghệ vàng phình thành củ hình trụ hoặc hơi dẹt, khi bẻ hoặc cắt ngang thân rễ có màu vàng cam sẫm.
  • Lá hình trái xoan thon nhọn ở hai đầu và hai mặt đều nhẵn, có thể dài tới 45cm, rộng tới 18cm. Phần cuống lá có bẹ.
  • Cụm hoa mọc lên từ giữa lá, có dạng hình nón thưa. Lá bắc hữu thụ khum hình máng rộng, đàu tròn có màu xanh lục nhạt. Lá bắc bất thụ hẹp hơn, màu hơi tím nhạt. Tràng hoa có phiến, cánh hoa ngoài màu xanh, lục vàng nhạt, chia thành ba thùy, cánh hoa cũng chia thành 3 thùy.
  • Quả nang 3 ngăn, mở bằng 3 van. Hạt có áo hạt.
Đặc điểm cây nghệ vàng
Đặc điểm cây nghệ vàng

Phân bố, thu hái

  • Khương hoàng được trồng ở khắp nơi trên đất nước ta. Nghệ vàng thường được các gia đình sử dụng làm gia vị và làm thuốc.
  • Nghệ vàng còn được trồng ở một số nước nhiệt đới như Ấn Độ, Indonesia, Campuchia, lào, Trung Quốc, v.v…
  • Người ta thường thu hoạch nghệ vàng vào mùa thu. Sau đó, cắt bỏ hết rễ để riêng và thân rễ để riêng

Tác dụng của nghệ vàng

Thành phần hóa học

Trong khương hoàng, các nhà khoa học phân tích được các hoạt chất như sau:

  • Chất màu curcumin 0,3%. Đây là chất tạo nên màu của nghệ vàng, là tinh thể màu nâu đỏ, ánh tím, không tan trong nước, tan trong các dung môi như rượu, ete, clorofoc.
  • Tinh dầu 1 – 5% giúp cho nghệ vàng có mùi thơm
  • Ngoài ra còn có tinh bột, canxi oxalat, chất béo, nước, một số chất vô cơ

Tác dụng dược lý theo Y học hiện đại

  • Nghiên cứu đã chứng minh rằng nghệ vàng có khả năng kích thích bài tiết mật của tế bào gan. Ngoài ra chất curcumin làm tăng co bóp túi mật, từ đó làm thông lợi mật.
  • Người ta tìm thấy trong nghệ vàng chất curcumen có tác dụng giảm cholesterol trong máu. Từ đó, nghệ vàng hỗ trợ điều trị trong bệnh lý chuyển hóa, ngăn ngừa các bệnh lý xơ vữa động mạch, v.v…
  • Tác dụng kháng sinh của nghệ vàng đã được nghiên cứu từ rất lâu, như G.Laroche (1933), H.Leclerc (1935), Robbers (1936). Nghệ vàng có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn thuộc nhóm Tụ cầu Staphylococcus, Vi khuẩn Lao Mycobacterium tubercolosis, Vi khuẩn thương hàn Salmonella paratyphi, nấm Trychophyton gypcum và một số vi khuẩn khác v.v…

Tác dụng dược lý theo Y học cổ truyền

Tính vị: cay, đắng, ấm. Qui kinh can, tỳ.

Tác dụng: hoạt huyết hành khí thông kinh chỉ thống.

Ứng dụng:

Điều trị đau tức ngực bụng thường dùng cùng với đương qui, mộc hương, ô dược như bài khương hoàn tán. Điều trị kinh bế thường dùng cùng đương qui, xuyên khung, hồng hoa.

Điều trị chứng phong thấp, thường dùng cùng với khương hoạt phong, đương qui.

Ngoài ra điều trị đau răng thường cùng tế tân, bạch chỉ. Gần đây ứng dụng điều trị các chứng tăng Cholesterol máu, TG máu có hiệu quả tốt.

Cách sử dụng nghệ vàng

Muốn bảo quản khương hoàng được lâu, người ta thường đồ hoặc hấp củ trong 6 – 12 giờ, rồi đem phơi để ráo nước, mang đi phơi nắng hoặc sấy khô.

Tùy vào mục đích sử dụng, nghệ vàng được cắt phiến mỏng hoặc tán mịn thành bột.

Các bài thuốc từ nghệ vàng

  • Liều dùng nghệ vàng hàng ngày từ 1 – 6 gram.
  • Thường dùng dưới dạng bột hoặc thuốc sắc chia 2 – 3 lần, uống trong ngày
  • Bài thuốc Hương cúc bồ đề nghệ thang: Hương phụ 8g, Cúc tần 12g, Mã đề 12g, Xương bồ 8g, Nghệ vàng 6g. Có tác dụng trong bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng có các triệu chứng đau thượng vị, nóng rát, đầy hơi, ợ hơi, ợ chua, cầm máu, lành vết thương vùng bị loét.
  • Viên hoàn nghệ – mật ong: sử dụng nghệ vàng dạng bột, trộn đều với mật ong loại tốt để tạo kết dính, vo viên đều thành viên nhỏ nặng 10 gram. Dùng ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 1 viên. Tác dụng trong viêm loét dạ dày, vết thương lâu lành miệng, đau bụng kinh, phụ nữa sau sinh.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*