Khiếm thực: Những lợi ích với sức khỏe của vị thuốc cổ truyền

Khiếm thực là loại thực vật có hoa thuộc họ Súng

Từ rất lâu, Khiếm thực là một vị thuốc được dùng để cầm tiêu chảy, di tinh, bạch đới rất hiệu quả. Không những thế, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy chúng còn có tác dụng trong việc kiểm soát đường huyết, ngăn ngừa các biến chứng của đái tháo đường type 2 và tác dụng chống oxy hóa mạnh. 

Khiếm thực là gì?

Tên gọi

Tên khoa học: Euryales ferox Salisb. Họ Súng (Nymphaeaceae).

Tên gọi khác:  Theo sách “Bản kinh” , Khiếm thực có nguyên tên là Kê đầu thực.

Đặc điểm nhận diện

Khiếm thực là loại thực vật có hoa thuộc họ Súng (Nymphaeaceae), là loài duy nhất trong chi Euryale – loại cây sống một năm. Thường tìm thấy cây tại các ao đầm thuộc nhiều tỉnh Trung Quốc giáp với Việt Nam như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam. Nó còn được tìm thấy ở Ấn Độ, Triều Tiên, Nhật Bản, miền đông nước Nga. Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu, loài cây này chưa thấy mọc ở Việt Nam và hầu như vị thuốc này còn phải nhập khẩu.

Với đặc trưng họ thực vật, Khiếm thực sống trong nước. Cây có lá thuôn tròn rộng nổi trên mặt nước với cuống lá gắn vào tâm ở mặt dưới. Mặt trên là màu xanh lục, mặt dưới có màu tím tía. Hoa màu tím tía nổi trên mặt nước cùng lá, được che phủ trong các gai nhọn.

Quả có hình cầu, là chất xốp màu tím hồng, mặt ngoài có gai, đỉnh còn đài sót lại, hạt chắc, hình cầu, màu đen, thịt trắng ngà. Hạt có hình cầu, đường kính 5 mm đến 8 mm, phần lớn là hạt vỡ. Vỏ hạt màu đỏ nâu, một đầu màu trắng vàng, chiếm khoảng 1/3 hạt, có vết lõm, chất tương đối cứng Không mùi, vị nhạt.

Khiếm thực là loại thực vật có hoa thuộc họ Súng
Khiếm thực là loại thực vật có hoa thuộc họ Súng

Bộ phận dùng làm thuốc

Cây này được trồng chủ yếu để lấy hạt – vị thuốc Khiếm thực.

Hạt thường được thu hoạch vào khoảng cuối hè đầu thu, có thể ăn sống hoặc rang nướng như bỏng ngô.

Thành phần hóa học

Hạt chứa nhiều tình bột, protid (4,4%), chất béo (0,2%), Hydrat Carbon, 0,009% Calcium, 0,11% Phosphor, 0,0004% Fe, 0,006% Vitamin C. Ngoài ra còn chứa nhiều loại vitamin B và Carotene.

Tác dụng của Khiếm thực

Theo Y học cổ truyền

  • Tính vị: ngọt – sáp – bình. Qui kinh tỳ – thận.

    Tác dụng: ích thận cố tinh – kiện tỳ chỉ tả – trừ thấp chỉ đới.

    Chỉ định:

    Điều trị chứng di tinh, hoạt tinh, thường dùng cùng với kim anh tử như bài thủy lục nhị tiên đan.

    Điều trị chứng ỉa chảy kéo dài do tỳ hư, thường dùng cùng với bạch truật phục linh, biển đậu.

    Dùng trong bệnh đới hạ. Trị đới hạ do thấp nhiệt thường dùng cùng với hoàng bá, sa tiền tử, như bài dịch hoàng thang. Trị đới hạ do tỳ thận hư, thường dùng cùng với đẳng sâm, bạch truật, hoài sơn.

    Liều dùng: 10 – 15g.

Theo Y học hiện đại

Không có nhiều nghiên cứu về tác dụng dược lý hiện đại của Khiếm thực trước đây. Gần đây vị thuốc này được chú ý nhiều hơn bởi khả năng chống oxy hóa cao và kiểm soát đường huyết.

Khiếm thực có nhiều tác dụng đối với sức khỏe
Khiếm thực có nhiều tác dụng đối với sức khỏe

Tác dụng chống oxy hóa

Nhiều nghiên cứu gần đây cũng chứng minh vị thuốc này có đặc tính chống oxy hóa mạnh dựa vào thành phần glucoside của nó. Có khả năng chống lại tổn thương tái tưới máu do thiếu máu cục bộ trên chuột.

Tác dụng kiểm soát đường huyết

Một hợp chất mới được phân lập từ hạt của Khiếm thực được chứng minh có khả năng kiểm soát đường huyết, chống oxy hóa  và bảo vệ gan, tụy, thận, tim ở chuột bị đái tháo đường gây ra do streptozotocin.

Hoạt chất chiết từ vị thuốc này còn thể hiện khả năng loại bỏ các gốc tự do ở chuột bị đái tháo đường. Từ đó có khả năng ngăn ngừa các biến chứng của đái tháo đường. Một tiềm năng trong điều trị bệnh đái tháo đường type 2.

 Tác dụng chống ung thư

Ở một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã tìm ra cơ chế tác động chống ung thư phổi ở người da trắng của Khiếm thực thông qua các con đường truyền tín hiệu.

Các bài thuốc từ Khiếm thực

  • Trị trẻ em tiêu chảy do Tỳ hư: dùng bài Sâm linh bạch truật tán gia giảm

Sơn dược, Khiếm thực, Đảng sâm, Ý dĩ nhân, Bạch linh, Trần bì mỗi vị đều 10g. Bạch truật, Trạch tả, Thần khúc mỗi vị 6g. Cam thảo 3g. Sắc uống.

  • Trị di mộng tinh: dùng bài Thủy lục đơn

Kim anh tử, Khiếm thực lượng bằng nhau tán làm hoàn mỗi lần uống 6-8g với nước cơm.

  • Trị chứng bạch đới do thấp nhiệt: có thể dùng một trong các bài thuốc sau:

Dị hoàng tán: Khiếm thực, Bạch quả, Xa tiền tử mỗi vị 10g. Sơn dược 15g. Hoàng bá 6g. sắc uống hoặc làm thuốc tán.

Phân thanh hoàn: Khiếm thực, Bạch linh vừa đủ tán bột luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 10g với nước muối nhạt.

Cách sử dụng Khiếm thực

Thu hái và chế biến

Thu hái quả chín, loại bỏ vỏ quả, lấy hạch cứng, rửa sạch, loại bỏ vo cứng, lấy hạt, phơi khô.

Bào chế

Dùng hạt khô sống hoặc sao.

Khiếm thực sao: Lấy cám rang nóng đến khi khói bay lên rồi cho Khiếm thực sạch vào sao cho tới màu hơi vàng, lấy ra sàng bỏ cám, để nguội. Tỷ lệ cám/dược liệu : 1/10.

Dùng Khiếm thực như thế nào?

Ngày dùng từ 9 g đến 15 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.

Kiêng kỵ

  • Theo sách Bản Thảo Diễn Nghĩa: Ăn nhiều Khiếm thực không tốt cho Tỳ Vị mà làm khó tiêu hóa.
  • Theo Đông Dược Học Thiết Yếu: Người bị táo bón, tiểu không thông thì không dùng

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*