Hy thiêm: Người bệnh phong thấp cần biết

Lá và hoa của cây Hy thiêm

Hy thiêm mọc hoang ở khắp các tỉnh trong nước ta. Nhờ tác dụng chữa bệnh nhanh chóng nên có nước còn gọi nó là “cây chữa bệnh nhanh”, “cỏ của trời”. Theo lưu truyền trong y học dân gian, Hy thiêm có tác dụng khử phong thấp, lợi gân cốt, chữa chân tay tê dại, lưng mỏi, gối đau. 

1. Mô tả Hy thiêm

Hy thiêm là bộ phận trên mặt đất đã phơi hay sấy khô của cây Hy thiêm. Tên khoa học của cây là Siegesbeckia orientalis L., thuộc họ Cúc (Asteraecae).

Cây này được dùng đầu tiên ở nước Sở (một nước cổ ở miền nam Trung Quốc). Dân nước Sở gọi lợn là hy, gọi cỏ đắng cay có độc là thiêm, vì khí vị cây này có mùi như lợn nên có tên như trên. Chữ cứt lợn là dịch nghĩa tiếng Việt của Hy thiêm nhưng cần chú ý tên này còn chỉ một cây khác thuộc họ Cúc để tránh nhầm lẫn trong khi sử dụng. Cây còn có tên cỏ đĩ vì hoa có chất dính. Khi người ta đi qua, nó sẽ dính theo họ.

Lá và hoa của cây Hy thiêm
Lá và hoa của cây Hy thiêm

1.1. Cây Hy thiêm

Hy thiêm là cây thân cỏ sống hàng năm, cao chừng 30 – 40 cm đến 1 m, có nhiều cành. Thân cây rỗng ở giữa, đường kính 0,2 cm đến 0,5 cm. Mặt ngoài thân màu nâu sẫm đến nâu nhạt, có nhiều rãnh dọc song song và nhiều lông ngắn sít nhau.

Lá mọc đối, phiến nhăn nheo và thường cuộn lại. Lá nguyên có phiến hình mác rộng, mép khía răng cưa tù, có ba gân chính. Mặt trên lá màu lục sẫm, mặt dưới màu lục nhạt, hai mặt đều có lông. Cụm hoa hình đầu nhỏ, gồm hoa màu vàng hình ống ở giữa, 5 hoa hình lưỡi nhỏ ở phía ngoài. Lá bắc có lông dính.

1.2. Dược liệu 

Dược liệu sau khi chế biến là những đoạn không đều nhau. Thân gần vuông, rỗng ở giữa, bên ngoài màu nâu sẫm hoặc nâu nhạt, có rãnh dọc song song và nốt sần nhỏ. Mặt cắt có một phần ruột màu trắng. Lá thường vụn nát, màu lục xám, mép khía răng cưa tù, hai mặt phủ lông tơ màu trắng. Đôi khi gặp các đoạn thân mang cụm hoa hình đầu màu vàng. Mùi nhẹ, vị hơi đắng.

Dược liệu Hy thiêm
Dược liệu Hy thiêm

2. Thu hái và bào chế

2.1. Thu hái

Vào các tháng 4 – 5 hay tùy từng địa phương, người ta hái vào lúc cây chưa ra hoa, đem về phơi khô trong mát hay ngoài nắng, bó thành từng bó nhỏ.

2.2. Bào chế

Phơi hoặc sấy đến khô từ 50°C đến 60°C. Khi dùng rửa sạch, ủ mềm, cắt đoạn.

3. Thành phần hoá học

Chỉ mới thấy tài liệu nói về darutoside, darutigenol, alkaloid.

4. Tác dụng dược lý

  • Chiết xuất cồn thô cho thấy các hoạt động chống tăng axit uric và chống viêm trong thực nghiệm. Các thành phần hoạt động chịu trách nhiệm cho hoạt động sinh học được xác định là các hợp chất phenolic. Phát hiện này chỉ ra ứng dụng của cây Hy thiêm trong điều trị bệnh gút.
  • Một nghiên cứu khác đã chứng minh rằng chiết xuất cồn của Hy thiêm là nguyên liệu thuốc có khả năng ngăn ngừa viêm, kể cả viêm cấp và viêm mạn. 
  • Chiết xuất cồn còn thể hiện các hoạt động chống viêm và chống tăng sinh mạnh mẽ. Đây có thể là một tác nhân bổ sung lý tưởng để điều trị cho bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung.
  • Hàm lượng kirenol trong rễ cây Hy thiêm cao. Kirenol có hiệu quả chống lại vi khuẩn gram dương, bao gồm Staphylococcus cholermidis, Staphylococcus aureus và Acinetobacter baumannii.
Hy thiêm là dược liệu được tin dùng từ xa xưa
Hy thiêm là dược liệu được tin dùng từ xa xưa

5. Công dụng, liều dùng

5.1. Công dụng

Trừ phong thấp, thanh nhiệt, giải độc.

Chủ trị: Đau lưng, gối, xương khớp; chân tay tê buốt, mụn nhọt.

5.2. Liều dùng

Ngày dùng từ 9 g đến 12 g, dạng thuốc sắc.

6. Bài thuốc kinh nghiệm

6.1. Phong thấp tê mỏi, đau nhức xương

Cao Hy thiêm: Hy thiêm 1.000 g, Thiên niên kiện 50 g, Gia đường, cồn, tá dược vừa đủ 1.000 ml. Mỗi lần uống 30 ml, ngày 3 lần.

6.2. Mụn nhọt

Dùng Hy thiêm tươi lượng vừa đủ, rửa sạch giã nát đắp ngoài. Ngoài ra bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về Cách xử trí mụn nhọt.

Tóm lại, Hy thiêm có công dụng trừ phong thấp, chữa đau lưng gối, tê nhức xương khớp. Ngoài ra, loại dược liệu này còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trị mụn nhọt.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*