Hồng hoa: Vị thuốc hoạt huyết mạnh từ loài hoa màu hồng

Hồng hoa

Hồng hoa (Flos Carthami tinctorii) là một loài hoa đẹp thuộc họ Cúc (cần phân biệt nó với Hoa hồng, đó là 2 loài hoa khác nhau). Bông hoa có màu đỏ cam đặc trưng với vô số cánh nhỏ dài xếp lại với nhau. Từ xưa đến nay, Hồng hoa được biết đến là một vị thuốc phá máu ứ mạnh. 

1. Đặc điểm cây Hồng hoa

1.1. Mô tả

Hồng hoa (Flos Carthami tinctorii) là loại cây thảo mọc thẳng, chiều cao từ 0,6m đến hơn 1m. Thân cây nhẵn, không có lông, trên thân có vạch dọc, phía trên có phân cành.

Lá cây nhỏ mọc so le với nhau, hầu như không có cuống, bẹ. Đầu lá có chót nhọn, mép lá có răng cưa. Lá màu xanh sẫm, mặt lá trơn, gân chính giữa lồi cao.

Hoa màu đỏ cam mọc thành cụm. Cụm hoa chứa nhiều hoa nhỏ gộp thành gù hình cầu. Hoa thường mọc ở ngọn và chót cành. Hoa có ống dài hình tên, phần trên của hoa có 5 cánh đỏ, ở giữa là hoa cái có nhụy vàng. Khi mới nở, hoa có màu vàng cam, rồi chuyển dần sang đỏ. 2 sắc tố vàng đỏ quyết định thành phần hóa học để sử dụng làm dược liệu có chứa trong Hồng hoa.

Quả bế, hình trứng và có 4 cạnh lồi.

Mùa quả khoảng tháng 5 – 8, mùa quả tháng 7 – 9.

1.2. Phân bố

Giống Hồng hoa quý và tốt nhất là Hồng hoa Tây Tạng. Hồng hoa còn được trồng ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Đức, Pháp, Nhật…

Tại Trung Quốc: Hồng hoa trồng ở vùng Tứ Xuyên, Hà Nam, An Huy là giống tốt nhất. Những thứ ở Vân Nam là nhì.

Ở Việt Nam, cây trước đây được trồng nhiều ở tỉnh Hà Giang.

Hồng hoa
Cần phân biệt cây với Hoa hồng

2. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

2.1. Bộ phận dùng

Những cánh hoa phơi khô được dùng để làm thuốc.

2.2. Thu hái

Khi cánh hoa chuyển từ vàng sang đỏ, lúc này hoạt chất trong hoa đang ở mức độ cao nhất.

2.3. Chế biến

Theo Trung y: Hái Hồng hoa về bỏ đài dùng cánh hoa, giã nát vắt thành miếng bánh phơi khô dùng, hoặc chỉ phơi khô dùng gọi là tán Hồng hoa.

Theo Việt Nam: Dùng sống cho vào thuốc thang hoặc tẩm rượu sao lên để dùng.

2.4. Bảo quản

Vị thuốc này dễ hút ẩm, vón cục và mốc nên cần để nơi khô ráo, thoáng mát, để trong hũ kín có lót chất hút ẩm.

3. Thành phần hóa học

Theo nghiên cứu, trong Hồng hoa chứa:

  • Ethyl acetate, Benzene, Pent-1-en-3-ol, 3-Hexanol, 2-Hexanol, 2-Hexenal, 3-Methyl butyric acid, Methylbutyric acid, p-Xylene, O-Xylene, Phenyl acetaldehyde, Nonanal, Terpinen-4-ol, Verbenone, Decanal, Benzothiazole, E, E-2, 4, E, E-2, 4 Decadienal, Methyl cinnamate 1, 2, 3-Trimethoxy-5-Methylbenzene, a-Copaene, 1-Tetradecene, a-Cedrene (Koshi Saito và cộng sự Ca 1991, 115: 5139e).
  • Galatose (Từ Trung Tự, Trung Dược thông Báo 1982 9 (1): 31).
  • Nonacosane, b-Sitosterol, Palmitic acid, (Hoàng Giang, Trung Thảo Dược 1984, 15 (5): 123).
  • Chứa từ 0,3% đến 0,6% chất Glucid được gọi là Cartamin không tan trong nước và sắc tố vàng tan trong nước. Dung dịch nước cất dễ bị phân giải.
Hồng hoa phơi khô dùng làm thuốc
Hồng hoa phơi khô dùng làm thuốc

4. Công dụng của vị thuốc Hồng hoa

Tính vị: cay, ôn. Quikinh tâm can.

Tác dụng: hoạt huyết thông kinh, khứ ứ chỉ thống.

Chỉ định:

Điều trị các chứng huyết ứ kinh bế, đau bụng kinh thường dùng cùng với đào nhân, xuyên qui, xuyên khung, nga truật nhục quế như bài cách hạ trục ứ thang. Điều trị các đau bụng kinh thường dùng với xích thược, diên hồ sách.

Điều trị các chứng tích hòn khối ổ bụng thường dùng cùng với tam lăng, nga truật. Điều trị trấn thương gây sưng nề, ứ trệ thường dùng cùng với tô mộc, nhũ hương, một dược. Điều trị tâm mạch ứ trệ gây đau tức ngực thường dùng cùng với quế chi, qua lâu, đan sâm. Điều trị các chứng huyết khối thường dùng cùng với đương qui, xích thược, nhũ hương, một dược.

Điều trị chứng ban chẩn sắc tím, nhiệt uất huyết ứ thường dùng cùng với đương qui, tử thảo, đại thanh diệp như bài đương qui hồng hoa ẩm.

Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai, khi có xu hướng xuất huyết thì không nên dùng nhiều.

5. Liều lượng

Dùng 4 – 12g/ngày để trị bệnh.

6. Chú ý

Phụ nữ có thai không sử dụng. Một số trường hợp bị nóng trong người cần thận trọng khi sử dụng.

7. Một số bài thuốc sử dụng Hồng hoa

7.1. Phương thuốc chữa phụ nữ kinh nguyệt không thông gây đau bụng

Hồng hoa, Duyên hồ sách, Đương quy, Sinh địa, Ngưu tất, Xích thược, Ích mẫu, Xuyên khung. Sắc nước uống. Hoặc tán ra luyện mật làm hồ để làm thành viên uống.

7.2. Phương thuốc chữa các chứng sưng đau

Dùng Hồng hoa tươi mà hoa đã chín đỏ, giã vắt lấy nước cốt uống (Ngoại đài bí yếu phương).

7.3. Phương thuốc trục thai chết lưu

Hồng hoa đun với rượu mà uống.

Hoặc dùng Hồng hoa, rễ Gấc, gỗ Vang, cỏ Nụ áo, vỏ cây Vông đồng, lá Đào, cỏ Xước, sắc rồi chế thêm đồng tiện vào mà uống (Tài nguyên cây thuốc Việt Nam).

7.4. Phương thuốc chữa người bị chứng thối tai

Dùng Hồng hoa cùng với Bạc hà và nước cốt của lá Kim ty hà diệp cho vào một chút phèn phi, tán ra thành bột nhỏ để thổi vào trong lỗ tai.

7.5. Phương thuốc chữa đau bụng kinh

Dùng 6g Hồng hoa, 12g Đương quy, 4g Xuyên khung, 12g Diên hồ sách, 12g Hương phụ. Sau khi rửa sạch các vị thuốc, cho vào nồi và sắc lấy nước uống. Hoặc uống thuốc kết hợp với rượu Đương quy. Uống trước khi có kinh.

Hồng hoa là một vị thuốc quý. Tuy nhiên, do tính chất thuốc rất mạnh mẽ nên mọi người cần hết sức lưu ý khi sử dụng. Tốt nhất là nên có ý kiến của thầy thuốc. Không nên tự ý dùng và dùng liều lượng lớn, thời gian dài vì có thể gây một số tác dụng không mong muốn.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*