Điều trị Rối loạn loạn Lipid máu theo Y học Cổ truyền

 1. Đại cương.

Định nghĩa:

Mỡ máu tăng là khi mà hàm lượng của một thành phần hoặc là nhiều thành phần chất mỡ trong huyết tương vượt qúa giới hạn bình thường thì gọi là bệnh tăng mỡ máu, cũng có thể gọi là chứng mỡ máu cao (hyperlipidemia).

Do mỡ dạng hoà tan trong huyết tương hoặc kết hợp mỡ hòa tan với albumin để vận chuyển đi toàn thân gọi là chứng mỡ – albumin cao (hyperlipoproteinemia).Mỡ máu tăng cao là bệnh do rối loạn chuyển hóa, thường là chứng bệnh nghiêm trọng và phức tạp…

Trên lâm sàng người ta chia làm 2 loại lớn là: nguyên phát và thứ phát.

1.2.  Đặc điểm lâm sàng của tăng mỡ máu nguyên phát: 

+ Triệu chứng không rõ ràng. Chẩn đoán bệnh chủ yếu là dựa vào xét nghiệm mỡ máu. Do mỡ máu cao dẫn đến xơ hoá mạch, động mạch kém đàn hồi; lâm sàng thường biểu hiện triệu chứng thiểu năng tuần hoàn vành, thiếu máu tâm cơ hoặc nhồi máu não do vữa xơ động mạch.

+ Kiểm tra mỡ máu thấy:

  • Lipit toàn phần: cholesterol toàn phần (TC) tăng.
  • Triglyxerit (TG) tăng.
  • Điện di lipoprotein: VLDL (verlow density lipoproteine), LDL (low density lipoproteine), IDL (intermediate density lipoproteine), HDL (high density lipoproteine).
  • Chẩn đoán xác định là: một trong các thành phần mỡ máu (TC, TG, VLDL, LDL, IDL) tăng, đồng thời HDL – C giảm.

1.3.  Nguyên tắc điều trị:

+ Trước tiên là khống chế chế độ ăn và luyện tập thể dục thích hợp.

+ Khi cần thiết sẽ dùng thuốc, thuốc tân dược có hiệu quả giảm mỡ máu nhanh. Tuy nhiên còn nhiều tác dụng phụ, thậm chí có những biến chứng: buồn nôn, rối loạn tiêu hoá, ảnh hưởng chức năng gan, thận.

+ Khi chẩn trị phải căn cứ vào biểu hiện khác nhau mà biện chứng dụng dược, vừa chú ý hạ thấp mỡ máu, vừa điều trị tích cực trạng thái bệnh mạch vành, mạch máu não. Đối với tăng mỡ máu thứ phát phải chữa vào nguyên nhân.

1.4.    Nguyên nhân cơ chế bệnh:

Theo quan niệm của YHCT thì nguyên nhân của bệnh lý tăng mỡ máu chủ yếu phụ thuộc các yếu tố sau đây:

+ Nhân tố thể chất:

Là yếu tố bản tạng hoặc trạng thái thiên thắng hoặc thiên suy của vận hoá và chuyển hoá tạng phủ.

+ ẩm thực thất tiết:

Phần nhiều do ăn nhiều chất béo và ngọt gây tổn hại đến tỳ vị, vận hóa thất điều, đàm trọc nội sinh, đàm trọc hóa mà phát sinh bệnh.

+ Tinh thần, thần chí thất thường:

Tinh thần kích thích hoặc biến đổi tính chí mà dẫn đến: tư lự thương tỳ, nội tắc thương can, mộc vượng khắc thổ cũng thương tổn đến tỳ vị; tỳ thất kiện vận, thấp trọc xâm phạm mạch đạo mà phát bệnh; tinh thần kinh căng thẳng kết hợp. Điều quan trọng là sự rối loạn về chức năng, công năng của 3 tạng (tỳ, thận, can), trong đó tỳ, thận hư tổn là chủ yếu. Tỳ khí hư nhược, kiện vận thất điều, ẩm thực không thể hóa thành chất tinh vi ứ thành đàm trọc mà phát bệnh; hoặc do tuổi già thận suy, khí bất hóa tân, đàm trọc tích tụ ở trong dẫn đến tâm huyết ứ trở, mạch lạc kết trệ hoặc do can thận âm hư, hư hỏa thượng viêm, thiêu dịch thành đàm, đàm trọc nội trở mà phát bệnh.

Tóm lại: YHCT cho rằng bản chất bệnh là “Bản hư tiêu thực”:

  • “Tiêu”: phần nhiều biểu hiện đàm trọc huyết ứ.
  • “Bản”: công năng tạng phủ thất điều hoặc hư tổn chủ yếu do tỳ, thận hư tổn.

2.  Biện chứng phương trị.

  • Đc điểm:

+ Bản chất và cơ chế bệnh đa phần thuộc “ Bản hư tiêu thực”. Vì vậy trong điều trị phải kết hợp “Tiêu – bản” kiêm trị, đó là nguyên tắc cơ bản. Trên lâm sàng phải căn cứ vào triệu chứng hoãn hay cấp để chọn phù chính là chủ (phù chính trước trừ tà sau, ngược lại trừ tà trước phù chính sau) hoặc tiêu bản đồng trị.

  • Bản hư đa phần thuộc tỳ thận hư tổn.
  • Tiêu thực đa phần là đàm trọc, huyết ứ.
  • Trị bản chủ yếu là pháp ích thận bổ tỳ.
  • Trị tiêu chủ yếu là khứ đàm trừ thấp, thanh lý thông hạ, hoạt huyết hóa ứ.

+ Ngoài ra, cần phải phối hợp chế độ ăn uống và vận động liệu pháp, khí công liệu pháp và dùng dưỡng sinh phòng bệnh.

2.2.  Phương pháp điều trị:

  • Đàm thấp nội trở:

+ Hình thể béo phệ, hay ăn các chất bổ, ngọt, béo; đầu nặng căng chướng; bụng ngực bĩ tức, buồn nôn hoặc nôn khan, miệng khô không khát, tứ chi gầy gò, chi thể nặng nề ma mộc (tê mỏi), bụng trướng, rêu lưỡi nhuận nhờn; mạch huyền hoạt.

+ Phương pháp điều trị: kiện tỳ hóa đàm trừ thấp.

+ Thuốc thường dùng “Nhị trần thang” gia vị.

+ Châm cứu: nội quan, phong long, trung quản, giải khê.

2.2.2.  Đàm nhiệt phủ thực:

+ Hình thể tráng thực, đại tiện bí kết, ngực tâm phúc chướng, đầu căng chướng, thường cảm thấy đau giật, tính tình cáu gắt, miệng đắng tâm phiền, mặt hồng, mắt đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn, chất lưỡi hồng, mạch huyền hoạt có lực.

+ Phương pháp điều trị: thanh nhiệt, hóa đàm , thông phủ.

+ Phương thuốc: hợp phương “Tiểu hãm hung thang” và “Tăng dịch thừa khí thang” gia

vị.

+ Châm cứu: phế du, xích trạch, phong long, đại trường du, hợp cốc, khúc trì.

2.2.3.  Tỳ thận dương hư:

+Lưng gối mỏi mệt, chi lạnh sợ hàn, tinh thần bất thư, mặt phù chi nặng, tứ chi thiểu

lực, đại tiện lỏng nát, đái đêm nhiều, lưỡi bệu nhợt, rìa lưỡi có hằn răng, rêu lưỡi trắng dày, mạch trầm trì.

+ Phương pháp điều trị: ôn tỳ bổ thận.

+ Phương thhường dùng “Phụ tử lý trung thang” gia giảm.

+ Châm: tỳ du, trung quản, chương môn, thần khuyết, túc tam lý, mệnh môn, quan nguyên.

2.2.4.  Can thận âm hư:

+ Lưng gối đau mỏi, ngũ tâm phiền nhiệt, hình gầy, hay mệt, đầu choáng tai ù, tư hãn, miệng khô, họng ráo, lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác.

+ Phương pháp điều trị: tư dưỡng can thận.

+ Phương thuốc: “Kỷ cúc địa hoàng hoàn” gia vị.

+ Châm cứu: can du, thận du, huyền chung, dương lăng tuyền.

2.2.5.  Đàm ứ giao trở:

+ Tâm hung trung đông thống hữu hình thể béo, chi thể trầm nặng, tê mỏi; chất lưỡi tía xám hoặc có điểm ứ, ban ứ, rêu nhờn; mạch huyền hoạt hoặc mạch sáp.

+ Phương pháp điều trị: kiện tỳ hóa đàm – hoạt huyết khư ứ.

+ Phương thuốc: “Qua lâu giới bạch bán hạ thang” hợp phương “Đào hồng tứ vật thang” gia vị.

+ Châm cứu: trung quản, phong long, huyết hải, hành gian.

2.2.6.  Can uất tỳ hư:

+Đau 2 mạng sườn, đau không cố định, mệt mỏi, ăn kém, tinh thần bất định, đại tiện lỏng nát, kinh nguyệt không đều, quanh vú chướng đau, rêu lưỡi mỏng nhờn, mạch huyền.

+ Phương pháp điều trị: sơ can giải uất – kiện tỳ dưỡng huyết.

+ Phương thuốc: “Tiêu giao tán” gia vị.

+ Châm cứu: can du, tỳ du, chương môn, trung quản, thiên khu, túc tam lý.

3.  Tư liệu tham khảo.

Điều trị mỡ máu tăng có rất nhiều phương pháp: thuốc phụ phương, đơn phương và thực trị học, khí công.

3.1.  Trung dược phụ phương:

+ Hạ mỡ hợp tễ:

Hà diệp 24g Tang ký sinh 15g
Hà thủ ô 12g Uất kim 15g
Sơn tra 24g Thảo quyết minh 15g.

Chế thành cao lỏng, chia 2 lần trong ngày, mỗi lần 25ml. Thuốc có tác dụng hạ thấp TC, LP nhưng tác dụng không ổn định.

+ Giáng chỉ thang:

Hà thủ ô                   15g

Thảo quyết minh     30g                Câu kỷ tử   10g

Sắc nước, chia 2 lần uống trong một ngày, liệu trình 2 tháng, có tác dụng nhưng hạ TC tốt nhất, hạ TG không rõ ràng.

+ Sơn tra mao đông thanh sắc tễ:

Mao đông thanh 60g

Sơn tra                 6g

Uống trong 24h, tác dụng hạ TC rõ.

+ Mạch an xung:

Sơn tra                15g

Mạch nha          15g

Mẫu đại              20g

+ Bạch kim hoàn:

Bạch phàn, uất kim số lượng như nhau. Sau khi bào chế tán bột mịn; mỗi lần uống 6g, ngày 3 lần, 20 ngày là một liệu trình; nhưng người có bệnh dạ dày- hành tá tràng không được dùng.

+ Nhân trần hợp tễ:

Nhân trần:          15g

Cát căn:             15g

Trạch tả:             15g.

Chế tễ hoặc sắc mỗi ngày một thang, uống trong 2 tháng là 1 liệu trình. Thuốc có hiệu quả với TC, TG và LP.

+ Tam thất phụ phương:

Tam thất              3g            Thảo quyết minh 15g

Sơn tra                24g            Trạch tả     18g Hổ trượng  15g

Ngày uống 1 thang, liệu trình 1 tháng có hiệu qủa với TC, TG.

3.2.  Đơn phương Trung dược:

+ Sinh đại hoàng: vị đắng hàn; vào vị can, đại trường; có tả hạ kháng khuẩn kháng thũng nham, hạ huyết áp, hạ mỡ máu, giảm béo.

Liều dùng: 6 – 12g sắc uống, ngày 1 lần, uống liền 1 tháng sẽ có hiệu quả.

+ Trạch tả: ngọt, hàn, vào thận – bàng quang, lợi niệu, hạ mỡ, giảm béo. Liều dùng: 6 – 12g sắc nước uống.

+ Thảo quyết minh: đắng, ngọt, lạnh; vào kinh can kinh thận có tác dụng hạ áp, hạ mỡ, kháng khuẩn, giảm béo.

Liều dùng: 10 – 30g sắc uống.

+ Sơn tra: chua, ngọt, hơi ôn vào tỳ, vị, can có tác dụng tiêu thực tích, tan huyết ứ, hạ mỡ, giảm béo.

Liều dùng: 6 – 12g sắc uống có hiệu quả.

+ Đan sâm: đắng hơi ôn; vào tâm, can; có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, giảm mỡ, giảm béo, định tâm, an thần.

Liều dùng: 6 – 12g sắc uống.

+ Ngưu tất: đắng, chua, bình; vào can, thận; có tác dụng tán huyết ứ, tiêu ung thũng, hạ mỡ máu, giảm mỡ.

Liều dùng: 9 15g sắc uống.

+ Tang ký sinh: bổ can, thận, mạnh gân cốt, trừ phong thấp thống kinh lạc, hạ mỡ.

+ Câu kỷ tử: ngọt, bình; vào can, thận; tư thận nhuận phế, bổ can, minh mục, hạ mỡ, giảm béo.

Liều dùng: 8 – 20g sắc uống.

+ Hà thủ ô: đắng, ngọt, sáp, hơi ôn; vào can thận; tác dụng bổ can ích thận, dưỡng huyết, hạ mỡ, hạ đường máu.

Liều dùng: 12 – 30g sắc uống.

+ Cúc hoa: ngọt, lạnh; vào phế, can; có tác dụng sơ phong thanh nhiệt, minh mục, giải độc, hạ mỡ, giảm béo.

Liều dùng: 6 – 9g sắc uống.

3.3.  Thuốc kết hợp với thực trị, châm cứu theo phác đồ.

 4. Tiêu chuẩn chẩn đoán thể bệnh theo

 Triệu chứng của bản hư:

+ Âm hư (thận âm hư là chính): đầu choáng, ù tai, đau đầu, chi tê, miệng ráo họng khô, thất miên đa mị, ngũ tâm phiền nhiệt, lưng gối đau mỏi, gầy vàng tiện khô, lưỡi hồng ít rêu, mạch tế sác.

+ Dương hư (thận dương hư là chủ): đau lưng mệt mỏi, sợ lạnh, chi lạnh, tinh thần bất thư, sắc mặt trắng nhợt, mắt và mặt da bủng, hư phù, đại tiện lỏng nát, lưỡi nhợt bệu, rêu trắng hoạt, mạch trầm nhược.

+ Triệu chứng âm – dương lưỡng hư (thận âm, thận dương hư là chính).

4.2.  Triệu chứng của tiêu thực:

+ Đàm trọc, béo phệ, huyễn vựng, đầu nặng như đè, tâm quí, ngực tâm khí bĩ, đau âm ỉ trước tim, chi tê nặng, rêu hoạt nhờn, mạch huyền hoạt.

+ Huyết ứ (theo Tiêu chuẩn Quốc tế – Bắc Kinh – 10 /1988):

  • Chất lưỡi ám tía hoặc ban điểm ứ huyết.
  • Mạch sáp hoặc vô mạch.
  • Đau có vị trí nhất định (đau lâu, thiện hoặc cự án).
  • Bụng huyết ứ, tụ tích .
  • Ly kinh chỉ huyết (xuất huyết hoặc ngoại thương huyết ứ).
  • Ban ứ ở niêm mạc, da.
  • Mạch lạc dị thường.
  • Thống kinh, bế kinh, máu đen thẫm.
  • Cơ, da khô sáp.
  • Tê mỏi nửa thân.
  • Huyết ứ, đại tiện táo.

-XN: soi vi tuần hoàn có ứ trệ tuần hoàn huyết dịch.

+ Đàm trọc hiệp huyết ứ: kết hợp vừa có đàm trọc vừa có huyết ứ.

5.  Tiêu chuẩn đánh giá kết quả.

+ Hiệu qủa rõ:

– TC hạ được > 20%, TG hạ > 40%, HDL – C tăng > 10mg/dl.

  • Chỉ số xơ hóa động mạch (TC – HDL – C/HDL – C) hạ xuống > 20%.

+ Có hiệu quả:

– TC hạ thấp 10 – 20%, TG hạ thấp 20 – 40%.

  • HDL – C tăng cao 4 – 10 mg/dl.
  • TC – HDL – C/ HDL – C hạ xuống 10 – 20%.

+ Không hiệu qủa: không thay đổi gì:

+ ác tính hóa:

  • TC tăng lên > 10%, TG tăng > 10%.
  • HDL – C hạ xuống < 4mg/dl.
  • TC – HDL – C / HDL – C tăng < 10%.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*