Dâu tằm: Cây thuốc chữa nhiều chứng bệnh hiệu quả

 Lá và quả Dâu tằm

Từ rất lâu đời, cây Dâu tằm đại diện cho truyền thống trồng dâu nuôi tằm của nhân dân ta. Không chỉ có vậy, gần như toàn bộ các bộ phận trên cây Dâu tằm đều là những vị thuốc có tác dụng chữa bệnh. Từ lá, quả đến cành, rễ, vỏ thân, ký sinh của Dâu tằm. Mỗi bộ phận đều có tên riêng và công dụng riêng.

1. Đặc điểm cây Dâu tằm

Cây Dâu tằm người viết muốn nói đến hôm nay là cây Dâu trắng ở Việt Nam (để phân biệt với các loại Dâu khác như Dâu đỏ, Dâu đen không có ở Việt Nam… cũng thuộc chi Dâu tằm). Nó có tên khoa học Morus alba L., thuộc họ Dâu tằm (Moraceae).

1.1. Thân cây

Dâu tằm là loại cây thân gỗ từ nhỏ đến nhỡ. Thường có chiều cao trung bình khoảng 3m, nhưng có những cây Dâu cổ thụ có thể cao tới 15 – 20m. Tuổi thọ cây Dâu khoảng 8 – 12 năm, nhưng cũng có thể có cây sống tới vài chục năm. Rễ cây ăn sâu vào đất, phân bố nhiều nhất ở tầng đất 10 – 30cm và rộng theo tán cây. Cành mềm, lúc non có lông, sau nhẵn và có màu xám trắng. Chồi nách nhỏ màu nâu vàng. Vỏ thân có nốt sần, có mủ trắng như sữa.

1.2. Lá

Lá Dâu tằm mọc so le, hình bầu dục, hình tim hoặc hình trứng rộng. Nó có mũi nhọn ở đầu, phiến mỏng, mềm, dài 5-10cm, rộng 4-8cm. Mép lá có răng cưa đều, phiến nguyên hay đôi khi chia 3-5 thùy trên các nhánh còn non. Mặt trên của lá màu lục sẫm hay lục xám, mặt dưới màu lục nhạt hơn, nổi rõ các gân lớn chạy từ cuống lá và nhiều gân nhỏ hình mạng lưới, có lông tơ mịn rải rác trên gân lá. Cuống dài 2-4 cm, mảnh, có lông thưa.  Lá kèm còn non hình tam giác nhọn, khi già xoắn lại thành hình dải đầu nhọn. Lá hàng năm rụng vào mùa đông.

 Lá và quả Dâu tằm
Lá và quả Dâu tằm

1.3. Hoa

Hoa đơn tính, không có cánh, cùng gốc hay khác gốc. Cụm hoa đực là chùm hoặc gié, dài 1,5-2 cm. Các hoa cái hợp thành đuôi sóc dài 1-1,5 cm. Hoa đực có cuống ngắn. 4 lá đài tù, có lông thưa. 4 nhị đối diện với các lá đài, dài gấp đôi lá đài, chỉ nhị mảnh. Bao phấn 2 ô, hạt phấn hình bầu dục. Hoa cái có 4 lá đài, bầu 1 ô, 1 noãn, đính nóc.

1.4. Quả

Quả Dâu tằm là dạng quả bế, được bao bọc trong các lá đài đồng trưởng và mọng nước, tụ họp thành quả phức hình trụ. Khi chưa chín quả màu trắng xanh, khi chín màu đỏ hồng. Quả dài 1-2 cm, đường kính 7-10 mm, cuống quả dài 1-1,5 mm. Vị hơi chua và ngọt. Quả dâu khi chín màu đỏ đậm hoặc tím đen. Mùa quả vào cuối tháng 3, đầu tháng 4.

2. Phân bố

Cây Dâu tằm có nguồn gốc ở Trung Quốc. Sau đó được phân tán khắp các vùng cận nhiệt đới và ôn đới trên thế giới.

Ở Việt Nam, tại Miền Bắc, dâu được trồng nhiều ở vùng bãi sông: sông Hồng, sông Đáy, sông Thái Bình.

Ở Miền Nam, Lâm Đồng là tỉnh trồng nhiều Dâu và nó mọc hoang hoặc trồng rải rác ở ĐBSCL. Trong các nhà dân, người ta thường trồng một vài cây dâu vừa hàng rào vừa làm thuốc nam.

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Các bộ phận dùng từ cây Dâu tằm gồm có: Lá dâu (Tang diệp), quả dâu (Tang thầm), vỏ rễ dâu (Tang bạch bì), cành dâu (Tang chi), ký sinh trên cây dâu (Tang ký sinh), tổ bọ ngựa trên cây dâu (Tang phiêu tiêu)

Quả dâu hái vào đúng mùa khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4. Một năm cây Dâu tằm chỉ cho 1 mùa quả, kéo dài khoảng 1 tháng. Lá dâu thu hái quanh năm.

Quả dâu hái về có thể đem ngâm rượu. Các bộ phận khác phơi khô dùng dần. Cần bảo quản dược liệu nơi sạch sẽ, khô thoáng, kín. Tránh những chỗ ẩm thấp, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.

 Vị thuốc Tang bạch bì (Vỏ rễ Dâu tằm)
Vị thuốc Tang bạch bì (Vỏ rễ Dâu tằm)

4. Thành phần hóa học có trong Dâu tằm

Trong lá Dâu tằm chứa chất cao su, caroten, tanin, rất ít tinh dầu, vitamin C, rất ít tinh dầu, cholin, adenin, trigonellin. Ngoài ra còn có pentose, đường, canxi malat, canxi carbonat. Lá Dâu chứa hàm lượng cao các chất chống oxy hóa như Quercetin.

Hợp chất alkaloid chiếm hàm lượng cao nhất trong lá Dâu tằm là Deoxynojirimycin (DNJ). Đây là hợp chất quan trọng trong phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường.

Quả Dâu chứa 84,71% nước, 9,19% đường, 1,80% acid, 0,36% protit, tanin, vitamin C, caroten. Trong acid có acid malic, acid sucxinic. Trong đường có glucose, fructose. Trái dâu chín giàu anthocyanis cho thấy hoạt động chống oxy hóa cao.

Vỏ rễ dâu chứa các hợp chất của flavon gồm mulberrin, mulberrochromen, xyclomulberrin, xyclomulberrochromen. Nhờ các chất flavonoid, alkaloid, stilbenoids nên có tính kháng khuẩn, làm trắng da, gây độc tế bào, chống viêm,…

5. Công dụng của cây Dâu tằm

Lá dâu (Tang diệp) vị đắng, ngọt, tính bình. Có tác dụng tán phong, thanh nhiệt, lương huyết, chữa cảm mạo, hạ huyết áp, làm sáng mắt, chữa chứng mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ, chứng thổ huyết, làm lành vết thương. Người ta nhận thấy lá dâu có tác dụng trị đái tháo đường, ức chế trực khuẩn thương hàn, tụ cầu khuẩn.

Cành dâu non (Tang chi) vị đắng nhạt, tính bình. Có tác dụng trừ phong, lợi các khớp, thông kinh lạc, tiêu viêm, hạ nhiệt, giảm đau.

Quả dâu (Tang thầm) vị ngọt, chua, tính mát. Có tác dụng bổ gan, thận, huyết, trị tiểu đường, lao hạch.

Vỏ rễ dâu (Tang bạch bì) vị ngọt, hơi đắng, tính mát. Có tác dụng thanh phế nhiệt, lợi thủy, chữa ho, hạ suyễn, tiêu sưng, chữa chứng ho lâu ngày, sốt cao, băng huyết, tăng huyết áp.

Tầm gửi cây dâu (Tang ký sinh) vị đắng, tính bình. Giúp làm mạnh gân cốt, lợi huyết mạch, an thai, lợi sữa, lợi tiểu.

 Dược liệu Tang ký sinh (Tầm gửi của cây Dâu tằm)
Dược liệu Tang ký sinh (Tầm gửi của cây Dâu tằm)

6. Một số bài thuốc từ cây Dâu tằm

6.1. Bài thuốc trị chứng ho dai dẳng lâu năm

Vỏ cây Dâu tằm 10g, Vỏ rễ chanh 10g. Đem sắc nước uống trong ngày.

6.2. Bài thuốc trị ho ra máu

Lấy 600g vỏ rễ dâu tằm đem ngâm nước vo gạo trong ba đêm. Tước nhỏ, thêm 250g gạo nếp, sao vàng, tán nhuyễn, trộn đều. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g, uống với nước cơm.

6.3. Bài thuốc điều trị chứng ra mồ hôi tay ở người lớn và mồ hôi trộm ở trẻ em

Lá dâu 12g, Cam thảo 4g, Lô căn 20g, Liên kiều, Bạc hà, Cúc hoa, Hạnh nhân mỗi vị 12g. Sắc lấy nước uống 2 lần trong ngày.

7. Lưu ý

Vì quả dâu thuộc tính hàn, những người bệnh thuộc hàn chứng như sôi bụng, tiêu chảy không nên dùng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*