Cỏ sữa: Cây thuốc chữa bệnh mọc ven đường

Mô tả cỏ sữa lá nhỏ

Cỏ sữa là loài cây mọc hoang ở nhiều nơi trên đất nước ta. Cỏ sữa đã được ghi nhận nhiều công dụng và được nhân dân địa phương sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, nhiều người không để ý và không biết đến lợi ích của cây cỏ sữa. 

1. Mô tả dược liệu

1.1. Tên khoa học, danh pháp quốc tế

  • Ở nước ta có hai loại cỏ sữa: cỏ sữa lá nhỏ và cỏ sữa lá lớn.
  • Cỏ sữa lá nhỏ tên khoa học Euphorbia thymifolia L., cùng họ Thầu dầu Euphorbiaceae
  • Cỏ sữa lá lớn, cỏ sữa lông hay phi dương thảo. Tên khoa học Euphorbia hirta L., họ Thầu dầu Euphorbiaceae

1.2. Đặc điểm thực vật

  • Cỏ sữa lá nhỏ là một loài cây nhỏ, gầy, mọc là là trên mặt đất, thân và cành tím đỏ. Lá mọc đối, hình bầu dục hay thon dài, dài nhất 7 mm, rộng chừng 4 mm mép lá hơi khía tai bèo. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xim đơn mang ít hoa. Quả nang đường kính 1.5mm có long. Hạt nhẵn, dài 0.7 mm có 4 góc. Toàn thân bấm đều chảy nhựa mủ trắng.
  • Cỏ sữa lá lớn là một cây sống hằng năm hoặc sống dai, thân mọc thẳng có thể cao tới 30 – 40 cm, màu đỏ nhạt, phủ long màu vàng nhạt. Có lá màu xanh lẫn màu đỏ, mọc dài, hình mác 2 – 3 cm, rộng 5 – 15 mm, mép có răng cưa nhỏ, cuống ngắn, hoa nhỏ, màu trắng đỏ nhạt, mọc thành xim đơn, sau xanh và nâu. Hạt màu đỏ nhạt, nhỏ có mặt xù xì
  • Theo Đỗ Tất Lợi (2006), cỏ sữa lá lớn thường được nhân dân ta sử dụng hơn cỏ sữa lá nhỏ.

1.3. Phân bố, thu hái, chế biến

  • Mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Ưa các đất có sỏi, đá, thường thấy ở các kẽ gạch, sân xi măng, dọc đường ray xe lửa.
  • Hái vào mùa hè. Hái về rửa sạch, sao vàng hoặc phơi khô rồi dùng.
  • Có mọc ở Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Philippine

1.4. Bộ phận sử dụng

Sử dụng toàn cây: thân, rễ và lá.

Mô tả cỏ sữa lá nhỏ
Hình ảnh mô tả cỏ sữa lá nhỏ

2. Thành phần hóa học

Trong Cỏ sữa lá nhỏ: Toàn cây có alkaloid, thân và lá có cosmosiin khoảng 0.037%, rễ có taraxerol và tirucallol và myrixyalcohol.

Trong Cỏ sữa lá lớn: Trong cỏ sữa lá lớn có axit galic (một loại glucozit độc) và một chất nhựa. Toàn cây chứa taraxerol, b-sitosterol, jambulol, axit melissic, một ít tinh dầu, một ít alkaloid, quexetin, xanthorhamnin. Thân chứa friedelin, myrixylalcohol hentriacontan. Hoa tươi chứa axit ellagic.

Mô tả cỏ sữa lá lớn
Hình ảnh mô tả cỏ sữa lá lớn

3. Tác dụng dược lý

3.1. Theo Y học cổ truyền

  • Theo Y học cổ truyền, cỏ sữa lá nhỏ và cỏ sữa lá lớn đều có vị cay, chua, tính mát, hơi có độc.
  • Quy vào 3 kinh phế, bàng quang, đại tràng.
  • Tác dụng thanh nhiệt giải độc, thu liễm, giảm ngứa. Tính “thu liễm” có thể diễn nghĩa là gom góp, thu rút lại. Ví dụ đối với mụn lở ngứa giúp nhanh khô và lành vết thương.

3.2. Theo Y học hiện đại

Cỏ sữa lá nhỏ

Theo Đỗ Tất Lợi (2006), chất nhựa mủ của cỏ sữa có tính gây xót đối với niêm mạc và độc với cá và chuột.

Dung dịch cỏ sữa nồng độ 1:20 đến 1:40 có tác dụng ức chế sự sinh sản của các loại vi trùng gây lỵ trực trùng S.sonner, S.Flexne, S.shiga.

Ngoài công dụng chữa lỵ ở nước ta, cây cỏ sữa lá nhỏ còn được dùng ở nước khác làm thuốc diệt sâu bọ và duốc cá (Ấn Độ), giã đắp chữa bệnh ngoài da và vết thương (Malaysia, Ả Rập)

Cỏ sữa lá lớn

Hoạt chất của cỏ sữa lá lớn với liều nhỏ có độc đối với súc vật. Con vật chết do ngừng hô hấp, tim lúc đầu đập nhanh sau chậm lại. Tại chỗ không có tác dụng trên da cũng như niêm mạc nhưng gây xót với niêm mạc dạ dày.

Tại các nước khác, cỏ sữa lá lớn được dùng chữa đau mắt, loét giác mạc (Malaysia), bệnh ho, hen.

Năm 1975, ở Việt Nam cao nước cỏ sữa lá lớn được phối hợp với vị hoàng đằng để sản xuất thuốc chữa hội chứng lỵ.

Cỏ sữa thường dùng để chữa lỵ
Cỏ sữa thường dùng để chữa lỵ

4. Liều dùng, cách dùng

4.1. Cỏ sữa lá nhỏ

  • Vị thuốc chữa lỵ rất phổ cập trong nhân dân. Hay dùng nhất đối với trẻ em.
  • Liều dùng trẻ em từ 15 – 20 gram, có thể dùng tới 50 gram, dưới dạng thuốc sắc.
  • Liều dùng người lớn có thể dùng tới 100 – 150 gram.
  • Thời gian điều trị thường từ 5 – 7 ngày là khỏi. Dùng riêng hoặc kèm phối hợp với rau sam.

Mặc dầu có những tài liệu nghiên cứu dược lý kể trên nhưng thực tế lâm sàng không thấy triệu chứng độc trong và sau khi uống thuốc. 

4.2. Cỏ sữa lá lớn

  • Liều dùng 6 – 9g/ngày bằng cách sắc.
  • Dùng ngoài nên dùng một lượng thích hợp.
  • Liều độc với súc vật: 1 gram cây khô/ 1kg thể trọng.

4.3. Một số bài thuốc

  • Trị mụn lở, ngứa ngoài da: cỏ sữa tươi hoặc khô 200 – 300 g sắc nước đặc để tắm, rửa, ngày một lần, đặc biệt xoa xát kỹ vào chỗ bị ngứa, lở.
  • Thanh tràng chỉ lỵ. Trị lỵ, tiêu chảy phân nhầy máu: cỏ sữa 100g tươi hoặc 10 – 12g (khô). Sắc uống.

5. Lưu ý

Theo Y học cổ truyền, vì cỏ sữa có tính hơi độc nên phụ nữ có thai cần cẩn trọng trong việc sử dụng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*