Cỏ Chân vịt: Vị thuốc lợi tiểu, giảm đau hiệu quả

cỏ chân vịt

Cỏ Chân vịt là loài thực vật mọc hoang trong tự nhiên. Ít người biết rằng đây còn là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng lợi tiểu, giảm đau… rất hiệu quả. 

1. Giới thiệu về cỏ Chân vịt

  • Tên gọi khác: Duyên giao, Bọ xít, Cây trứng vịt…
  • Tên khoa học: Sphaeranthus africanus L.
  • Họ khoa học: Thuộc họ Cúc – Asteraceae

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Cỏ Chân vịt phân bố ở vùng nhiệt đới như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào. Tại Việt Nam, có 3 loài được dùng làm thuốc. Cây mọc hoang ở các nơi đồng ruộng, ẩm ướt, thường thấy ở các tỉnh đồng bằng như Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang.

Là loài thực vật nhỏ ưa sáng, phân nhánh sớm và sinh trưởng trong mùa hè. Mọc tự nhiên trên các ruộng đất bạc màu, chua phèn, ở độ cao dưới 100 m. Hạt giống phát tán quanh cây mẹ.

Thu hái được quanh năm. Tuy nhiên cây thường bắt đầu mọc vào cuối các mùa mưa và vào đầu của mùa Đông. Vì vậy mà đến khoảng mùa xuân, hè thì cây có thể thu hái để sử dụng được.

Hầu hết các bộ phận từ thân, hoa đến quả và rễ của cây đều sử dụng để làm thuốc. Sau khi thu hoạch thì có thể đem cây phơi khô hoặc sử dụng tươi đều được. Ngoài ra, người dùng còn có thể tán nhỏ thành bột để dùng vào những bài thuốc khác nhau.

cỏ chân vịt
Hầu hết các bộ phận cỏ Chân vịt đều có thể sử dụng để làm thuốc.

1.2. Mô tả toàn cây

Cỏ Chân vịt là cây thảo nhẵn, mọc đứng, thường rất xum xuê, cao 0,5-1 m. Thân cành có mặt cắt tam giác, có cánh nhăn nheo do đường men của phiến lá.

Lá mọc so le hình bầu dục hoặc mắc thuôn, dài 2,5-7 cm, rộng 1,5-2 cm. Gốc bè ôm lấy thân, đầu tù, mép nguyên hoặc khía răng nhỏ. Khi vò lá ra có mùi hắc đặc biệt.

Cụm hoa mọc đối diện với lá thành đầu kép hình cầu hoặc hình trứng nhẵn, màu hồng hoặc tím nhạt, dài 1-3 cm. Cuống hoa có cánh, hoa cái nhiều, tràng hẹp hình ống có 3 răng. Hoa lưỡng tính 1-3 cái ở giữa, tràng hình trứng ngược, 5 thùy. Nhị 5 có tai nhọn. Lá bắc gồm 5-7 cái, xếp hai dãy.

Quả bế, hình trụ, mang tràng hoa phình lên ở nửa dưới, có rãnh và khía lông. Phân thành hai loại. Các quả ở bên ngoài có dạng trứng, thuôn có phần phụ dạng chai. Còn quả ở trong có dạng tháp ngược, có 4 – 5 cạnh không lồi.

Mùa hoa quả tháng 12-2.

Bộ phận dùng: Phần cây trên mặt đất – Herba Sphaeranthi Africani.

1.3. Bảo quản

Bảo quản dược liệu trong bọc kín, cất trữ nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

2. Thành phần hóa học và tác dụng cỏ Chân vịt

2.1. Thành phần hóa học

Một số thành phần hóa học tìm được trong Cỏ Chân vịt như:

  • Phần trên mặt đất chứa Alcaloid Sphaeranthin. Ngoài ra còn có các hợp chất được phân lập từ lá như Squalene, spinasterol, và stigmasterol.
  • Tinh dầu có màu vàng, hơi nhớt chiếm khoảng 0,01%.
  • Hoa cũng chứa khá nhiều tinh dầu.

2.2. Tác dụng

Theo Y học hiện đại:

  • Chống viêm, giảm đau nhức, đau đầu, đau nửa đầu.
  • Hỗ trợ hệ tiêu hóa, ăn uống dễ tiêu.
  • Hỗ trợ trị hen suyễn, ho nhiều do giãn phế quản, chống co thắt phế quản cấp.
  • Hỗ trợ đái tháo đường, nâng cao sức để kháng do chứa nhiều chất chống oxy hóa.
  • Có lợi cho hệ thần kinh, điều trị các bệnh về thần kinh.
  • Tác dụng tốt đối với thận, lợi tiểu.
  • Điều trị các bệnh viêm da, giúp vết thương nhanh lành và không để lại sẹo.
  • Squalene bảo vệ tim mạch liên quan đến việc ức chế sự tích tụ lipid nhờ đặc tính giảm lipid huyết và/hoặc đặc tính chống oxy hóa của nó.
  • Spinasterol kháng khuẩn chống lại Streptococcus mutans và S. sorbrinus.
  • Stigmasterol làm giảm nồng độ cholesterol trong huyết tương.

Theo Y học cổ truyền:

  • Cỏ Chân vịt có tính ấm, vị đắng, chát, cay nồng, có mùi thơm.
  • Tác dụng: thanh nhiệt, bổ dưỡng, lợi tiểu, giảm đau…

3. Cách dùng và liều dùng cỏ Chân vịt

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Cỏ chân vịt có thể sử dụng tươi hoặc khô đều được. Có thể sử dụng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác. Thuốc có thể dùng sắc uống, đắp ngoài hoặc tán thành bột.

Liều lượng:

  • 3 – 6 g mỗi ngày dưới dạng thuốc sắc,
  • 2 – 8 g dưới dạng thuốc bột,
  • Dùng ngoài không kể liều lượng.

Cách dùng:

  • Lá non luộc ăn dùng cho phụ nữ sau sanh lấy lại sức.
  • Cả cây tán bột, phơi khô trị ho, ho có đờm mỗi ngày 2 lần. Mỗi lần 1 thìa cà phê.
  • Tại Ấn Độ, người ta dùng để làm dịu da, tiêu sưng.
  • Nước ép là súc miệng chữa đau họng.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm từ cỏ Chân vịt

4.1. Hỗ trợ trị đau đầu, đau nửa đầu

Cây chân vịt có tác dụng chữa đau đầu hiệu quả. Đầu tiên hãy chuẩn bị một lượng cây chân chân vịt tươi. Sau đó đem đi giã lấy nước uống. Mỗi ngày uống nước cốt một lần, mỗi lần uống khoảng 10 – 15ml.

4.2. Hỗ trợ bôi ngoài, trị ngứa da, ghẻ lở

Lá Chân vịt khô đem đi nghiền nhỏ thành bột. Sau đó hòa thêm nước ấm vào bột và thoa lên phần da bị ngứa. Mỗi ngày thoa hỗn hợp này khoảng 2 lần.

Lá Chân vịt khô đem đi nghiền nhỏ thành bột đắp ngoài giảm ngứa rất tốt
Lá Chân vịt khô đem đi nghiền nhỏ thành bột đắp ngoài giảm ngứa rất tốt.

4.3. Cỏ Chân vịt hỗ trợ thanh nhiệt, giải độc

Sử dụng hoa khô cỏ Chân vịt, nghiền nhỏ, rây lấy bột mịn. Mỗi lần sử dụng 1/4 muỗng cà phê, hòa với nước ấm, dùng uống.

5. Kiêng kỵ

  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của dược liệu.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú cần cẩn trọng khi dùng.

Cỏ Chân vịt không chỉ là loài thực vật mọc hoang dại mà còn là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*